Sự chu đáo, cẩn thận quá mức đến độ… xa lạ với tính cách của giới nghệ sĩ khiến tôi đến nơi hẹn phỏng vấn anh không dám sai dù chỉ vài phút, và tim đập liên hồi, chỉ sợ… trễ giờ. Nhưng Chí Trung là thế, đúng giờ là một phẩm chất của anh, như thể định nghĩa trong từ điển, đã hoa hậu thì phải đẹp (cho dù ngày nay ta vẫn có thể gặp các cô hoa hậu không đẹp mấy như thường).
Mỗi ngày Chí Trung post khoảng 10-15 status trên trang Facebook của anh, làm thơ, tán chuyện, “pi-a” cho chương trình và nghệ sĩ nhà hát, đăng vài bức ảnh hài hước và có khi cả ảnh “ngoài luồng” vào lúc đêm khuya, giờ mà anh đoán các bạn vị thành niên trong friendlist của anh đã đi ngủ, thế mà có lần vẫn bị comment “sửa gáy” như thường.
Chí Trung chơi Facebook nhoay nhoáy trên iPad như thế, nên tôi suýt phì cười khi thấy anh rút từ túi quần ra 3 tờ giấy khổ A4 gập làm 16, ghi lịch làm việc cá nhân, lịch biểu diễn nhà hát, lịch book show trên truyền hình, kế hoạch đi làm đại sứ thương hiệu… của 3 tháng (tháng 11, 12 của năm nay và tháng 1 năm sau). Cầm 3 tờ ghi chép riêng rẽ, có tờ chỗ gập đã sờn mép gần tới mức rách rời, anh cười hơi méo: “Ngoài iPad ra, tôi dốt đặc vi tính, nên cứ phải ghi chép thủ công thế này, trông rách rưới tý thôi nhưng quan trọng lắm đấy”, khoe xong, anh trang trọng gấp lại, nhét vào túi, rưng rưng và cẩn thận như một ông “thư ký” giữ sổ ghi đề.
Chí Trung là một người năng động, vì cả cái làng sân khấu miền Bắc này, chẳng có ai như anh. Vài năm trước, khi còn là trưởng đoàn II, anh mang cái bụng phục phịch dẫn đầu đoàn trai thanh gái lịch diễn viên đi các tỉnh, tỏa vào tận các chợ, ra đứng ở ngã tư, vòng xoay để quảng cáo bán vé cho chương trình. Chí Trung vừa nghệ sĩ lại vừa thực tế như một gã bán phở lành nghề, vì anh biết trong cái nồi nước dùng mình nấu, có những thứ gì để cuốn hút khách hàng, biết sai cô nhân viên nào bưng bê để đẹp lòng khách. Tôi nói thế bởi từ khi anh lên làm Phó Giám đốc Nhà hát hồi tháng 4 đến nay, Chí Trung đã có hàng loạt thay đổi. Anh xoay xở để nhà hát sáng đèn suốt tuần, anh yêu cầu đội bảo vệ phải tập cười chào khách, phải may đồng phục đẹp, phải biết bình chữa cháy ở đâu, xử trí thế nào. Anh đề xuất lãnh đạo nhà hát gồm Giám đốc Trương Nhuận, Phó Giám đốc NSND Lê Khanh và cả anh nữa, hàng đêm đều phải thay phiên nhau có mặt chào khán giả ở sảnh ra vào, chụp ảnh lưu niệm nếu họ yêu cầu. Và với tất cả 215 cán bộ, nghệ sĩ của nhà hát, đều phải “chung sức bán hàng” để đảm bảo ngoài lương, ai đi làm cũng đều có thêm thu nhập.
