KTS An Việt Dũng – từ ban công mang “khẩu trang xanh” đến mô hình VAC trên cánh đồng đô thị - Tạp chí Đẹp

KTS An Việt Dũng – từ ban công mang “khẩu trang xanh” đến mô hình VAC trên cánh đồng đô thị

Nhà Đẹp

Từ những chiếc ban công nhỏ ngập tràn sắc xanh đến mô hình VAC đô thị, kiến trúc sư An Việt Dũng luôn nỗ lực để không chỉ “xanh hóa” mà còn làm đẹp mới không gian sống của gia đình Việt.

Sức sống mới cho ban công nhà tập thể

Trở lại Hà Nội sau một thời gian học tập tại Ý, khi lang thang cùng bạn bè trên phố phường, An Việt Dũng từng có một băn khoăn: những ban công bị bỏ phí biến thành không gian chết, phải làm gì để chúng sống lại? Anh cho rằng căn nhà cũng có gương mặt, mỗi ngày nhận lấy khói, bụi, ánh nắng thì sau bao nhiêu lâu căn nhà ấy sẽ tích tụ những gì? Vì sao chúng ta có khẩu trang, còn ngôi nhà thì không? Hành trình may một chiếc khẩu trang cho những ngôi nhà bắt đầu. Sẽ tuyệt hơn nếu là khẩu trang xanh, một màng lọc không khí.
Anh và cộng sự đi tìm một căn hộ tập thể cũ có khoảng ban công bỏ trống và cải tạo thành văn phòng làm việc. Ban công sinh thái đầu tiên đã ra đời từ hy vọng biến không gian chết thành vườn cây sống.

Anh Dũng dựng một giàn thép tái chế gồm nhiều hộp vuông rỗng để đặt chậu cây xanh, bể cá, có thác nước chảy liên tục. Giàn thép này trở thành bức tường chắn bụi, che nắng chiếu, chống mưa tạt trực tiếp vào nhà. Nếu khéo trồng còn có rau thơm, những loại quả gia vị để ăn hoặc hoa tươi để cắm.

Từ thử nghiệm cho chính mình, An Việt Dũng đã “may” được gần 40 tấm khẩu trang – ban công xanh cho các căn hộ chung cư, tập thể, nhà ở tại Hà Nội. Anh cũng mang ý tưởng của mình đến Thái Lan, nơi những căn nhà có mặt tiền phía Tây nắng nóng cần giải pháp tiết kiệm điện.

Mỗi ban công là một bức tường mới được dựng lên từ tre, gỗ tái sử dụng hay thép xoắn thừa lượm nhặt ở các công trình cũ. Thép có cuộc đời ẩn trong bê tông bị lấp đi, nay được sống lại trên những ban công Hà Nội.

Gieo mầm xanh trên cánh đồng đô thị

Khi đã phần nào hài lòng với chiếc ban công nhỏ, An Việt Dũng lại có băn khoăn mới: trẻ con thành phố ngắm nhìn thiên nhiên như thế nào, làm thế nào để dựng vườn đúng nghĩa trong nhà phố? Từ đó, anh tiếp tục xây dựng dự án VAC đô thị.

Người thành phố thường thích đặt cây cảnh, bể cá nhỏ trong nhà. Nếu có biệt thự, sân vườn thì dựng hòn non bộ, hồ cá rồi đặt nhiều chậu cây. Đó là cách trang trí cảnh quan thông thường. Những ngôi nhà ấy cần một hệ sinh thái xanh thu nhỏ như món quà cho lũ trẻ, giúp chúng hiểu thế nào là một khu vườn đích thực để yêu thiên nhiên.

Mô hình VAC ở nông thôn ai cũng biết nhưng chưa ai đặt trong không gian đô thị. An Việt Dũng định nghĩa đó là một khu vui chơi thu gọn trong sân vườn của các gia đình. Có hồ cá, vườn cây, chuồng gà gắn liền và nuôi sống nhau.

Trong khoảng vài chục mét vuông, kiến trúc sư thiết kế một hồ cá koi nhỏ, giàn gỗ chứa các chậu cây và chuồng gà. Máy bơm tự động lấy nước từ hồ cá tưới lên các bồn cây. Trong bồn cây chứa hạt đất sét nung, rỗng bên trong để thẩm thấu phân cá từ nước nuôi cây, đồng thời làm sạch nước trả về hồ. Gần chuồng gà trồng vài cây ớt, trên bồn trồng các loại rau thơm, hoa và quả.
Công trình này chọn gỗ thân thiện với môi trường, mái lợp là hệ thống pin mặt trời cung cấp năng lượng cho máy bơm. Có không gian cho trẻ con đọc sách, người lớn ngồi nghỉ ngơi. Sau tất cả, lũ trẻ hiểu thiên nhiên là điều gì đó rất kì diệu, mọi sinh vật cần sống nương tựa vào nhau không thể tách rời. Từ đó mà bọn trẻ như hạt mầm lớn lên với khát vọng sống xanh.

KTS An Việt Dũng: “Phải trả lại thiên nhiên những gì chúng ta đã lấy”

Anh có thấy nhiều người quan tâm đến việc xây dựng một không gian sống xanh?

Thời gian gần đây, cụm từ “kiến trúc xanh” như một mặt hàng thời trang được nhiều người quan tâm và dùng chúng để chưng diện. Thay vì nhìn ở bề nổi, tôi nghĩ cần hiểu sâu, hiểu đúng.
Anh lý giải về kiến trúc xanh như thế nào?

Tất cả phải xuất phát từ lối sống của mỗi người. Tôi thường thuyết phục chủ nhà xây dựng không gian sống thụ hưởng và bền vững dựa trên ba điểm nhìn. Thứ nhất là không gian gắn kết mọi thành viên trong nhà; thứ hai là không gian đón được nắng, gió tự nhiên và tiết kiệm năng lượng; thứ ba là ngôi nhà phải được dựng lên từ vật liệu thân thiện với môi trường.

Theo anh, làm cách nào để xanh hóa những công trình?

Tôi nỗ lực tiệm cận đến khái niệm zero cacbon (không thải khí cacbon trong quá trình thi công) bằng cách tái sử dụng vật liệu, dùng bê tông xơ dừa, gỗ tre ép, gỗ pallet, gạch nung, ngói Bát Tràng… Tôi ưu tiên vật liệu địa phương, không mất năng lượng vận chuyển. Và như đã nói ở trên, phải làm sao để công trình đó bền vững trong quá trình sử dụng. Ngày bé, tôi đi qua những hang động và rất bất ngờ về không gian ấy. Thiên nhiên là công trình kiến trúc đẹp nhất. Khi chúng ta xây công trình mới đồng nghĩa với việc làm tổn thương thiên nhiên, phải nghĩ cách trả lại nhiều nhất những gì đã lấy.

Cảm ơn chia sẻ của anh.

Tác giả: Đẹp Online

27/06/2022, 09:00