Chuyện bố mẹ cuống cuồng bảo vệ con sau những vụ cuồng dâm kinh hoàng - Tạp chí Đẹp

Chuyện bố mẹ cuống cuồng bảo vệ con sau những vụ cuồng dâm kinh hoàng

Tin Tức

Bố mẹ chuyển nghề, ở nhà trông con

Tính đến thời điểm này, anh Hùng chị Phương đã nghỉ việc được 2 tháng và cả 2 anh chị chuyển sang buôn bán tại nhà với lí do duy nhất là để lúc nào cũng được ở gần con. Trước đó, cả 2 vợ chồng anh đều đang làm tại một công ty nước ngoài và thậm chí, anh Hùng còn giữ chức vụ khá cao. Thế nên quyết định nghỉ việc của 2 anh chị đều khiến mọi người ngạc nhiên nhưng đó là chuyện của người đời, còn anh chị quyết định như vậy đều có lí do chính đáng của nó. Vợ chồng anh Hùng có 2 con gái, một bé năm nay 10 tuổi, một bé 12 tuổi. Các bé vốn vẫn tự đi học chính, đi học them, việc ăn uống thì có bác giúp việc lo vì vợ chồng Hùng đều rất bận rộn. Nhưng sau khi trong khu phố nhà Hùng xuất hiện một kẻ bệnh hoạn chuyên trêu ghẹo các bé gái cả ngày lẫn đêm và nhất là sau sự việc, một bé gái mới 12 tuổi bị kẻ lạ cưỡng bức, anh Hùng chị Phương bắt đầu nới lỏng công việc của mình để đưa đón con đi học.

Mới đầu, anh chị thuê vệ sĩ. Vệ sĩ nữ được chị Phương tuyển chọn cẩn thận rằng đó phải là người có thể lực tốt, giỏi võ và nhanh nhẹn để trong trường hợp bất trắc còn có thể bảo vệ được con gái chị nhưng chị vẫn chưa thấy yên tâm nên bên cạnh việc có vệ sĩ nữ đi cùng để bảo vệ con gái, chị cũng bỏ việc để đi cùng con tới trường, tới nhà bạn. Hễ con gái ra khỏi nhà là chị sẽ đi cùng.

Rồi đọc những bài báo về chuyện đến bố đẻ cũng hiếp dâm con gái rồi cuồng loạn khoe đó là chiến tích của mình, chị hãi hùng không biết tin ai. Nếu trước kia, cả 2 anh chị thay nhau cùng vệ sĩ đưa con gái đi học, đi chơi thì giờ chị để cho chồng lo hết công việc buôn bán tại nhà còn một mình chị lo việc chăm lo con cái. “Trước đây, cả nhà tôi ngủ chung 1 phòng, 1 giường dù nhà rất rộng vì tôi nghĩ ngủ chung sẽ giúp con cái và bố mẹ thân thiết hơn nhưng giờ thì tôi tách riêng cho con gái 1 phòng với lí do bọn trẻ cần không gian riêng để học tập và nghỉ ngơi” – Chị Phương cho biết.

Theo những lo lắng và sợ hãi của bà mẹ này, 2 con gái của chị Phương bị thắt chặt lịch sinh hoạt. Nếu trước đây 2 bé có thể thoải mái trong giờ giấc vui chơi thì giờ, chị Phương chỉ cho phép con mình đi học tại trường và đi học them, tất nhiên là luôn có chị đi cùng. Chị cũng cấm không cho phép con mình đi chơi qua đêm tại nhà họ hàng của mình như trước kia nữa.

Anh Hùng thấy vợ mình có phần thái quá trong cách chăm sóc và giám sát con nhưng chị Phương vẫn kiên quyết giữ vững lập trường của mình. Nhất là khi vụ cuồng dâm kinh hoàng vừa mới xảy ra ở Sơn Tây với kẻ cuồng dâm máu lạnh cưỡng hiếp bé gái 8 tuổi và chém chết em gái mới 4 tuổi của bé thì chị Phương lại càng hoảng hốt. Chị cấm con không được chơi với bạn trai và thậm chí cả bạn gái của các con, chị cũng chọn lọc những bé gái có gia đình nề nếp tốt thì mới cho con chơi cùng. Đồng thời, để các con ý thức rõ hơn về mức độ nguy hiểm khi đi chơi một mình, đi với các bạn nam… tối nào trước khi đi ngủ, chị cũng có một màn nói chuyện dài đúng 1 tiếng để dặn dò, cảnh báo và ví dụ cho các con biết về những trường hợp bị cưỡng dâm, hiếp dâm. Chị cũng phổ biến giáo dục giới tính sớm cho con để con gái chị có thể hiểu rõ hơn về những vấn đề mà chị đang lo sẽ xảy ra với chúng nếu chị không trông coi các con kỹ càng.

