Nhật ký cách ly: Câu chuyện của một người trong cuộc - Tạp chí Đẹp

Nhật ký cách ly: Câu chuyện của một người trong cuộc

Sống

Nhật ký cách ly những ngày Coronavirus/Covid-19

Để tránh lây lan Coronavirus/Covid-19 nhiều khu vực đã được thiết lập để trở thành nơi cách ly cho những người có nguy cơ nhiễm bệnh khi trở về Việt Nam từ vùng dịch. Từ đây những câu chuyện bên kia cách cổng cách ly đã được người trong cuộc kể lại một cách đầy sinh động, mang lại nguồn sinh khí đầy hấp lực cho mọi người giữa tâm bão của đại dịch.

Đọc thêm các bài cùng chủ đề:

Nhật ký cách ly: Câu chuyện của một người trong cuộc

Nhật ký cách ly: “Chuyến bay nhân đạo và hành trình trở về quê hương

Nhật lý cách ly: Chàng nhiếp ảnh gia Vũ Việt Linh và hành trình cách ly đầy thú vị

Nhật ký cách ly: Cô du học sinh Phần Lan học cách “reset” cuộc sống lại từ đầu theo hướng tích cực hơn

LTS: Là một người yêu bóng đá, là “fan ruột” của đội tuyển Đức và câu lạc bộ Bayern Munich từ hơn 20 năm, nhưng phải đến đầu năm 2020 anh Nguyễn Hồng Đức mới có được một chuyến công tác tại Đức – chuyến công du mà anh tâm sự trên trang cá nhân là ‘đã chờ đợi 25 năm.’

Oái oăm thay, chuyến đi này rơi đúng vào thời điểm dịch COVID-19 bùng phát và ngày 15/3 trở về nước sau chuyến công du vẻn vẹn 1 tuần, người cán bộ Viện Triết học-Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam được đưa vào cách ly tập trung hai tuần tại trung tâm cách ly Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô, Sơn Tây, Hà Nội.

Ở đây, Nguyễn Hồng Đức có 14 ngày trải nghiệm khá là ‘thú vị’ trong trung tâm cách ly, chưa hết, vị chủ tịch của “Fanclub Mia san Vietnam” (CLB những người hâm mộ đội bóng Bayern Munich tại Việt Nam – thành viên của FanClub Bayern toàn cầu) đã tranh thủ thời gian cách ly để “truyền đạo.”

Vietnam+ xin giới thiệu bài viết “Nhật ký ở khu cách ly” của anh.

Ngày đầu tiên…

Khi về Việt Nam ngày 15/3, tôi được đưa đến khu cách ly ở Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô, Sơn Tây. Trong những ngày qua, tôi vẫn thường nhận được những lời hỏi thăm của người thân và bạn bè về tình hình ăn ở trong khu cách ly.

Đến hôm nay thì chúng tôi đã trải qua 7 ngày – một nửa thời gian của đợt cách ly, nhiều khi tôi muốn thể hiện cho những người ngoài vùng cách ly thấy được sự bình yên và sự lạc quan của chúng tôi ở đây nhưng không biết nên chọn phương thức nào.

Ngày đầu tiên, nhiều người còn chưa bắt nhịp được với cuộc sống ở khu cách ly. Dễ hiểu, khi mà tâm trạng và sự chuẩn bị tinh thần của mỗi người, vì thế cũng khác nhau.

Nhiều người vẫn chưa thể hình dung được một ngày trong khu cách ly của chúng tôi sẽ ra sao, liệu có vất vả, tù túng quá hay không? Chúng tôi có được ăn uống đủ dinh dưỡng và lượng?

Câu trả lời của tôi là: Điều kiện ăn ở đầy đủ, sinh hoạt bình thường, sức khỏe tốt.

Chúng tôi được đưa về tới trung tâm tối 15/3, khu vực cách ly gồm 2 tòa nhà 5 tầng, nơi bình thường đây là khu nhà ở của các chiến sỹ. Mỗi phòng có 16 người, được bố trí vào 8 giường tầng.

May mắn của chúng tôi là được ở trong khu nhà của các chiến sỹ bộ đội. Nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát. Cơ sở vật chất và điều kiện sinh hoạt ở đây thậm chí còn tốt hơn rất nhiều các khu nhà trọ đông người.

Ngay trong buổi tối đầu tiên, khi các thành viên đã làm xong thủ tục nhận phòng và có mặt ở phòng, việc đầu tiên chúng tôi làm là lập danh sách các thành viên trong phòng để tiện theo dõi và liên lạc khi cần thiết.

