Đạo diễn Hàm Trần: Tôi là fan hâm mộ cuồng nhiệt của vợ - Tạp chí Đẹp

Đạo diễn Hàm Trần: Tôi là fan hâm mộ cuồng nhiệt của vợ

Chat

Cuộc trò chuyện diễn ra bằng tiếng Anh, thi thoảng xen lẫn chút tiếng Việt, nhưng câu nào ra câu đó, không hề lơ lớ, đặc biệt là khi anh nhắc về những người phụ nữ mạnh mẽ quanh mình, bằng chất giọng miền Nam đặc sệt: “mẹ tôi”, “vợ tôi”, “chị tôi”, “cô Năm”, “bác Ý”, “Trâm”, “Uyên”…

– Chào anh, bộ phim “Bạn gái tôi là sếp” đã có được thành công lớn trong đợt phim Tết vừa rồi. Nghe nói, vợ anh chính là nguồn cảm hứng để anh làm bộ phim này?

– Với dự án phim này, Jayne (vợ đạo diễn Hàm Trần – PV) chính là người kết nối tôi với nhà làm phim Mez Tharatorn (tác giả của phiên bản gốc, phim “ATM: Er Rak Error”). Tôi phải cảm ơn cô ấy vì điều đó.

dao-dien-ham-tran-va-vo2
Đạo diễn Hàm Trần.

– Anh có vẻ thích làm phim về phụ nữ, mà toàn là những mẫu phụ nữ cá tính, từ “Vượt sóng”, “Đoạt hồn”, “Âm mưu giày gót nhọn”, hay gần nhất là “Bạn gái tôi là sếp”?

– Đúng là tôi thích những người phụ nữ mạnh mẽ. Trong những bộ phim của mình, tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc xây dựng kiểu phụ nữ cần sự giúp đỡ, hay cần được cứu vớt. Tôi thấy trong nhiều phim Việt, hình tượng phụ nữ thường yếu đuối, thụ động, hoặc chỉ làm nền cho đàn ông. Tôi lại thích sự đa dạng, nhưng tựu trung, họ đều là típ người hành động, có đam mê, và làm hết sức để đạt được điều mình muốn.

– Vợ anh có phải là một hình mẫu như vậy không?

– Ôi trời, tôi là một fan hâm mộ cuồng nhiệt của cô ấy. Jayne là một người sáng tạo, và quyết theo đuổi đến cùng giấc mơ của mình, trở thành một nhà thiết kế thời trang. Khi quan sát vợ làm việc, tôi cứ tự hỏi không hiểu sao cô ấy có thể làm được điều đó, trông những bộ quần áo có vẻ đơn giản nhưng để thiết kế ra chúng không hề dễ chút nào. Bạn bè tôi thì đoán mò có lẽ cô ấy rất giỏi toán, vì việc thiết kế quần áo trông có vẻ rất… toán học. (cười)

– Hỏi thật, trong gia đình anh, ai là “sếp”?

– (Cười) Tôi không được phép nói nhiều về vợ đâu, vì cô ấy là một người rất kín tiếng, tôi sẽ bị la đấy. Nói vậy thôi, nhưng cô ấy là một người vô cùng điềm tĩnh và trầm lặng, trong khi tôi lại là người sôi nổi và hào hứng.

– Nghe nói anh đã mất hẳn 5 năm để rước được chị ấy về nhà. Có phải khoảng cách địa lý khiến thời gian chinh phục lâu đến vậy?

– Khoảng cách sẽ không là gì nếu như bạn luôn nghĩ về người kia. Lúc mới yêu nhau, Jayne đang học ở Paris, còn tôi thì ở Mỹ. Khi đó, tôi tìm đủ mọi lý do để sang Paris gặp cô ấy. Chúng tôi mất mấy năm sống xa nhau như vậy. Sau này khi có Skype, hầu như ngày nào chúng tôi cũng nói chuyện với nhau. Trước đó thì email cho nhau liên tục. Tôi làm thơ tình tặng cô ấy, rồi cô ấy viết đáp lại tôi. Cứ như vậy đến khi Jayne tốt nghiệp, trở về Thái Lan, thì tôi quyết định bay sang Thái để sống cùng cô ấy. Sau đó chúng tôi về lại Mỹ, và bây giờ thì sống ở Việt Nam.

dao-dien-ham-tran-va-vo3
Đạo diễn Hàm Trần và vợ – NTK Nuchsuda Charmreonpucksa

– Làm thơ ư? Anh hẳn phải là một người rất lãng mạn?

– Tôi là dân văn mà. Khi còn học trung học, tôi chủ trì một câu lạc bộ thơ cùng mấy người bạn. Giờ ăn trưa, thay vì ra ngoài chơi, chúng tôi ngồi quây quần cùng nhau đọc, phê bình và cảm nhận thơ.

– Giờ anh còn làm thơ tình tặng vợ nữa không?