Chị cho biết: “Tôi tin là những gì tôi đang làm có tác dụng bảo vệ 2 con gái của tôi rất tốt dù ít dù nhiều và hơn nữa, phải làm như vậy tôi mới thấy yên tâm phần nào”. Anh Hùng chỉ biết lắc đầu cười vợ: “Nếu nhà trường cho cô ấy ngồi học cùng con thì chắc cô ấy sẽ sung sướng vào học ngay”.

 

Đông con, mẹ vã mồ hôi trông

Có 2 con gái như chị Phương đã vất vả trong việc trông chừng chúng thì với chị Nhàn, việc trông con của chị khó khăn hơn bội phần vì chị có tới 5 cô con gái. Hơn nữa, chồng chị lại không phải là bố đẻ của các con gái chị mà chỉ là cha dượng. Trên báo đầy rẫy những câu chuyện đắng lòng về cha dượng cưỡng dâm con gái của vợ tới mức có thai rồi cấm không được kể với mẹ khiến chị Nhàn lúc nào cũng nơm nớp lo sợ, dù thực tế, chồng chị là một người đàn ông rất tốt. Các con gái cũng rất quấn cha dượng. Trước, chị mừng khi thấy con gái mình lúc nào cũng vui vẻ, quấn quýt bên cha dượng nhưng giời điều đó làm chị hoảng sợ. “Thú tính trong mỗi con người có thể xuất hiện bất cứ lúc nào và ai đảm bảo được rằng khi đó chồng tôi sẽ không làm những điều kinh khủng đối với các con gái tôi” – Chị Nhàn tâm sự. Nghĩ vậy, chị bắt đầu ngấm ngầm lên kế hoạch tách con khỏi cha dượng và cũng thắt chặt chuyện giờ giấc, bạn bè của con hơn.

Chị Nhàn có 1 cửa hàng khá lớn. 5 cô con gái vốn rất ngoan, đứa lớn nhất là 16 tuổi, trước giờ đều tự trông nom nhau bởi mẹ chúng còn bận bịu buôn bán. Cha dượng giúp các con nhiều trong việc học vì ông là giáo viên. Thế nên tính ra, thời gian các con chị ở cùng cha dượng còn nhiều hơn là ở cùng chị. Để tách con khỏi cha dượng, chị Nhàn dựng lên cả một câu chuyện xấu xa về chồng mình rằng vì ông mà chị đã phải chia tay bố ruột của các con. Rằng chị lấy người chồng hiện tại hoàn toàn không phải vì tình yêu mà là do ép buộc. Chị cũng dựng chuyện rằng cha dượng của các con có nhân tình ở bên ngoài, ông không yêu thương gì chị và chỉ giả vờ tốt để lấy tiền từ chị. Tất nhiên câu chuyện này được chị Nhàn yêu cầu các con giữ kín, không được kể với bất cứ ai. Sự bịa đặt của chị cũng đạt được một số hiệu quả nhất định khi các con gái ít quấn quýt với dượng hơn và cũng ít tâm sự với dượng như trước đây. Điều đó khiến chị Nhàn rất hài lòng.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là chuyện trong nhà. Khi các con chị ra ngoài thì chị sẽ vất vả hơn rất nhiều. 5 cô con gái, mỗi cô một lịch học khác nhau, chị có thuật phân thân cũng không thể tất tả theo từng cô được. Không thể nhờ chồng giúp đỡ, chị Nhàn đành tự xoay sở. Việc học thêm của các con được chuyển hoàn toàn về nhà. Chị thuê gia sư cho các con dù việc này là rất tốn kém. Việc học ở trường của các con được chị xử lý bằng cách thuê 5 vệ sĩ nữa lúc nào cũng đi kèm theo con gái chị. Bao nhiêu lời lãi của cửa hàng mà chị làm chủ đều dùng cả cho việc học và việc thuê vệ sĩ đi theo bảo vệ con nhưng chị Nhàn không quan tâm đến chuyện đó, miễn con chị được an toàn là chị hài lòng. Để đảm bảo các con có vũ khí tự vệ, trong túi của các con lúc nào cũng được chị Nhàn trang bị đầy đủ bình xịt hơi cay và dao rọc giấy. Chị đăng kí thêm cho các con đi học võ để có thể biết được những tư thế nhất định tự vệ khi bị tấn công. Hơn nữa, học võ cũng giúp tăng cường sức khỏe của các con gái chị. Hiện chị vẫn đang điên đầu nghĩ thêm cách để bảo vệ con mình vì chị cho rằng như thế vẫn là chưa đủ trong khi xã hội ngày càng nhiều tội phạm và những kẻ bệnh hoạn thì ở khắp mọi nơi.