Tôi được chọn làm trưởng phòng, chịu trách nhiệm đảm bảo thông tin liên lạc và tổ chức các hoạt động của phòng. Trừ 3 thành viên cao tuổi, còn lại các thành viên khác đều phải có nhiệm vụ thay phiên nhau trực nhật.

Phòng chúng tôi có nhiều đối tượng, về từ nhiều nước trên các chuyến bay khác nhau. Có người đi từ Đức, có người từ Anh, cũng có người từ Ba Lan hay Séc…

Ngày đầu tiên, nhiều người còn chưa bắt nhịp được với cuộc sống ở khu cách ly. Dễ hiểu, khu cách ly có từ các bạn học sinh 16, 17 tuổi đến những người ngoài 50 tuổi. Tâm trạng và sự chuẩn bị tinh thần của mỗi người, vì thế cũng khác nhau.

Sự rối loạn xuất hiện ở một số người. Nhiều người mang đồ dùng từ nước ngoài về cho người thân, trong đó có đồ ăn cần được bảo quản trong điều kiện đặc biệt. Thế nhưng giờ lại bị cách ly, “nội bất xuất, ngoại bất nhập” thì không biết nên xử lý như thế nào. Thêm vào đó là những đồ dùng, nhu yếu phẩm hằng ngày khác không phải ai cũng có sẵn.

Trong ngày đầu tiên, mặc dù biết là mình sẽ được trung tâm cung cấp những đồ gì, nhưng vì chưa có một thông báo cụ thể nào về đồ đạc sẽ được cấp phát, cái gì đã phát, cái gì chưa nên càng khiến mọi người không yên tâm. Vì thế, với các đồ dùng mục đích phòng, tránh dịch, mọi người lựa chọn phương án chủ động trang bị, nếu có thừa thì cũng tốt.

Ngoài ba bữa ăn chính đã được hỗ trợ, nhiều người cũng có nhu cầu ăn vặt hoặc ăn uống bổ sung thêm nên nhu cầu lương thực cũng rất lớn. Phần lớn là sữa và mỳ tôm.

Hàng gửi cho người trong khu cách ly được tiếp nhận từ bảo vệ vòng ngoài, sau đó được các chiến sỹ vận chuyển vào khu vực sinh hoạt chung trong khuôn viên cách ly.

Đo thân nhiệt định kỳ 2 lần/ngày. (Ảnh: Tác giả cung cấp)

Ngày đầu tiên đó có lẽ là ngày vất cả nhất của các cán bộ, chiến sỹ ở trung tâm này. Phần lớn trong số họ có lẽ còn bị động hơn cả những người bị cách ly. Chúng tôi từ nước ngoài về, ít nhiều cũng đã chuẩn bị trước phương án có thể sẽ phải đi cách ly tập trung 2 tuần. Nhưng với các chiến sỹ ở đây, dù biết trước sẽ đón đoàn cách ly, nhưng con số trên dưới 700 người dồn về trong một đêm chắc là điều không ai nghĩ đến.

Tôi còn nhớ, trong ngày đầu tiên, các xe đẩy chở hàng liên tục ra vào mang đồ cho các công dân, chiến sỹ phụ trách phải thông báo tên người nhận liên tục từ sáng đến tối mà hàng vẫn chưa nhận hết.

Ngày đầu tiên đó có lẽ là ngày vất vả nhất của các cán bộ, chiến sỹ ở trung tâm này. Phần lớn trong số họ có lẽ còn bị động hơn cả những người bị cách ly.

Chỉ riêng việc đi phát đồ dùng cho các phòng, các cá nhân trong ngày đầu tiên và bê hộ đồ từ bên ngoài gửi vào cho mọi người đã chiếm hết trọn thời gian của các chiến sỹ trẻ. Họ gần như không có thời gian để nghỉ ngơi.

Trong hoàn cảnh như hiện nay, khi mà số lượng người được đưa vào các trung tâm cách ly ngày càng nhiều, số lượng cán bộ, chiến sỹ ở các trung tâm lại có hạn thì việc họ phải làm việc liên tục và quá tải là rất có thể xẩy ra. Cho nên, có thể có đôi lúc chúng tôi chưa vừa lòng vì phải chờ đợi gì đó quá lâu thì chúng tôi vẫn hiểu và thông cảm cho họ.