Chí Trung có thể nói rất nhiều thứ với cánh báo chí, chuyện dưới biển trên trời, chuyện buôn sừng tê giác ở Phi châu cho đến việc vị lãnh đạo nào đó yêu cầu chỉ ăn gà đồi Bắc Giang, nhưng tuyệt nhiên không bao giờ moi được ở anh một lời khi có scandal của đồng nghiệp. Lễ trao giải
Liên hoan Sân khấu các tác phẩm Lưu Quang Vũ tháng 9 vừa rồi, anh không đến nhận giải đạo diễn xuất sắc nhất, NSND Lan Hương bất bình với giải, nói um sùm.
Chí Trung vẫn lặng thinh. Sau này anh bảo: “
Có thể ai đó nói tôi đạo đức giả cũng được, nhưng thực lòng là tôi chẳng nghĩ gì về những lời chị Lan Hương nói. Mấy chục năm trong nghề, 6 Huy chương Vàng, 7 Huy chương Bạc mà tôi chưa bao giờ xuất hiện trong các lễ trao giải của hàng chục kỳ hội diễn. Đời tôi chỉ có một câu thế này để khuyên răn mình: Khi không kỳ vọng thì bạn sẽ chẳng bao giờ thất vọng”.
Tôi gọi Chí Trung là người “biết tiến và biết lùi” vì như thế. Có người thì nói thẳng là anh “quá khôn”, ô hay, chẳng lẽ “khôn” mà không là phẩm chất cho con người hướng tới? Tôi ưa cách làm nghệ thuật của anh, bởi anh thực tế, không chút viển vông, lơ lửng mà luôn gắn mình với nỗi lo “ăn hôm nay phải có củ khoai cho ngày mốt”. Nàng nghệ thuật của anh không bay bổng trên trời, đàn ca sáo nhị với tiên cảnh bồng lai mà Chí Trung tìm cái đẹp ở đời sống hàng ngày, lúc nào cũng trở trăn: Cái mình làm ra sẽ giúp ích được gì cho xã hội, giúp gì cho đồng lương của lớp nghệ sĩ đàn em của nhà hát, những người trẻ đã tin và yêu cái nghiệp diễn này. Vì biết lùi nên sang năm, chương trình Táo Quân 2014, Chí Trung xin với đạo diễn Đỗ Thanh Hải cho anh thôi không làm Táo Giao thông nữa. Anh bảo, “Đã 10 năm rồi, nhờ có chương trình nên được yêu mến đến thế cũng là đủ rồi, mình phải biết rời đi khi bữa tiệc còn vui”.
Tôi cứ nhớ mãi lúc Chí Trung thị phạm diễn xuất một câu thoại trong vở diễn
“Mùa hạ cuối cùng” đã mang về cho anh giải Đạo diễn xuất sắc nhất liên hoan vừa qua: “
Mỗi chúng ta chẳng là gì hết! Cái thành phố nơi ta đang ở chỉ là một chấm nhỏ xíu trên quả địa cầu…Ta chỉ là một con người bé nhỏ trong thành phố ấy và quả địa cầu này cũng chỉ là một chấm nhỏ trong vũ trụ vô tận. Chúng ta gắng sức mà làm gì?”. Chí Trung ơi, cái cách mà anh nói câu này đã làm cho nhiều người, trong đó có tôi, tin rằng mỗi chúng ta, dù chỉ là một chấm nhỏ xíu trong vũ trụ bao la, nhưng nếu biết sống vì những điều tử tế tốt đẹp, chúng ta vẫn còn giữ lại được một điều gì đó, vượt ra ngoài cái hữu hạn của đời sống này, để lại mai sau.
Bài: Minh An
>>> Có thể bạn quan tâm: Như hai món ẩm thực nổi tiếng của Hà Nội đã thành công ở miền Nam là trà chanh và bún đậu, kịch Bắc cũng cần có một thời gian dài hơn để người thưởng thức từ từ cảm nhận được vị “ngon” của mình, để người xem đưa nó lên thành món không thể thiếu cho những ngày cuối tuần cần giải trí. Niềm tin vào một sân khấu chuyên diễn kịch Bắc trong miền Nam, có lẽ, vẫn còn khá xa, nhưng chắc chắn sẽ đến đích.
Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!