Go Green: Cuộc chiến chống lại sự xâm lăng của những “quả bom li ti”

Không tính 8 triệu tấn nhựa đổ ra từ đất liền mỗi năm, đại dương đã phải gánh chịu 51.000 tỷ hạt vi nhựa (microbeads). Con số này nhiều hơn gấp 500 lần số ngôi sao trong dải ngân hà dù vi nhựa chỉ mới ra đời từ năm 1980.

Một sản phẩm làm sạch như sữa rửa mặt, tẩy tế bào chết hay kem đánh răng có thể chứa tới 360.000 hạt vi nhựa không tan và khó phân hủy, trong khi các lựa chọn thay thế như hạt jojoba, hạt óc chó và muối lại hoàn toàn có thể phân hủy sinh học. Đâu quá khó để ta vừa có thể làm đẹp bản thân vừa làm đẹp cho môi trường?

Hạt vi nhựa là những hạt nhựa li ti có cấu tạo từ polyethylene (PE), nylon, polymethyl methacrylate (PMMA), polyethylene terephthalate (PET) và polypropylene (PP). Hạt vi nhựa thường được sử dụng trong các sản phẩm làm sạch như sữa rửa mặt, tẩy tế bào chết, kem đánh răng…

my-pham-khong-chua-hat-vi-nhua-3
Mỹ phẩm không chứa hạt vi nhựa

Sẽ chẳng có gì nguy hại nếu hạt vi nhựa tan trong nước hoặc phân hủy chỉ sau một thời gian ngắn. Điều đáng lo là với kích thước nhỏ hơn 1mm, chúng dễ dàng len lỏi qua hệ thống xử lý nước thải mà lại chẳng hề tan ra. Từ phòng tắm, chúng lênh đênh tới đại dương, trở thành thức ăn của các loài sinh vật biển và sau đó, tất nhiên là cả con người.

Mỗi năm, có hàng trăm nghìn tỷ tấn hạt vi nhựa được đổ ra môi trường (riêng trong năm 2013, con số này đã là 299 triệu tấn). Nếu hạt vi nhựa cứ tiếp tục được sử dụng trong mỹ phẩm nhiều như hiện nay, chẳng bao lâu nữa chúng ta sẽ có một đại dương nhựa thay vì đại dương cá. Bản thân các hạt này còn có khả năng hấp thụ và lưu giữ chất độc. Khi chúng vỡ ra, chất độc bên trong sẽ phát tán khắp cơ thể, làm biến đổi hệ miễn dịch, ảnh hưởng đến thần kinh và gây nên hàng loạt mối nguy hại khác cho sức khỏe con người.

Sự chung tay của các tổ chức bảo vệ môi trường

Năm 2012, tổ chức Plastic Soup đã tung ra chiến dịch “Beat the Microbead” để kêu gọi các hãng mỹ phẩm ngưng sử dụng hạt vi nhựa. Chiến dịch này nhận được sự hưởng ứng của 95 tổ chức phi chính phủ ở 40 quốc gia trên khắp thế giới. Tổ chức Plastic Soup cũng tạo ra một ứng dụng miễn phí mang tên “Beat the Microbead” để mọi người quét mã sản phẩm và kiểm tra xem chúng có chứa hạt vi nhựa trong thành phần hay không.

Greenpeace – tổ chức môi trường lớn nhất thế giới từng huy động 350.000 chữ ký trong bản thỉnh nguyện gửi chính phủ Anh để kêu gọi nhà nước này ra lệnh cấm các mỹ phẩm chứa hạt vi nhựa. Bên cạnh đó, Greenpeace còn tổ chức một chương trình nhằm đánh giá nỗ lực loại bỏ hạt vi nhựa khỏi thành phần của các hãng mỹ phẩm trên toàn cầu.

Trải qua nhiều năm đấu tranh, các tổ chức môi trường đã tạo nên một sự thay đổi tích cực tới cả ngành công nghiệp làm đẹp lẫn thói quen của người tiêu dùng.

my-pham-khong-chua-hat-vi-nhua-2
Mỹ phẩm không chứa hạt vi nhựa

Làn sóng chuyển mình của các hãng mỹ phẩm

Sức ép của các tổ chức bảo vệ môi trường đã buộc chính phủ nhiều nước ra lệnh cấm hoàn toàn việc sử dụng hạt vi nhựa trong mỹ phẩm. Tháng 12/2015, cựu tổng thống Barack Obama đã ký ban hành dự luật cấm sử dụng hạt vi nhựa trong ngành công nghiệp làm đẹp. Tháng 1 năm nay, việc sản xuất và buôn bán các sản phẩm có chứa hạt vi nhựa cũng bị cấm trên toàn lãnh thổ nước Anh.