Có con trai cũng phải dạy


Không chỉ các gia đình có con gái lo lắng giữ con trong nhà mà anh Long cũng vất vả trong việc giữ thằng Nam, con trai năm nay vừa tròn 16 tuổi của anh. “Nhà có con gái thì lo con bị hiếp dâm, bị cưỡng bức. Tôi cũng lo như vậy mà cái tôi lo hơn là nhỡ con tôi trở thành một trong số những kẻ phạm tội như thế” – Anh Long cho biết. Vợ anh đã mất hơn 3 năm nay nên trong nhà chỉ có 2 bố con. Gà trống chăm con thường vụng, ngoài 2 bữa cơm 2 ngày để bố con gặp mặt nhau và thi thoảng trò chuyện với nhau vài câu, anh Long và con trai gần như chẳng hề có chuyện gì để chia sẻ cùng nhau. Con đang nghĩ gì, đang có khó khăn gì, đã tương tư nhớ thầm bạn gái nào hay chưa, anh Long cũng không biết. Anh cũng không hỏi vì anh không quen chuyện tâm sự giữa bố và con trai. Lúc trước, chuyện tâm sự với con trai đều do vợ anh làm. Giờ chị mất, anh đã cố nhưng tài nào thay vợ tâm sự cùng con được. Nhưng giờ thì anh quyết tâm phải thay đổi vì đọc báo, thấy những vụ giết người do trẻ thành niên gây ra, anh thấy một trong những nguyên nhân hay được nhắc đến là do trẻ bị trầm cảm, không nhận được nhiều sự quan tâm từ gia đình. Anh sợ nếu mình không trò chuyện và chia sẻ cùng con thì khả năng thằng Nam con anh bị trầm cảm là hoàn toàn có thể xảy ra và khi đó, anh có hối hận cũng đã là muộn.

Nghĩ là làm, anh Long bắt đầu lên kế hoạch làm thân với con trai. Thay vì chuyện ngủ riêng, bố con mỗi người một phòng như trước đây, anh Long chuyển sang ngủ với con để tiện cho việc tâm sự đêm khuya. Thằng bé Nam tỏ vẻ không thoải mái nhưng nó cũng không phản đối chuyện bố chuyển sang ngủ cùng phòng với nó. Anh Long vui vẻ cho rằng bước đầu như thế là đã thành công. Để có thể trò chuyện một cách thoải mái với con trai, anh Long đăng kí 1 khóa học với bác sĩ tâm lý để nghe bác sĩ phân tích và đưa ra những lời khuyên cùng hướng dẫn giúp anh có thể gợi mở câu chuyện của mình và nhận được sự đáp trả từ con trai. “Những hôm đầu đa phần đều do tôi độc thoại một mình. Cu cậu chỉ giục tôi đi ngủ nhưng tôi vẫn cứ nói. Hơn 1 tuần sau thì con trai bắt đầu đối thoại cùng tôi” – Anh Long hớn hở khoe.

Đồng hành với việc tâm sự đêm khuya với con trai, anh Long cũng “thanh lọc” đội ngũ bạn bè của con. Anh không cho con chơi cùng các thành phần xấu vì sợ chúng sẽ có ảnh hưởng không tốt tới con anh. Để thân thiết với con hơn, anh cũng bỏ thời gian mày mò chơi game nhưng chỉ là những game lành mạnh như đá bóng để giải trí. Anh nhất quyết cấm con không chơi trò chơi bạo lực, xem phim hành động và bài tập hàng ngày của thằng bé Nam được anh Long giao thêm cho là phải dành thời gian đọc báo, đọc những vụ việc chém giết nhau rồi bày tỏ quan điểm của thằng bé cho anh  nghe. Nếu con có phần hờ hững và không quan tâm, cho rằng đó là chuyện thường ngày rồi thì anh sẽ ngay lập tức chấn chỉnh và phân tích cho con hiểu rõ vấn đề.

