Đạo diễn Việt Tú phủ nhận vai trò chỉ là “người thợ” trong “Thủa ấy xứ Đoài”

Về việc “Thủa ấy xứ Đoài” của đạo diễn Việt Tú bị ngưng diễn sau 4 tháng ra mắt, phía nhà đầu tư, ông Đào Hồng Tuyển cho hay, vở diễn không đáp ứng nhu cầu khách hàng nên phải thay thế bằng tác phẩm mới là “Tinh hoa Bắc Bộ” ra mắt ngày 29/10.

Hồi đáp về việc này, đạo diễn Việt Tú cho biết, vở diễn ngưng do thỏa thuận về tài chính giữa hai bên không đạt được chứ không phải vấn đề chất lượng tác phẩm.

Để có thêm ý kiến về việc này, Đẹp đã cuộc trò chuyện với đạo diễn Việt Tú:

Đạo diễn Việt Tú, người tiên phong trong nhiều dự án nghệ thuật tại Việt Nam.
Đạo diễn Việt Tú, người tiên phong trong nhiều dự án nghệ thuật tại Việt Nam.

 – “Thủa ấy xứ Đoài” được giới thiệu 4 tháng trước và hiện tại bị ngưng diễn do bất hòa trong việc phân chia lợi nhuận giữa đạo diễn và nhà đầu tư. Tại sao Việt Tú giữ im lặng kể từ sau khi nhà đầu tư đơn phương chấm dứt hợp đồng và chỉ lên tiếng sau thời điểm “Tinh hoa Bắc Bộ” (vở diễn được coi là tác phẩm thay thế “Thủa ấy xứ Đoài”) ra mắt mới công bố điều này?

– Thực ra cho đến bây giờ, lựa chọn hàng đầu của tôi vẫn là im lặng. Tôi chỉ quyết định trả lời, vì nhà đầu tư đưa ra thông tin ảnh hưởng đến uy tín nghề nghiệp của tôi. Còn lại tôi coi mọi thứ là “học phí”. Mong mọi người không hiểu lầm tôi lên tiếng để đòi tiền, tôi chỉ đưa thông tin để mọi người hiểu, vở diễn bị dừng lại không phải từ lý do chất lượng, vậy thôi.

– Xem cả hai vở diễn có thể nhận thấy “Tinh hoa Bắc Bộ” là tác phẩm khác về mặt kết cấu nội dung cũng như cách thức thể hiện với vở diễn trước đó của anh, nhưng có sử dụng lại một số hiệu ứng “bom tấn” trong tác phẩm “Thủa ấy xứ Đoài”. Điều này ảnh hưởng như thế nào về quyền tác giả – tác phẩm mà anh được bảo hộ?

– Trên thực tế, trong một bài báo online thì ekip thực hiện chương trình “Tinh hoa Bắc Bộ” đã nói những gì họ làm mang tính kế thừa và phát huy. Sau khi đọc xong bài này tôi đồng ý với những gì họ nói và theo tôi không cần và cũng không nên sa đà vào câu chuyện phân tích sâu, vì nó không có tác dụng trong trường hợp này. Bên cạnh đó chúng ta cần đánh giá các quan điểm khách quan của người xem.

– Được biết, cả hai tác phẩm đều đã được đăng ký bản quyền tại cơ quan bảo hộ nhà nước. Tuy nhiên, cả hai đều không phải là tác phẩm sân khấu nhà hát, mà là tác phẩm sân khấu thực cảnh, vậy xin anh cho biết, “Thủa ấy xứ Đoài” được bảo hộ quyền tác giả bao gồm ở những vấn đề gì?

– Đầu tiên nói về luật bản quyền (vì chúng ta cần nói mọi thứ trên cơ sở của luật) chỉ bảo hộ một thứ hiện hữu, ở đây cụ thể là tác phẩm, chứ không bảo hộ khái niệm ý tưởng trong đầu mỗi chúng ta. Nói chính xác tên vở diễn là “Ngày xưa” được bảo hộ như tác phẩm thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam. Sở dĩ có tên “Thủa ấy xứ Đoài” là do phía đại diện nhà đầu tư đề nghị tôi dùng tên này cho dễ bán vé (theo quan điểm người làm kinh doanh). Trong những gì tôi gửi đăng ký bản quyền đều có đầy đủ các “key words”, mô tả nhân dạng (hình thức thể hiện vở diễn từ không gian, đến bối cảnh, cách thức triển khai)… như cả hai vở diễn hiện tại mà nhà báo đang hỏi.

