Cùng Lifestyle & Food Blogger Lê Ngọc “Nhà có hai người” “phá vỡ” lời nguyền hôm nay ăn gì

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng để tạo nên một thói quen mới con người ta phải mất tối thiểu 66 ngày, tối đa khoảng 254 ngày. Thời gian này sẽ còn thay đổi dựa vào hành vi, tích cách và hoàn cảnh của chủ thể. Nghĩa là chúng ta sẽ cần từ 2 đến 8 tháng để thay đổi một hành vi nào đó. Trong quyển sách yêu thích của nhiều tỷ phú mang tên “Sức mạnh của thói quen”, tác giả Charles Duhigg lật giở những câu chuyện kỳ diệu về thói quen và tuyệt đối nhấn mạnh rằng: thành công của một người phụ thuộc phần lớn vào những thói quen tích cực của họ. Chuyên đề “Bao lâu cho một thói quen mới?” hi vọng sẽ giúp bạn gạt bỏ những hoạt động tùy hứng lặp đi lặp lại liên tục, để sẵn sàng tạo nên những thói quen tích cực có thể thay đổi bản thân đồng thời đưa bạn đến gần hơn với những mục tiêu vốn đã đeo đuổi từ lâu.

Đọc thêm các bài trong chuyên đề:

Xây dựng và duy trì các thói quen có lợi liệu có thực sự khó?

“Bỏ túi” bí kíp học nhảy tại nhà từ gợi ý của biên đạo Quang Đăng

Cùng Lifestyle & Food Blogger Lê Ngọc “Nhà có hai người” “phá vỡ” lời nguyền hôm nay ăn gì

Jay Quân – Chúng Huyền Thanh gợi ý cách tập luyện tại nhà hiệu quả dành cho các couples

MC Liêu Hà Trinh: Hãy để viết lách là một “khoái lạc”!

Đối với không ít người mà đặc biệt là phái đẹp – những người mỗi ngày vẫn phiền lòng với câu chuyện “Hôm nay ăn gì?” hay chán ngán với việc đầu tắt mặt tối loay hoay quanh căn bếp sau nhiều giờ liền làm việc nhoài mệt – thì nấu ăn từ lúc nào không hay đã trở thành nỗi ám ảnh thay vì niềm vui. Là một người tìm thấy niềm vui với công việc bếp núc, những ngày giãn cách xã hội với Lê Ngọc (Lifestyle & Food Blogger) mà nói như thể “cá gặp nước” khi cô không chỉ thỏa thích “lăn tay vào bếp” mà còn nâng cấp kỹ năng nấu nướng. Nói về trải nghiệm hạnh phúc này, Lê Ngọc tiết lộ nhiều bí quyết để biến nấu ăn từ công việc thường nhật thành niềm vui.

Tưởng tượng về những điều hạnh phúc sẽ tìm được niềm vui trong nấu ăn

“Vào bếp là phải đẹp” là chiếc chìa khóa đầu tiên Lê Ngọc bật mí về thói quen bất di bất dịch khi đứng bếp của mình. “Đẹp” không dừng lại ở việc mặc một bộ đầm xinh xắn hay đeo một chiếc tạp dề ưng mắt, mà còn phải dụng tâm chăm chút mọi thứ quanh căn bếp, từ chọn mua những món đồ dùng sao cho thẩm mỹ nhất, tự tay thiết kế những chiếc kệ bày nguyên liệu (nếu có thể), đến bày biện mọi thứ một cách hài hòa, trông “tự nhiên” một cách có chủ ý. Nhiều người thường xem nhẹ việc sắp đặt căn bếp mà không nhận ra rằng điều này sẽ khiến bản thân thêm say mê nấu ăn.

Bên cạnh đó, việc tưởng tượng đến công đoạn trang trí món ăn như chọn chiếc đĩa nào đựng món này sẽ phù hợp, hay chốc nữa sẽ thưởng thức món ăn này vui vẻ như thế nào, có cần pha thêm một ly nước trái cây hay bật nắp một chai bia không,… Nghe có vẻ hơi “phi thực tế” nhưng tưởng tượng về những điều làm ta hạnh phúc đôi khi cũng giúp giải phóng được những phiền não, từ đó tìm được niềm vui trong việc bếp núc.

Bí quyết nào để vượt qua lời nguyền muôn thuở “Hôm nay ăn gì”?

Đây ắt hẳn là nỗi niềm chung của hầu hết chị em khi mà bản thân nấu nướng là một việc đòi hỏi sự sáng tạo. Với những phụ nữ luôn bộn bề với guồng quay công việc, chuyện “mỗi ngày một món ngon” khác nhau không phải là điều dễ dàng. Và Lê Ngọc cũng không phải là trường hợp ngoại lệ khi mà cô tự nhận rằng “luôn thèm ăn đủ thứ trên đời và vì vậy chọn ra món muốn ăn nhất có chút khó khăn”. Tuy nhiên để khắc phục phần nào tình cảnh đau đầu này, cô gợi ý mỗi người nên “ngắm nghía” các nguyên liệu có sẵn trong tủ lạnh để lên “ý tưởng” cho bữa ăn tiếp theo. Cách này cũng giúp chúng ta hạn chế việc bỏ quên nguyên liệu cũ, cũng như biết được hôm sau mình cần mua thêm gì.