Anh Long không cấm đoán chuyện con chơi với các bạn gái và cả chuyện hẹn hò cũng vậy. “Bọn trẻ ấy mà. Càng cấm thì chúng nó càng thích làm nên cho phép chúng trong khuôn khổ thì mọi chuyện sẽ tốt đẹp hơn” – Anh chia sẻ. Giáo dục giới tính cũng là thứ anh chú trọng để “phổ biến” cho con trai để “cu cậu không tò mò mà làm liều”.

Cũng giám sát con trai như anh Long nhưng vợ chồng chị Mai có phần gắt gao và kì lạ hơn. Không muốn con mình quá mạnh mẽ, quá đàn ông, chị Mai xin cho con vào học tại một lớp đa phần là nữ. Theo chị, học lớp này sẽ rất có lợi cho con chị, một mặt, con sẽ thể hiện được sự ga lăng của mình trong một lớp học toàn nữ; mặt khác, cũng do học trong lớp có nhiều bạn nữ nên con trai chị sẽ không bị tiêm nhiễm những tư tưởng về chuyện đánh nhau, thách đố nhau làm việc này việc kia của đám con trai mới lớn. Ở nhà, thay vì cho con chơi các môn thể thao thì chị Mai mời thầy về dạy con trai nữ công gia chánh và dạy con chị chơi dương cầm cho “mềm tính”. Chị cũng khuyến khích con mình xem các bộ phim tình cảm sướt mướt và ăn mặc theo kiểu màu mè. Nhìn một cách tổng thể, chị Mai cố gắng nuôi dạy con trai mình bằng phương pháp nuôi dạy một cô con gái. Chị cho biết “thà con trai mình yểu điệu, đàn bà một tí còn hơn là hung hăng, động tí là đánh nhau, giết người như mấy đứa trẻ không kiểm soát được bản thân mình mà trên báo đài vẫn đưa tin”.  

Con trai, con gái, mỗi con một chế độ

Đồng lòng, đồng sức trong công cuộc bảo vệ con khỏi “đầy rẫy những tội phạm ẩn mình ngoài kia”, anh Kiên và chị Vân cũng vất vả không kém với hoàng tử và công chúa của mình. Con trai lớn của anh chị năm nay 10 tuổi, tên Tuấn Anh. Con gái út tên Quỳnh Anh, năm nay 8 tuổi. Đọc tin hiếp dâm, giết người mà nạn nhân là những trẻ nhỏ khiến anh chị lo lắng vô cùng nên thay vì để 2 con cho ông bà nội trông nom hộ, anh chị quyết định vào cuộc tự mình chăm con. Vợ chồng anh phân công rõ ràng: chị Vân sẽ lo cho bé Quỳnh Anh, còn bé Tuấn Anh sẽ do anh Kiên chịu trách nhiệm. Hàng tuần, 2 anh chị sẽ họp bàn và hội thảo cùng nhau để cùng thống nhất phương án dạy dỗ và bảo vệ 2 con.

Quỳnh Anh và Tuấn Anh tuy học chung trường, vào học cùng một giờ, tan học cùng một lúc nhưng bố mẹ vẫn giữ đúng trách nhiệm của mình. Anh Kiên đưa con trai đi học còn con gái do chị Vân đưa đi. Khi đón các bé về cũng vậy, việc ai người ấy làm, không ai nhờ vả ai cả. Chương trình giáo dục giới tính do anh chị đặt ra tuy cùng một giáo án nhưng bố dạy con trai, mẹ dạy con gái. Hai con không học chung với nhau. Không bao giờ bé Quỳnh Anh và Tuấn Anh được đi đâu ra ngoài một mình. Kể cả chỉ chạy sang nhà hàng xóm sát vách chơi, bé cũng phải được bố mẹ đồng ý rồi dẫn sang và bố mẹ sẽ ngồi chơi ở nhà hàng xóm cùng con cho đến lúc con đòi về thì thôi.

