Một buổi chiều mùa thu buồn bã, chị tìm đến tôi với vẻ mặt sầu não và nói rằng, gia đình chị đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ. Tôi đã rất bất ngờ, vì từ trước đến nay, bạn bè luôn ngưỡng mộ cuộc sống toàn mỹ của gia đình chị. Nhưng, quả thật…cuộc sống luôn lắt léo một cách khó lý giải. Tôi lắng nghe mà chẳng biết giúp chị thế nào, bởi vấn đề của gia đình chị quá nhạy cảm.
Chị ra về với vẻ mặt chẳng khác mấy so với lúc đến nhà tôi. Tôi lo cho chị. Bởi, tôi biết, thật khó để một người phụ nữ hơn 30 tuổi, mẹ của 2 đứa con đối mặt với nguy cơ gia đình tan vỡ. Nhưng, nếu cứ co rúm người lại và chấp nhận mọi điều để cố gắng duy trì một gia đình đã mất đi những giá trị thiêng liêng vốn có, liệu bạn có hạnh phúc?
Một thời gian sau, tôi nghe nói chị đã ly hôn được vài tháng. Tôi quyết định bỏ lại núi công việc của mình để tìm đến chị với suy nghĩ, giúp chị nhanh chóng vượt qua nỗi đau ly hôn. Tuy nhiên, trước mặt tôi lúc đó không phải là một người phụ nữ tiều tụy như tôi tưởng tượng mà là một phụ nữ trẻ trung, xinh đẹp và tràn đầy sức sống.
Chị tâm sự, không dễ để có thể quyết định ly hôn. Chị đã cố gắng níu kéo gia đình, bởi chị hiểu, cho chồng cơ hội cũng có nghĩa là cho mình, cho con và cho gia đình một cơ hội. Nhưng rồi, khi mọi sự cố gắng không mang lại kết quả, chị đã dừng lại. Chị nói rằng, chị cần dừng lại đúng lúc để bản thân không bị tổn thương, để con trẻ không mang vết sẹo tâm hồn và để chị vẫn có thể cùng chồng nuôi dạy con sau khi hôn nhân tan vỡ. Trước khi ly hôn, chị đã rất lo về việc, làm sao để có lại được cuộc sống bình thường khi trái tim chị đang phải chịu đựng nỗi đau quá lớn và phải gánh vác trách nhiệm làm mẹ với 2 con. Nhưng rồi, chị đã tìm ra cách riêng của mình.
Tôi nghe mà thầm cảm phục người phụ nữ dũng cảm này. Tôi đã thuyết phục chị đồng ý chia sẻ bí quyết, vượt qua nỗi đau ly hôn với độc giả, khi có dịp. Hôm nay, tôi sẽ chia sẻ với các bạn kế hoạch 10 bước giúp chị vượt qua nỗi đau ly hôn.
Bước 1: Thỏa sức đau buồn
Thật đáng sợ khi nhìn thẳng vào khoảng tối tâm hồn và vết thương trái tim, nhưng đây là lúc bạn cần dũng cảm nhìn vào nó, cảm nhận và đau đớn tột cùng với nó. Cho phép mình khóc, gào thét, ném đồ đạc,…Hãy làm bất cứ điều gì bạn thích để thể hiện cảm xúc của mình theo cách mạnh mẽ nhất.
Bước 2: Hạn chế gặp lại chồng cũ
Bạn không thể vượt qua nỗi đau nếu cứ gặp chồng cũ hàng ngày. Hãy cố gắng tạo khoảng cách về không gian và thời gian với người cũ ít nhất trong 6 tháng. Ngay cả khi, hai người đang phải chia sẻ việc cùng nuôi dưỡng con cái cũng hãy cố gắng hạn chế tiếp xúc và liên lạc ở mức tối thiểu. Có như vậy, bạn mới dễ dàng vượt qua nỗi đau.
