Eat Green: "Về nhà ăn cơm" đi để được dùng những món đồ thật tự nhiên - Tạp chí Đẹp

Eat Green: “Về nhà ăn cơm” đi để được dùng những món đồ thật tự nhiên

Sống

Bếp là nơi thải ra nhiều rác nhất

“Tôi không dùng ống hút nhưng vẫn làm sẵn ống hút sả để ở nhà, phòng trường hợp bạn bè đến chơi thì dùng. Một cây sả có thể làm ra 3 chiếc ống hút, phần còn lại để nấu ăn. Ống hút sả cực hợp để dùng với nước hoa quả cho cả mùa đông và mùa hè. Sả có mùi dễ chịu, không bị thấm nước khi dùng và có thể bảo quản vài ngày trong tủ lạnh để dùng lại.”

Năm 2016, Đức quyết định xin nghỉ việc toàn thời gian để nhận các dự án tự do tại nhà. Cậu bắt đầu mày mò tự nấu ăn vì quá rảnh. Khi ở trong bếp, Đức được tận hưởng sự thảnh thơi. Cậu nấu rất chậm, tìm hiểu kỹ các loại thực phẩm và gia vị, nhận ra mình ngại mùi thịt cá. Đó cũng là lý do cậu tìm đến những món chay. “Món chay dễ nấu vì nguyên liệu toàn rau củ. Có những món nấu rất nhanh. Sau một thời gian ăn chay, tôi thấy bụng nhẹ nhàng hơn, tập thể dục cũng dễ xuống cân hơn nên rất thích”.

ve-nha-an-com-4

Xuất phát từ khẩu vị nhiều hơn, nhưng khi tìm hiểu về ăn chay, Đức biết thói quen này cũng góp phần bảo vệ môi trường. Cậu quyết định sẽ ăn chay lâu dài vì nhận ra nhu cầu tiêu thụ thịt cá ngày càng cao của con người sẽ dẫn đến phải chăn nuôi công nghiệp gây mất cân bằng sinh thái. Qáu trình nuôi gia súc, gia cầm công nghiệp sẽ tiêu tốn đất đai để làm chuồng trại, nước và thực phẩm. “Nhà bếp cũng là nơi thải ra nhiều rác nhựa khủng khiếp. Từ túi nylon, hộp xốp cho đến chai và lọ nhựa đựng gia vị…, tôi bắt đầu để tâm đến việc làm sao vẫn nấu ăn ngon mà hạn chế xả rác nhựa tối đa”.

ve-nha-an-com-3

Từ đó, chàng thanh niên 25 tuổi duy trì thói quen mang theo túi vải và hộp nhựa đi chợ. Túi vải đựng đồ khô, hộp nhựa đựng đồ ướt như đậu phụ. Cậu không đi siêu thị sau một lần nhân viên siêu thị đề nghị đựng đồ mang theo trong bao nylon vì đó là quy định. “Tôi chuyển sang mua rau ở cửa hàng rau sạch gần nhà, trồng thêm rau mầm. Tôi cũng tìm được một vài địa chỉ quen để mua dầu ăn, gia vị làm thủ công đựng trong chai thủy tinh. Mua như vậy đắt hơn nhưng vì đắt nên mình cũng có ý thức dùng tiết kiệm, tính toán chỉn chu trong lúc nấu”.

Ăn chay đơn giản, nấu chay dễ dàng

Nguyễn Văn Đức: Sinh năm 1993, tốt nghiệp Đại học Ngoại thương, làm nghề thiết kế, song cậu lại được nhiều người biết đến với vai trò một food blogger. Đức là tác giả của blog Ducan Kitchen có hơn 180.000 người theo dõi trên Facebook và cuốn sách “Về nhà ăn cơm” đã bán được hơn 2.000 bản sau 3 tháng ra mắt.

Sau một năm hì hụi tự nấu, Đức quyết định viết blog vì biết thiết kế, thích chụp ảnh và viết lách. Nhiều người bạn hỏi cậu: “Nấu đồ chay giả thịt khó không?”, “Ăn chay nhạt nhẽo thế có chán không?” hay “Ăn chay là chỉ ăn salad thôi á?”. Thực ra, căn bếp của người ăn chay phong phú hơn thế rất nhiều.

