Chí Trung: Tôi là người bán hàng - Tạp chí Đẹp

Chí Trung: Tôi là người bán hàng

Sao

Nghệ sĩ Chí Trung- Nhà hát tuổi trẻ Hà Nội 

Doanh nghiệp hỗ trợ để nghệ sĩ không phải cắm cúi tìm tiền

– Anh Trung này, trong các nhà hát phía Bắc, Nhà hát Tuổi Trẻ của anh thuộc diện năng động số 1, trong đó anh lại là người năng động số 1 trong việc tìm kiếm các Mạnh Thường Quân tài trợ cho nghệ thuật. Nếu không có gì quá tế nhị để phải giữ bí mật, anh có thể chia sẻ được không?

– Trước tiên, tôi không muốn gọi các vị ấy là Mạnh Thường Quân, vì phải xác định đã động đến tiền thì không thể có chuyện mình tới xin, họ cho không. Càng chơi với các anh chị doanh nghiệp, tôi càng hiểu mình chỉ là một thằng ngốc nghếch khoác chiếc áo hào hoa “nghệ sĩ”, chứ thực ra đứng về góc độ suy nghĩ sâu sắc trước mọi việc, khả năng chớp thời cơ cộng với sự đánh giá đối tượng để kết hợp thì doanh nghiệp họ hơn mình nhiều. Nhưng họ vẫn tôn trọng và nể nghệ sĩ chỉ vì mình đang làm một lĩnh vực mà họ không thể nào làm được. Lâu nay trong giới nghệ thuật, có nhiều người hợm hĩnh nghĩ rằng mình khôn hơn người, đó là sai lầm lớn.

Tôi nghĩ, có lẽ mình cũng may mắn vì trong mắt các doanh nghiệp, tôi tạm được coi là một người có nhân cách, gia đình thuận hòa, mấy chục năm nay chưa có điều tiếng gì, vợ đẹp con khôn, nhân thân không tỳ vết. Tôi được giao nhiệm vụ phụ trách tổ chức biểu diễn cho nhà hát, với thương hiệu của nhà hát, uy tín của cá nhân cộng với sự chân thành khi đến với các doanh nghiệp, nên tôi được rất nhiều người giúp. Khi đến gặp một người em giàu nhất nhì đất nước này, người tôi không muốn nhắc tên ra đây, tôi nói thẳng luôn: “Anh cần một số tiền để giúp nhà hát giới thiệu kịch của anh Lưu Quang Vũ tại Tp. Hồ Chí Minh trong vòng 1 tháng, anh cần bằng này tiền, em nghĩ thế nào?”. Trong vài giây, người đó hỏi tôi cần bao nhiêu, và sẵn sàng giúp luôn không một chút đắn đo. Nhưng tôi nói luôn, anh không xin đâu, chúng ta sẽ ký một hợp đồng hỗ trợ, sẽ hợp tác cùng nhau để đưa kịch Lưu Quang Vũ và hài kịch của nhà hát vào với khán giả trong Nam. Bí quyết của tôi có lẽ chỉ là sự chân thành đó thôi.

– Như vậy nếu không có sự phối hợp của vị doanh nhân bí mật ấy và nhiều doanh nhân khác nữa, chưa chắc Nhà hát Tuổi Trẻ đã có chuyến du Nam lần này?

– Không, chúng tôi vẫn vào chứ, vì đó là một sự kiện quan trọng để kỷ niệm 35 năm thành lập nhà hát, nhưng chắc chắn sẽ có nhiều khó khăn hơn. Ai cũng biết vào biểu diễn tại Tp. Hồ Chí Minh là rất khó, 8 năm nay nhà hát chưa thực hiện vì sợ thua lỗ. Giá vé 10 năm nay vẫn thế, vẫn 120.000 đồng, trong khi phòng khách sạn thì đã tăng từ 200.000 lên 800.000 đồng mà vấn đề quan trọng nhất là vé 120.000 đồng cũng không ai mua. Tôi nhìn thấy các bạn tôi trong đó cũng đang rất vất vả, trông thế thôi chứ nhìn tỷ lệ 6 nhà hát đang hoạt động so với 6.000 nhà hàng ăn uống thì đó cũng là một con số cần phải suy nghĩ.

Nghệ sĩ Chí Trung- Nhà hát tuổi trẻ Hà Nội

Sự hỗ trợ tất nhiên giúp chúng tôi tự tin hơn, nhưng quan trọng nhất chúng tôi vẫn phải giới thiệu mình bằng tác phẩm. Lần này chúng tôi không chỉ mang ba vở của Lưu Quang Vũ gồm “Mùa hạ cuối cùng”, “Lời thề thứ 9”, “Hồn Trương Ba da hàng thịt” mà còn mang cả hài kịch “Đời cười chọn lọc” và “Nụ cười chiến sĩ” để diễn cho dịp 22/12. Nói chung có sự hợp tác của các doanh nghiệp, thì mình đường hoàng ngước lên trời xanh chứ không phải cắm cúi tìm tiền như những đợt khác, rạp ở Tp. Hồ Chí Minh thuê hết 50 triệu đồng một đêm chứ ít đâu.