Chị Vân nói: “Tôi đọc báo để ý thấy những nạn nhân của những vụ cuồng dâm hay những em bé bị giết hại thường bị bố mẹ để ở nhà một mình hoặc để cho các con đi ra ngoài một mình. Như thế, vô tình bố mẹ đã tạo điều kiện cho những kẻ bệnh hoạn kia giở trò với con mình. Vì vậy, tôi luôn cố gắng tránh không để con mình ở một mình dù trong bất cứ hoàn cảnh nào:. Để có thời gian đưa đón con đi học, chị Vân và anh Kiên phải thay đổi công việc của mình và nhận những việc có thể làm ở nhà vào lúc rảnh rỗi khi đợi con đi học thêm hoặc đợi con đi tham gia các chương trình văn nghệ ở trường. Chị Vân không khuyến khích con mình bắt chuyện với người lạ, kể cả những người quen nhưng không mấy thân thiết. Bạn bè của các con được 2 bố mẹ khoanh vùng, đánh dấu sau khi đã chọn lọc chặt chẽ. Hai bé nhà chị Vân chỉ có bạn đếm trên đầu ngón tay nhưng chị Vân thấy như thế là đủ, “ít nhưng chất”.

Anh Kiên cho biết: “Đừng tưởng chỉ những bé gái mới sợ bị những kẻ cuồng dâm làm hại mà những bé trai cũng hoàn toàn có khả năng bị hại ngang bằng. Thế nên tôi phải tách con trai mình ra khỏi tất cả những mối nguy hại có thể xảy đến với con”. Những quy tắc vợ chồng anh Kiên đặt ra và bắt 2 con phải nhớ tăng lên theo từng ngày. Nếu các con làm sai thì sẽ phải chịu hình phạt tùy theo mức độ mà các con gây ra. Số nguyên tắc mà 2 bé Quỳnh Anh, Tuấn Anh phải nhớ có lẽ còn nhiều hơn cả lượng kiến thức các bé học mỗi ngày trên lớp nhưng bố mẹ 2 bé vẫn cho là chưa đủ. Những nguyên tắc mới ra đời khi chị Vân và anh Kiên đọc trên mạng những vụ giết người, hiếp dâm rồi sau đó, anh chị sẽ phân tích tình hình và rút ra giải pháp trả lời cho câu hỏi: “Nếu… thì… Ví dụ như nếu bố mẹ không ở nhà thì các bé có bị người lạ vào nhà giết hại không? Nếu nhà có hệ thống an ninh thế thì người lạ làm cách nào để đột nhập vào trong nhà?…”.  Việc đặt ra nhiều quy tắc cũng khiến 2 anh chị mệt mỏi nhưng “tất cả vì tương lai con em chúng ta”, anh Kiên chị Vân vẫn miệt mài trong công cuộc bảo vệ các con của mình.

Cũng chăm chú trong việc bảo vệ con gái khỏi những kẻ xấu, ngay từ khi con gái còn nhỏ, chị Nga đã cho con ăn mặc và cắt tóc y hệt như một cậu con trai. Bé Hà Linh, con gái chị, là đứa trẻ rất xinh đẹp. Càng lớn, những nét đẹp của Hà Linh còn được thể hiện rõ. Lo sợ chính vẻ đẹp đó sẽ làm hại con mình nên chị Nga tìm mọi cách để khiến con gái mình trông giống con trai và xấu xí đi. Thế nhưng, dù đã được mẹ ngụy trang cho giống một cậu con trai, Hà Linh trông vẫn rất đẹp với nước da trắng, môi đỏ, mắt đen to tròn và dáng người mảnh mai. Chị Nga không bao giờ cho Hà Linh dùng áo chống nắng, kem chống nắng vào mùa hè hay khi đi biển để da con bé có thể đen đi một chút nhưng càng ra nắng, da của Hà Linh càng hồng hào. Không làm con bé đen đi được thì chị tim mọi cách để làm mặt con xuất hiện mụn và quầng thâm ở mắt bằng cách cho con gái đi ngủ rất muộn, dùng nhiều cà phê và những thức ăn cay nóng. Nhưng những nỗ lực làm con xấu đi của chị Nga đều không có tác dụng với Hà Linh. Thế nên chị đành chấp nhận để con gái mình trông giống như một cậu nhóc đẹp trai, thư sinh và cố gắng quản các mối quan hệ bạn bè của con, ngoài ra chị cũng chẳng thể làm gì hơn được nữa.

Chan San (theo Đang yêu)

Thực hiện: depweb

11/08/2012, 10:32