– (Cười) Giờ mỗi khi đi đâu thấy gì hay, nghĩ có thể vợ thích, tôi đều mua về. Đi ăn cũng vậy, món cô ấy thích thì tôi sẽ mua về.

– Anh là người rất biết nuôi dưỡng cho tình yêu của mình?

– Tình yêu sẽ đẹp khi bạn không ngừng chăm chút cho nó. Nhưng chỉ cần bạn lơ là, nó sẽ như một quả bom nổ chậm nguy hiểm.

– Người ta nói rằng, khi yêu nhau sẽ có một phép màu xuất hiện, giúp kết nối hai cái tôi độc lập, để người nọ hiểu thấu người kia. Anh nghĩ sao?

– Tôi không nghĩ có phép màu nào. Bạn biết không, những người ta yêu thương nhất luôn có quyền năng đẩy ta đến tận cùng của sự giận dữ. Họ vừa nuôi dưỡng những gì tốt đẹp nhất trong ta, nhưng đồng thời có thể làm bộc phát cả những điều xấu xí nhất của ta.

Tôi có người bạn, anh ấy yêu một cô gái và tình yêu của họ đã từng rất tuyệt vời, cho đến khi hai người trục trặc, mọi chuyện đã rất tồi tệ. Tôi nghĩ, sự khác biệt hay đối lập giữa hai con người, khi ấy, không cần một phép màu, mà cần tình yêu để hóa giải.

– Vậy anh nghĩ đàn ông phải làm gì để người phụ nữ của mình luôn thấy được yêu thương?

– Đàn ông, với suy nghĩ mình là phái mạnh, luôn rất hào hứng và sẵn sàng giúp đỡ, cứu vớt, sửa chữa, như một người hùng giải cứu thế giới vậy. Nhưng phụ nữ không cần bạn sửa chữa gì cả, họ có thể tự làm được việc đó. Điều họ muốn là được chia sẻ và lắng nghe.

Phụ nữ thay đổi nhanh hơn đàn ông. Họ luôn tìm kiếm những điều mới mẻ trong cuộc sống, chính vì vậy họ cần được truyền cảm hứng nhiều hơn. Khi lập gia đình, điều này rất quan trọng. Bạn cần dành nhiều thời gian, sự quan tâm cho người phụ nữ của mình, để cô ấy hạnh phúc, để tình yêu vững bền và để cuộc sống hôn nhân tiếp diễn.

dao-dien-ham-tran-va-vo5
“Những người ta yêu thương nhất luôn có quyền năng đẩy ta đến tận cùng của sự giận dữ. Họ vừa nuôi dưỡng những gì tốt đẹp nhất trong ta, nhưng đồng thời có thể làm bộc phát cả những điều xấu xí nhất của ta.”

– Anh mất bao lâu để ngộ ra điều này?

– Tôi vẫn đang học bài học đó.

– Nếu ai cũng nâng niu phụ nữ như anh thì có lẽ phong trào nữ quyền đã không trỗi dậy mạnh mẽ như vậy?

– Tôi không nghĩ nhiều về nữ quyền theo xu hướng chính trị như nó đang được nói đến.

– Có ý kiến cho rằng phụ nữ hiện đại bị áp lực phải trở thành những người mạnh mẽ và độc lập, nhưng kỳ thực, với không ít người, phần lớn thời gian lại là những năm tháng “hồi phục vết thương” do đàn ông gây ra…

– Tôi không nghĩ vậy. Phụ nữ luôn làm nhiều việc hơn đàn ông. Họ vừa đi làm kiếm tiền vừa phải chăm sóc gia đình. Trong khi đàn ông chỉ cần ra ngoài kiếm tiền thôi. Hơn thế, phụ nữ có một thứ khó hiểu, gọi là đồng hồ sinh học, nó khiến họ đối mặt với áp lực nhiều hơn nam giới. Vợ tôi luôn nói rằng tôi đã may mắn thế nào khi được là đàn ông. Nhưng bản thân tôi lại nghĩ chính những điều này làm nên vai trò của phụ nữ. Cuối cùng, điều quan trọng nhất vẫn là tình yêu. Phụ nữ chỉ muốn yêu và được yêu mà thôi.

– Những phụ nữ mạnh mẽ và can trường trong cuộc đời anh là ai?

– Mẹ và chị tôi. Tôi chịu ảnh hưởng rất nhiều từ họ.

