Một tuần ở đảo Sicily - Tạp chí Đẹp

Một tuần ở đảo Sicily

Sự Kiện
Vì thế mà khi tôi vừa nói sẽ đi nghỉ ở Sicily một tuần, người thân bạn bè ai cũng hỏi: Không sợ à? Ai cũng nghĩ ở đó người ta bắn nhau bùm bùm hàng ngày, và ai cũng tưởng đến đó sẽ được gặp những cảnh thanh toán băng đảng như phim…

Sicily – Thiên đường Địa Trung Hải

Bến cảng Palermo

Nhớ lại hồi trước, hình như tôi cũng từng ngây ngô đặt câu hỏi tương tự cho cô bạn quê Sicily, cô cười (nhưng hình như cũng hơi bực) bảo tôi Sicily cũng như mọi vùng đất nam Âu Địa Trung Hải khác, nhiều cảnh đẹp thiên nhiên, nhiều di tích lịch sử, người Sicily cũng đáng mến, hiền hậu và thân thiện.

Nằm ở phía nam nước Ý, Sicily là đảo lớn nhất biển Địa Trung Hải. Muốn thăm quan được hết đảo có lẽ phải cần ít nhất 2 tuần. Chỉ có 6 ngày nghỉ, chúng tôi lên kế hoạch đến Palermo, tham quan bờ biển và các thành phố ven biển thuộc phần mỏm phía tây của đảo, thêm 2 ngày dành riêng thăm đảo Vulcano, nổi tiếng với ngọn núi lửa già âm ỉ khói.

Sicily cách Calabria (thuộc lục địa Italy) 3km, cách bờ biển châu Phi 160km, và cho đến tận ngày nay, người ta vẫn không thể khẳng định được Sicily đã từng gắn với châu Phi hay Italy lục địa. Vị trí giao thoa giữa bắc và nam, đông và tây, châu Âu và châu Phi, miền tây Latin và phía đông La Mã của Sicily đã khiến cho hòn đảo này trở thành hòn đảo quan trọng nhất trên vùng biển Địa Trung Hải.

Kể từ khi xuất hiện những cư dân đầu tiên, người Sicanian cổ, đã có rất nhiều tộc người đến chiếm đóng, nối tiếp nhau cư ngụ trên hòn đảo nhiều đồi núi và trù phú động thực vật này. Sau nền văn minh nguyên thủy sơ khai của người Sicanian là nền văn minh của người Sicels (nguồn gốc của cái tên Sicily), đến người Elymián gốc Tây Á (nay là Thổ Nhĩ Kỳ), rồi tiếp tục bị đồng hóa bởi đội quân Hy Lạp. Trải qua hàng trăm năm con người giành giật lẫn nhau để chiếm đóng hòn đảo rộng lớn và hùng vĩ này, Sicily được trao tay từ người Hy Lạp sang người Carthage, sang đế chế La Mã, sang Ả Rập, Norman, Pháp, Tây Ban Nha, Áo… cho đến khi Garibaldi thống nhất Italy và giành lại Sicily vào năm 1860.

Do vị trí đặc biệt với hàng trăm năm thay ngôi đổi vị, Sicily là điểm giao thoa của nhiều vùng đất khác nhau, người Sicily nổi tiếng bởi tính đa chủng tộc và nền văn hóa nhiều màu sắc. Đến Sicily người ta có thể thấy được sự pha trộn của cả những nền văn minh bản địa cổ xưa như Sicanians, Sicels, Elymians, cho đến văn minh của các dân tộc xâm lược như La Mã, Hy Lạp, Ả Rập, Norman, Albani, cho đến Pháp, Tây Ban Nha. Rất nhiều người ở Sicily hiện nay có nguồn gốc từ Albani do dân tộc này đã chiếm đóng và định cư ở đây từ những năm thế kỷ XVI…