Họ đã và đang cố gắng hết mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình cũng như đảm bảo cho mọi công dân trong khu cách ly không bị thiếu thốn về điều kiện ăn ở, sinh hoạt.

Ăn uống, sinh hoạt… theo nghiêm quân

Mỗi ngày, chúng tôi được hỗ trợ ba bữa ăn gồm sáng, trưa và tối.

Tầm 7 giờ rưỡi sáng, khi một số người trong phòng còn chưa ngủ dậy thì các chiến sỹ phục vụ đã mang đồ ăn sáng đến tận cửa phòng. Suất ăn buổi sáng là cơm hoặc cháo thay phiên nhau. Đồ ăn được để sẵn trên bàn, ai dậy lúc nào thì ăn lúc đó.

Sau khi ăn sáng xong, mọi người lại tiếp tục công việc của mình. Các bác lớn tuổi thường sẽ tranh thủ lúc trời mát để đi bộ thể dục. Các bạn trẻ sẽ mở điện thoại để theo dõi tin tức, chơi game hoặc nhắn tin với bạn bè, người nhà. Ai chưa dậy thì vẫn sẽ tranh thủ ngủ nướng thêm một lúc nữa.

Một suất cơm dành cho người được cách ly. (Ảnh: Tác giả cung cấp)

Giờ ăn trưa là 11 giờ 30 đến 12 giờ, còn giờ ăn tối là 18 giờ đến 18 giờ 30. Đến giờ ăn, các chiến sỹ sẽ mang cơm trưa cho từng phòng. Suất ăn trưa và ăn tối sẽ đầy đủ và nhiều món hơn so với buổi sáng. Các món sẽ thay đổi theo từng ngày.

Về cơ bản, ngoài cơm và món ăn mặn thì khẩu phần ăn còn có rau, có canh và có một món tráng miệng. Tinh thần chung của Ban chỉ đạo là không để cho công dân bị đói. Các gia đình có con nhỏ hoặc những người có nhu cầu ăn kiêng sẽ có khẩu phần ăn riêng phù hợp cho từng đối tượng. Ban đêm, ai đói có thể ăn thêm mỳ tôm hoặc uống sữa mà người nhà gửi thêm vào.

Dù mỗi người mỗi hoàn cảnh khác nhau, nhưng mọi người trong phòng vẫn sẵn sàng chia sẻ đồ dùng, thực phẩm cho nhau. Mục đích là sát cánh cùng nhau vượt qua thời gian cách ly một cách an toàn.

Trước mỗi bữa ăn mỗi người phải chủ động rửa tay bằng xà phòng hoặc sát khuẩn bằng cồn, dung dịch rửa tay khô.

Khi ăn, chúng tôi vẫn phải đảm bảo yêu cầu cách ly giữa các thành viên trong phòng, giữ khoảng cách tối thiểu 1,5m. Trước mỗi bữa ăn, mỗi người phải chủ động rửa tay bằng xà phòng hoặc sát khuẩn bằng cồn, dung dịch rửa tay khô.

Đồ dùng sau khi ăn sẽ được gom vào một túi, đặt vào thùng rác để các chiến sỹ phục vụ mang đi tiêu hủy hằng ngày. Với tinh thần, “mình vì mọi người, mọi người vì mình,” giữ sức khỏe cho người khác cũng chính là giữ sức khỏe cho mình, nên các biện pháp vệ sinh công cộng cũng được các thành viên tự giác, thay phiên nhau thực hiện. Bàn để đồ ăn sau khi ăn xong cũng được lau chùi bằng cồn hoặc dung dịch sát khuẩn.

Mỗi ngày sẽ có một người làm nhiệm vụ trực nhật phòng. Việc đầu tiên mỗi sáng là quét và lau dọn phòng, hành lang và khu vực sinh hoạt chung.

Ngoài việc nhắc nhở mọi người chủ động thực hiện các biện pháp vệ sinh, kháng khuẩn cá nhân, chúng tôi còn nhắc nhở nhau sắp xếp đồ đạc trong phòng gọn gàng, và người trực nhật có trách nhiệm đảm bảo phòng luôn được vệ sinh sạch sẽ, không có rác trên sàn.

Kiểm tra thân nhiệt

Mỗi ngày, chúng tôi sẽ có 2 lần kiểm tra thân nhiệt. Mọi người sẽ tự điền các thông tin về sức khỏe của mình vào phiếu theo dõi sức khỏe cá nhân.