– Còn 100 suất diễn miễn phí kịch Lưu Quang Vũ cho học sinh, sinh viên tại Hà Nội đã khởi động từ tháng 11, anh làm thế nào để biến ý tưởng có vẻ “không tưởng” đó thành hiện thực?

– Khi tôi trình bày ý định đem vở diễn đến với học sinh – sinh viên các trường Đại học với ông Đỗ Quang Hiển – Chủ tịch Tập đoàn T&T thì ông đồng ý ngay, nói: “Tôi sẽ đứng sau lưng ông, ông cần gì cứ lên tiếng” (tôi và Hiển bằng tuổi nhau mà). Tôi nói tôi cần diễn 100 suất cho học sinh, sinh viên của 119 trường học ở nội thành Hà Nội, thế là ông Hiển gật đầu luôn và ngân hàng SHB đã vào cuộc. Đến giờ mọi việc đã vào guồng rồi, mỗi tuần các bạn học sinh, sinh viên sẽ được mời đến xem miễn phí 3 suất diễn “Mùa hạ cuối cùng” tại rạp Tuổi Trẻ vào thứ 4, 5, 6 hàng tuần, họ rất hào hứng.

– Qua chuyện này mới thấy Chí Trung quả là người biết nhìn xa trông rộng vì khi chưa ai nghĩ đến liên hoan sân khấu Lưu Quang Vũ, thì Nhà hát Tuổi Trẻ đã có trong tay “Lời thề thứ 9” để làm vốn từ năm ngoái rồi?

– Nói chung chúng tôi cũng gặp nhiều may mắn, có lẽ cũng do thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Năm 2013 này là kỷ niệm 25 năm ngày mất của anh Lưu Quang Vũ, từ năm ngoái, tôi đã quyết định dựng lại vở “Lời thề thứ 9” của thầy tôi là đạo diễn – NSND Xuân Huyền. Lúc đó chẳng ai nghĩ gì cả, chỉ nghĩ đó là một vở diễn hay, dựng để rèn luyện diễn viên. Mãi tới đầu năm 2013 mới có thông tin về liên hoan sân khấu Lưu Quang Vũ, và đến tháng 9 vừa rồi thì Hà Nội đã sôi sục lên với kịch Lưu Quang Vũ. Tôi nghĩ sự may mắn của Nhà hát cũng có nhiều yếu tố ngẫu nhiên, trong đó có sự phù hộ của anh Lưu Quang Vũ. 3 vở “Lời thề thứ 9”, “Mùa hạ cuối cùng” và “Hồn Trương Ba da hàng thịt” đều đã có giải trong liên hoan.

– Nhưng chắc anh có đọc các bài báo viết về liên hoan chứ, bản thân tôi và rất nhiều đồng nghiệp đã nghi ngờ rằng, nếu liên hoan này mà bán vé chứ không phải phát tặng giấy mời miễn phí như thế, chắc gì khán giả đã quan tâm? 

– Vậy thì tôi xin nói lại một chút, đã là lòng dân thì không thể nói chuyện tiền hay không tiền, và cái đáng kể nhất là khát vọng của họ thì còn nguyên. Chúng ta hãy bàn về khát vọng đã, 12 ngày đêm cả Hà Nội sôi sục với tinh thần Lưu Quang Vũ. Đừng nghĩ khán giả ngày nay háo hức với chuyện xem miễn phí nhé, đầy chương trình nghệ thuật đến tận nhà mời xem miễn phí mà cũng không ai quan tâm. Vấn đề phải nhìn những người ngồi bệt xuống nền nhà hát, hoặc chấp nhận đứng suốt 3 tiếng đồng hồ để xem kịch, có nghĩa là họ còn khát vọng, còn niềm tin. Bản thân tôi, nhờ việc dựng lại các vở kịch, điều tôi tự hào nhất là đã đem lại cho thế hệ diễn viên trẻ trong nhà hát một tinh thần Lưu Quang Vũ, đó là việc làm nhân văn để các em thấy được giá trị khi sống cùng sân khấu, yên tâm hơn với sự chọn lựa nghề nghiệp của mình.

