Go Green: Khi những bao bì cũng cần đẹp & thân thiện

1. Những bánh xà bông ở trần của Lush

Lush – thương hiệu mỹ phẩm thiên nhiên đến từ Anh sẵn sàng không đóng gói 35% sản phẩm của mình để giảm thiểu lượng nhựa thải ra môi trường. Các sản phẩm xà phòng gội đầu, xà phòng tắm… của Lush đều trong trạng thái ở trần, không vỏ bọc. Thương hiệu này cho rằng hầu hết bao bì sản phẩm chỉ được sử dụng duy nhất một lần và sau đó chúng kéo dài phần đời còn lại với 400 năm chỉ ở dạng phế liệu. Thay vì tìm cách thu hồi hoặc hi vọng khách hàng sẽ tái chế bao bì, họ cắt giảm ngay từ đầu để đảm bảo không có thêm một lượng nhựa nào thải ra môi trường.

Daniel Campbell, chuyên viên nghiên cứu và phát triển của hãng, từng chia sẻ: “Bao bì chiếm 40% giá thành sản xuất mỹ phẩm. Do đó, Lush quyết định dùng 40% chi phí này đầu tư cho việc nghiên cứu các thành phần mới, ứng dụng quy trình sản xuất mới, sử dụng chúng một cách có trách nhiệm hơn – cho khách hàng, cho nhân viên và cho Trái đất.”

my-pham-dep-va-than-thien-2
Việc chuyển đổi linh hoạt chi phí sản xuất sang những phần đáng đầu tư hơn là sự sáng tạo của Lush trong việc bảo vệ môi trường một cách toàn diện

Bắt đầu từ năm 2012, tất cả các chai nhựa đựng mỹ phẩm dạng lỏng của Lush đều được làm mỏng đi 10%. Với cách làm này, thương hiệu đã tiết kiệm được hơn 6.000 kilogram nhựa chỉ riêng trong năm 2016. Các túi bóng gói sản phẩm của Lush thoạt nhìn trông hệt như túi nylon thông thường nhưng thật ra, chúng được làm từ 100% giấy bóng sinh học có khả năng phân hủy.

Thế nhưng, chẳng vì vậy mà bao bì của Lush nhàm chán và tẻ nhạt. Những bánh xà phòng hay bom tắm vẫn rực rỡ và bắt mắt chẳng kém một chai lọ cầu kỳ nào. Thậm chí, thương hiệu Anh Quốc này còn sản xuất riêng một dòng khăn lấy cảm hứng từ furoshiki – nghệ thuật gói quà bằng vải của người Nhật, để khách hàng có thể gói tặng sản phẩm một cách độc đáo và tinh tế mà không thải ra môi trường thêm một mảnh nylon nào. Khăn của Lush được làm từ nhựa tái chế hoặc cotton hữu cơ, cực kỳ thân thiện với môi trường.

2. Innisfree và nỗ lực lan tỏa màu xanh từ hòn đảo Jeju

Từ năm 2010, chiến dịch Eco-Handkerchief của Innisfree ra đời với lời kêu gọi “Hãy rút khăn tay vì Trái đất!”, khuyến khích khách hàng sử dụng khăn tay thay cho khăn giấy. Thương hiệu ngập tràn sắc xanh từ hệ sinh thái tươi đẹp của đảo Jeju tin rằng chỉ một thay đổi nhỏ trong thói quen sinh hoạt sẽ giúp Trái đất và làn da của chính ta trở nên khỏe mạnh hơn. Những chiếc khăn tay được Innisfree tặng cho khách hàng để gói quà, làm điệu cho mái tóc hay cổ tay, quấn quanh ly đồ uống lạnh thay cho giấy bọc. Từ khi bắt đầu đến nay, chiến dịch Eco-Handkerchief đã cho ra mắt 8 bộ sưu tập khăn tay với 8 chủ đề khác nhau.

