Đạo diễn “Cha cõng con”: Nếu được lừa như Lý An tôi quá vinh quang - Tạp chí Đẹp

Đạo diễn “Cha cõng con”: Nếu được lừa như Lý An tôi quá vinh quang

Chat

– “Cha cõng con” lọt vào hơn 10 LHP <bao gồm LHP Houston, Boston,LHP  Châu Á Thái Bình Dương và Mĩ La Tinh…>, anh có thể chia sẻ về tác phẩm đầu tay của mình?

– Tôi đã chuẩn bị cho “Cha cõng con” gần 10 năm, khởi quay từ 2013 và hoàn thành đầu 2017. Tôi đã làm tất cả những gì có thể, có những cảnh quay tới 27 đúp vẫn phải bỏ đi vì không đạt và trải qua 78 lần dựng để có được bản phim ưng ý nhất.

“Cha cõng con” được quay ở vùng cao Hà Giang, Tuyên Quang nhưng đây không phải là bộ phim làm về người dân tộc, nó là câu chuyện của mọi người và là câu trả lời cho những ám ảnh trong tôi về tình phụ tử từ khi còn rất nhỏ.

luong-dinh-dung
Đạo diễn Lương Đình Dũng.

– Xem trailer có thể nhận thấy các cảnh quay đều ở những địa điểm không dễ di chuyển. Có kỷ niệm nào đặc biệt trong những ngày anh thực hiện bộ phim?

– Điều kỳ diệu nhất trong “Cha cõng con” là thiên nhiên vô cùng khắc nghiệt. Chúng tôi quay phim này giữa mùa mưa lũ, khi bên này triền đồi, sấm sét làm chết mấy chục con trâu, bên kia chúng tôi vẫn phải làm việc.

Năm 2013, trước quay khoảng 1 tuần, phim trường (là triền cỏ trong bộ phim) bị chìm trong nước lũ gần 20 mét. Để có được triền cỏ đó, tôi đã thuê lại đất sản xuất nông nghiệp của bà con năm ấy, thuê người trồng cỏ, trông nom trong gần 4 tháng. Đến khi triền cỏ đủ tiêu chuẩn quay, thì trước ngày quay lũ tràn về. Tôi phải lùi quay đến gần 2 năm mới tiếp tục trở lại. May mắn là, sau khi quay xong phim 1 ngày, bối cảnh lại lần nữa chìm trong nước.

– 40 tuổi mới có tác phẩm đầu tay, anh đến với điện ảnh thế nào?

– Trước đây tôi làm công nhân bốc vác, hầm lò, từng có giai đoạn đi đào vàng, đào đá đỏ, nhưng ngay cả lúc đi làm vất vả tôi vẫn viết. Có thời, ngày đi ca bốc mười mấy tấn xi măng, tối lại “cắm đầu” vào viết.

Tôi làm công nhân từ năm 91 đến năm 97 bỏ việc quay về Hà Nội thi vào trường Đại học Sân khấu Điện ảnh, học đến 2002 ra trường. Lúc đó nghèo, tôi định thi vào khoa đạo diễn nhưng tìm hiểu thì được biết muốn làm cái phim tốt nghiệp cũng hết 5 – 7 triệu, tôi sợ nên thi vào khoa biên kịch để có 1,5 triệu lo cho việc khác. May là lúc tốt nghiệp, kịch bản của tôi được chọn làm phim, nên còn được nhận nhuận bút lên tới 4 triệu nữa.

Sau khi ra trường, tôi tìm đủ cơ hội nhưng không có cách nào tiếp cận với việc làm điện ảnh nên rẽ sang làm phim quảng cáo. Tôi hiểu, phim là tiền nên khi có đủ khả năng tôi mới quay lại với điện ảnh để chinh phục nó.

– Guồng quay công nghiệp của phim quảng cáo có lấy đi của anh cảm xúc – thứ quan trọng nhất của người làm phim độc lập?

