Con đường di sản văn hóa
Trong bao nhiêu cách để chọn điểm đến cho một cuộc du hành, Lã Hoa thích được đến thăm những di sản văn hóa. Con đường này đã đưa chị qua Melaka, La Habana, Riviera Maya, Roma, Paris, Barcelona, Bruges, Bath, London, Warszawa, Krakow, Berlin, Salzburg, Dresden, Praha… Càng đi càng thấy những cảm nhận mơ hồ trở nên rõ nét hơn, khi được tận mắt thấy con người đã phá hoại rồi khôi phục, nâng niu gìn giữ rồi rũ bỏ lịch sử bằng nhiều cách rất khác nhau ra sao. Những bài viết về hành trình trên con đường di sản văn hóa này chỉ là những câu chuyện nhỏ, nhưng có thể là những bài học lớn mà ở Việt Nam ngày càng có nhiều người quan tâm: Công cuộc bảo tồn và khôi phục những di sản văn hóa trên thế giới.
Cầu tàu du thuyền mới ở cửa ngõ English Harbour
Thời gian như ngưng đọng nơi này, nếu không nói là đang trôi ngược lại về “Age of Sale” – Kỷ nguyên giong thuyền trên những nẻo đường thực dân từ thế kỷ 16-19. English Harbour nhỏ bé được mệnh danh là nơi che chắn gió bão tốt nhất trên biển Caribe dường như chỉ có hai màu xanh và trắng, mây trắng du ngoạn trên trời xanh và những con thuyền trắng lang thang trên mặt nước cũng một màu xanh ngắt. Xen lẫn giữa cảnh sắc tươi mới ấy là những bậc thang, những bức tường, công sự, bến tàu một màu nâu cũ kỹ hư ảo của Nelson Dockyard – từng là xưởng tàu hải quân có kiến trúc Georgian duy nhất còn lại trên thế giới.
Muốn tìm thì sẽ thấy
Nếu được tặng một tấm vé và chọn bay đến bất cứ nơi đâu, liệu có bao giờ bạn nghĩ đến Antigua, một trong hai hòn đảo lớn của đảo quốc nằm giữa biển Caribe và biển Atlantic? Song ngay cả khi đã chọn nơi này vì nó đứng gần đầu theo thứ tự alphabet trong danh sách các quốc gia độc lập, thì chẳng qua cũng bởi bạn có thể đến đây bằng du thuyền và tận hưởng trọn vẹn cảm giác của những nhà hàng hải thời trước. Đi du thuyền thời nay vừa là thú vui của những người trẻ (lênh đênh trên một chiếc thuyền nhỏ chỉ vừa cho 6 người) và của cả những người già thừa thãi thời gian cho những cuộc du ngoạn dài ngày trên những du thuyền lớn. Ít ai lại muốn đến đây chỉ để tìm kiếm một di chỉ khá nhỏ và vắng người.
Khi chiếc du thuyền cỡ lớn chứa hơn ba ngàn khách cập cảng Saint John, thủ đô của Antigua, Rosalie, một phụ nữ 73 tuổi gốc Ý sống ở Florida bảo là bà sẽ chỉ loanh quanh ở khu phố cổ rồi vào sòng bài cho đỡ nóng. Aquinta, một người Mỹ gốc Cuba thì bảo anh và vợ sẽ tranh thủ mua vài chai rum và ăn bữa trưa đúng nghĩa Caribe. “Nhưng còn English Harbour?” – chúng tôi ngập ngừng – “Nó cũng đáng xem lắm chứ”. “Ồ”, Rosalie cười lớn – “Bạn nghĩ tôi có thể leo lên đấy ở tuổi này hả?”. Không có bất kỳ lời giới thiệu nào về nơi này, mặc dù trước đó vài ngày đọc báo thấy tin bộ trưởng Văn hóa Antigua nói ông vừa họp với các quan chức UNESCO và sẽ làm tất cả những gì có thể để Nelson Dockyard (bến tàu ở English Harbour) được phong di sản.
Saint John sau mưa
Thì đã sao, chúng tôi tự an ủi, đây không phải lần đầu khám phá một di sản mới kiểu này. Thấy mình không khác gì một chuyên gia di sản của UNESCO khi khuyến khích mọi người tưởng tượng rằng đất nước nhỏ bé này cuối cùng sẽ có một di sản tầm cỡ ngang hàng với những kim tự tháp và thành cổ La Mã. Riêng cụm từ “kiến trúc xưởng tàu Georgian duy nhất còn sót lại” đã đủ khơi gợi trí tò mò rồi. Những gì duy nhất thường quý và hấp dẫn. Nhưng cũng có đôi chút băn khoăn không hiểu tại sao kiến trúc Georgian, sản phẩm của thời kỳ dài 120 năm (từ 1720 tới 1840) với bốn vua George trị vì, còn lưu lại khắp nơi, nhưng xưởng tàu kiểu Georgian lại chỉ còn có một? Bạn tôi bảo rằng có thể vì đây là xưởng tàu quân sự duy nhất thời thực dân không còn hoạt động nên không được tu sửa, thay mới, vì thế mà còn tồn tại nguyên bản. Sự lười nhác của con người đã vô tình giữ lại một di sản. Song lí do nào cũng được, một phần số phận của lịch sử được lưu lại nơi đây, và điều đó mới là quan trọng nhất.
