Một chiều oi ả cuối năm, khoa Tiết niệu Bệnh viện Nhi Đồng 2 (Tp.HCM) đông hơn ngày thường. Gương mặt lo lắng của các ông bố bà mẹ, bế con trên tay, kẻ đứng, người ngồi kín đặc dãy hành lang. Mọi ánh mắt hướng về phòng khám, nơi cách một lớp cửa kính, nhóm bác sĩ từ Italia đang chụm đầu trước bản bệnh án. Xung quanh họ, bác sĩ, y tá và các tình nguyện viên người Việt đều trong tư thế sẵn sàng.
Mỗi đứa trẻ bước vào hay bước ra khỏi phòng khám, đều khiến đám đông bên ngoài xôn xao. Cặp vợ chồng người dân tộc nọ cố lách qua hàng người nêm chặt, đứa trẻ nhỏ xíu khóc ngằn ngặt. Người vợ mặt thất thần, còn anh chồng có vẻ bình tĩnh hơn. “Em bé thế nào anh?”, tôi hỏi. “Được mổ rồi, được mổ rồi…” – anh nhìn tôi, ánh mắt lấp lánh. Đó là một tin mừng, bởi không phải đứa trẻ nào đến đây cũng có thể được phẫu thuật ngay.
Những chồng hồ sơ cao ngất, số thứ tự xếp hàng đã lên đến hàng nghìn, không ít trường hợp phải đợi cả năm trời. Nhón chân nhìn vào bên kia lớp kính, thấy bác sĩ Roberto và các đồng nghiệp đi lại liên tục giữa phòng khám và khu vực hồ sơ. Thi thoảng ông đứng yên, chăm chú nhìn đứa trẻ trước mặt, rồi ông đưa tay nắm lấy vai người mẹ, nói vài câu gì đó khiến chị nấc lên và đưa tay quệt nước mắt.
Tôi biết không ít gia đình đã chờ đợi ngày này cả năm trời, họ đến khám và mang theo quá nhiều hi vọng. Họ mong “ông Bụt” kia có thể làm gì đó cho đứa con kém may mắn của mình, cứu sống nó, hoặc trả cho nó sự bình thường về giới tính. Có thể được, có thể không. Bởi như bác sĩ Roberto chia sẻ, ông chỉ có hai bàn tay và sự cố gắng. Phép màu không thể xuất hiện nhiều lần trong cuộc sống đời thường.
Xen kẽ giữa dòng người chờ thăm khám và những ca mổ kéo dài hàng tiếng đồng hồ, không dễ để thu xếp được một cuộc trò chuyện đúng nghĩa với bác sĩ Roberto. Sau chuỗi ngày “trực chiến” ở bệnh viện Nhi đồng 2, tôi đã may mắn “túm” được ông khi phòng mổ bị hoãn bởi một ca cấp cứu nặng. Cuộc hội thoại của chúng tôi diễn ra cũng trong bầu không khí “trực chiến” ấy.
Bác sĩ Roberto de Castro: “Một mình tôi, sẽ chẳng là gì”
– Chào ông, những ca mổ lần này gặp khá nhiều trở ngại, thiếu phòng mổ, thiếu phòng hồi sức, bệnh nhân phải chờ hết ngày này sang ngày khác. Ông có thấy thất vọng không?
– Không. Tôi cảm thấy rất hạnh phúc là khác, vì cuối cùng chúng tôi vẫn mổ được cho các bệnh nhân. Bệnh viện luôn quá tải. Như lúc này, họ có một ca cấp cứu rất nặng, không thể trách bệnh viện vì hoãn các ca mổ do thiếu phòng được. Các bác sĩ và bệnh viện ở đây đã gắng hết sức. Mọi thứ vẫn đang diễn ra rất tuyệt vời.
– Vậy ông có tin vào tình yêu vô điều kiện không?
– Có chứ, tôi tin. Tôi là một người may mắn. Tôi được làm những việc mình thích, và được gia đình ủng hộ. Điều đó khiến tôi dễ tin vào tình yêu vô điều kiện.
– Nhưng rất nhiều người ngoài kia không thể tin vào điều đó…
– Cái này còn phụ thuộc vào hoàn cảnh. Nếu cuộc đời “nương tay” với anh, thì anh dễ trở thành người tốt hơn.