my-pham-dep-va-than-thien-1

Bộ sưu tập năm 2012 được Innisfree lấy cảm hứng từ vẻ đẹp của các loài sinh vật đang đứng trước nguy cơ diệt chủng ở đảo Jeju. Năm 2013, thương hiệu truyền tải vẻ đẹp tự nhiên của đảo Jeju qua hình ảnh loài ngựa. Bộ sưu tập năm 2014 là 3 mẫu khăn lấy từ các tác phẩm đạt giải trong cuộc thi thiết kế do Innisfree tổ chức. Trong những năm 2015, 2016 và 2017, chủ đề của các bộ sưu tập khăn tay là vẻ đẹp của Jeju: thiên nhiên bốn mùa tươi đẹp, hệ sinh thái đặc biệt cùng vẻ nguyên sơ của khu rừng Bija, Saryeoni và Gotjawal trên đảo. Hình ảnh in trên mỗi chiếc khăn sẽ khơi gợi tình yêu thiên nhiên và nhắc nhở mạnh mẽ về ý thức giữ mãi màu xanh của Trái đất.

Bên cạnh chiến dịch Eco-Handkerchief, Innisfree còn thực hiện nhiều hoạt động ý nghĩa như thu hồi chai đã sử dụng và dùng túi sinh học để bảo vệ môi trường. Từ năm 2003 đến nay, chỉ tính riêng ở Hàn Quốc, Innisfree đã thu hồi được 12.524.850 chai lọ. Tháng 10 vừa qua, thương hiệu phát động chiến dịch “Less Plastic, It’s Fantastic” khuyến khích khách hàng đổi 5 túi nhựa lấy 1 túi vải sinh thái tại các cửa hàng trên toàn quốc. Tại Seoul (Hàn Quốc), sự kiện thường niên Play Green 2018 được Innisfree tổ chức với nhiều hoạt động như đạp xe hay tự làm đồ handmade… nhằm lan tỏa thông điệp bảo vệ trái đất đến tất cả các chàng trai cô gái là khách hàng của mình.

my-pham-dep-va-than-thien-6

3. Con đường màu xanh

Công cuộc gìn giữ màu xanh của hành tinh không chỉ có nỗ lực của Lush và Innisfree. Thương hiệu chăm sóc tóc Davines cũng hạn chế tối đa lượng nhựa sử dụng trong bao bì sản phẩm. Đó là lý do khiến bao bì dòng New Essential Haircare của thương hiệu lại mỏng và trong đến vậy. Trong năm 2015, Davines đã phát động cuộc thi “I am a greener” nhằm khuyến khích khách hàng tái chế bao bì của hãng thành đồ trang trí hay hộp đựng thực phẩm.

Kênh Youtube của The Body Shop có những video hướng dẫn người tiêu dùng tái chế vỏ sản phẩm cũ thành các món đồ hữu ích và đẹp mắt như hộp đựng trang sức, móc khóa, thậm chí là khuyên tai. Vượt ra khỏi những đoạn phim chỉ dài vỏn vẹn 30 giây, thương hiệu mỹ phẩm nhân đạo xuất xứ từ Anh Quốc đã truyền đi nguồn cảm hứng mạnh mẽ về lối sống xanh, bảo vệ môi trường.

my-pham-dep-va-than-thien-4
Một ý tưởng tái sử dụng vỏ sản phẩm của Lush

Một số thương hiệu khác như Kiehl’s, M.A.C hay Origins… cũng từng phát động những chiến dịch nhận tái chế bao bì cũ. Kiehl’s cho đổi 10 vỏ hộp rỗng lấy 1 sản phẩm dùng thử, M.A.C tặng khách hàng 1 thỏi son tự chọn khi mang theo 6 bao bì cũ, Origins thu nhận vỏ chai của tất cả các hãng mỹ phẩm. Thương hiệu Garnier còn phối hợp với công ty TerraCycle (Mỹ) nhận tái chế vỏ sản phẩm từ dầu gội, dầu xả đến bảng mắt, chai nước tẩy trang, son môi… Trong khi đó, Le Labo trong suốt quá trình hoạt động đã luôn giảm 20% cho mỗi sản phẩm nước hoa nếu khách hàng mang theo vỏ chai cũ đến cửa hàng.

