Muốn con trưởng thành và mạnh mẽ, hãy bỏ ngay những cách nuôi dạy sai lầm này - Tạp chí Đẹp

Muốn con trưởng thành và mạnh mẽ, hãy bỏ ngay những cách nuôi dạy sai lầm này

ĐẸP KIDS

Chúng ta cứ nghĩ rằng việc bảo vệ con cái khỏi những mối nguy hại là đang bảo vệ chúng, nhưng thực ra hành động đó chỉ đang kìm hãm sự phát triển cảm xúc của chúng.

Chúng ta đều biết những hành vi ngược đãi, lạm dụng hoặc bỏ rơi có thể ảnh hưởng lâu dài đến trẻ em. Thế nhưng, những hành vi bảo bọc, che chở quá mức lại được xem là nguy hiểm hơn cả các hành vi bạo ngược, được ví như những “viên đạn bọc đường” bởi tác hại của những điều này khó hiển hiện ngay tức thì. Chúng làm méo mó tính cách, nhận thức và mức độ trưởng thành của trẻ trong tương lai.

Bảo vệ trẻ khỏi cảm xúc đau, buồn

Người lớn thường nghĩ trẻ con còn nhỏ, không thể chịu nổi các hoạt động quá sức hoặc các câu chuyện quá đau buồn. Khi con mèo cưng của con chẳng may chết đi, bạn thà sẽ chọn nói dối con “Con mèo đi chơi rồi” còn hơn thẳng thừng khẳng định nó đã chết. Tuy nhiên, những đứa trẻ thiếu kinh nghiệm đối mặt với nỗi đau thường trở thành những người dễ suy sụp hơn khi gặp nghịch cảnh vào tuổi trưởng thành.

Không để trẻ thể hiện thái độ tiêu cực

Việc bảo trẻ “đừng lo lắng nữa” hoặc “đừng khóc nữa” vô hình chung sẽ khiến trẻ nghĩ rằng những cảm xúc đó của chúng rất tệ, rằng chúng không được thể hiện cảm xúc ấy ra bên ngoài. Bạn đang gián tiếp dạy con có xu hướng che giấu cảm xúc hoặc làm mọi cách dù là tiêu cực để kìm nén nỗi đau.

Chỉ khen ngợi thành tích của trẻ

Khi bạn tuyên dương lúc con đạt điểm tuyệt đối trong bài kiểm tra toán hoặc vượt qua một màn khó trong trò chơi, bạn đang dạy chúng rằng việc có được một thành tích tốt là điều rất đáng khen.

Tuy nhiên, một lời khen có giá trị là một lời khen đúng lúc. Những đứa trẻ chỉ nghe khen ngợi suốt ngày có thể chỉ chăm chăm nghĩ tới thành công và làm mọi cách để đạt được điều chúng muốn. Thay vào đó, hãy khen trẻ kết hợp với việc dạy trẻ nỗ lực làm việc chăm chỉ để đạt được điều đó. Khi con chần chừ trước một điều gì mới mẻ, hãy khuyến khích con thử làm và động viên khi chúng thất bại.

Sử dụng nỗi sợ hãi để khiến con nghe lời

Việc đe dọa, làm cho trẻ xấu hổ hoặc đánh để chúng nghe lời là một trong những cách giáo dục tệ nhất. Dần dà, con sẽ có xu hướng đưa ra quyết định dựa trên nỗi sợ hãi thay vì dựa trên những gì chúng tin là đúng. Khi trưởng thành, trẻ sẽ khó đưa ra quan điểm cá nhân hay không tin tưởng bản thân mình.

Mong đợi sự hoàn hảo

Đặt mục tiêu cao trong mọi việc, từ việc con có thể ném quả bóng này vào rổ, hay việc con có thể đạp xe đạp qua hết con phố có thể là một cách giáo dục tốt. Nó dạy con hiểu rằng con có thể làm được nhiều hơn những gì con nghĩ.

Nhưng mong đợi sự hoàn hảo quá mức có thể khiến trẻ cảm thấy như không bao giờ có thể thỏa mãn những mục tiêu mà cha mẹ chúng đưa ra. Trong suốt quá trình trưởng thành, chúng sẽ thường xuyên cảm thấy bản thân không đủ tốt vì đã không thể đạt được những gì cha mẹ chúng yêu cầu, hay tỏ ra phản ứng ngầm, muốn làm trái lại những điều bạn muốn.

Bắt con cái “sống tiếp cuộc đời của mình”

Cha mẹ cũng có những ước mơ, những dự định chưa thể thực hiện, và khi con làm được những điều đó, chính các bậc phụ huynh cũng cảm thấy hài lòng.

Nhưng khi các bậc phụ huynh khăng khăng bắt con trẻ cố gắng đạt được những ước mơ chưa thực hiện của mình, thì con cái của họ có khả năng lớn lên mà không có ý thức rõ ràng về việc bản thân yêu thích và muốn làm gì. Chúng có thể bực bội với cha mẹ trong khi tiếp tục phụ thuộc để các bậc phụ huynh giúp chúng đưa ra quyết định.

Không thể hiện tình cảm với chúng

Trẻ em cần sự hiện diện của bạn hơn quà cáp. Những bậc cha mẹ quá bận rộn, luôn dán mắt vào điện thoại, không mấy quan tâm trong việc nuôi dạy con về mặt tinh thần sẽ không thúc đẩy sự phát triển cảm xúc của con họ. Lớn lên, trẻ có thể gặp khó khăn trong việc phát triển các mối quan hệ lành mạnh, có ý nghĩa khi trưởng thành.

Thực hiện: Hồng Vân

10/12/2020, 15:35