Đạo diễn Lưu Trọng Ninh: “Cổ phần hóa hãng phim truyện VN- Chúng ta sẽ thấy các nhà đầu tư chỉ nhìn vào… đất!”

“Các ông móc nối với nhau mua mảnh đất quá rẻ vậy hãy chia lại cho chúng tôi đi!”

Hiện Phó Thủ tưởng Vũ Đức Đam đang yêu cầu rà soát lại việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam. Nhiều người cho rằng đó là tin vui với người làm điện ảnh, anh thấy sao?

Tôi không thấy vui! Tôi lo.

Việc cổ phần hóa hãng phim cần nhìn vào bản chất thực, đó là nhà đầu tư dù là bất cứ ai cũng không thể trả lương cho những người chẳng đem lại lợi ích cho họ. Nếu họ trả lương cho tất cả mọi người trong biên chế của hãng phim, thì đó chỉ là một biểu hiện cho thấy mục đích khác. Nếu thực sự muốn làm phim, họ phải tiến hành cải tổ một cách sâu sắc hãng phim.

Tại sao phải cải tổ? Vì Hãng phim truyện VN hiện đang là một bộ máy cồng kềnh, chủ yếu vẫn làm những phim trong ngân sách nhà nước và những phim tiền khủng nhân các ngày chẵn của các lễ kỷ niệm. Đã quá lâu rồi họ được coi là công cụ của nhà nước.

Việc cổ phần hóa, sẽ biến họ từ công cụ nhà nước sang “con ở” của nhân dân.

Đạo diễn Lưu Trọng Ninh.
Đạo diễn Lưu Trọng Ninh.

– Vậy làm sao bây giờ ?

– Cấu trúc của mọi hãng phim trên thế giới thực chất là tổ chức các dự án, khi tìm thấy dự án có chất lượng tốt, hãng sẽ mời “biên kịch, đạo diễn, quay phim” phù hợp.

Hãng phim truyện VN hiện có 8 đạo diễn trong biên chế. Nhà đầu tư nào dám cam kết có tất cả việc làm cho họ, hay trả lương cho họ? Giả dối.

Ai sẽ là nhà đầu tư? Chúng ta sẽ chỉ thấy các nhà đầu tư nhìn vào những mảnh đất mà Hãng phim truyện VN đang sở hữu. Chuyện lùm xùm vừa rồi thực chất chỉ là chuyện: Các ông “móc nối” với nhau mua mảnh đất quá rẻ vậy hãy chia lại cho chúng tôi đi! Trả lương đi! Bỏ tiền ra làm phim đi !

Nghe tôi nói thế này, các đồng nghiệp của tôi sẽ nhảy dựng lên nếu tôi có đến thăm Hãng. Kệ thôi! Đồng nghiệp cùa tôi ở Hãng phim truyện VN phần đa là nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân, liệu họ có thể hạ mình là “con ở” của nhân dân không?

Phó Thủ tướng nghe thấu những tiếng kêu, cũng là bởi từ cách đây hơn 20 năm chúng tôi cũng đã gào thét và Chính phủ đã luôn lắng nghe, luôn thấu hiểu nên cấp cho hãng một khoản tiền. Nhưng khoản tiền đó được đốt hết ngay trong vài dự án phim. Lần này chúng tôi mong chính phủ lôi cổ “bọn lợi ích nhóm” ra trị tội, đồng thời cũng phải giải quyết dứt điểm Hãng phim truyện VN, xem bản chất “anh ta” là ai? Nếu anh là công cụ của nhà nước thì chính phủ phải nuôi. Còn nếu cổ phần hóa, phải thay máu.

Tôi thấy trên mạng có nhiều ý kiến về chuyện này, họ chửi là chính. Kẻ chửi nhà đầu tư, kẻ gọi chúng tôi là lũ “bưng bô.”

Nếu không thay đổi thực sự trong cách nghĩ và làm, tôi cho rằng sẽ chẳng có tin vui nào tiếp theo cả.

"Bến không chồng" - một tác phẩm của đạo diễn Lưu Trọng Ninh và Hãng PTVN, từng gây tiếng vang của điện ảnh Việt Nam.
“Bến không chồng” – một tác phẩm của đạo diễn Lưu Trọng Ninh và Hãng PTVN, từng gây tiếng vang của điện ảnh Việt Nam.

Họ đang đòi giữ thương hiệu này, không phải đòi nuôi 80 con người hôm nay

– Theo anh giá trị thực của thương hiệu Hãng phim truyện VN là gì?

– Vì hai chữ Việt Nam – nó khẳng định Hãng phim truyện VN là thương hiệu quốc gia – điều này có ý nghĩa rất lớn. Trong lịch sử mấy chục năm tồn tại, Hãng phim truyện VN xứng đáng với thương hiệu ấy. Tôi nhớ khi còn nhỏ, đã có những đêm đốt đuốc đi hàng cây số đến xem những bộ phim các bậc đàn anh làm và không bao giờ nghĩ một ngày mình được đứng trong hàng ngũ ấy. Đó là những giá trị còn sống mãi với thời gian.

