Sài Gòn vang bóng
Chỉ còn ít ngày nữa, Tp.HCM – Sài Gòn kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng – 40 năm ấy là biết bao đổi thay. Những thế hệ nối tiếp nhau gây dựng sự nghiệp và thành công trên mảnh đất hoa lệ ấy. Nhưng, cũng có bao người chứng kiến hào quang và mất mát cũng ở chính mảnh đất này. Sự đổi thay là quy luật của tạo hóa, mà nói như nghệ sĩ Thương Tín “Nếu không có những biến đổi, Sài Gòn không thể như bây giờ và cũng không có cái tên Thương Tín như hiện tại”.
Đẹp Online nhân dịp này đã tìm đến những gương mặt tạo nên đời sống văn nghệ Sài Gòn một thuở để mời họ xuất hiện chung trong chuyên đề mang tên: “Sài Gòn vang bóng”. Chúng tôi tin rằng, sẽ chẳng có điều gì được dựng xây, nếu không có người đặt nền móng – Và chúng tôi làm chuyên đề này với ý nghĩa tri ân như vậy!
Cùng một chuyên đề:
Thương Tín: Cuộc đời toàn những điều lạ kỳ
Việt Trinh: Chiếc xe còn hỏng nói chi cuộc đời
Nguyễn Quốc Nam: Tôi đi xe hơi từ thời Sài Gòn toàn xe máy
Không sinh ra ở mảnh đất ồn ào Sài thành, nhưng mọi thăng trầm trong mấy chục năm cuộc đời của Thương Tín đều gắn liền với thay đổi của miền đất này. Ở vào lúc không còn ánh hào quang của nghề nghiệp, Sáu Tâm của “Biệt động Sài Gòn” bình thản: “Nếu không có những biến đổi, Sài Gòn không thể như bây giờ, và cũng không có cái tên Thương Tín như hiện tại”.
Nghệ sĩ Thương Tín.
Từng ước mơ được làm tài xế
– Chắc anh đã kể nhiều, nhưng anh còn nhớ lý do đưa đẩy anh đến với điện ảnh không, vào lúc này?
– Nhà tôi có gốc làm nghề thuốc, 8 anh em của tôi đều theo nghiệp ba đi làm dược, đứa thì làm bệnh viện, đứa mở tiệm thuốc tây. Riêng tôi, chẳng giống ai cả, tôi trở thành diễn viên.
Mà cái số phận tôi cũng luôn xảy ra nhiều điều kỳ lạ. Lúc còn bé, thầy tướng số bảo tôi không sống qua 12 tuổi, rồi ba mẹ phải cúng tôi vào chùa để giải hạn. Rồi tôi cứ thế lớn lên. Tôi không thích theo nghề của ba mà chỉ mong sau này được làm lái xe để đi đó đây cho biết với người ta. Nhưng cuộc đời lại đưa đẩy, tôi vào tận Sài Gòn để học làm diễn viên.
Ngày đó, ba tôi vì thấy tướng tôi nhỏ con lại thêm sợ những lời thấy tướng số, ông lo tôi đi lính nghĩa vụ dễ xảy ra bất trắc nên nhờ người quen xin cho đi học ở Sài Gòn. 15 tuổi, tôi vào học khoa diễn xuất Trường Quốc gia Âm nhạc Kịch nghệ (nay là Nhạc viện Tp.HCM), rồi mê cái nghề này hồi nào không hay. Theo lẽ thường người ta học 4 năm là tốt nghiệp, nhưng đúng năm tôi chuẩn bị ra trường Sài Gòn được giải phóng, thay đổi chế độ, chương trình học phải thay đổi theo. Tôi ở lại trường thêm ba năm nữa. Rồi lại đúng vào năm chuẩn bị ra trường, tôi bị cho thôi học vì nhà trường phát hiện tôi có tình cảm với cô bạn cùng lớp.
– Học 7 năm diễn xuất nhưng chưa tốt nghiệp. Hóa ra anh lận đận chứ đâu có thong dong đến với nghề!