Di tích chênh vênh trên biển
Bến đậu du thuyền nằm ngay khu phố cổ, chúng tôi thêm một lần nữa miên man trong màu sắc Caribe. Cảnh trí không mấy liên quan đến những câu chuyện lịch sử, chỉ có nắng chói chang và tiếng nhạc Latin vọng ra từ các quán bia. Ghé vào một quán có vẻ đông đúc, chúng tôi gọi một lon bia địa phương, vừa nhấm nháp vừa tán chuyện với Alina, nữ phục vụ bàn đến từ Cộng hòa Dominique. Alina đang được một đồng nghiệp và một khách hàng nam bóp vai và chân. Dân Caribe, phần lớn gốc Phi, là con cháu của những người nô lệ, luôn tỏ ra tự nhiên và sôi nổi, đôi khi hơi thái quá. Alina bảo cô rời quê hương sang đây vì ở đây cơ hội kiếm tiền nhiều hơn, nhất là những ngày hòn đảo chật ních du khách như hôm nay.
Cái cây cô đơn
Tuy nhiên, hầu như tất cả các trang web du lịch ở đây đều không giới thiệu nhiều về Công viên quốc gia (bảo tàng xưởng tàu) và con đường lên English Harbour. Chúng tôi phải tự mầy mò bản đồ để tìm đến điểm quan sát có thể nhìn toàn cảnh bến cảng, Shirley Heights. Đi theo con đường chạy dọc theo những công sự mới được phục hồi một phần, những bậc thang dây leo chằng chịt, lại thấy như rơi tõm về châu Âu cổ xưa. Phóng tầm mắt từ Shirley Heights nhìn ra xa trên bến cảng có thể thấy mờ mờ các dải đảo Montserrat và Guadeloupe. Leo cùng với chúng tôi là một gia đình người Anh có hai cô con gái nhỏ ríu rít trong nắng sớm. Người chồng bảo rằng hôm nay thứ Ba nên hơi buồn tẻ, chứ vào ngày Chủ nhật thì sẽ tấp nập các cuộc tiệc tùng, thịt nướng BBQ, xập xình tiếng nhạc và cả những cảnh nhảy múa vui nhộn nữa. Nhìn trên bản đồ, có thể tới Shirley Heights thông qua con đường mòn Lookout Trail giữa rừng cây khá thú vị.
Từ Lookout, chúng tôi ghé Trung tâm Thông tin du lịch Hill Dow, nghe một bài thuyết trình khá ấn tượng về lịch sử Antigua, từ thời thực dân đến khi giành độc lập. Tiếng Anh của dân ở đây không những lưu loát mà còn rất văn vẻ. Khi giới thiệu về món rượu rum làm từ mía đường, anh hướng dẫn viên có nước da đen giòn bảo rằng “nước mắt ở biển Caribe có vị ngọt chát như rum”. Vọng quan sát tại Hill Dow cũng rất thuận tiện để ngắm nhìn bến cảng từ một góc khác, từ đó có thể nhìn thấy những công sự bị hủy hoại ở Fort Berkeley nằm phía bên kia vịnh, nghe nói muốn tới đó phải đi bộ vòng quanh vịnh. Tất cả những điểm này cùng những bãi biển đẹp và thuận tiện của công viên quốc gia đã giúp du lịch Antigua phát triển, nhất là vào tuần lễ du thuyền từ cuối tháng Tư, đầu tháng Năm.
Song còn di tích thì sao? Nelson’s Dockyard trước đây là bến và xưởng tàu của Hải quân Anh, hoạt động quân sự suốt hơn thế kỷ rưỡi, từ 1720 đến 1895. Địa thế thuận lợi của những eo vịnh hẹp nước sâu được che chắn gió bởi những quả đồi đã giúp cảng quân sự này là nơi lý tưởng tập trung thuyền bè tránh lốc xoáy và để sửa chữa đại tu tàu chiến. Tuy đến sau người Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, người Anh với lợi thế độc chiếm cụm đảo mà họ đặt tên là Leeward này đã nhờ English Harbour mà khẳng định vị thế của mình ở phía Đông biển Caribe, nhất là sau khi đã mất những thuộc địa ở Bắc Mỹ vào năm 1776 khi Hoa Kỳ giành độc lập. Những con tàu chiến bị hỏng nặng sau cuộc giao tranh được sửa chữa toàn diện ở đây trước khi trở về Anh quốc. Có thể mường tượng được không khí nhộn nhịp của những đám đông lính tráng, thợ thuyền, và đặc biệt hình ảnh oai phong của những đô đốc dày dạn, trong đó có ngài Horatio Nelson. Nhưng những gì được lịch sử ghi lại cũng đầy bi tráng. 40% sĩ quan và binh lính đã không thể trở về cố quốc, họ thiệt mạng vì mắc phải sốt rét, sốt vàng da hay kiết lỵ. Phần lớn xưởng tàu đã bị đổ nát và chỉ được trùng tu phần nào.