Nhà thám hiểm người Mỹ Sylvia Alice Earle từng nói: “Phần còn lại của thế giới có thể tiếp tục sống mà không có chúng ta, nhưng chúng ta không thể tồn tại nếu thiếu đi chúng”. Mọi nỗ lực của con người hoàn toàn không phải để giải cứu trái đất mà là đang giải cứu chính mình. Thay vì lẩn tránh, các thương hiệu mỹ phẩm đã xem việc cải tiến mẫu mã là một thách thức thú vị trên chặng đường kinh doanh. Sẽ mất nhiều chi phí hơn để nghiên cứu vật liệu thay thế và tạo ra bao bì đẹp mắt, nhưng mọi công sức đều sẽ được đền đáp xứng đáng. Còn bạn, bạn sẽ cố gắng cứu lấy bản thân mình bằng cách nào?

my-pham-dep-va-than-thien-3
Những hũ dầu gội, dầu xả mỏng và trong làm từ chất liệu nhựa chống độc của Davines sau khi sử dụng có thể được tận dụng làm chậu cây hay lọ cắm hoa

 

GO GREEN

Nếu sống ở thời đại này, Bạch Tuyết có lẽ không cần đợi đến lúc ăn quả táo của phù thủy mới bị ngộ độc, còn nàng tiên cá Ariel có lẽ đã không thể bơi giữa đại dương ngập rác nhựa để đến gặp hoàng tử trong mơ.

Những vấn nạn môi trường giờ đây không còn là việc xảy ra trên chương trình thời sự mà đã len lỏi đến tận mâm cơm gia đình, khi hạt vi nhựa cuối cùng cũng được tìm thấy trong cơ thể con người vào cuối tháng 10/2018.

Nhà thám hiểm người Mỹ Sylvia Alice Earle từng nói: “Phần còn lại của thế giới có thể tiếp tục sống mà không có chúng ta, nhưng chúng ta không thể tồn tại nếu thiếu đi chúng”. Mọi nỗ lực cứu trái đất thật ra chính là giải cứu bản thân mình. Bạn đã sẵn sang sống xanh ngay từ ngày hôm nay?

Tổ chức chuyên đề: Hương Thủy – Ảnh: Phú Đào – Sắp đặt: Nha Đam

Bài cùng chuyền đề
– Eat Green: Bắt đầu bằng thói quen uống không cần hút
– Eat Green: “Về nhà ăn cơm” đi để được dùng những món đồ thật tự nhiên
– Eat Green: Đi tìm những chốn xanh trong lòng Hà Nội
– Eat Green: Nhật ký mỗi ngày của những người sống xanh
– Live Green: KTS An Việt Dũng: Người may “khẩu trang” xanh cho những ngôi nhà
 Live Green: Nhà tự thở – Kiểu kiến trúc ra đời phù hợp với biến đổi khí hậu
– Live Green: “Nói không với túi nylon” và nỗ lực của người trẻ xây dựng lối sống bền vững
– Live Green: “Ông tây móc cống” James Joseph Kendall: “Thấy tội lỗi mỗi khi dùng một chiếc túi nylon”
– Live Green: Đừng vội vứt bỏ khi rác thải cũng có thể tìm kiếm “cuộc đời mới”
– Wear Green: Khi “tuyên ngôn xanh” hiện diện trên thảm đỏ
– Wear Green: Ông lớn “Versace” cùng lời cam kết bền vững
– Wear Green: Stella McCartney – Định nghĩa về thời trang nhân đạo
– Wear Green: Levi’s – Phát kiến tiết kiệm nước
– Wear Green: Phát động chiến dịch thu gom quần áo cũ cùng H&M
– Go Grenn: Cuộc chiến chống lại sự xâm lăng của những “quả bom li ti”
– Go Green: Khi những bao bì cũng cần đẹp & thân thiện
– Helly Tống: “Mỗi khi bắt buộc phải dùng đồ nhựa, tôi sẽ tự hối lỗi bằng cách trồng một cây xanh!”
– Wear Green: 20 điều nhỏ bé mà tôi và bạn có thể làm để cứu Trái đất


From the same category