Một hình ảnh trong vở diễn thực cảnh đầu tiên "Thủa ấy xứ Đoài" do Việt Tú làm đạo diễn, mới ra mắt đã ngừng biểu diễn.
Một hình ảnh trong vở diễn thực cảnh đầu tiên “Thủa ấy xứ Đoài” do Việt Tú làm đạo diễn, mới ra mắt đã ngừng biểu diễn.

– Ông Đào Hồng Tuyển, chủ đơn vị đầu tư cho biết: sân khấu thực cảnh là ý tưởng của ông ấy, và các đạo diễn cho dù là ai – chỉ là người được thuê để thực hiện hóa ý tưởng. Thực hư điều này là gì, thưa anh?

– Tôi mong muốn chúng ta đã đến với nhau như nào, thì nên chia tay trong sự tôn trọng và sự thật. Sự thật ở đây là không ai có sẵn ý tưởng, biết cách thực hiện mà phải đổ hàng núi tiền để thuê nghệ sĩ thực hiện tác phẩm với vai trò một người thợ.

Như tôi vẫn nói, nền nghệ thuật có thể phát triển được chính là do đặt trên nền tảng kinh tế, xã hội, ai được phân công vị trí xã hội của người đấy rồi, vai trò của nhà đầu tư đã luôn được tôi dành một vị trí trang trọng trong những gì mà tôi đã trả lời truyền thông trước đây, nếu mọi người chịu khó đọc lại sẽ thấy. Tôi sẵn sàng tiếp mọi người quan tâm từ đầu đến cuối câu chuyện này riêng và đưa ra cho họ thấy toàn bộ quá trình hình thành ý tưởng, hệ thống, rồi sau này bản quyền tác phẩm được bảo hộ, thay vì tiếp tục sa vào bàn luận mà không có sở cứ. Vì nếu cứ như vậy không khác gì thầy bói xem voi cả.

– Có thể thấy: tác phẩm sân khấu thực cảnh gồm hai phần tách biệt là vở diễn và phần sân khấu thực cảnh. Hiện nhà đầu tư coi sân khấu thực cảnh như một nhà hát – thuộc quyền sở hữu riêng của họ. Anh có ý kiến gì về việc này?

– Hình thức trình diễn thực cảnh có một đặc điểm riêng. Không ai dựng vở này trên nền của vở khác, của một tác giả khác, trên cùng bối cảnh đó, mà chỉ renovate (nâng cấp nội dung) theo tỉ lệ mỗi chu kỳ 2 – 3 năm từ 20 – 30% để đón được cả lượt du khách quay trở lại xem lần 2.

Trong buổi ra mắt cách đây 4 tháng, vở diễn đã nhận được nhiều khen ngợi của khán giả, nhà báo. Nhà sử học Dương Trung Quốc cũng từng bày tỏ sự hài lòng và xúc động khi làm khán giả, do vở diễn tái dựng được một cách nghệ thuật những tinh hoa văn hóa trên một sân khấu xưa nay chưa có tại Việt Nam.
Trong buổi ra mắt cách đây 4 tháng, vở diễn đã nhận được nhiều khen ngợi của khán giả, nhà báo. Nhà sử học Dương Trung Quốc cũng từng bày tỏ sự hài lòng và xúc động khi làm khán giả, do vở diễn tái dựng được một cách nghệ thuật những tinh hoa văn hóa trên một sân khấu xưa nay chưa có tại Việt Nam.

Vì vậy việc cố tình tráo đổi khái niệm giữa một bối cảnh được sáng tạo ra để phục vụ cho vở diễn trước đó với một tài sản dưới dạng kiến trúc là không đúng. Nhà đầu tư sở hữu tài sản là đất đai, công trình hiện hữu trên mảnh đất đó không có nghĩa là nghệ sĩ không sở hữu bản quyền sáng tạo của những gì hiện hữu trên mảnh đất đó. Còn về sáng tạo cái gì là trước, cái gì là sau cần được rõ ràng minh bạch vậy thôi

– Ông Tuyển cho biết, nếu anh thay đổi tác phẩm theo hướng có lợi cho khách hàng của ông ấy, có thể “Thủa ấy xứ Đoài” tiếp tục được trình diễn. Anh có ý kiến gì về việc này?

Cho đến thời điểm này dưới góc độ giao dịch chính thức tôi chưa bao giờ nhận được bất kỳ thông tin từ phía nhà đầu tư để đưa ra những điểm “có lợi với khách hàng” và ngồi xuống bàn bạc phương án điều chỉnh. Bạn có để cho tôi yên nếu tôi làm hỏng của bạn cả dự án đầu tư vài triệu đô không? Còn lại tôi nghĩ không nên ý kiến gì thêm nữa để kết thúc mọi tranh luận tại đây vì với những thông tin tôi cung cấp đã đủ để mọi người có được bức tranh toàn cảnh rồi.

– Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!


From the same category