Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng để tạo nên một thói quen mới con người ta phải mất tối thiểu 66 ngày, tối đa khoảng 254 ngày. Thời gian này sẽ còn thay đổi dựa vào hành vi, tích cách và hoàn cảnh của chủ thể. Nghĩa là chúng ta sẽ cần từ 2 đến 8 tháng để thay đổi một hành vi nào đó. Trong quyển sách yêu thích của nhiều tỷ phú mang tên “Sức mạnh của thói quen”, tác giả Charles Duhigg lật giở những câu chuyện kỳ diệu về thói quen và tuyệt đối nhấn mạnh rằng: thành công của một người phụ thuộc phần lớn vào những thói quen tích cực của họ. Chuyên đề “Bao lâu cho một thói quen mới?” hi vọng sẽ giúp bạn gạt bỏ những hoạt động tùy hứng lặp đi lặp lại liên tục, để sẵn sàng tạo nên những thói quen tích cực có thể thay đổi bản thân đồng thời đưa bạn đến gần hơn với những mục tiêu vốn đã đeo đuổi từ lâu.
Đọc thêm các bài trong chuyên đề:
Xây dựng và duy trì các thói quen có lợi liệu có thực sự khó?
“Bỏ túi” bí kíp học nhảy tại nhà từ gợi ý của biên đạo Quang Đăng
Cùng Lifestyle & Food Blogger Lê Ngọc “Nhà có hai người” “phá vỡ” lời nguyền hôm nay ăn gì
Jay Quân – Chúng Huyền Thanh gợi ý cách tập luyện tại nhà hiệu quả dành cho các couples
Nhảy trên nền nhạc có giai điệu bắt tai, tiết tấu âm nhạc vui tươi đem lại cảm giác tự do trong từng bước nhảy, nhảy hiện đại đã trở thành một trong những xu hướng mới của giới trẻ. Với những người mới bắt đầu học nhưng không có điều kiện tham gia các lớp, học nhảy tại nhà qua video dạy online là cách tiếp cận khả thi nhất.
Là một biên đạo múa trẻ tuổi, thời gian gần đây, Quang Đăng được biết đến nhiều hơn qua clip mô phỏng các bước rửa tay cần thiết trên nền nhạc “Ghen Cô Vy”. Clip vũ đạo này nhanh chóng được cộng đồng đón nhận, một phần vì tính cần thiết trong việc tuyên truyền, phần vì các động tác khá dễ thực hiện và làm theo. Khi được hỏi có thể xem các động tác này như một bài nhảy tại nhà hay không, Quang Đăng hào hứng: “Tại sao không chứ, có rất nhiều người ghi hình cảnh họ nhảy ‘Vũ điệu rửa tay Ghen Cô Vy’ ngay trên bồn rửa tay và gửi cho tôi xem. Vũ điệu rửa tay là một vũ điệu bạn có thể làm bất kỳ ở đâu, thậm chí là cả trong nhà vệ sinh!”.
Thông thường, mọi người thường chọn buổi sáng (từ 6-8 giờ) là thời gian để tập nhảy vì thuận tiện giờ giấc đi làm và được hít thở không khí trong lành, thoáng mát. Tuy nhiên, đây là lúc thân nhiệt của bạn còn thấp, dễ gây ra các chấn thương, tai nạn cho bất kỳ hoạt động thể chất nào, độ mềm dẻo kém, không thích hợp cho việc tập nhảy, bộ môn đòi hỏi cơ thể phải dẻo dai. Bạn nên chọn tập vào khoảng từ 16-20 giờ là lúc cơ thể đạt phong độ tốt nhất khi hoạt động thể chất và cũng là lúc thân nhiệt ở nhiệt độ cao nhất. Khi thân nhiệt cao hơn, dung tích của phổi, sư lưu thông của máu và độ dẻo dai của cơ thể đều sẽ được gia tăng, khả năng phối hợp giữa tay và mắt, thời gian phản xạ cũng tốt hơn bình thường. Không nên tập trước giờ ngủ để tránh ảnh hưởng đến giấc ngủ và khả năng phục hồi của cơ thể.
