Tờ Jarkata Post của Indonesia gọi đây là “bộ phim quá hay” trong khi trang Star2 của Malaysia nhận định “’Bad Genius‘ hay quá đỗi.”
Phải xem phim, mới thấy rằng thành công của bộ phim là xứng đáng và các tờ báo trong khu vực không hề quá lời.
Nhân vật chính của “Bad Genius” là cô gái Lynn (Chutimon Chuengcharoensukying thủ vai) – một nữ sinh thiên tài. Năng lực học vượt trội giúp cô gái nhận được học bổng của một ngôi trường hàng đầu và khiến chúng bạn phải nhìn với ánh mắt ghen tị.
Sau một lần giúp đỡ cô bạn thân Grace (Eisaya Hosuwan) gian lận và có điểm cao trong một bài kiểm tra, Lynn tìm ra một cách kiếm tiền mới: giúp bạn gian lận thi cử để nhận tiền.
Cô gái bắt đầu bằng cách giúp Grace, thiếu gia nhà giàu Pat (Teeradon Supapunpinyo) và những học sinh khá giả trong trường khác vượt qua các bài kiểm tra nhờ những “mật mã” đặc biệt.
Dần dần, độ khó trong việc gian lận thi cử được nâng lên một tầm cao mới. Lynn chấp nhận lời thỉnh cầu của đám bạn nhà giàu để tới Sydney (Australia) để thi STIC – kỳ thi quốc tế được sử dụng để xét điểm khi đi du học.
Kế hoạch táo bạo của Lynn là thi ở Sydney rồi tìm cách tuồn đề về Thái Lan, vốn sẽ thi sau đó vài tiếng do chênh lệch múi giờ.
Để “điệp vụ” này thành công trót lọt, Lynn không thể hành động một mình. Cô cần sự trợ giúp của Bank (Chanon Santinatornkul), một siêu học sinh khác với trí nhớ hoàn hảo…
Thi cử vốn là một đề tài được cho là khô khan, nhưng đạo diễn Nattawut Poonpiriya đã thay đổi định kiến đó. Nếu chưa xem trước trailer “Bad Genius,” khán giả có thể bước vào rạp với tâm thế xem một bộ phim hài học đường đơn thuần. Nhưng thực chất bộ phim lại là một phim đầy ly kỳ, hấp dẫn, giống với phong cách của “Ocean’s Eleven” hay “Now You See Me.”
Hollywood từng có một bộ phim với đề tài tương đồng là “The Perfect Score” nhưng “Bad Genius” thậm chí còn lôi cuốn và hấp dẫn hơn nhiều.
Điểm cộng đầu tiên dành cho “Bad Genius” là sự sáng tạo. Sáng tạo trong cách kể chuyện cho tới cách các học sinh sử dụng “phao” để quay cóp. Thay vì sử dụng mật mã Morse, Lynn lại dạy cho đám bạn các động tác chơi đàn piano tương ứng với các đáp án trắc nhiệm.
Khi chuyển sang thi tại đấu trường quốc tế, thủ đoạn quay cóp càng tinh vi hơn khiến khán giả vừa ngạc nhiên, vừa ngầm thích thú thán phục.
Đạo diễn Poonpiriya rất thông minh trong cách kể chuyện, khi bắt đầu bằng phân cảnh các nhân vật chính đang ngồi tự thú về hành động sai trái. Bằng cách này, người xem hiểu rằng họ đã làm điều gì đó sai trái nhưng tò mò không biết vì sao họ để bị bắt.
Thế rồi câu chuyện dần được hé lộ và càng xem phim, khán giả càng có cảm tình với nhân vật Lynn cùng phi vụ gian lận của cô. Chứng kiến đầu óc siêu việt của nữ sinh này, người ta càng tự hỏi rốt cuộc cô đã làm gì để có cảnh như ở đầu phim? Yếu tố bất ngờ được duy trì cho tới tận cuối phim, khiến khán giả khó lòng rời mắt khỏi màn hình.
