Eat Green: Đi tìm những chốn xanh trong lòng Hà Nội

Đến quán cà phê Reng Reng, mang theo cốc để được trừ tiền

Reng Reng nằm trong một con ngõ nhỏ trên phố Lý Nam Đế. Cửa hàng nhỏ có hai tầng yên ắng, những lúc đông khách không có chỗ, bạn có thể bưng cốc cà phê sang vỉa hè khu tập thể đối diện ngồi thưởng thức. Đến Reng Reng lần đầu, nhiều người sẽ ngạc nhiên khi thấy quán có riêng một giá gỗ cho khách gửi cốc lại. Lần sau đến, khách tự lấy cốc trên giá, uống xong thì tự rửa rồi để lại đúng chỗ. Ở quán, không ai hút thuốc hay xả rác bừa bãi vì đây là quy định.

ca-phe-reng-reng-2

Ngay từ những ngày đầu mở cửa, anh Nguyễn Duy Biểu chủ quán đã đưa ra thông báo: khách hàng mang cốc hoặc chai thủy tinh đến đựng đồ sẽ được giảm 5.000 đồng/thức uống. Reng Reng từ chối đựng cà phê trong cốc giấy hoặc cốc nhựa dùng một lần vì cà phê sẽ bị ám mùi, mất đi hương vị riêng. Từ đầu năm nay, khách hàng tự mang ly, cốc của mình đến sẽ được ưu đãi 15.000 đồng/món. Đó là một trong nhiều quy định độc đáo của Reng Reng, bên cạnh nói nhỏ, cười nhẹ, không chụp ảnh khách hàng và nhân viên, hạn chế check-in tại quán và không dùng nhà vệ sinh…

Nhiều người thấy lạ lẫm thậm chí bất bình, nhưng anh Biểu tin rằng mỗi quán cà phê có một phong cách và quy định riêng, khách hàng nếu cảm thấy phù hợp sẽ tự đến và gắn bó. “Việc khuyến khích khách hàng mang cốc xuất phát từ những lý do rất riêng của quán, nhưng phần nào cũng để hạn chế cốc giấy, cốc nhựa dùng một lần. Khách hàng ở đây hầu như không dùng ống hút”.

Cho những người muốn mua cà phê mang đi mà không có chai đựng, Reng Reng có bán chai thủy tinh trị giá 15.000 đồng. Ở đây không có đồ đựng miễn phí dùng một lần vì chủ quán rất kiên định: “Ở Reng Reng, ưu tiên hàng đầu không phải khách, không phải chủ mà là những cốc cà phê”.

nha-hang-hoa-dat-1
Reng Reng là một chốn xanh, cả về lối sống và khoảng không gian nhỏ mà quán chứa đựng.

Hoa Đất: nhà hàng chỉ dùng hộp bã mía

Hoa Đất chỉ phục vụ các món ăn thuần chay nên từ chối khách hàng mang thực phẩm có nguồn gốc động vật vào cửa hàng. Dùng bữa tại đây luôn có cảm giác an tĩnh như thể bạn được trở về ăn một bữa cơm quê với ông bà. Các món ăn được bày trên mẹt tre nhỏ, lót lá chuối, lá dong thay cho giấy bạc.

Nếu muốn mua đồ mang về hoặc giao hàng tận nhà, khách hàng sẽ được yêu cầu trả thêm 10.000 đồng – chi phí cho hộp bã mía và chai thủy tinh. Nhà hàng không sử dụng đồ dùng một lần và hạn chế tối đa túi nylon, khuyến khích khách tự mang đồ đựng khi mua về.

Ở mỗi góc bàn ăn trong nhà hàng đều dán những dòng lưu ý nhỏ xinh với lời nhắn nhủ nhẹ nhàng, dễ thương: “Vì giấy cũng là cây, mong bạn chỉ dùng giấy ăn khi thật cần”. Trên fanpage, nhà hàng ghi chú rõ: “Chúng mình khuyến khích khách đặt trước để bếp dễ dàng chuẩn bị đúng số lượng thực phẩm cần dùng. Thực ra, bạn vẫn có thể đến khi chưa đặt trước nhưng nhà hàng không chắc có đồ ăn ngon phục vụ bạn, vì chúng mình cần chuẩn bị một lượng thực phẩm tươi mới mỗi ngày. Nhỡ không có khách thì sẽ lãng phí nguyên liệu”.

nha-hang-hoa-dat-2

Nhiều người nói Hoa Đất rất kén khách vì lượng đồ ăn phục vụ mỗi ngày có hạn. Nhưng nhờ vậy mà khách hàng sẽ không phải ăn đồ đông lạnh. Các nguyên liệu dùng nấu ăn ở đây đều là nguyên liệu sạch như dầu lạc, đậu phụ sử dụng đậu nành không biến đổi gien…

Go Eco Hanoi: cửa hàng quyết không xả rác

Người bán hàng của Go Eco Hanoi từng làm shipper giận khi chỉ đưa một chai thủy tinh và yêu cầu họ để trong thùng chứa hàng chứ nhất định không cho thêm một chiếc túi nylon. Không phải vì tiếc mà đây là nguyên tắc, cửa hàng nhất định không xả rác.