– Nhưng chị Mai Anh, mẹ của bé Thiện Nhân, đã gặp khá nhiều khó khăn trong cuộc sống riêng, nhưng bằng cách nào đó, vẫn cho đi tình yêu vô điều kiện?
– Mai Anh là một người rất đặc biệt. Tôi chỉ biết ngưỡng mộ cô ấy mà thôi.
– Ông đã làm rất nhiều cho những đứa trẻ Việt Nam, vậy bản thân ông thu được gì?
– Việt Nam ban đầu với tôi là Thiện Nhân. Tôi coi cậu bé như con trai mình. Qua câu chuyện của Nhân, chúng tôi đã biết đến nhiều đứa trẻ khác cũng có hoàn cảnh tương tự, gặp những ông bố bà mẹ đang tuyệt vọng và có cơ hội giúp đỡ họ.
Việt Nam đã cho tôi tình bạn, tình yêu và rất nhiều hạnh phúc.
– Bệnh nhân nào khiến ông nhớ nhất?
– Có một cậu bé tên Sơn, hay còn gọi là Sơn “bô xanh” bởi trong nhiều năm liền cậu không thể đi vệ sinh chủ động, phải ngồi trên chiếc bô cả ngày. Đến giờ, cậu bé đã trải qua 5 ca phẫu thuật lớn, tôi hi vọng mình có thể làm gì đó để cải thiện cuộc sống của bé. Năm ngoái, tôi tặng cho Sơn một chiếc đồng hồ đeo tay màu xanh. Hi vọng lần sau, chúng tôi sẽ gặp lại nhau trong một hoàn cảnh tốt hơn.
Hay hôm qua, tôi gặp Cẩm Uyên, một cô bé rất ngọt ngào. Khi bé nhìn tôi, cười với tôi, chạm vào tôi, rồi tỏ ra thích tôi, đó là một cảm giác rất đặc biệt. Ở đây, tôi được cảm nhận những tình yêu bé nhỏ như vậy, mà không cần phải giao tiếp bằng lời.
– Vậy chúng ta sẽ mổ đến khi nào không còn bệnh nhân chứ?
– Với tôi, hành trình “Thiện Nhân và những người bạn” có điểm khởi đầu nhưng sẽ không có điểm kết thúc. Nhiệm vụ của chúng ta là cứ đi tiếp thôi.
– Nhưng nếu ngày mai ông dừng lại…?
– Không ai có thể nói trước ngày mai sẽ thế nào. Trong khả năng của mình, tôi đã “lôi kéo” nhiều nhất có thể những bạn đồng nghiệp từ Ý, như giáo sư Emilio, ông ấy đã sang đây 5, 6 lần. Năm nay, chúng tôi còn có một bác sĩ rất giỏi từ Mỹ, Tony, ông ấy là một “ngôi sao”. Tất cả họ đều sẵn lòng tiếp tục.
Nhưng không chỉ có bác sĩ, mà chúng ta còn có một đội ngũ rất tuyệt vời đó là các tình nguyện viên, những nhà tổ chức. Chính họ là người thiết kế nên hành trình này. Và hơn tất cả, là công chúng Việt Nam, mọi người hiểu chúng tôi đang làm gì và hết sức hỗ trợ, có thể là những khoản tiền lớn, hay những món tiền nhỏ, song lòng tốt của người Việt Nam chính là nền tảng cho câu chuyện này. Bản thân tôi, nếu chỉ có một mình, sẽ chẳng là gì cả.
– Xin cảm ơn những gì ông đã làm cho Việt Nam.
Một ngày của bác sĩ Roberto ở Việt Nam bắt đầu từ 8 giờ sáng kéo dài đến tối, thậm chí đến tận đêm khuya, đôi khi ngay cả việc ăn trưa cũng trở nên xa xỉ. Nhìn chồng hồ sơ cùng hàng dài thấp thỏm chờ khám, tôi chợt hỏi: “Những đứa bé kia sẽ thế nào nếu một ngày ông không sang đây nữa?”, ông nói: “Đến Việt Nam là định mệnh của tôi rồi. 20 năm nữa, tôi biết mình không thể tiếp tục, tôi cần những người kế cận để hoàn thành công việc này. Vài người trong số họ đang ở trong phòng kia rồi”.