– Tôi lại thấy mình may mắn lắm đấy chứ. Lúc đi học tôi được để ý vì có khả năng diễn xuất tốt nên sau khi thôi học, tôi được đạo diễn Thành Trí là thầy dạy tôi xin ngang cho vào đoàn kịch nói Nam Bộ (sau đổi thành Đoàn kịch Cửu Long Giang). Có một chuyện hơi gay cấn đã xảy ra lúc đó, do ngay khi vào trường học 2 năm, đoàn nghệ thuật tỉnh tôi đã vào trường đăng ký xin tôi về đoàn của tỉnh rồi. Tôi thì tất nhiên muốn ở lại Sài Gòn và may mắn thầy tôi đã thắng trong cuộc giành người ấy. Tôi vào biên chế đoàn Cửu Long Giang cùng với chị Kim Cúc, khi đó mới tốt nghiệp Học viện Nghệ thuật ở Bulgaria về. Chúng tôi trở thành cặp kép chính, đóng nhiều vai chủ chốt cho các vở diễn của đoàn.
– Vai diễn điện ảnh đầu tiên đến với anh ra sao?
– Năm 1979 tôi bén duyên phim ảnh khi đạo diễn Lâm Tới mời tôi đóng vai chính trong phim đầu tay của ảnh. Lúc đó, tôi rất hoang mang khi đọc kịch bản, vì nhân vật đẹp quá, lương thiện quá mà cái mặt tôi thì hoàn toàn ngược lại. Tôi từ chối nhưng anh Lâm Tới bảo, anh đã từng xem tôi diễn khi ở trường, anh tin chắc tôi sẽ làm được và khuyên tôi cứ nhận lời với anh.
Cú chạm ngõ điện ảnh đầu tiên của tôi có vẻ quá suôn sẻ, được đóng vai chính. Tôi cứ lâng lâng vì làm diễn viên sao sướng quá. Đi lại có xe của đoàn phim đưa rước. Ở phim trường lúc nào cũng có 2 người chuyên phục vụ mang nước, lau mồ hôi, che dù cho mình, tôi đâm ra ngại ngùng. Người ta bảo, tôi là diễn viên chính không được để sơ xảy gì nếu không cả đoàn phải khổ. Thế là tôi ung dung tận hưởng sự sung sướng. Nhất là khi đi tỉnh, cả đoàn chúng tôi được cả lãnh đạo tỉnh ra đón tiếp, mời cơm trưa. Diễn viên chính được ở khách sạn sang nhất. Mặc dù phim đó làm xong bị chê tả tơi, chỉ riêng diễn xuất lại được khen ngợi, tôi cũng được lên theo từ đó.
Ở đỉnh cao vẫn thấy chênh vênh
– Thời anh bắt đầu nổi tiếng, điện ảnh Sài Gòn đang thế nào?
– Tôi thuộc lứa diễn viên đầu tiên của chế độ mới. Nói về kỹ thuật, máy móc thì mình còn thiếu nhiều lắm so với các nước phát triển. Kể từ cái máy quay, cuộn phim rất lạc hậu nên để có một phim ra đời là cả quá trình gian khổ. Nhưng làm phim thì vui lắm, không bị áp lực gì cả.
Tôi nói thật sợ lại chẳng ai tin, thời đó chúng tôi làm phim vô tư lắm, không vì tiền bạc gì cả. Trên phim trường, diễn viên phải đóng cho ra cảnh đạo diễn ưng ý mới thôi, chứ không bị gò ép về thời gian tiền bạc như bây giờ, nên mới có những phim chất lượng như vậy.
– Nghe có vẻ anh khởi đầu sự nghiệp khá thuận lợi. Vậy chắc hẳn cuộc sống khi đó của người diễn viên hạng nhất như anh sung túc lắm?
– Tôi chỉ quan tâm đến phim thôi. Năm 1991 tôi được Kỷ lục Việt Nam ghi nhận là diễn viên đóng nhiều phim nhất trong năm – 12 phim. Ngay cả tôi không hiểu sao tôi có thể đóng nhiều phim như thế. Có lẽ, tôi được các đạo diễn ưu ái. Các anh ấy cứ mời, tôi bảo bận thì họ kêu cứ nhận lời đi rồi họ sắp xếp hết. Mà mỗi phim, diễn viên phải nghiên cứu kịch bản kỹ lưỡng chứ không có chuyện ra phim trường mà không thuộc thoại đâu.
Khi đó tôi đóng nhiều phim lắm nhưng nghèo vẫn nghèo. Tại sao? Vì tiền công đóng phim cũng chỉ tương đương với công nhân làm xí nghiệp thôi. Làm bộ phim 6 tháng trời, catse được trả tương đương với 1 chỉ vàng. Nhưng lúc đó, nghệ sĩ không bị ảnh hưởng bởi áp lực phải kiếm tiền vì ai cũng nghèo như ai, nên có thể toàn tâm toàn ý cho mỗi vai diễn. Cả Sài Gòn, ai cũng sống như thế, mình chỉ khác chút là được mọi người biết tên, biết mặt vì lên ti vi hoài.
