Trẻ con ăn cắp, lý do từ đâu? - Tạp chí Đẹp

Trẻ con ăn cắp, lý do từ đâu?

ĐẸP KIDS

Hình ảnh mang tính chất minh họa.

Có ba nguyên nhân chính dẫn đến hành vi trộm cắp của con:

– Do xung động trẻ con: Trẻ có thể ăn trộm đơn giản chỉ vì chuyện này dễ như trở bàn tay, trong khi việc kiềm chế khỏi cám dỗ lại khó khăn hơn nhiều.

– Do trục trặc trong giao tiếp với cha mẹ: Trẻ cảm thấy cha mẹ ít quan tâm đến mình. Khi lấy đồ hay tiền của cha mẹ, trẻ mong củng cố mối quan hệ đang lỏng lẻo giữa cha mẹ với chúng.

– Muốn khẳng định bản thân: Nhiều trẻ “xoáy” đồ đạc, tiền bạc để cảm thấy mình không hề kém cỏi, để chứng tỏ mình cũng tinh khôn, can đảm chẳng kém ai.

Trong ba nguyên nhân trên, nguyên nhân thứ nhất phổ biến hơn cả. Dưới đây, chúng ta sẽ tìm hiểu kỹ hơn từng nguyên nhân.

Trẻ thèm khát mà không thể kìm nén

Hầu hết người lớn đều có hai lầm tưởng:
1. Trẻ con là thiên thần trong trắng
2. Trộm cắp là biểu hiện của thế giới tội phạm, hoàn toàn xa lạ với con nhà tử tế.
Hầu như trẻ nhỏ nào cũng gặp khó khăn trong việc kiểm soát ham muốn. Nếu như đứa bé 5 tuổi muốn “chôm” chiếc bánh, thì điều duy nhất có thể khiến nó rụt tay lại là vì sợ bị phạt. Nếu nó nghĩ việc làm ấy chẳng ai biết, ai phạt thì nó không thể nào đừng được. Ngay cả khi biết rằng lấy đồ của người khác là xấu thì nó vẫn vô thức cầm lấy vật mà nó thích.

Ý thức tuân thủ quy tắc đạo đức chỉ được hình thành khi trẻ 6-7 tuổi. Nhưng với một số trẻ (thường là những bé quá hiếu động, dễ hưng phấn), điều này vẫn hết sức khó khăn. 

Sự xung động ở trẻ có thể do bản tính hiếu động thái quá, cũng có thể là phản ứng tạm thời trước một chấn thương tâm lý nào đó (cha mẹ ly hôn, thay đổi nơi ở, chuyển trường…), hoặc do rối loạn tâm thần nghiêm trọng (như bệnh ăn cắp vặt – kleptomania, nhưng theo thống kê của Mỹ, số trẻ em bị bệnh này rất hiếm).

Hình ảnh mang tính chất minh họa.

Biện pháp xử lí: Với trẻ xung động, thiếu kiềm chế, cha mẹ cần kiểm soát nghiêm ngặt và luôn căn dặn chúng về ý thức trách nhiệm. Trẻ con nói chung không bao giờ dám trộm cắp nếu như ngay sau đó bị phạt. Tuy nhiên bạn không cần thổi phồng sự việc lên mức thảm họa vũ trụ, nhưng cũng đừng giả vờ như chẳng có chuyện gì xảy ra. Hãy để con giải thích hành vi của mình trước mặt cha mẹ và “người bị hại”, sau đó xin lỗi và trả lại thứ đã lấy đủ khiến trẻ xấu hổ lắm rồi. Hồi ức về “phiên xét xử” này sẽ giúp con cưỡng lại những cám dỗ về sau.

Trẻ bị “bỏ rơi”

Mẹ của Bin (12 tuổi) tìm đến chuyên gia tâm lý vì một vấn đề khó xử – đã vài lần con trai chị ăn cắp. Nhưng vụ việc gần đây nhất khiến cả gia đình vô cùng xấu hổ. 5 năm trước, mẹ Bin đi bước nữa và có em bé, Bin hầu như chẳng được quan tâm như trước, cậu bắt đầu học hành sa sút và sống khép kín. Những món đồ nhỏ trong gia đình dần biến mất, các vụ trộm nhanh chóng bị phát giác. Tuy nhiên cả nhà chỉ thực sự tá hỏa khi Bin “xoáy” món tiền của khách đến chơi nhà. Bin mời bạn bè đi ăn McDonald, phần tiền còn lại cậu tặng cho người bạn, “vì mẹ cậu ấy là công nhân và cô ấy phải làm việc suốt đêm”.

Hình ảnh mang tính chất minh họa.