Nhưng không phải lúc nào mọi người cũng có mặt đầy đủ trong phòng khi cán bộ y tế đến. Cho nên mọi người sẽ chủ động nhờ cán bộ y tế kiểm tra nếu tình cờ gặp ở khu vực hành lang hoặc ở sân để đảm bảo rằng một ngày được kiểm tra thân nhiệt ít nhất 2 lần.

Trong phòng chúng tôi, có một anh mang về một chiếc máy đo thân nhiệt cầm tay từ Đức. Thế là anh mang ra cho cả phòng dùng. Máy đo thân nhiệt trở thành một món đồ chơi của cả phòng chúng tôi.

Các thành viên trong phòng kiểm tra thân nhiệt cho nhau.(Ảnh: Tác giả cung cấp)

Ngoài hai lần kiểm tra của cán bộ y tế, chúng tôi còn tự kiểm tra cho nhau thêm 2, 3 lần nữa. Lúc nào thấy có người có dấu hiệu mệt mỏi, sốt là chúng tôi lại lấy máy ra đo. Ai không có biểu hiện gì cũng đề nghị được đo. Đây là công cụ duy nhất mà chúng tôi có thể dùng để tự kiểm tra sức khỏe của mình và cho người khác trong điều kiện cách ly.

Cũng nhờ cách làm này mà phòng chúng tôi đã phát hiện ra một số trường hợp có biểu hiện sốt cao và yêu cầu xuống trung tâm y tế kiểm tra lại. Một trong số họ sau thời gian theo dõi đã cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2 (BN109).

Có một điều mà những người thân ở ngoài luôn quan tâm và lo lắng là liệu chúng tôi có bị lây nhiễm nếu cùng phòng hay cùng đi có người bị mắc bệnh hay không?

Trong khu vực cách ly, nhưng chúng tôi vẫn được tự do sinh hoạt trong khuôn viên cách ly nhưng phải đảm bảo yêu cầu cách ly của Ban Chỉ đạo.

Có lẽ nói là 100% không lây nhiễm thì chưa dám chắc vì tôi mới chỉ đi qua 7 ngày mà sinh hoạt chung với nhau hàng ngày, cho dù đeo khẩu trang và không dùng chung đồ cá nhân, nếu đồ nào bắt buộc phải dùng chung thì đều lau, rửa tay trước khi dùng. Tuy nhiên, nếu mỗi bản thân từng người có ý thức trước tiên là bảo vệ mình thì tôi cho rằng khả năng lây bệnh là rất thấp.

Trong khu vực cách ly, nhưng chúng tôi vẫn được tự do sinh hoạt trong khuôn viên cách ly nhưng phải đảm bảo yêu cầu cách ly của Ban Chỉ đạo.

Mặc dù không có quy định nào yêu cầu đeo khẩu trang 24/24 giờ cả, nhưng mọi người cố gắng thực hiện, để bảo vệ mình và an toàn cho những người xung quanh.

Dĩ nhiên, cũng có nhiều người không thực hiện đúng các quy định cách ly như ngồi ăn cùng bàn với nhau, đá bóng cùng nhau, đi ra ngoài không đeo khẩu trang… dù các cán bộ của trung tâm cách ly đã nhiều lần nhắc nhở.

Cuộc sống không gián đoạn và luôn có ý nghĩa

Hạn chế lớn nhất trong khu vực cách ly có lẽ là sự giao tiếp với nhau. Chúng tôi hạn chế giao tiếp, tiếp xúc với người khác. Chúng tôi cũng chỉ nói chuyện với những người cùng phòng hoặc bạn bè, người thân của mình chứ rất ít phát sinh bạn mới. Còn lại thì mọi người vẫn có thể học tập và làm việc bình thường. Trong phòng ai làm việc của người đó.

Các bạn học sinh vẫn thường xuyên lên lớp với các buổi học online. Các cán bộ, nhân viên vẫn duy trì công việc của mình trên máy tính. Mọi hoạt động vẫn được duy trì, không khác gì cách ly tại nhà.

Vệ sinh phòng ở. (Ảnh: Tác giả cung cấp)

Ngoài việc tự lo cho bản thân mình, chúng tôi vẫn thường xuyên nhắc nhở các thành viên khác thực hiện tốt các quy định cách ly.

Thay vì tiếp xúc với người ngoài, chúng tôi dành thời gian để liên lạc với người nhà và bạn bè. Những cuộc gọi video với người thân luôn là những món ăn tinh thần của những người trong vùng cách ly như chúng tôi.