– Thế thời catse phim tính bằng cây vàng khi dòng phim “mì ăn liền” ra đời ở Sài Gòn, anh ở đâu?
– Thực ra tôi không quan tâm lắm đến chuyện ai nhận thù lao bao nhiêu. Bởi khi xã hội thay đổi kéo theo mọi thứ, những người như chúng tôi bị hụt hẫng nhiều lắm. Tôi là người may mắn vì vẫn còn được khán giả để ý, có nhiều lời mời. Nhưng khi đó, tâm thế của người làm nghề đã khác rồi, dù vẫn là những con người đó làm cùng nhau nhưng không còn cảm thấy vui nữa. Tất cả đều áp lực làm sao phải làm phim cho nhanh, kịp thời gian và diễn làm sao để cho khán giả muốn đến rạp.
– Tâm thế của ngôi sao một thời không còn được giao vai chính đã diễn ra trong anh thế nào?
– Tôi là người rất thực tế dù tôi từng có tham vọng. Làm diễn viên thời của tôi đúng là được ưu đãi nhiều, tôi cũng đã từng đạt đến đỉnh cao của nghề nghiệp. Nhưng đạt được rồi, thỏa mãn tham vọng rồi, tôi mới nghiệm ra, mọi thứ phù du lắm. Tôi biết rõ khi nào mình không còn ở trên đỉnh nữa.Và tôi hiểu vì sao người ta vẫn mời mình bởi cái tên tôi vẫn còn chút sức hút với khán giả. Khi ấy tôi vẫn tham gia, nhưng trong lòng không còn đam mê nữa, nhận kịch bản, tôi phải suy xét nhiều thứ lắm rồi mới nhận lời. Trong khi, có nhiều đồng nghiệp của tôi bỏ nghề không phải vì không thích ứng được mà do không có ai mời họ. Họ bị lãng quên dù đam mê với nghiệp diễn thì vẫn còn. Những người bám trụ, đa phần vì cuộc sống thúc giục họ. Và tôi cũng không ngoại lệ
– Mất vị thế, nguội lửa đam mê có phải lý do anh có giai đoạn “chạy trốn” khỏi phim trường?
– Người ta vui vì được làm thứ mình đam mê, còn tôi, quãng thời gian ấy dù vẫn làm nghệ thuật nhưng thấy thật buồn. Đạo diễn vẫn đều đặn mời tôi đi phim nhưng mình nhận lời hay từ chối cũng không ảnh hưởng tới ai cả. Thời của mình qua rồi, mình không đóng phim thì buồn thôi. Mà bạn biết đấy, một người từ đỉnh cao của nghề nghiệp, lúc bước xuống sao tránh khỏi cảm giác hụt hẫng.
“Một đứa trẻ lại xuất hiện vào lúc tôi chẳng còn gì cả. Tôi ngẫm, cuộc đời này kỳ lạ quá, lúc mình sung sướng, đủ đầy, thèm khát có đứa con gái để yêu chiều thì không có được. Giờ mình trắng tay không còn mong đợi nữa, nó lại đến với mình”
Không đi diễn nhiều, phải làm cái khác để sống. Mà tôi dở quá, đi đóng phim rồi không biết làm gì khác nữa. Đã lỡ đam mê với nghệ thuật thì không thể bỏ để yêu cái khác được. Mà mình còn có danh tiếng phải giữ gìn. Ra đường phải kiếm cái áo sạch đẹp để mặc, dù bụng đói vẫn phải ngẩng cao đầu mà đi. Tôi không muốn người ta nhìn mình và nghĩ, diễn viên nổi tiếng mà sao nhếch nhác quá. Tôi muốn bảo vệ cái nghề mà ít nhiều gì tôi cũng dành cả đời mình cho nó. Trong khi nhiều diễn viên, tài năng thì ít mà chỉ dựa vào tiền bạc, công nghệ lăng xê để nổi tiếng ầm ầm. Phim giờ sản xuất nhanh gấp nhiều lần lúc trước. Thời thế xoay vần, bản thân mình không tránh khỏi rơi vào những hệ lụy, hứng thú với nghề cũng tiêu tán. Đó là lý do tôi đã bỏ hết, về quê để sống qua ngày, đó là quãng thời gian bạn nói.
Nghệ sĩ Thương Tín và con gái nhỏ.
Đam mê vẫn cháy dù hào quang đã hết
– Rồi điều gì khiến anh quay trở lại?