Người Hy Lạp cũng từng xâm chiếm miền Nam Italy và Sicily, nên Sicily chịu ảnh hưởng rất lớn từ văn hóa, văn minh Hy Lạp đến mức ở đây có rất nhiều người Hy Lạp, nhiều đền thờ kiểu Hy Lạp hơn cả ở Hy Lạp. Ngôn ngữ của người Sicily vì thế cũng lai tạp rất nhiều yếu tố nước ngoài (thậm chí có một số cộng đồng người bị ảnh hưởng bởi người Albani đến chiếm đóng ở đây từ thế kỷ thứ XVI ngày nay vẫn còn nói thứ tiếng Albani cổ). Cho đến màu mắt và màu tóc của một số lượng lớn người ở Sicily (tóc đỏ và mắt xanh) cũng được xem là đặc điểm mà họ được thừa hưởng từ người Norman. Thêm nữa ở Sicily cũng có không ít người mang họ có gốc từ Ả Rập. Nên đôi khi nhiều người Ý vẫn nói đùa Sicily không phải Ý, và bản thân nhiều người Sicily cũng không nhận họ là người Ý.

Hành trình đến Palermo và các thành phố ven biển

Một dạng xe ngựa du lịch tham quan

Từ sân bay Falcone-Borsellino cách trung tâm Palermo 30km, chúng tôi bắt xe khách về ga trung tâm thành phố. Đi bộ dọc theo đại lộ chính trước cửa nhà ga, chúng tôi về khách sạn, một tòa lâu đài rất đẹp được xây dựng từ thế kỷ 18. Tuy đi trúng vào kỳ nghỉ Phục Sinh nhưng có lẽ chưa vào hè nên khách chưa đông, các bảng giá dịch vụ, khách sạn chưa vào mùa cao điểm.

Không giống với nhiều thành phố lớn ở Ý, Sicily không dày đặc các công trình đồ sộ, lại nhiều cọ và một số loại cây khác gợi cảm giác như đang ở một xứ Trung Đông hay Bắc Phi. Phố xá Sicily cũng nhỏ, lại thêm nhiều chợ trời, hàng quán bày bán ngoài đường, từ chợ thực phẩm, thịt cá rau quả, đến các sạp quần áo, đồ điện tử trò chơi Trung Quốc, đến cả bếp ga, lò nướng.

Sáng Chủ nhật cả con phố chính thành phố đi bộ, chợ thủ công. Đủ các loại đặc sản như dầu ô liu, sốt cà chua, củ quả ngâm dầu, đến các sản phẩm thêu ren, gốm sứ.

 

Đồ gốm thủ công bày bán trong phố đi bộ sáng Chủ nhật 


Xe hàng rong ngoài bờ biển


Chợ vui là thế, mà sao thấy không đông người. Chỉ khi lững thững ra bến cảng, tôi mới nhận ra trời đẹp nên mọi người tranh thủ ra hết ngoài bờ biển, nằm phơi nắng, thả diều, nướng thịt… Trời xanh, gió mát, ai nấy thân thiện, quả thật Sicily rất thanh bình, không gợi chút nào cảm giác về một miền đất nổi tiếng dữ.

 

Xe ngựa du lịch chờ khách ở Ngã tư Quattro Canti ở trung tâm Palermo 

Nếu tham khảo thông tin trên các diễn đàn, blog du lịch, sẽ thấy rất nhiều cảnh báo phụ nữ không nên ra đường một mình, hoặc không nên ra đường buổi tối quá muộn, nhưng tôi hoàn toàn không thấy có gì nguy hiểm. Ít móc túi hơn các thành phố du lịch nổi tiếng Rome, Barcelone, Paris, không nhiều cướp giật như Napoli, ở Sicily có cảm giác an toàn hơn rất nhiều. Cũng hoàn toàn không gặp cảnh bắn giết súng ống nào như trên phim ảnh, chắc bởi vì dân thường, khách du lịch cũng không phải đối tượng quan tâm của những băng nhóm mafia. Tuy nhiên bạn cũng nên cẩn trọng khi lang thang ra vùng ngoại ô ổ chuột, có thể không an toàn như khu trung tâm.

Trúng kỳ nghỉ lễ Phục Sinh, chúng tôi phải đi tới 3 đại lý mới kiếm được một chiếc ôtô để thuê. Từ Palermo, chúng tôi sẽ lái xe qua khu bảo tồn thiên nhiên Zingaro, hai thành phố cực tây Trapani và Marsala, tiện thể sẽ tìm đường ghé thăm đồng muối ở vùng này.