Bước 3: Chấp nhận sự mất mát
Hôn nhân mang đến cho chúng ta giấc mơ và niềm hy vọng về tương lai. Vì vậy, khi hôn nhân tan vỡ, bạn sẽ cảm thấy trống vắng, hẫng hụt, thậm chí mất phương hướng. Đừng tiếc nuối, hãy chấp nhận sự mất mát và xóa bỏ mọi giấc mơ, mọi kế hoạch trước đó. Đây là quãng thời gian của nước mắt, nhưng cũng không là thời điểm để xóa sạch.
Bước 4: Tìm sự an ủi
Bạn bè và người thân là những “người lắng nghe” lý tưởng trong tình huống này. Tuy nhiên, vì một lý do nào đó mà bạn thấy không thấy thoải mái để tâm sự với bạn bè và người thân, hãy tìm đến chuyên gia tư vấn hay tham gia cộng đồng gồm những người có hoàn cảnh giống bạn. Kinh nghiệm của họ sẽ giúp bạn nhanh chóng vượt qua nỗi đau ly hôn.
Bước 5: Nhìn lại sự thất bại
Nhìn lại sự đổ vỡ của mình cùng một người bạn thân thiết hay qua cuốn nhật ký là bước không thể bỏ qua. Tuy nhiên, để bước này có kết quả như mong muốn, bạn phải thật cởi mở, trung thực và đừng cố gắng đổ lỗi cho người khác. Hãy nhìn mọi việc theo cách khách quan nhất.
Bước 6: Hãy tha thứ cho chồng cũ
Nó có thể là thách thức khó khăn. Bởi, không dễ để tha thứ cho người đã làm bạn mất đi niềm tin, giấc mơ và cuộc sống hạnh phúc. Tuy nhiên, hãy cố gắng tha thứ cho người cũ cả trong trái tim và tâm trí. Vì, sự tha thứ sẽ giúp bạn nhanh chóng vượt qua nỗi đau.
Bước 7: Hãy tha thứ cho chính mình
Dù bạn đã mắc sai lầm gì thì cũng đã đến lúc ngừng việc tự trách móc bản thân. Hãy nghĩ đến những điều tốt nhất bạn đã làm cho chồng, cho con và cho gia đình. Bạn có thể sẽ thù ghét chính bản thân mình vì sự đổ vỡ, có thể cảm thấy có lỗi với con vì không thể cho con một gia đình trọn vẹn. Nhưng, hãy nghĩ rằng, bạn đã làm mọi thứ tốt nhất có thể và tha thứ cho bản thân. Bởi, chỉ khi tha thứ cho bản thân, bạn mới có thể bước qua nỗi đau.
Bước 8: Xây dựng các mối quan hệ
Ly hôn có thể sẽ làm thay đổi các mối quan hệ đã có trước đó của bạn. Nếu không thấy thoải mái với những người bạn này, hãy xây dựng cho mình một mạng lưới bạn bè mới. Bạn có thể tham gia câu lạc bộ những người thích đọc sách, những người yêu mèo hay một cộng đồng trực tuyến… Bạn sẽ tìm thấy sự thoải mái trong những mối quan hệ mới này. Điều này sẽ giúp bạn nhanh chóng lấy lại cân bằng trong cuộc sống.
Bước 9: Hãy thận trọng khi bắt đầu một mối quan hệ lãng mạn
Đừng vội vàng trong các mối quan hệ lãng mạn. Đừng cố gắng tìm một người đàn ông mới để thay thế người đàn ông đã ra đi. Hãy thật thận trọng. Bạn cần hiểu rõ về người ấy, xác định rõ tình cảm của mình và mối quan hệ của bạn với người ấy. Nếu mọi thứ đều đã được cân nhắc và bạn thấy rằng, đó là một mối quan hệ lành mạnh, hãy tiến về phía trước.
Bước 10: Trở thành người mà bạn muốn
Khi bắt đầu bước ra khỏi “bóng tối”, hãy xác định những điều bạn muốn làm. Hãy “tân trang” lại bản thân và thiết lập các mục tiêu cụ thể. Không nhất thiết phải biến mình thành người khác, bạn chỉ cần quay lại với những điều đã bỏ quên trong thời gian là người phụ nữ của gia đình. Những điều này sẽ giúp bạn bắt đầu cuộc sống mới.
Bài Lê Anh
Mẹ đơn thân dạy con trai thế nào cho tốt?