Go Eco Hanoi bán rất nhiều mặt hàng thân thiện với môi trường như bát, đĩa, đồ bếp từ tre, xà bông handmade và các loại gia vị, ngũ cốc… Đến những thông báo dán trong cửa hàng hay mác giá cũng được viết trên những tờ lịch cũ chứ không in trên giấy mới.

go-eco-hanoi

Gia vị, ngũ cốc tại Go Eco Hanoi được đựng trong chai thủy tinh, đóng nắp bấc gỗ thay vì dùng túi nylon hút chân không. Khách mua hàng được khuyến khích tự mang đồ đựng đến, nếu không, đồ sẽ đựng trong túi giấy, chai thủy tinh của cửa hàng. Nhân viên bán hàng sẽ nhắc hoặc ghi lại cách dùng, hạn sử dụng lên túi giấy hoặc vỏ chai để khách dễ nhớ. Cũng có khi, khách hàng chụp lại thông tin bằng điện thoại để về nhà xem cho tiện.

Ở đây, người mua hàng được cảm nhận rõ rệt mùi hương của các loại gia vị hay những bánh xà phòng làm thủ công. Cửa hàng đặt riêng những thanh xà phòng dài để khách được mua theo trọng lượng phù hợp với nhu cầu sử dụng. Điều này khác với thông thường – khi mua 1 bánh xà phòng đồng nghĩa với việc thải ra môi trường 1 vỏ bao bì.

GO GREEN

Nếu sống ở thời đại này, Bạch Tuyết có lẽ không cần đợi đến lúc ăn quả táo của phù thủy mới bị ngộ độc, còn nàng tiên cá Ariel có lẽ đã không thể bơi giữa đại dương ngập rác nhựa để đến gặp hoàng tử trong mơ.

Những vấn nạn môi trường giờ đây không còn là việc xảy ra trên chương trình thời sự mà đã len lỏi đến tận mâm cơm gia đình, khi hạt vi nhựa cuối cùng cũng được tìm thấy trong cơ thể con người vào cuối tháng 10/2018.

Nhà thám hiểm người Mỹ Sylvia Alice Earle từng nói: “Phần còn lại của thế giới có thể tiếp tục sống mà không có chúng ta, nhưng chúng ta không thể tồn tại nếu thiếu đi chúng”. Mọi nỗ lực cứu trái đất thật ra chính là giải cứu bản thân mình. Bạn đã sẵn sang sống xanh ngay từ ngày hôm nay?

Tổ chức chuyên đề: Hương Thủy – Ảnh: Phú Đào – Sắp đặt: Nha Đam

Bài cùng chuyền đề
– Eat Green: Bắt đầu bằng thói quen uống không cần hút
– Eat Green: “Về nhà ăn cơm” đi để được dùng những món đồ thật tự nhiên
– Eat Green: Đi tìm những chốn xanh trong lòng Hà Nội
– Eat Green: Nhật ký mỗi ngày của những người sống xanh
– Live Green: KTS An Việt Dũng: Người may “khẩu trang” xanh cho những ngôi nhà
 Live Green: Nhà tự thở – Kiểu kiến trúc ra đời phù hợp với biến đổi khí hậu
– Live Green: “Nói không với túi nylon” và nỗ lực của người trẻ xây dựng lối sống bền vững
– Live Green: “Ông tây móc cống” James Joseph Kendall: “Thấy tội lỗi mỗi khi dùng một chiếc túi nylon”
– Live Green: Đừng vội vứt bỏ khi rác thải cũng có thể tìm kiếm “cuộc đời mới”
– Wear Green: Khi “tuyên ngôn xanh” hiện diện trên thảm đỏ
– Wear Green: Ông lớn “Versace” cùng lời cam kết bền vững
– Wear Green: Stella McCartney – Định nghĩa về thời trang nhân đạo
– Wear Green: Levi’s – Phát kiến tiết kiệm nước
– Wear Green: Phát động chiến dịch thu gom quần áo cũ cùng H&M
– Go Grenn: Cuộc chiến chống lại sự xâm lăng của những “quả bom li ti”
– Go Green: Khi những bao bì cũng cần đẹp & thân thiện
– Helly Tống: “Mỗi khi bắt buộc phải dùng đồ nhựa, tôi sẽ tự hối lỗi bằng cách trồng một cây xanh!”
– Wear Green: 20 điều nhỏ bé mà tôi và bạn có thể làm để cứu Trái đất


From the same category