Gian trưng bày những cổ vật thời thực dân trong tòa nhà Georgian cổ
Sẽ sống dậy bằng cách nào đây?
Cơn mưa biển bất chợt đổ xuống khi chúng tôi đang còn ở Shirley Heights. Hòn đảo nhỏ bé nhanh chóng nhòa trong màn nước, trời tối xầm trong chốc lát. Có một cảm giác hoang mang nhẹ, khi không biết phải trốn chạy đi đâu. Chúng tôi vội vã vào trú dưới mái hiên một căn nhà hoang bốc mùi ẩm thấp. Trước khi lên đây, mưa đã một lần mù mịt dưới phố, và cũng kịp tạnh ráo rất nhanh. Một thanh niên da đen vui thích nhảy choi choi tắm mưa, vài người khác cụp dù để mặc cho người ướt, vì áo quần sẽ khô rất mau. Nghĩ vậy nên chúng tôi bỏ ra ngoài, tìm cách tiếp tục leo lên một khoảnh đất cao hơn. Từ trên đỉnh đồi nhìn xuống tường thành hình vòng cung có những lõm cửa gác súng thần công được xếp đều tăm tắp. Kiến trúc Georgian nổi tiếng ở những tính toán thiết kế hình học đều đặn và chặt chẽ. Ngay cả khi khá hoang tàn, những gì còn sót lại cũng có vẻ ngay ngắn nhất định.
Mưa ngớt dần, cái cây duy nhất đứng trơ trọi trên đỉnh cao rũ nước mạnh theo gió, trông nó vừa độc đáo vừa cô đơn. Tôi nghĩ mình sẽ phải kể lại chuyện gì đó cho Rosalie nghe về chuyến đi, chẳng hạn về cái cây này. Khi bảo tồn di sản, người ta phải làm gì với cảnh quan chung quanh, có nên trồng thêm cây hay cứ để cái cây này đứng đơn lẻ cho thêm phần độc đáo? Song có lẽ điều này không quan trọng bằng việc có nên lau sạch những bảng đồng mờ nhạt, phát tai nghe thuyết minh cho từng nhóm du khách, dù chỉ dăm ba người? Đường lên đỉnh cao này khá quanh co và không phải du khách nào cũng muốn lên. Tuy nhiên, người xưa đã từng chở bao nhiêu đá tảng và gỗ lên đây một cách khó nhọc để xây cả một xưởng tàu đồ sộ giữa chốn hoang vu, vậy thì, công cuộc bảo tồn liệu có vất vả bằng?
Hộp thư cổ, nơi những lá thư của hải quân Anh được gửi đi từ đây
Ngược lại với quang cảnh vắng vẻ của Nelson’s Dockyard, tòa bảo tàng ở dưới chân đường mòn mang lối kiến trúc Georgian điển hình rất đẹp, lúc nào cũng chật ních du khách. Người tìm mua rượu rum, người say sưa ngắm những cổ vật trưng bày tại đây. Và tôi tin rằng nếu được cải tạo đôi chút, English Harbour và Nelson’s Dockyard cũng sẽ hấp dẫn khách tham quan không kém. Ra khỏi bảo tàng, chúng tôi vòng qua các quán hàng lưu niệm, định mua một chiếc mũ. Ở Antigua và nhiều đảo Caribe khác, hàng hóa Trung Quốc tràn ngập và rất rẻ. Một chiếc mũ phớt kiểu cướp biển có họa tiết đầu lâu giá chỉ 5 đô la. Giá mà cũng như hàng Trung Quốc, nơi này nườm nượp du khách tham quan, thì hẳn doanh thu từ du lịch sẽ cao hơn số tiền thu được từ những món hàng nhập khẩu này.
Tôi ngoái lại nhìn cái cây đang chơi vơi trên đỉnh đồi cao, tự nhiên muốn chạy vòng lên đứng dưới bóng cây ấy mà chiêm nghiệm, hoặc chỉ đơn giản hét to lên một câu gì đó. Không, không thể quay về quá khứ, và cũng không thể ngưng đọng như tiếng chuông mệt mỏi từ nhà thờ cổ đang ngân nga dưới kia. Thế giới chuyển động không ngừng, các di sản có thể được bảo tồn tốt hơn để giúp ta nhìn lại và học hỏi, chứ không phải để nhắm mắt quay về.
Một đoạn công sự nhìn từ Shirley Heights
Kỳ sau: Alamo – “Quý vị cứ việc xuống địa ngục đi, còn tôi lên Texas!”
Bài: Lã Hoa – Ảnh: Anh Anh