Trước sự trăn trở và lo lắng đó, tôi đã tìm đến người hàng xóm hiện đang làm cô giáo để xin lời khuyên. Cô giáo Nguyễn Hồng Yến đã có hơn 7 năm dạy trực tiếp lớp 1 và có đến 5 năm được tuyên dương là giáo viên dạy giỏi. Cô Yến đã truyền cho tôi những kinh nghiệm quý báu và tôi muốn chia sẻ điều quý giá này với các mẹ đang ở trong hoàn cảnh giống như tôi.
Tìm hiểu về trường học của con
Lớp 1 đánh dấu sự khởi đầu của nền giáo dục chính thức và có lẽ là thời điểm quan trọng nhất trong việc giáo dục trẻ. Lớp 1 được coi là nền tảng cho suốt những năm sau đó của trẻ tại trường cấp 1. Yêu cầu của việc học tập ở lớp 1 khác rất nhiều so với mẫu giáo. Ở lớp 1 con phải độc lập hơn để phù hợp với tác phong và các quy định của nhà trường. Vì vậy, khi đã quyết định cho con học tại trường nào, bố mẹ cần tìm hiểu rõ và các quy định của trường để chuẩn bị trước cho con.
Cho con tới thăm trường trước khi năm học bắt đầu
Để con không bỡ ngỡ và sợ trong ngày đầu tiên đến trường, hãy cho bé đến thăm trường học vài lần trước ngày bắt đầu năm học mới. Điều này sẽ giúp con bớt lo lắng và lên tinh thần cho bước chuyển quan trọng. Phụ huynh cũng nên nói chuyện với con về sự khác nhau giữa lớp mẫu giáo và lớp một, ví dụ như thời gian học, bài tập ở lớp và bài tập ở nhà, giờ nghỉ, giờ ăn,… Bố mẹ cũng cần rèn luyện trước cho con thói quen sinh hoạt phù hợp với sự thay đổi này.
Ôn lại những điều đã được học và làm quen với những điều sẽ được học
Điều quan trọng là con bạn phải nhớ được những gì bé đã được dạy tại lớp mẫu giáo. Nếu không được thực hành lại liên tục, bé có thể sẽ quên đi những kỹ năng cần thiết đã được dạy. Bên cạnh việc ôn lại các kỹ năng đã được học, bố mẹ cũng cần cho con tiếp cận với các những điều bé phải học ở lớp 1 như đọc, viết, đánh vần, toán,… Tuy nhiên, bố mẹ không nên thúc ép, gây áp lực mà nên tạo môi trường học tập thoải mái cho con trẻ. Bố mẹ cần khơi dậy sự hứng thú học tập của con qua các hoạt động lồng ghép như: vẽ giúp con quan sát thiên nhiên, xem phim hoạt hình giúp làm quen với tiếng Anh, hiểu về toán qua các trò chơi với con số, học đánh vần qua trò chơi ghép chữ. Những hoạt động này không chỉ giúp con làm quen với các môn học mới và còn rèn luyện sự tập trung của con.
Bố mẹ cần nhờ rằng, tại thời điểm chuẩn bị này bé chỉ nên làm quen với các môn học chứ không phải học để biết tất cả mọi thứ. Cô Yến cho biết, giáo viên không khuyến khích các em tập viết hay học trước quá sớm. Việc học trước khi con trẻ chưa phù hợp về lứa tuổi, thể chất sẽ dẫn đến việc lệch lạc về tư thế ngồi, nét chữ, tay cầm bút… mà việc sửa lại những “điểm lệch chuẩn” đó còn khó khăn hơn là dạy mới.
Động viên và khuyến khích con
Bố mẹ hãy giúp con nhận ra bé đã lớn và bố mẹ tự hào thế nào về điều đó. Điều này có ý nghĩa rất lớn với trẻ, bởi nó giúp con tự tin vào bản thân mình. Trong giai đoạn chuẩn bị và cả sau đó, bố mẹ cần dành thời gian để trải nghiệm mọi chuyên cùng con. Tuyệt đối không được la mắng và chế giễu ngay cả khi bạn đã rất mệt mỏi. Hãy thể hiện cho con thấy, bố mẹ luôn ở bên để động viên, hỗ trợ và chia sẻ mọi việc cùng con.
Ngày đầu tiên đến lớp không bao giờ là điều dễ dàng với trẻ. Đó chính là lý do, bố mẹ cần chuẩn bị thật kỹ cho con trong quá trình chuyển đổi. Hãy nhớ rằng, đây là một bước tiến lớn của con và là dấu mốc quan trọng trong cuộc đời của con, vì vậy bố mẹ cần quan tâm đặc biệt đến nó.