Kịch Bắc, trà chanh và bún đậu - Tạp chí Đẹp

Kịch Bắc, trà chanh và bún đậu

Review

Phó giám đốc nhà hát kịch Tuổi Trẻ, nghệ sĩ Chí Trung trong thời gian vừa qua cũng đã quyết định thực hiện một cuộc giao thoa văn hóa kịch của hai miền Bắc – Nam, khi đem hai tác phẩm nổi tiếng của cố tác giả Lưu Quang Vũ nam tiến, với tên gọi “35 năm – một chặng đường nghệ thuật của Nhà hát Tuổi trẻ”. 

Sau 24 năm kể từ lần đầu tiên ra mắt, “Lời thề thứ 9” được tái dựng cùng dàn diễn viên mới, vẫn mang trong mình hơi thở thời đại về thói vô cảm của con người trong xã hội. Vở kịch đưa ra triết lý nói về mối quan hệ quân – dân: những tình cảm sâu nặng, gắn bó của người chiến sĩ và gia đình, người thân. Mặt khác, vở diễn nêu lên được thói hư tật xấu, lối làm việc quan liêu của các quan chức đương thời.

 

Hình ảnh trong vở “Lời thề thứ 9”

Nội dung chính của vở kịch kể về ba chàng lính trẻ, mặc dù đang tại ngũ nhưng khi nghe gia đình gặp chuyện, đã bồng bột làm theo con tim, bỏ chiến trường nơi biên giới, quay về hỏi tội những kẻ lộng quyền đang chiếm đoạt đất đai, hành hạ người dân vô tội. Trong ba chàng trai đó, Đôn “sứt” là chàng trai có nhiều hoài bão, trăn trở cho thời cuộc. Đối thủ của ba người lính trẻ là ông chủ tịch xã, một người ham mê quyền lực, xu nịnh. Ông chủ tịch xã có câu cửa miệng: “Tôi không hiểu…”. Sau nhiều va chạm, biến cố, đến cuối cùng, người xem nhận ra: chỉ còn tình yêu bao la của người mẹ sẵn sàng đón nhận những đứa con của mình dù chúng có tội lỗi đến đâu.

Bên cạnh “Lời thề thứ 9”, vở diễn thứ hai “Mùa hạ cuối cùng” nhẹ nhàng hơn khi chọn đề tài học đường. Vở diễn kể về cậu học trò lớp 12 tên Châu, một học sinh giỏi, thông minh, tính tình thẳng thắn. Vô tình trong kỳ thi tốt nghiệp lớp 12, Châu phát hiện ra bạn mình đã biết trước đề thi. Do tính tình thẳng thắn, không muốn bản thân và bạn bè được bất kỳ ưu ái nào không xứng đáng, cậu quyết định báo sự việc cho ban giám hiệu với mong muốn đề thi được làm lại. Các thầy cô trong trường đã tổ chức một cuộc họp, nhưng cuối cùng, nhằm bảo vệ danh dự nhà trường, lời đề nghị của Châu không được chấp thuận, trái lại, cậu bị xem như một học trò cá biệt. Châu chán nản, quyết định bỏ thi, nhưng cùng lúc đó, cậu biết được những bí mật đằng sau sự việc đề thi bị lộ.

Một cảnh trong vở “Mùa hạ cuối cùng” của Nhà hát Tuổi trẻ 

Mặc dù cả hai tác phẩm đều đã được viết cách đây trên 20 năm, tuy nhiên khi diễn lại, đề tài học đường, thói vô cảm vẫn là những đề tài nóng bỏng của xã hội hiện nay. Các vở kịch đều có kết cấu rất chặt chẽ, mỗi nhân vật trong tác phẩm đều rất điển hình, đại diện cho một tầng lớp, nhóm người cụ thể trong xã hội. Từng câu thoại, tình huống diễn ra một cách “tự nhiên có xếp đặt” để làm bật lên được nội dung mà kịch muốn truyền tải.

Khi được tái diễn vào tháng 8 năm nay tại Hà Nội, cả hai vở diễn thu hút được rất nhiều khán giả yêu sân khấu đến thưởng thức, làm sống lại không khí kịch của những năm 80. Đó là một thành công rất lớn của nhà hát Tuổi Trẻ. Tuy nhiên, khi Nam tiến, khán giả miền Nam lại như không hào hứng lắm với hai vở diễn này.

