Nhật ký cách ly: "Chuyến bay nhân đạo" và hành trình trở về quê hương - Tạp chí Đẹp

Nhật ký cách ly: “Chuyến bay nhân đạo” và hành trình trở về quê hương

Sống

Nhật ký cách ly những ngày Coronavirus/Covid-19

Để tránh lây lan Coronavirus/Covid-19 nhiều khu vực đã được thiết lập để trở thành nơi cách ly cho những người có nguy cơ nhiễm bệnh khi trở về Việt Nam từ vùng dịch. Từ đây những câu chuyện bên kia cách cổng cách ly đã được người trong cuộc kể lại một cách đầy sinh động, mang lại nguồn sinh khí đầy hấp lực cho mọi người giữa tâm bão của đại dịch.

Đọc thêm các bài cùng chủ đề:

Nhật ký cách ly: Câu chuyện của một người trong cuộc

Nhật ký cách ly: “Chuyến bay nhân đạo và hành trình trở về quê hương

Nhật lý cách ly: Chàng nhiếp ảnh gia Vũ Việt Linh và hành trình cách ly đầy thú vị

Nhật ký cách ly: Cô du học sinh Phần Lan học cách “reset” cuộc sống lại từ đầu theo hướng tích cực hơn

Chuyến bay cuối cùng đưa những người con xa xứ trở về Việt Nam từ châu Âu, tâm dịch COVID-19 lớn thứ 2 thế giới, hạ cánh an toàn trong sự giám sát chặt chẽ của đội ngũ y tế. Là một trong những hành khách trên chuyến bay cuối cùng ấy, anh Thành Trần đã kể lại hành trình bay từ châu Âu trở về quê nhà và không quên gửi lời cảm ơn chân thành đến phi hành đoàn trên “chuyến bay nhân đạo” ấy.

Theo lời kể của anh Thành Trần, lúc ấy, chỉ có khoảng 6 chiếc máy bay Vietnam Airlines đậu ở sân bay Heathrow, CDG và Frankfurt. Đây cũng là những chuyến bay cuối cùng đưa công dân Việt Nam còn ở châu Âu về nước. Riêng chuyến bay của anh chỉ có 18 người trên tổng số 300 chỗ. Trong số “18 người trên chuyến bay có 17 người là người Việt“.

Khi làm thủ tục xuất cảnh tại quầy check-in, anh Thành Trần không khỏi ngạc nhiên trước khung cảnh chưa từng có trước đây. Anh chứng kiến người châu Âu xếp một hàng dài đợi đến lượt đặt vé Vietnam Airlines để đến Việt Nam tránh dịch, nhưng bị từ chối xuất vé “vì chỉ những ai có hộ chiếu hoặc thẻ cư trú tại Việt Nam mới có thể lên những chuyến bay này“.

Trong hàng người đó, có thể dễ nhìn thấy ánh mắt tuyệt vọng của những người đàn ông trung niên. Có một đôi trẻ nói rằng cho tôi bay đi đâu cũng được, miễn là ra khỏi châu Âu“, anh chia sẻ. Trước đó, anh đã chuẩn bị đủ lương thực, nước uống, đồ dùng cá nhân để “cố thủ” ở châu Âu, đến khi nghe được những lời khẳng định tính nghiêm trọng đáng báo động của dịch COVID-19 từ Thủ tướng Anh Boris Johnson, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Markle, anh quyết định trở về Việt Nam.

hanh trinh cach ly thanh tran - 1

Khác hẳn không khí nhộn nhịp thường thấy ở các sân bay, lần này, sân bay rất vắng, thậm chí số lượng hành khách còn ít hơn nhân viên hàng không. Đó chưa phải là điều bất thường duy nhất, hầu hết các nước châu Âu và Hoa Kỳ đều cho rằng người khỏe mạnh không nên đeo khẩu trang, hơn nữa, khẩu trang còn là “biểu tượng của sự phân biệt chủng tộc” ở các quốc gia này. Họ sẵn sàng buông lời dèm pha khi bắt gặp bất cứ ai đeo khẩu trang đi trên đường, thậm chí là đánh đập. Thế nhưng, trong một lúc vô tình kéo khẩu trang xuống khi đi ngang qua khu kiểm tra an ninh, anh được một nhân viên kiểm tra người Đức nhắc “put your mask on” (hãy đeo khẩu trang vào).

Khi lên máy bay, các hành khách trên chuyến bay đều được phát khẩu trang và sát khuẩn tay. Tiếp viên mặc đồ bảo hộ từ đầu đến chân, đeo kính và găng tay kín mít. Thức ăn đều được bảo quản bọc cẩn thận. Nhà vệ sinh của hành khách và tiếp viên riêng biệt, không dùng chung.

hanh trinh cach ly thanh tran - 2

Trên chuyến bay trở về Việt Nam, anh Thành Trần không ngừng hồi tưởng về hậu quả của dịch COVID-19 ở châu Âu: “Tôi hầu như không ngủ trên cả chuyến bay, nghĩ đến những gì đang xảy ra ở châu Âu. Nhất là nghĩ đến con số người chết ở Ý. Trong một ngày mà gần 400 người chết. Người ta xử lý thi thể người chết do nhiễm bệnh thế nào? Chắc chỉ có thể đi thiêu, sau đó mang đi chôn tập thể. Đối với người Việt theo đạo ông bà thì luôn có sự liên kết giữa người trần và tổ tiên, chuyện thờ cúng, ma chay, cải táng là rất quan trọng. Có lẽ, người châu Âu quan niệm chết đơn giản là lên thiên đàng, chết kiểu gì cũng như nhau nên họ mới chủ quan, chẳng quan tâm đến dịch bệnh đến vậy. Đại dịch này sẽ thay đổi rất nhiều thứ“.

Khi máy bay hạ cánh xuống sân bay Vân Đồn, các hành khách đều cảm thấy như tìm được chốn bình yên giữa cơn dịch. Sau khi bước xuống máy bay, hành khách và hành lý đều được phun khử trùng. Sau đó, các nhân viên hải quan, cán bộ y tế tiến hành đo thân nhiệt và khai báo y tế cho các hành khách.

hanh trinh cach ly thanh tran - 3

Sau khi hoàn tất các thủ tục từ hải quan, anh Thành Trần được xe đưa đến khu tập trung ở Bắc Ninh để cách ly 14 ngày. Anh cho biết thêm: “Họ (người thuộc diện cách ly – PV) có hai lựa chọn, nếu ở doanh trại thì cách ly tập trung, 3 người một phòng, miễn phí hết mọi thứ; còn nếu ở khách sạn (cũng cách ly và có bộ đội quản lý) thì được ở một mình nhưng tự chi trả chi phí. Ai ở phòng người nấy, không được ra khỏi phòng, kể cả hành lang. Có người mang cơm nước đến. Có người đến kiểm tra sức khỏe, đo nhiệt độ thường xuyên. Người nhà có thể đến tiếp tế đồ dùng, thực phẩm, nhưng chỉ được mang vào chứ không được mang gì ra“.

Quy trình cách ly bắt buộc đối với những hành khách từ tâm dịch COVID-19 hoặc có nguy cơ nhiễm bệnh cao đều được thực hiện nghiêm chỉnh theo chỉ định của Bộ Y tế. Trên tinh thần “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, chấp hành nghiêm túc các quy định cách ly, đại dịch toàn cầu COVID-19 sẽ sớm được đẩy lùi.

 

Tác giả: Tô Hoàng Bảo (tổng hợp từ FBNV)

19/03/2020, 10:00