Gia đình tôi chuyển đến Mỹ khi tôi 8 tuổi. Tôi đã chứng kiến mẹ chèo lái gia đình như thế nào. Khi mới đến Mỹ, chúng tôi không có tiền, chẳng có gì cả. Mẹ tôi đã làm mọi việc có thể để nuôi dạy chúng tôi, để đảm bảo chúng tôi có đủ thức ăn và được đến trường. Bà làm việc trong một xưởng máy suốt 40 năm không nghỉ, một công việc duy nhất, ngày này qua ngày khác. Bố tôi sau đó cũng tìm cách kinh doanh, nhưng không thành công. Trong suốt thời gian đó, mẹ là trụ cột chính của cả nhà. Bà vững vàng như một tảng đá, không bao giờ than phiền hay tỏ ra mệt mỏi, tận đến lúc nghỉ hưu, chỉ mới vài năm trước. Tôi học được ở bà sự chăm chỉ và kiên định, chỉ tập trung công việc của mình, mặc cho cuộc đời có đổi thay bao nhiêu. Bà là một trong những người phụ nữ phi thường nhất mà tôi biết.

Tôi có hai chị gái. Tôi gần gũi với họ hơn với anh trai, vì anh ấy tham gia hải quân và xa nhà suốt 8 năm ngay khi vừa tốt nghiệp trung học. Chị gái là người đã truyền cho tôi cảm hứng viết lách. Chị ấy rất tuyệt.

Tôi còn nhớ khi mới đến Mỹ, gia đình chúng tôi ở nhờ nhà bác Ý ở quận Cam. Bác ấy là mẹ đơn thân, một mình đi làm nuôi con. Một mình lái một chiếc xe hơi lớn từ quận Cam đi Los Angeles, khoảng 60 cây số mỗi ngày. Nghĩ mà xem, từ những năm 80 mà bác ấy đã lái một chiếc xe hơi lớn. Rồi tôi gặp Trâm và Uyên – những người sáng lập ra nhóm kịch Club O Noodles mà tôi tham gia khi còn trẻ. Những người phụ nữ như vậy là hình mẫu sống động cho kiểu phụ nữ hành động mà tôi ngưỡng mộ.

dao-dien-ham-tran-va-vo4
“Tình yêu sẽ đẹp khi bạn không ngừng chăm chút cho nó. Nhưng chỉ cần bạn lơ là, nó sẽ như một quả bom nổ chậm nguy hiểm.”

– Hoàn cảnh đã khiến họ phải gồng lên mạnh mẽ như vậy?

– Đó là những người phụ nữ mạnh mẽ và độc lập. Họ không giả vờ hay cố tỏ ra như vậy, chỉ đơn giản, họ không phải típ người lặng lẽ, thụ động.

– Anh sống ở Mỹ, nhưng cuối cùng, vẫn cưới một người phụ nữ Á Đông. Phải chăng vì phụ nữ Mỹ quá độc lập?

– Với phụ nữ Châu Á, gia đình luôn là giá trị cốt lõi. Vì những tư tưởng truyền thống, nên phụ nữ Châu Á thường phải chiến đấu nhiều hơn để được coi trọng, được tự do, để đạt được điều họ muốn. Trong khi đó, với phụ nữ Mỹ, giá trị cuộc sống không phải là gia đình, mà là phim ảnh, âm nhạc, là thức ăn nhanh. Mọi thứ quá thuận tiện, dễ dàng. Bạn thậm chí không phải kêu gọi tự do, bởi hiển nhiên bạn có nó, và bạn không cảm thấy biết ơn vì điều đó. Tuy nhiên, ngày nay, không có mấy sự khác biệt giữa phụ nữ phương Tây và phụ nữ Châu Á. Những ranh giới đang bị xóa nhòa.

– Vậy anh sẽ nói gì về phụ nữ – một nửa của thế giới?

– Tôi không nhìn phụ nữ theo cách đó, kiểu pân biệt đàn ông một bên, phụ nữ một bên, rồi bên này nhìn về bên kia với những đánh giá hay định kiến. Với tôi, tất cả đều bình đẳng. Phụ nữ ngày nay có thể làm bất cứ điều gì họ muốn. Họ theo đuổi đến cùng giấc mơ của mình, mở rộng các mối quan hệ, tự mình kiếm được nhiều tiền, đi du lịch khắp nơi, truyền cảm hứng cho những phụ nữ khác.

– Trong mắt anh, có vẻ như mọi phụ nữ đều hoàn hảo?

– Đúng vậy. Nhưng phải nói thật, smartphone là phát minh tệ nhất của thế giới hiện đại, nó khiến không ít phụ nữ bị ám ảnh thái quá bởi đời sống ảo trên mạng.

Điện thoại, lẽ ra, được dùng để kết nối mọi người, thì nay nó đã làm đứt gãy gần hết những kết nối đó, bôi đậm thêm sự ích kỷ của mỗi người. Phụ nữ có thể là người làm chủ khi dùng mạng xã hội đạt đến thành công trong nghề nghiệp (như Michelle Phan – nhà trang điểm người Mỹ gốc Việt nổi tiếng với kênh Youtube làm đẹp của mình chẳng hạn). Hoặc họ cũng có thể trở thành nô lệ của chiếc điện thoại, suốt ngày soi nó rồi hỏi: “Gương kia ngự ở trên tường…”

Thực hiện: depweb

08/03/2017, 16:27