– Lúc bỏ nghề về quê vì tôi không còn tìm thấy hứng thú với những vai diễn nữa. Hơn ba năm tôi ở Phan Rang, nhiều đạo diễn lặn lội ra tận nơi mời tôi tham gia phim của họ. Nhưng tôi một mực chối từ vì chẳng có động lực nào để tôi diễn nữa cả.
Thế rồi, một đứa trẻ lại xuất hiện vào lúc tôi chẳng còn gì cả. Tôi ngẫm, cuộc đời này kỳ lạ quá, lúc mình sung sướng, đủ đầy, thèm khát có đứa con gái để yêu chiều thì không có được. Giờ mình trắng tay không còn mong đợi nữa, nó lại đến với mình. Có con rồi tôi mới thấy có động lực để quay lại với nghề. Vì tôi phải kiếm tiền nuôi con. Mà không làm phim, tôi chẳng biết làm gì khác.
May mắn, khi quay lại tôi tìm thấy sự hứng khởi, đam mê. Nếu không, vài năm nay tôi chỉ đóng phim như một cái máy thì đời tôi vẫn cứ buồn thôi.
– Giờ phim ảnh có giúp anh thỏa những mong mỏi của mình?
– Tôi là người sống thực tế lắm, tôi không ôm ảo tưởng gì cả. Thời của tôi không còn nữa dù tôi đã từng đứng trên đỉnh cao, hào quang với nghề. Những nhà lầu, xe hơi xịn, những hào quang của nghệ sĩ bây giờ không phải là của tôi nữa. Dù tôi từng sống trên cả đống tiền nhưng những cái đó không phải đến từ phim mà tôi được nhờ phúc của vợ.
Giờ tôi sống bình dị lắm, ở phòng trọ, đi xe ôm. Dù tôi làm nhiều việc lắm, toàn những thứ liên quan đến phim ảnh cả thôi. Tuổi tôi không còn trẻ nữa, tôi muốn cố gắng làm việc cho con mình sau này có cuộc sống tốt hơn.
– Đi qua những nốt thăng, nốt trầm ở chốn vốn lắm thị phi này. Điều còn lại với anh là gì?
– Tôi từng gặp quá nhiều thị phi rồi. Mà đi qua rồi mình mới thấy, vẫn còn nhiều người thương mình. Nên khi quay trở lại tôi không cảm thấy lạc lõng. Tôi vẫn còn những anh em, bạn bè trong nghề để có thể san sẻ. Dù cuộc sống của họ cũng không dư giả hơn mình nhưng lúc mình hoạn nạn, họ sẵn sàng tương trợ. Những người họ cả đời không thích công khai mình trên mặt báo mà lại sẵn sàng lên tiếng thanh minh cho tôi khi tôi bị vu tiếng xấu. Điều như thế chẳng có tiền bạc, danh tiếng nào mua được cả.
– Nhìn lại chặng đường anh đã đi qua, có điều gì làm anh trăn trở không?
– Tôi thực tế nhưng không ăn ở bạc bẽo, tôi hiểu chính Sài Gòn tạo dựng được cái tên Thương Tín một thời. Nhưng đời người ta ai cũng có đoạn bước lên đỉnh núi phải bước xuống lại. Lúc tôi được trọng vọng, được người đưa kẻ đón, người ta ngước nhìn mình dù mình chẳng đi xe đẹp, ở nhà cao. Còn giờ, Sài Gòn nhiều nhà cao rộng lắm nhưng, chốn ấy tôi thấy mình chẳng hợp để bước vào nữa.
Tôi thấy mình vẫn may mắn hơn nhiều đồng nghiệp, không bị ảo tưởng với những danh vọng, hào quang của nghề này mang lại. Giờ tôi vẫn làm nghề, đóng phim, làm đạo diễn, lồng tiếng… những thứ có thể kiếm sống được nên tôi không suy nghĩ nhiều.
Tôi đang ấp ủ về một cuốn hồi ký mà ở đó, tôi sẽ viết lại rất chi tiết những thay đổi của đời mình, nhất là quãng thời gian làm nghệ thuật. Điều tôi mong mỏi nhất khi thực hiện cuốn hồi ký này là có thể được một khoản để dành cho con gái tôi. Nó còn quá nhỏ, nhìn nó phải sống thiếu thốn, tôi không cầm lòng được. Cũng mong, qua câu chuyện của mình, người trẻ có thể nhìn vào, rút ra được bài học gì đó cho mình khi bước chân vào nghệ thuật.
– Cảm ơn những chia sẻ của anh.