Nghệ sĩ Chí Trung- Nhà hát tuổi trẻ Hà Nội

Vở diễn cũng là một món hàng, nó phải bán được
 
– Nói gì thì nói, qua đợt Liên hoan Sân khấu các tác phẩm Lưu Quang Vũ, những người làm nghề như anh hay những người quan tâm đến sân khấu dưới góc độ nghề nghiệp như tôi, đều phải nhìn nhận lại mình. Rằng chúng ta phải làm thế nào để giấc mơ Lưu Quang Vũ không chấm dứt, không dừng lại, để những giá trị của nhân cách, của sự trung thực, lẽ phải, niềm tin sẽ sống mãi với thế hệ trẻ?

– Trước đây tôi cũng nghĩ ngợi nhiều lắm, lúc thì đổ tại ả lúc đổ tại anh, “ả” là công chúng, “anh” là nghệ thuật.  Nhưng cũng như một mối quan hệ yêu đương, nếu anh không có gì hấp dẫn ả ngoài chuyện nắm tay, hôn nhau, lấy nhau, đi làm kiếm tiền rồi hỏi nhau tối nay ăn gì, ngày nào cũng đều đặn như thế, không thay đổi thì không ổn. Nhưng bây giờ khi nghĩ sâu hơn nữa thì tôi thấy khán giả đang mất niềm tin. Bản chất của nghệ thuật cho dù là sân khấu hay điện ảnh cũng phải xây dựng được giấc mơ cho khán giả. Mỗi khi bạn bước vào rạp hát, chờ đợi đến giờ diễn là để chờ đợi một giấc mơ. Mà khi niềm tin thiếu thì người ta không muốn xây dựng giấc mơ. Dù đó là giấc mơ hài, giấc mơ bi, giấc mơ được cười người khác hay được khóc cho nỗi đau của mình và của nhân loại, còn một khi người ta không muốn đi đến giấc mơ ấy thì không gì có thể lôi kéo họ.

Khi đi diễn và học hỏi ở nước ngoài, tôi nhận ra một điều, xã hội đang phân hóa, chỉ có những tốp người nhỏ trong xã hội đi tìm giấc mơ và nhà hát phải phù hợp với những hoạt động đó, không thể đại chúng như ngày xưa.  Ngày xưa, khi giá trị niềm tin giống nhau, tất cả chúng ta mong muốn như nhau. Giờ khác rồi, cả sân khấu, điện ảnh đều không cho người ta giá trị niềm tin vào cái tốt đẹp nữa, chỉ có những phim vớ vẩn mì ăn liền, những chương trình hài kịch để cười tức thời là còn bán được, còn những vấn đề khiến người ta phải nhỏ nước mắt để tẩy rửa tâm hồn thì không có nữa rồi.

Hiện nay chúng tôi không biết dựng kịch gì để thu hút được số đông khán giả, để quy về một mối những mớ suy nghĩ hổ lốn đó. Thậm chí một ca khúc 5 phút cũng không làm được điều đó, nếu bạn bật bài hát nhạc xưa lên, con bạn sẽ bĩu môi, nhưng nếu con bạn bắt bạn nghe nhạc Hàn cùng nó thì bạn thà chết còn hơn phải nghe. Khi không cùng chung chí hướng, không cùng chung một giấc mơ thì rất khó để chúng ta xây dựng lại giấc mơ và niềm tin cho xã hội.

– Tôi đồng ý với anh, việc chúng ta bắt một bộ môn nghệ thuật như sân khấu, điện ảnh phải làm cái gì đó để kéo khán giả lại như ngày xưa là một sự hoang tưởng. Nhưng chẳng lẽ chúng ta tự đóng băng và để cho con người bị chuyện tiền nong đè nặng tới mức phải cúi đầu sát đất, chẳng mấy khi ngẩng lên nhìn ngó trời xanh mây trắng nắng vàng?

– Chính vì thế chúng ta phải chuyển hướng, chia nhỏ những gói mong muốn đó ra, để đáp ứng được kỳ vọng của cả một khối người. Mong muốn của khán giả là có thật, nhưng mỗi người mỗi khác, có người vào rạp chỉ để cười, có người bảo không, tôi chỉ xem kịch Lưu Quang Vũ, khi nào có thì bảo tôi, có những ông lại bảo hãy diễn kịch Sekhop của Nga đi. Vì thế bạn phải chia nhỏ mình ra và phải có đủ sức để đáp ứng tất cả các yêu cầu đó như một tiệm tạp hóa. Làm thế thì sẽ mang tiếng là thương mại, thực dụng, nhưng vấn đề là bạn có muốn tồn tại không? Tôi nghĩ phải tồn tại đã rồi tính tiếp, tất cả những phương hướng, đường hướng phát triển sẽ là vô nghĩa nếu chúng ta không tồn tại được. Đúng như câu “Sân khấu thì phải sáng đèn”, và sáng đèn bằng cách nào nếu không tận dụng mọi nguồn lực, tận dụng việc khai thác những mong muốn của từng nhóm khán giả và tận dụng cả sức lực của diễn viên. Tôi nói với diễn viên của tôi, khi bạn làm tốt chúng ta sẽ có tương lai, nếu chúng ta cùng bán được hàng thì chúng ta cùng có thu nhập tốt và sống được. Tất cả đều cùng phải bán hàng, từ đạo diễn, diễn viên, anh làm sân khấu, âm thanh, ánh sáng, chúng ta đều cùng hợp sức bán một món hàng, đó là tác phẩm.