Khi cha mẹ quá bận bịu với công việc riêng, hay xuất hiện thành viên mới, trẻ dễ có cảm giác bị bỏ rơi, không được yêu thương như trước. Và trẻ có thể lấy cắp tiền bạc hay đồ đạc như một cách để phục hồi mối quan hệ đang ngày càng lỏng lẻo với cha mẹ. Những vụ trộm này thường dễ dàng bị phát giác. Bởi thực ra trẻ không cần tiền bạc, vật chất. Chỉ là trẻ đang cố gắng gây chú ý với cha mẹ, mặc cho cha mẹ tức giận và mình có thể bị mắng mỏ hay trừng phạt. “Người ta trừng phạt mình còn tốt hơn là người ta chẳng để tâm đến mình”.

Biện pháp xử lí: Đối với trường hợp này, cha mẹ càng làm ầm ĩ hay trừng phạt trẻ thì càng khiến “kẻ tội đồ” tin rằng “chiến lược” mà chúng sử dụng là đúng đắn. Bởi vậy bạn cần bình tĩnh, thay vì ầm ĩ có thể khen ngợi thành tích nào đó của trẻ, tặng một món quà gì đấy, hay cho trẻ chịu trách nhiệm về một khoản tiền tiêu vặt nào đó. Đáp lại sự khoan hồng của bạn, dù không thú nhận chuyện ăn cắp, thì cảm giác xấu hổ vẫn ăn sâu trong tâm trí trẻ. Và điều quan trọng nhất, xin nhắc lại, hãy quan tâm nhiều hơn đến con.

Trẻ muốn làm “superman”

Khi biết con ăn cắp, một số cha mẹ sẽ nổi cơn tam bành, dọa “xé xác” đứa trẻ, một số lại giả lơ làm như không có chuyện gì xảy ra (vì họ cũng chẳng biết xử lý thế nào). Thực ra, không có phản ứng nào là duy nhất đúng đối với chuyện trẻ ăn cắp. Bởi điều này còn tùy thuộc vào nguyên nhân khiến trẻ “ra tay”.
Nhiều phụ huynh luôn thể hiện khát khao con mình được khôn ngoan, tháo vát. Nhưng con trẻ có thể quan niệm rất sai lạc về sự khôn ngoan, tháo vát ấy và sẽ chọn cách thức riêng để trở thành một “superman” như khát vọng của cha mẹ. Mẹ của Mạnh (16 tuổi) một mình nuôi con nên bà luôn ước ao sau này con trai sẽ trở thành trụ cột gia đình. Mạnh thường chơi với các bạn lớn tuổi hơn và dành nhiều thời gian cho việc “làm ăn”. Không biết con “làm ăn” gì nhưng mẹ Mạnh rất tự hào vì từ lâu rồi Mạnh không cần xin tiền mẹ tiêu vặt nữa. Tuy nhiên bà đã sốc nặng khi bị cơ quan chức năng gọi đến cho hay Mạnh tống tiền một bạn cùng lớp. Hóa ra từ lúc 12 tuổi Mạnh đã cùng hai bạn nữa thường xuyên ăn cắp tiền của học sinh trong trường. Mạnh còn đứng ra tổ chức mua bán những món đồ mà chính Mạnh là người ép học sinh lớp dưới phải thó từ nhà mang đến.

Đôi khi trẻ ăn cắp vì ghen tị với con nhà giàu và tìm cách “báo thù” chúng. Tính ghen tị này nhiều khi được “trau dồi” ngay trong gia đình trẻ (ví như ghen tị với đứa em nhỏ).Thường thì phụ huynh sẽ dần dần không thể giám sát nổi dạng “superman” này. Khi thấy chẳng ai kiểm soát, trừng phạt được mình, trẻ bắt đầu tin rằng các nội quy, luật lệ sinh ra không phải là dành cho chúng. Và chuyện “superman” nhí này lọt vào tầm ngắm của cơ quan pháp luật chỉ là vấn đề thời gian.
“Phòng bệnh” như thế nào?

– Cách đơn giản nhất giúp đề phòng tật ăn cắp ở trẻ nhỏ là đừng “nhem thèm” chúng. Ví như không để tiền bạc lung tung, mà cất vào nơi trẻ không thể lấy được.

– Cần phân định rõ với trẻ đâu là đồ sở hữu cá nhân và đâu là của chung – những thứ mà chúng có thể sử dụng nhưng không có quyền quản lý.

– Hãy để trẻ được làm chủ sở hữu một đồ vật nào đấy, trẻ sẽ học cách quản lý tài sản, và từ đó hình thành tính trách nhiệm.

– Trích ra cho con một khoản tiền tiêu vặt và để con toàn quyền quyết định “tài sản” của mình.

– Các biện pháp “phòng bệnh” này không chỉ giúp bạn bảo toàn ngân quỹ gia đình mà còn cả công sức lẫn… nơ ron thần kinh cho chính bạn nữa đấy.

  

Bài: Bình Minh Mưa

logo 

Thực hiện: depweb

11/09/2016, 14:43