Hoạt động của những tổ chức bảo vệ môi trường đã khiến không ít thương hiệu nổi tiếng phải cân nhắc về hướng đi của mình. Hàng loạt hãng mỹ phẩm danh tiếng như Clarins, Marks & Spencer, L’Oréal hay Estée Lauder đều cam kết sẽ sớm loại bỏ hạt vi nhựa ra khỏi công thức sản phẩm. Tập đoàn Unilever đã không còn sử dụng hạt vi nhựa từ cuối năm 2015. Cả St.Ives – thương hiệu vốn rất được ưa thích bởi những sản phẩm tẩy tế bào chết dạng hạt – cũng đã thay thế hạt vi nhựa bằng bột hạt óc chó.

Bạn có thể tìm thấy danh sách những thương hiệu mỹ phẩm hoàn toàn không sử dụng hạt vi nhựa trên trang web beatthemicrobead.org.

GO GREEN

Nếu sống ở thời đại này, Bạch Tuyết có lẽ không cần đợi đến lúc ăn quả táo của phù thủy mới bị ngộ độc, còn nàng tiên cá Ariel có lẽ đã không thể bơi giữa đại dương ngập rác nhựa để đến gặp hoàng tử trong mơ.

Những vấn nạn môi trường giờ đây không còn là việc xảy ra trên chương trình thời sự mà đã len lỏi đến tận mâm cơm gia đình, khi hạt vi nhựa cuối cùng cũng được tìm thấy trong cơ thể con người vào cuối tháng 10/2018.

Nhà thám hiểm người Mỹ Sylvia Alice Earle từng nói: “Phần còn lại của thế giới có thể tiếp tục sống mà không có chúng ta, nhưng chúng ta không thể tồn tại nếu thiếu đi chúng”. Mọi nỗ lực cứu trái đất thật ra chính là giải cứu bản thân mình. Bạn đã sẵn sang sống xanh ngay từ ngày hôm nay?

Tổ chức chuyên đề: Hương Thủy – Ảnh: Phú Đào – Sắp đặt: Nha Đam

Bài cùng chuyền đề
– Eat Green: Bắt đầu bằng thói quen uống không cần hút
– Eat Green: “Về nhà ăn cơm” đi để được dùng những món đồ thật tự nhiên
– Eat Green: Đi tìm những chốn xanh trong lòng Hà Nội
– Eat Green: Nhật ký mỗi ngày của những người sống xanh
– Live Green: KTS An Việt Dũng: Người may “khẩu trang” xanh cho những ngôi nhà
 Live Green: Nhà tự thở – Kiểu kiến trúc ra đời phù hợp với biến đổi khí hậu
– Live Green: “Nói không với túi nylon” và nỗ lực của người trẻ xây dựng lối sống bền vững
– Live Green: “Ông tây móc cống” James Joseph Kendall: “Thấy tội lỗi mỗi khi dùng một chiếc túi nylon”
– Live Green: Đừng vội vứt bỏ khi rác thải cũng có thể tìm kiếm “cuộc đời mới”
– Wear Green: Khi “tuyên ngôn xanh” hiện diện trên thảm đỏ
– Wear Green: Ông lớn “Versace” cùng lời cam kết bền vững
– Wear Green: Stella McCartney – Định nghĩa về thời trang nhân đạo
– Wear Green: Levi’s – Phát kiến tiết kiệm nước
– Wear Green: Phát động chiến dịch thu gom quần áo cũ cùng H&M
– Go Grenn: Cuộc chiến chống lại sự xâm lăng của những “quả bom li ti”
– Go Green: Khi những bao bì cũng cần đẹp & thân thiện
– Helly Tống: “Mỗi khi bắt buộc phải dùng đồ nhựa, tôi sẽ tự hối lỗi bằng cách trồng một cây xanh!”
– Wear Green: 20 điều nhỏ bé mà tôi và bạn có thể làm để cứu Trái đất


From the same category