Nếu như nửa đầu phim là những màn dạo đầu ở cấp độ trường học cấp ba và được đan xen nhiều tình huống hài hước thì nửa sau lại mang tính căng thẳng như một bộ phim ly kỳ-hành động chính hiệu.
Xem “đảng cướp thế kỷ” của Ocean thực hiện vụ cướp sòng bạc có lẽ còn không lôi cuốn và hồi hộp bằng xem Lynn và Bank tham gia gian lận trong kỳ thi STIC. Âm nhạc phù hợp đóng một vai trò quan trọng trong phim. Nếu ở nửa đầu là những bản nhạc piano cổ điển để giúp gian lận thì nửa sau, nhạc nền phim có tiết tấu dồn dập, góp phần đẩy cảm xúc lên cao như thể khán giả cũng đang là một nhân vật trong phim đang chạy đua với thời gian.
Xen giữa những trường đoạn căng như dây đàn tại trường thi còn là những tình huống “dở khóc, dở cười” tại Thái Lan, nơi đám học sinh nhà giàu đang chờ đáp án. Chính sự thông minh trong kịch bản và bàn tay tài tình của đạo diễn Poonpiriya đã giúp cân bằng được sự căng thẳng-hài hước trong phim và biến “Bad Genius” trở thành một phim mà người xem không muốn bỏ lỡ một giây phút nào.
Thành công mang tính hiện tượng của “Bad Genius” còn có đóng góp không nhỏ của dàn diễn viên trẻ tài năng. Các diễn viên như Chanon Santinatornkul, Teeradon Supapunpinyo, Eisaya Hosuwan… không chỉ có gương mặt đẹp ăn hình mà còn diễn rất duyên, như cách anh chàng Pat của Supapunpinyo thuyết trình hùng hồn về việc gian lận như thể Steve Jobs tái sinh.
Nhưng xứng đáng nhận được lời khen ngợi nhất là Chutimon Chuengcharoensukying – một người mẫu lần đầu đóng phim. Nhân vật Lynn được cô thể hiện tốt và có sự phát triển tâm lý nhân vật hợp lý, kể cả trong phần kết phim có thể gây tranh cãi với nhiều người.
Các diễn viên trẻ này có sự ăn rơ trên màn ảnh, và đạo diễn Poonpiriya thừa nhận có nhiều trường đoạn anh để các diễn viên tự nhiên biến tấu không theo kịch bản sau khi chứng kiến khả năng của họ.
Khi làm “Bad Genius,” Nattawut Poonpiriya muốn đề cập tới những khía cạnh đen tối của trường học tại Thái Lan. Bộ phim đề cập tới nhiều vấn đề nhạy cảm bên cạnh việc quay cóp, như những khoản phí vô lý mà trường bắt đóng hay thầy giáo ưu ái cho đề kiểm tra trước với những học sinh đi học phụ đạo.
Poonpiriya đã làm được điều đó và thậm chí còn lồng ghép được nhiều thông điệp sâu sắc về tình phụ tử, về sự trung thực vào “Bad Genius” mà không đem lại cảm giác giáo điều. Không phải ngẫu nhiên mà phim có 100% đánh giá tích cực trên Rotten Tomatoes và điểm 8,3/10 trên trang IMDB.
Lôi cuốn, hấp dẫn, hài hước mà vẫn ý nghĩa, “Bad Genius” là một bộ phim đáng xem không chỉ với khán giả trẻ. Đây cũng là tác phẩm cho thấy rằng ngoài bóng đá và du lịch, điện ảnh cũng là một lĩnh vực mà chúng ta có thể học hỏi nhiều từ người Thái Lan.
Đạo diễn: Nattawut Poonpiriya
Diễn viên: Chutimon Chuengcharoensukying, Chanon Santinatornkul, Teeradon Supapunpinyo, Eisaya Hosuwan Thể loại: Hài, Ly kỳ
Thời lượng: 2 tiếng 10 phút
Ngày khởi chiếu tại Việt Nam: 15/9.