Những thông tin trong phòng, trong khu cách ly luôn được cập nhật, chia sẻ cho người nhà để những người ngoài vùng cách ly cảm thấy yên tâm làm việc và công tác.

Theo chiều ngược lại, chúng tôi cũng biết được sinh hoạt và cuộc sống của người thân của mình ở nhà như thế nào. Có lẽ, nhờ cách ly mà nhiều thành viên trong chúng tôi có nhiều thời gian nói chuyện với người thân hơn. Trong khi thường ngày, ai cũng cắm đầu vào công việc, quỹ thời gian để chia sẻ cùng nhau hầu như không có.

Mỗi lầm cầm suất cơm trên tay, họ lại cùng nhau “Cảm ơn Đảng, Cảm ơn Nhà nước” như thể đang thực hiện nghi thức ‘cầu nguyện tôn giáo vậy.’

Buổi tối thường là thời điểm mà các thành viên trong phòng có thời gian để trò chuyện, chia sẻ thông tin chung với nhau. Qua những cuộc “họp phòng” như thế này, chúng tôi hiểu thêm về nhau hơn.

Điều mà tôi thấy thú vị nhất là mỗi khi có ai đó trong phòng nhắc đến ở đâu đó trong các khu cách ly khác có người chê cơm cách ly, hoặc đưa ra các đòi hỏi này kia thì mấy anh em trong phòng chúng tôi lại cùng nhau lên tiếng phê bình.

Nhất là các anh, chú nhiều tuổi, những người con đi làm ăn, sinh sống xa Tổ quốc nhiều năm. Họ ra đi vì hoàn cảnh khó khăn, vì mưu kế sinh nhai, nhưng họ vẫn luôn hướng về Tổ quốc. Đối với họ chế độ tiếp đãi công dân cách ly như thế này là quá tốt rồi.

Có thể giờ khi là những người có của ăn của để, nhưng trước đây, đã phải nếm trải nhiều khó khăn của cuộc sống, thế nên họ hiểu giá trị của mỗi bữa ăn mà họ đang được hưởng.

Mỗi lầm cầm suất cơm trên tay, họ lại cùng nhau “Cảm ơn Đảng, Cảm ơn Nhà nước” như thể đang thực hiện nghi thức ‘cầu nguyện tôn giáo vậy.’

Quyên góp tiền ủng hộ. (Ảnh: Tác giả cung cấp)

Lúc ban đầu, tôi cứ nghĩ rằng rất có thể mình sẽ phải làm công tác “dân vận” để những người cùng phòng mình hiểu được sự nỗ lực và cố gắng của Đảng và Nhà nước cho chiến dịch cách ly này.

Nhưng những băn khoăn đó của tôi là không cần thiết, thậm chí chính thái độ của họ đã “dân vận” lại tôi.

Sau khi biết Thủ tưởng Chính phủ kêu gọi ủng hộ phòng chống dịch COVID-19, chính họ, chứ không phải tôi, là những người đã đề xuất các thành viên trong phòng cùng chung tay hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng.

Có thể ở phòng nào đó trong khu vực cách ly của chúng tôi hay ở bất kỳ điểm cách ly nào khác, vẫn còn những người chưa thực sự hài lòng với chính sách, chế độ cách ly mà họ được hưởng.

Nhưng với những người mà tôi quen, gặp trong khu cách ly, họ vẫn dành một sự biết ơn và trân trọng những gì mà Đảng và Nhà nước, Chính phủ đã dành cho họ – những người con dân đất Việt tìm về đất mẹ trong cơn đại dịch.

Cá nhân tôi, tận dụng thời gian cách ly, tôi đã thực hiện công tác “truyền đạo” – nói vui vậy, thực tế là tôi đã đem tình yêu và niềm đam mê với đội tuyển Đức, với câu lạc bộ Bayern Munich của mình đến với các bạn cùng phòng và trong trung tâm.

Thực ra, ai thì cũng có một câu lạc bộ nào đó để hâm mộ, nhưng tôi muốn đem tinh thần “mia san mia”- chúng ta là một gia đình của Bayern Munich như một thông điệp gắn kết để cùng vượt qua đại dịch.

“Tôi muốn đem tinh thần “mia san mia”- chúng ta là một gia đình của Bayern Munich như một thông điệp gắn kết để cùng nhau vượt qua đại dịch,” Hồng Đức chia sẻ. (Ảnh: Tác giả cung cấp)

Tác giả: Hồng Đức (VietnamPlus)

24/03/2020, 12:01