Chính vì thế, chúng ta phải trân trọng tiếng kêu cứu về Hãng phim truyện VN của lớp người đi trước – những người làm nên giá trị đó. Họ đòi giữ lấy thương hiệu này chứ không đòi nuôi 80 con người của hãng ngày hôm nay. Chúng ta không thể nhầm lẫn hai việc này.

Giữ lại thương hiệu không đồng nghĩa bước tiếp những bước của các năm gần đây, mà phải để cho hãng chuyển mình, để mỗi bộ phim đến được với nhân dân bằng giá trị nghệ thuật của nó. Chính vì vậy, nó phải quy tụ những nhà sản xuất hàng đầu, phải mời được những nhà sáng tạo hàng đầu tham gia các dự án. Nếu hãng chỉ là nơi giải quyết công ăn việc làm thì tôi đề nghị Chính phủ hãy một lần phong anh hùng cho Hãng và chấp nhận Hãng chỉ còn là một quá khứ.

– Khi diễn viên Quốc Tuấn chia sẻ việc sẵn sàng tặng lại tiền lương cho hãng (hơn 500.000VND/tháng) người ta mới biết thực sự về số tiền ít ỏi nghệ sĩ nhận được sau khi cổ phần. Anh thấy sao?

– Tôi hiểu Quốc Tuấn. Anh ấy đau cho những năm tháng trước của mình. Bản thân Quốc Tuấn là một giá trị, cái giá trị đó sẽ không mất đi khi anh từ chối nhận lương từ nhà đầu tư với mục đích chỉ muốn chiếm đất, nhưng sẽ mất đi khi anh nhận nó.

Bản thân tôi là người trong biên chế của Hãng phim truyện VN nhưng khi không còn tham gia làm phim ở đó nữa, tôi cũng không có lương.

1
Đạo diễn Lưu Trọng Ninh trên thảm đỏ cùng diễn viên Vân Trang.

– Vậy 80 con người đã gắn bó với Hãng phim truyện VN lâu nay, cần có chính sách gì cho họ?

Đây là câu hỏi phải trả lời. Sẽ không có nhà đầu tư làm phim thực sự nào chấp nhận một cấu trúc, một bộ máy nặng nề như Hãng phim truyện VN. Hãng chỉ nên giữ lại những nhà sản xuất, những người làm kỹ thuật hậu kỳ, phần còn lại sẽ được ký hợp đồng theo các dự án. Những người trong biên chế hiện tại phải chấp nhận quy luật như bất kỳ nhà máy, công xưởng sản xuất nào khi cổ phần hóa. Đương nhiên, nhà đầu tư phải chuẩn bị một khoản tiền không nhỏ để cho những người không còn phù hợp rời Hãng trong một tâm thế tự tin.

– Câu chuyện về đất mà Hãng phim truyện VN sở hữu hiện tại vẫn là “miếng mồi béo bở” của các nhà đầu tư. Theo anh, nó nên được xử lý thế nào?

Mấy chục năm qua mảnh đất này đã thực sự không đem lại lợi nhuận mà Hãng phim truyện VN đã phải trả tiền thuê đất quá cao. Chính vì vậy, đã đến lúc phải trả lại đất theo đúng giá trị của nó. Nếu là đất vàng, hãy biến nó thành vàng, số tiền đó sẽ được quyết định bởi nhà nước. Hãng phim truyện chỉ cần một trụ sở, như Phó Thủ tướng nói “nhà số 4 Thụy Khuê”. Tôi cũng yêu cầu chính phủ, cái nào cho hãng, hãy cấp cho hãng, cái nào không thuộc về hãng, hãy đòi lại. Quan điểm của tôi là không nên cổ phần hóa mảnh đất này và hãy rao bán. Người của hãng phim cũng đừng nặng lòng về mảnh đất ấy nếu nó thực sự không mang lại nguồn lợi nào cho việc làm phim. Cũng có thể nhà nước cấp cho Hãng phim truyện VN một mảnh đất mới, và nó cần là tài sản của Hãng hoặc là đất thuê có giấy phép.

Trên Facebook anh có chia sẻ về một người sẵn sàng mua lại thương hiệu (không bao gồm đất đai mà Hãng phim truyện Việt Nam đang sở hữu) với giá 30 tỷ đồng, trong khi thương hiệu ấy trong cuộc cổ phần hóa vừa qua được tính 0 đồng. Thực hư chuyện đó thế nào?

– Câu chuyện là thật và tối qua tôi gọi cho anh ấy. Nhắc lại chuyện này, anh vẫn sẵn sàng như vậy. Đó là một nhà đầu tư trong Nam từng bỏ vốn làm phim, và anh ấy vẫn muốn được đầu tư làm phim trong một thương hiệu lớn. Mặc dù thương hiệu này hôm nay đã không còn thuyết  phục được người bỏ tiền mua vé.

– Cảm ơn những chia sẻ của anh!


From the same category