– Làm phim quảng cáo cho tôi một sự khắt khe đến cùng cực. Có nhiều phim quảng cáo chi phí rất cao, yêu cầu tỉ mỉ nhưng chỉ quay trong thời gian ngắn. Tôi đã làm những phim chỉ có  30s, quay trong 2 ngày với chi phí lên tới 6 tỷ đồng. Với yêu cầu đó, chúng tôi buộc mình phải không thể sai xót trong công việc, bởi đổ một phim là bên vực phá sản liền. Làm phim quảng cáo cũng giúp tôi có nhiều mối quan hệ với giới làm phim bên ngoài Việt Nam, giúp tôi có nhiều kinh nghiệm để làm việc với các đơn vị sản xuất ở nước ngoài. Sắp tới trong các dự án điện ảnh mới, tôi có thêm nhiều sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế.

Một cảnh quay đẹp trong phim "Cha cõng con".
Một cảnh quay đẹp trong phim “Cha cõng con”.

– Vì thế, khi phim “Cha cõng con” liên tiếp lọt vào một số LHP đã có một câu hỏi đặt ra: “Liên hoan phim bị lừa hay để bị lừa” vì họ cho rằng, trên thế giới hiện nay có những LHP bày ra để thu tiền, nhưng nhiều đạo diễn chọn cách đó để pr cho phim của mình. Anh chia sẻ thế nào về giả thiết này?

– Tôi đã nghe một vài thông tin, thậm chí còn chi tiết hơn, Lương Đình Dũng mua mấy cái giải, trong đó có cái 18 nghìn đô, một cái 19 nghìn đô, còn mấy cái kia mỗi cái 12 nghìn đô. Tôi đã nói với người đặt câu hỏi cho mình rằng, thực ra có thể mua được giải bằng cách thuê một đạo diễn giỏi và đầu tư tiền thật nhiều để họ làm phim, như vậy có thể sẽ có giải. Nhưng đó không phải cách tôi lựa chọn của tôi.

Các LHP “Cha cõng con” đã gửi tham dự như <LHP Houston lần thứ 50, Boston lần thứ15, Châu Á Thái Bình Dương Mĩ La Tinh lần thứ 17, Austin Film Festival lần thứ 24, Melbourne international Film Festival lần thứ 64…> đều là LHP phim phi lợi nhuận. Liên hoan nào thì người tham dự cũng phải đóng phí, tuỳ theo bản in của người nộp, LHP Berlin khoảng 150 Euro, LHP Toronto – khoảng 105 đô, LHP Hong Kong khoảng 80 đô, Austin Film Festival khoảng 50 đô, LHP Cannes có bản nộp lên đến 350 Euro, còn các LHP khác tiền phí dao động từ 5 – 30 – 75 đô. Cá nhân tôi không tin có LHP tổ chức ra để lừa vì tôi cho rằng các đạo diễn trên thế giới đều khôn cả, quan trọng là họ không cần lừa chính mình để làm gì, còn các nhà sản xuất bỏ ra cả triệu thậm chí mấy chục triệu đô trở lên cho một phim, việc đóng phí như vậy là quá nhỏ, nó còn thể hiện sự nghiêm túc của người tham dự. Nếu cần giải, họ thừa sức mua cả cái giải đó chứ không đến lượt tôi.

LHP Boston có lịch sử 15 năm, LHP Houston có lịch sử gần 60 năm, Châu Á Thái Bình Dương Mĩ La Tinh 17 năm, Austin Film Festival 24 năm…, nếu nói bị lừa khi gửi tham dự thì tôi cũng mong được lừa để được như Lý An, Steven Spielberg… <tên các đạo diễn có phim đoạt giải của LHP Houston> cho lây chút vinh quang. Chuyện bị lừa hay để bị lừa không tôi tin lắm, nhưng cá nhân tôi tin vào sự tự trọng của các đạo diễn. Đối với nghề làm phim thì việc dối trá gần như không thể bởi nó không phải thứ mơ hồ, bé như cái kim, mà bộ phim sẽ cho thấy khả năng của người đạo diễn.

– Cảm ơn những chia sẻ của anh.

Thực hiện: depweb

20/03/2017, 08:52