Tháng 8 vừa qua, Đức ra mắt cuốn sách tổng hợp 45 công thức nấu ăn thuần chay. “Về nhà ăn cơm” – cái tên quá đỗi thân thương gợi nhớ về những bữa cơm gia đình đầm ấm. Đó cũng là mong muốn truyền đi thông điệp sống chậm của chàng trai 25 tuổi. “Về nhà ăn cơm để được tự tay lựa chọn nguyên liệu sạch, trồng thuận tự nhiên, được đựng thực phẩm trong chai thủy tinh, túi vải và kiểm soát được mình đã xả ra bao nhiêu rác”.

ve-nha-an-com-2
Nguyễn Văn Đức

Đức không quá cực đoan hay hô hào bạn bè và những người xung quanh phải sống xanh theo cách của mình. Nhưng cậu luôn có một nỗi ám ảnh khi nhìn những món ăn bày sẵn ở hàng quán hay đồ ăn ship đến tận nhà. “Tôi nhẩm tính xem có bao nhiêu túi nylon, đồ nhựa thải ra để món này đến tay mình. Mình không thể ép hàng quán làm theo cách của mình đúng không? Vậy nên tốt nhất là về nhà ăn cơm!”.

GO GREEN

 

Nếu sống ở thời đại này, Bạch Tuyết có lẽ không cần đợi đến lúc ăn quả táo của phù thủy mới bị ngộ độc, còn nàng tiên cá Ariel có lẽ đã không thể bơi giữa đại dương ngập rác nhựa để đến gặp hoàng tử trong mơ.

Những vấn nạn môi trường giờ đây không còn là việc xảy ra trên chương trình thời sự mà đã len lỏi đến tận mâm cơm gia đình, khi hạt vi nhựa cuối cùng cũng được tìm thấy trong cơ thể con người vào cuối tháng 10/2018.

Nhà thám hiểm người Mỹ Sylvia Alice Earle từng nói: “Phần còn lại của thế giới có thể tiếp tục sống mà không có chúng ta, nhưng chúng ta không thể tồn tại nếu thiếu đi chúng”. Mọi nỗ lực cứu trái đất thật ra chính là giải cứu bản thân mình. Bạn đã sẵn sang sống xanh ngay từ ngày hôm nay?

Tổ chức chuyên đề: Hương Thủy – Ảnh: Phú Đào – Sắp đặt: Nha Đam

Bài cùng chuyền đề
– Eat Green: Bắt đầu bằng thói quen uống không cần hút
– Eat Green: “Về nhà ăn cơm” đi để được dùng những món đồ thật tự nhiên
– Eat Green: Đi tìm những chốn xanh trong lòng Hà Nội
– Eat Green: Nhật ký mỗi ngày của những người sống xanh
– Live Green: KTS An Việt Dũng: Người may “khẩu trang” xanh cho những ngôi nhà
 Live Green: Nhà tự thở – Kiểu kiến trúc ra đời phù hợp với biến đổi khí hậu
– Live Green: “Nói không với túi nylon” và nỗ lực của người trẻ xây dựng lối sống bền vững
– Live Green: “Ông tây móc cống” James Joseph Kendall: “Thấy tội lỗi mỗi khi dùng một chiếc túi nylon”
– Live Green: Đừng vội vứt bỏ khi rác thải cũng có thể tìm kiếm “cuộc đời mới”
– Wear Green: Khi “tuyên ngôn xanh” hiện diện trên thảm đỏ
– Wear Green: Ông lớn “Versace” cùng lời cam kết bền vững
– Wear Green: Stella McCartney – Định nghĩa về thời trang nhân đạo
– Wear Green: Levi’s – Phát kiến tiết kiệm nước
– Wear Green: Phát động chiến dịch thu gom quần áo cũ cùng H&M
– Go Grenn: Cuộc chiến chống lại sự xâm lăng của những “quả bom li ti”
– Go Green: Khi những bao bì cũng cần đẹp & thân thiện
– Helly Tống: “Mỗi khi bắt buộc phải dùng đồ nhựa, tôi sẽ tự hối lỗi bằng cách trồng một cây xanh!”
– Wear Green: 20 điều nhỏ bé mà tôi và bạn có thể làm để cứu Trái đất

Thực hiện: depweb

27/12/2018, 08:00