Nghệ sĩ Chí Trung- Nhà hát tuổi trẻ Hà Nội

– Với cái tư duy coi nghệ thuật là hàng hóa thế này, Chí Trung sẽ bị những người theo chủ nghĩa “nghệ thuật vị nghệ thuật” “ném đá” chết thôi?

– Tôi biết chứ, vì tôi thuộc những người ủng hộ “nghệ thuật vị nhân sinh” mà. Tôi nghĩ để một vở diễn thành công thì đạo diễn, diễn viên, tác giả kịch bản mới chỉ là điều kiện đủ thôi, điều kiện cần, còn phải có hàng ngàn khán giả thừa nhận nó. Vở diễn, về bản chất cũng là một món hàng, nó phải được người sử dụng thừa nhận chứ không thể là của mấy ông làm ra nó tự sướng, tự khen, ngồi vuốt râu hể hả với nhau. Sân khấu với tôi vẫn luôn là thánh đường, nhưng nếu đó là một thánh đường rỗng tuếch chỉ có cha xứ với trợ giảng mà không có tín đồ thì thánh đường đó cũng vứt đi.

Vấn đề là khán giả có chấp nhận hay không, chúng ta làm gì cũng phải để cho khán giả hiểu được, đó là mục đích lớn nhất. Làm một tiểu phẩm nhỏ đến đâu, tôi cũng quan tâm đến việc nó có gửi được thông điệp gì đến cho khán giả không, phải làm cho họ hiểu điều mình muốn nói, kể cả có thô vụng một chút cũng được, chứ đừng cao siêu, thánh hóa. Tôi luôn nhìn mọi chuyện bằng con mắt thực tế, tôi không có những vở diễn làm nên sự vĩ đại, cũng chẳng thích vở lịch sử vì tôi thích những câu chuyện của thời điểm này. Khi lòng tin con người bị xô lệch, thì mang chuyện cụ cố cụ kị ra kể để giáo dục con làm gì, hãy kể bằng chính câu chuyện của bố mẹ nó, chú bác nó đã nên người từ khó khăn ra sao.

– Điều anh nói có liên quan đến một vấn đề của đời sống, đó là sự tự cân chỉnh bản thân, nếu mơ màng và duy mỹ quá chúng ta rất dễ thành hão huyền, thực tế quá lại khiến đời sống dễ bị tầm thường. Có vẻ trong Chí Trung, cơ chế điều hòa ngược của anh hoạt động rất tốt? 

– Tôi là người khá khắc kỷ, trông thì có vẻ dễ dãi thế thôi, cười hê hê ha ha suốt nhưng thực ra tôi luôn nghiêm khắc với chính mình. Có nhiều ông bố bà mẹ học dốt bỏ xừ ra nhưng lại cứ kỳ vọng con mình thành vĩ nhân, thế là thế nào? Ông Ngô Bảo Châu rất giỏi toán nhưng đánh giày thì không giỏi bằng một ông chuyên đánh giày, ông Châu cũng không thể đi đôi giày bẩn vào phòng họp được, nên có Ngô Bảo Châu nhưng cũng phải có ông đánh giày thì mới thành xã hội. Thế nên phải biết tự cân chỉnh, phải biết mình là ai, đừng có tự đóng cửa rồi phong thánh cho mình. Hãy bắt đầu một việc tưởng dễ mà khó, biết xin lỗi người nhỏ tuổi hơn mình nếu mình sai. 

 

Thực hiện: Minh An
Ý tưởng: Hà Đỗ
Nhiếp ảnh: Mạnh Bi
Stylist: Tuấn Anh
Phụ kiện: Savatore Ferragamo

>>> Có thể bạn quan tâm:  Có người thì nói thẳng là Chí Trung “quá khôn”, ô hay, chẳng lẽ “khôn” mà không là phẩm chất cho con người hướng tới? Tôi ưa cách làm nghệ thuật của anh, bởi anh thực tế, không chút viển vông, lơ lửng mà luôn gắn mình với nỗi lo “ăn hôm nay phải có củ khoai cho ngày mốt”.

Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!

Thực hiện: depweb

05/12/2013, 11:39