 

Một cảnh trong vở “Lời thề thứ 9”

Điều đầu tiên dễ nhận biết nhất là trong hai suất diễn chào sân tại Nhà hát Lớn Tp.HCM, đa phần khán giả đến xem đều là người Bắc và nằm trong nhóm khán giả trung niên. Điều này không lạ, vì ngay chính Phó giám đốc nhà hát Tuổi trẻ, nghệ sĩ Chí Trung cũng cho biết, anh không hi vọng rằng khán giản sẽ ồ ạt đến kín rạp để thưởng thức hai vỡ diễn này, nhóm khán giả mục tiêu của vở diễn cũng được anh cho biết là người Hà Nội đang sống tại Sài Gòn, và số khán giả này dĩ nhiên không quá đông.

Từ lâu, đã có nhiều nhận định cho rằng, người miền Bắc thường thích những thứ có chiều sâu, phải suy tư, văn hóa giải trí của hai miền vì vậy cũng có nhiều sự khác nhau. Kịch Bắc thường không ồn ào, các câu thoại đậm chất triết lý, sâu cay, có khi nghe đó, phải mất một thời gian để thấm thì mới cười và thấy ngoài cái hài hước nó còn có cái chua chát. Kịch miền Nam thường ồn ào hơn, theo kiểu người xưa nói là “hoạt ngôn”. Lời thoại của kịch miền Nam trong những năm gần đây cũng được “xã hội hóa” nhiều hơn, điển hình có sân khấu mang những câu chửi thề lên sân khấu một cách rất tự nhiên, làm khán giả bật cười mà không phản cảm.

 

Cảnh trong vở “Mùa hạ cuối cùng”

Quyết định Nam tiến của nghệ sĩ Chí Trung có thể coi là một quyết định táo bạo, vì rõ ràng trong khoảng 5 năm nay, sân khấu kịch miền Nam phát triển nhộn nhịp hơn hẳn, dẫn đầu là các sân khấu nổi tiếng như Idecaf, Trần Cao Vân, Phú Nhuận, sau đó là các sân khấu mới xuất hiện như Hoàng Thái Thanh, Sân khấu Trẻ, Nụ cười mới… Nội dung của kịch miền Nam cũng mang nhiều hơi hướm thời đại, đô thị hóa, hài hước và có cả “đặc sản” kịch ma. Sự phát triển nhanh chóng đó thể hiện rằng kịch đã trở thành một trong những món ăn tinh thần được giới trẻ ưa chuộng bên cạnh các rạp phim. Một ví dụ điển hình là trong thời gian từ ngày 12 -15/12 vừa qua, sân khấu Idecaf tái diễn “12 bà mụ” – một trong những vở ăn khách nhất của sân khấu này, và vé được bán hết khoảng 2 tuần trước khi công diễn, dù giá khá cao và dối tượng xem đa số là các bạn trẻ. Còn ở miền Bắc, khán giả đến sân khấu kịch vẫn thuộc nhóm trưởng thành, trung niên.

 

Cảnh trong vở “Mùa hạ cuối cùng”

Khó có thể nói rằng lần Nam tiến này của kịch Bắc là thất bại hay thành công. Vì với mục tiêu là chào sân, nhiệm vụ của Lời thề thứ  9”Mùa hạ cuối cùng” đã làm tốt khi thu hút được một nhóm khán giả mục tiêu đến xem. Còn với nhiệm vụ mang đến một món ăn tinh thần mới cho giới trẻ Sài thành, thì hai vở diễn này chưa làm tốt, vì cũng đồng thời là kịch bản của Lưu Quang Vũ, nhưng “Tin ở hoa hồng” được Idecaf dựng nhiều năm trước lại thu hút được nhóm đối tượng trẻ nhiều hơn hẳn.

Nhưng, như hai món ẩm thực nổi tiếng của Hà Nội đã thành công ở miền Nam là trà chanh và bún đậu, kịch Bắc cũng cần có một thời gian dài hơn để người thưởng thức từ từ cảm nhận được vị “ngon” của mình, để người xem đưa nó lên thành món không thể thiếu cho những ngày cuối tuần cần giải trí. Niềm tin vào một sân khấu chuyên diễn kịch Bắc trong miền Nam, có lẽ, vẫn còn khá xa, nhưng chắc chắn sẽ đến đích.

Bài: Chú Hề
Ảnh:  Nguyễn Thế Toàn

>>> Có thể bạn quan tâm:  Từng hơi thở, từng lời nói của Chí Trung đều đậm đặc cái “chất” của Nhà hát Tuổi Trẻ, sôi nổi, nhiệt tình và đầy trách nhiệm. Trò chuyện với anh không khó, vì có nhiều chuyện chưa cần khảo Chí Trung đã xưng, mà rất chân thành.

Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!

Thực hiện: depweb

21/12/2013, 22:56