Có người cha cực “oách” là tay kèn nổi tiếng nhất Việt Nam, nhà sản xuất của một series âm nhạc uy tín kéo dài một thập kỷ, nhưng Nân có một hành trình đến với âm nhạc không hề theo kiểu “con nhà nòi”.
Lớn lên trong một ngôi nhà đầy nhạc cụ nhưng Nân không hề học bất kỳ món đàn nào cho tới tận năm lớp 8. Bố mẹ cô không mặn mà với việc để con gái theo nghiệp cha, có lẽ vì đã chứng kiến hành trình sống với đam mê quá nhọc nhằn. Năm lớp 11, Nân mày mò viết nhạc và có nhóm khán giả đầu tiên. Tốt nghiệp cấp 3, dù đã ghi danh vào đại học RMIT chuyên ngành Quản trị, Nân bảo lưu sau nửa năm vì biết rằng, cuối cùng, trở thành nghệ sĩ mới là con đường không thể “chạy trốn”.
Nân có cảm thấy thiệt thòi khi bước vào làng nhạc với một khoảng trống về nhạc lý mà lẽ ra em có dư điều kiện để lấp đầy trước đó?
Em lớn lên trong một bầu không khí mà ai ở xung quanh cũng yêu âm nhạc. Bố làm nhạc, mẹ yêu bố và yêu âm nhạc nên từ nhỏ em đã được nghe đủ thể loại. Một ngày, bố đường đột chở em lên Hàng Đẫy, mua cho một chiếc guitar rồi bảo: “Con mang về tập đi”. Em thì bướng nên nghĩ, tại sao mình đang học piano bố lại bắt mình học guitar mà không đưa ra lý do, nên… cự tuyệt. Cây đàn bố mua được dựng ở đó nhiều năm, em không đụng tới, bố phải mang cho người khác. Sau này, một người bạn trước khi đi du học cho lại em cây guitar, khi ấy em mới bắt đầu mày mò chơi.
Con đường đến âm nhạc của em là hành trình… tự đầy. Em nghe nhạc, nhìn bố làm việc rồi tự nhiên một ngày thấy không thể từ bỏ nó, không giống với khái niệm học thông thường. Em tin bản thân và tin rằng bố mẹ cũng tin em: nếu theo âm nhạc em sẽ tận lực một cách nghiêm túc.
– Sinh năm 2001
– Ca sĩ, người viết nhạc
– Con gái của nhạc sĩ Hồng Kiên
Có một “ông bố đỉnh” mà không tận dụng được gì, em có thấy hơi hoài phí?
Ở nhà em rất thoải mái với bố, nhưng chỉ là không nói về âm nhạc. Khi thấy không thể cản em làm nhạc, dù không ai nói ra, nhưng cả bố và mẹ đều thể hiện mong muốn là nhà đầu tư chính. Chẳng hạn, bố mua mic cho em đi diễn cùng ban nhạc Windrunner. Thỉnh thoảng đi đâu đó xa xa bố lại mang về cho em một cuộn dây hay con Amp (bộ khuyếch đại âm thanh trong phòng thu – PV).
Bây giờ còn trẻ thì em thích được hát, nhưng lâu dài em muốn trở thành người đứng sau, giống như bố bây giờ: làm nhạc cho người khác hát.
Vậy là em vẫn thần tượng bố?
Ôi! Ở ngoài ai cũng thấy bố em là người mẫu mực, nhưng ở nhà bố “dở hơi” và đùa siêu nhạt. Mỗi lần bố định đùa gì đó, cả nhà phải quay ra hỏi nhau vì sao chuyện ấy lại đáng cười…
Vậy đấy mà em vẫn nể bố và càng lớn càng hiểu vì sao kể cả người không thích bố vẫn phải nể bố. Ngày xưa ông nội em cũng thổi kèn nhưng bố giống em, không được học hành gì bài bản. Bố là người gần như tự học hoàn toàn, từ kèn đến công việc hòa âm hay làm sản xuất. Bố đã mất 20 năm cặm cụi để có sự thừa nhận trong sự nghiệp hôm nay. Nhưng điều em thực sự tin là, trong 20 năm với âm nhạc đó, chắc chắn bố chưa bao giờ làm để mong mình được thừa nhận cả. Những điều bố đã làm đủ là bài học cho em.