Đôi khi nấu ăn chỉ đơn giản là “chiều theo cảm xúc và sáng tạo”

Suy nghĩ ra món ăn nếu khó một thì cách làm sao để chế biến một đĩa thức ăn ưng ý khó mười. Giải đáp về băn khoăn này, Lê Ngọc chia sẻ trải nghiệm của bản thân: “Trừ lúc làm bánh thì khi nấu ăn, mọi công thức đối với tôi đều là nguồn tham khảo, kể cả đó là công thức của chính mình”. Nguyên liệu mà chúng ta có trong tay khác với nguyên liệu nằm trên những bức ảnh. Chúng có thể nhỏ hơn một tẹo, lớn hơn một xí, chua hơn, ngọt hơn, nhạt hơn hoặc mặn hơn… Khẩu vị của mỗi người cũng đâu chắc gì giống với khẩu vị của các đầu bếp trứ danh.

Cái sự ngon là kết quả của một quá trình trải nghiệm vị giác của riêng mỗi người, vì vậy khi thèm hương vị gì đó, hãy thử vào bếp để tạo ra hương vị đó theo cách mà mình vẫn nhớ về. Nếu định thử món mới nhưng không tìm thấy đúng nguyên liệu thì cũng không sao. Hãy thử thay thế bằng một nguyên liệu khác có kết cấu tương tự, biết đâu lại cho ra kết quả thú vị?

Nguồn cảm hứng nấu ăn luôn hiện diện quanh ta

Không phải là những điều xa vời không thể chạm tới, mà chính là những điều giản dị trong cuộc sống thường nhật sẽ đem đến cảm xúc tươi mới, nguồn năng lượng tích cực giục chúng ta xắn tay vào bếp. “Nguồn cảm hứng nấu ăn của tôi ban đầu đến từ bà nội vì bà là người nấu ăn cực xịn. Sau này, nguồn cảm hứng ấy thường đến từ những người tôi gặp hằng ngày, những lần vi vu khám phá miền đất mới,… Cùng một món ăn nhưng cách mỗi người sử dụng nguyên liệu, chế biến món ăn đôi khi sẽ khác nhau; điều này khiến tôi ngạc nhiên không ít lần” – Lê Ngọc hé lộ bí quyết giúp cô chưa bao giờ chán ngán chuyện bếp núc.

Có một sự thật mà chúng ta đã lãng quên, đó là mỗi người ưa vào bếp đều có vài “món tủ”. Nếu chúng ta học được hết những “món tủ” của những người mình từng gặp, tin chắc rằng đó sẽ là một gia tài cảm hứng và ý tưởng thật đồ sộ. Hoặc nếu có dịp, hãy thử món ăn của các đầu bếp đẳng cấp tại các nhà hàng sang trọng để rèn luyện vị giác tinh tế hơn.

Có thật là một món ăn có thể ăn nhiều ngày mà không chán?

Lê Ngọc gợi ý món “rau củ kho chay” vừa dễ thực hiện vừa tốt cho sức khỏe. Nồi rau củ kho của cô thường có cà rốt, su hào, các loại nấm, dứa và tàu hủ ki. Vì món này chủ yếu là rau củ, nên khi ăn xong, cơ thể rất nhẹ nhàng và dễ chịu. Ngoài cách ăn như một món chính cùng với cơm, thì món này cũng có thể trữ trong tủ lạnh, mỗi ngày bày ra một ít như một món ăn kèm với các món khác nhờ mùi vị thanh nhẹ.

Bí quyết dành cho người mới tập tành nấu ăn? 

Dựa trên trải nghiệm của mình, Lê Ngọc chia sẻ: “Nấu ăn là điều có thể học được và hoàn thiện hơn mỗi ngày, chỉ cần bạn dành tình yêu cho căn bếp. Nói vậy để nhấn mạnh rằng, không phải ai cũng thích nấu ăn. Đặc biệt là phụ nữ hiện đại, nếu bạn không thấy thoải mái khi vào bếp thì đừng nên khiêng cưỡng. Còn nếu bạn có niềm yêu thích với việc bếp núc, chỉ cần dành thời gian và sự kiên nhẫn thì có thể dần nấu ngon hơn”. Về phần mình, điều giữ chân cô nơi gian bếp không gón gọi ở tình yêu cô dành cho ẩm thực nhiều bao nhiêu, mà còn vì tình yêu của người thưởng thức món cô nấu.


From the same category