Bất kể mục đích của bạn tìm đến với bộ môn nhảy là biểu diễn chuyên nghiệp hay đơn giản chỉ để cơ thể linh hoạt, dẻo dai hơn, việc học nhảy luôn cần có sự kiên trì nhất định. Học nhảy cũng là một kỹ năng, bạn càng dành thời gian tập luyện thì bản thân càng quen dần với chuyển động, lâu dần những phản xạ chuyển động đó sẽ thành thói quen, cảm giác căng thẳng nhớ bài sẽ mất đi, thay vào đó bạn sẽ dễ dàng ghi nhớ khúc nhạc này phải nhảy động tác gì, tay chân phải chuyển động như thế nào.
Nếu ngại việc phải tập luyện một mình, hãy tìm một người có chung đam mê để tập, và quan trọng là phải “kỷ luật” với bản thân, đặt ra những phần thưởng cho bản thân sau khi hoàn thành tốt kỷ luật đó, ví dụ như tập nhảy xong thì mới được chơi Facebook 30 phút.
Khi tập nhảy, nên lên sẵn lịch tập với thời gian xác định, chẳng hạn 45 phút/buổi, 3 buổi/tuần và cam kết với bản thân phải theo được thời lượng tập đó. Bạn cũng nên tìm trước một vài video để chuẩn bị cho buổi tập, tránh việc lựa chọn bài nhảy quá lâu dẫn đến mất thời gian.
Là người mới, hẳn nhiên xem video dạy nhảy nào bạn cũng sẽ thấy “khó nhằn”. Đừng nản chí, hãy tìm một video dễ hơn, căn bản hơn để tập. Chắc chắn sẽ có những video miễn phí, cực kỳ căn bản cho các bạn (kỹ thuật bước chân, đi sóng, một số động tác nhảy vui khi đi bar…). Bạn cần lắng nghe những chỉ dẫn được các vũ công chia sẻ, quan sát dù chỉ là từng cử chỉ nhỏ ở cánh tay, bàn chân để thực hiện cho đúng.
Quang Đăng gợi ý, nên dành ra ít nhất 5 phút để khởi động, làm nóng cơ thể trước khi nhảy, và tập thêm những động tác làm giãn cơ bắp của mình ra, chẳng hạn như Yoga, stretching…
Nhảy đúng nhạc sẽ giúp bạn có cảm hứng, hòa hợp hơn với những bạn nhảy khác. Những động tác đơn giản như gõ tay, nhịp chân hay lắc đầu. Hãy làm việc này để tập quen dần với nhịp điệu của từng bài nhạc. Đến khi bạn có thể thoải mái thực hiện những động tác đó với bất kỳ bài hát nào thì bạn đã thành công một phần trong quá trình học nhảy. Tập luyện nhuần nhuyễn những bước cơ bản, khi nắm được rồi hãy tập luyện nó với những người tập chung, khi bạn đã tìm thấy sự trôi chảy trong bài nhảy thì tiết mục của bạn sẽ hay hơn nhiều bởi lúc này bạn đã biết thể hiện cảm xúc cũng như sự uyển chuyển trong các động tác.
Thói quen này sẽ giúp bạn có thể xem lại mình đã nhảy sai ở đâu. Nếu bạn nhảy vẫn còn kém và chưa tự tin, hãy lặp lại trình tự quay hình, xem và chỉnh sửa cho đến khi các động tác đã nhuần nhuyễn.
Khi đã thành thạo, bạn có thể tự tìm kiếm những nguồn cảm hứng cho các động tác mới, thông qua những gì bạn đọc được, nhìn thấy hay từ những người xung quanh. Đối với Quang Đăng, điển hình chính là vũ điệu rửa tay vừa quen thuộc vừa sáng tạo.