Em đã học được bài học quan trọng nhỉ, rằng ADN tạo ra một tài năng hóa ra rộng lớn hơn nhiều cái gọi là gen di truyền?
Quan trọng nhất là tình yêu chị ạ! Ngoài tình yêu với âm nhạc còn là tình yêu với nhau. Nhà em chưa bao giờ giàu nhưng em thấy bố chưa bao giờ tiếc điều gì cho âm nhạc. Cũng vậy, dù trải qua những giai đoạn túng thiếu khi bố chưa làm ra nhiều tiền, em luôn thấy mọi người trong nhà sống thoải mái bên nhau.
Bố và mẹ em ở hai thế giới khác nhau. Mẹ là con một gia đình trí thức mang tính học thuật, còn ông bà nội em làm nghề buôn bán sinh nhai. Thế mà họ đến bên nhau mà chưa từng đặt nặng điều gì ngoài việc quan tâm đến cảm xúc của nhau. Có lúc em thắc mắc sao hai người yêu nhau lâu và nhiều như thế. Bài hát “Buồn cười” được viết ra từ chính những điều “kỳ dị” em thấy bố mẹ thể hiện với nhau. Khi em hát, cuốn phim về tình yêu của họ cứ thế hiện ra, em thấy mình hát nó thật thoải mái. Em bắt đầu làm nhạc như thế, bằng câu chuyện của mình. Tình yêu của bố với âm nhạc, của bố mẹ với nhau tự nhiên chảy tràn sang tình yêu em dành cho mọi thứ trong đời.
THE NEXT GENERATION
Ngành công nghiệp giải trí Việt Nam đang được định hình bởi một thế hệ mới. Sinh ra và lớn lên trong bầu khí quyển đậm đặc của kỷ nguyên công nghệ, họ là lớp người sở hữu những góc nhìn văn minh và tiếng nói cá nhân đầy quyết liệt.
Đọc thêm:
– Nân – sinh ra từ tình yêu kỳ dị tuyệt vời
– Minh – chàng nghệ sĩ trưởng thành từ YouTube
– Mỹ Anh – đã đến lúc bước thẳng vào nỗi sợ
– Lê Hữu Khương – đọc sách, cưỡi ngựa, khiêu vũ và ăn kiêng
– Marzuz – cây xương rồng mong manh
– Amélie Ngọc Linh – từng muốn bỏ nghề mẫu ngay sau buổi chụp đầu tiên
– Nghệ sĩ saxophone An Trần: “Em phải tìm một con đường khác, không giống ba”
– Cece Trương – giọng ca giàu nội lực
– Otis Nhật Trường – “nam thần học đường” lột xác
– Lý Đạt Thành – làm sáng tạo luôn cần trở về vạch xuất phát
– Nguyễn Phan Linh Đan – nữ d.o.p hiếm hoi của điện ảnh Việt Nam
– Samuel An – trưởng thành từ lời phê bình
– Trần Lãng Khê – bước từng bước để tới được LHP Cannes
– TLinh – đừng ưu ái chỉ vì tôi là phái nữ
– Emma Lê – “bông hồng lai” luôn thích thử thách bản thân
Tổ chức chuyên đề: Hương Thủy – Chỉ đạo mỹ thuật và sản xuất: Hellos.
Nhiếp ảnh: Khánh Nguyễn
Stylist: Mega Blonde
Trang phục: DANGHAIYEN – Giầy: Dr. Martens
Trang điểm & làm tóc: PSI PSI
Trợ lý trang điểm & làm tóc: Sam