Cả con đường men sát mép biển dài 17,5 km, chúng tôi còn có kế hoạch đi các điểm tiếp theo nên chỉ đi được một quãng 5km rồi quay về. Rất nhiều bãi biển nhỏ ăn vào núi, nếu thích có thể theo đường bậc thang xuống nghỉ ngơi tắm nắng rồi đi tiếp. Có một bảo tàng nhỏ, vài trạm nghỉ, nhưng tuyệt nhiên không có nhà hàng, dịch vụ cano nào suốt quãng bờ biển trong khu bảo tồn Zingaro, vì vậy nếu muốn chơi ở đây bạn nên mang theo đồ ăn nhẹ, nước uống, mũ và kính râm.

Trapani – Marsala, khu đồng muối và những cối xay gió cổ

Từ thuở xa xưa, muối đã luôn đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc sống của con người. Người ta làm giàu từ muối, chiến tranh vì muối, thậm chí ở Ý có rất nhiều con đường được đặt tên “Via Salaria” – Con đường Muối.

 

Bảo tàng Muối 

Những đợt gió nóng từ châu Phi, những ngày mùa hè dài ngập nắng, những vùng đất ven biển nước mặn xăm xắp, tất cả là điều kiện hoàn hảo cho sự ra đời của những cánh đồng muối ngút ngàn. Ở đây, muối biển thiên nhiên vẫn được kết tinh từ quá trình bốc hơi nước, giống như cách người Phoenic cổ đại đã làm từ 2.700 năm trước. Muối được bán đi khắp vùng Địa Trung Hải, tận các nước bắc Âu xa xôi. Nhờ muối, trong những năm giữa thế kỷ 16 nơi đây đã từng là một trong những bến cảng quan trọng nhất châu Âu. Ngày nay dù đã có nhiều sản phẩm thay thế khác nhau, muối ở đây vẫn được các chuyên gia ẩm thực ưa dùng bởi sự tinh khiết, không chất bảo quản và vị ngọt đằm của muối biển thiên nhiên.

 

Vô số những bãi biển cát trắng nước xanh như ngọc trong khu bảo tồn thiên nhiên 

Bỏ đường cao tốc, lái xe theo đường quốc lộ từ Trapani đến Marsala sẽ gặp những cánh đồng muối dọc hai bên đường. Cảnh đồng muối ở đây được những chiếc cối xay gió cổ nằm rải rác trang điểm đường chân trời. Cối xay gió đầu tiên được xây dựng từ thời Trung cổ, ngày nay hầu hết người ta dùng máy bơm cơ khí, nhưng lác đác vẫn còn 1-2 cối xay tiếp tục công việc dẫn và thoát nước vào ruộng muối. Không có sẵn trong nhiều chương trình tour, và nếu tự đi cũng phải thuê ôtô riêng mới tới được, nên cũng không nhiều khách du lịch biết đến nơi này. Nhưng nếu đã qua đây, nhớ ghé thăm Bảo tàng – Nhà hàng muối (Museo Ristorante “Trattoria del Sale”). Vừa được thăm gian trưng bày các hiện vật, tài liệu về ngành muối ở Trapani, vừa có thể thưởng thức những món ăn dùng gia vị là muối theo công thức địa phương. Và tất nhiên, chúng tôi cũng tranh thủ mua vài túi muối biển về dùng và làm quà cho bạn bè.

 

Ruộng muối panorama 

Isola Di Vulcano – Hòn đảo của những ngọn núi lửa

Người Hy Lạp cổ đại đặt tên cho hòn đảo là Thérmessa, nghĩa là “Nguồn nhiệt”, và trong thần thoại Hy Lạp đây được gọi là xưởng rèn của Thần Hephaestus (tương đương thần Vulcano trong tiếng La Mã, vị thần tượng trưng cho lửa, cho thợ rèn, thợ thủ công).

Tương tự như vậy, người La Mã cổ cũng tin rằng hòn đảo là ống khói của xưởng rèn của thần Vulcano. Rằng hòn đảo ngày càng phình to từ những đám tro tàn được thải ra sau những lần Thần Vulcano cho dọn rửa xưởng rèn. Rằng những trận động đất đi kèm hoặc theo sau các vụ nổ tro là những lúc thần Vulcano rèn vũ khí cho thần Chiến Tranh (Mars) cùng quân đội đi chiến đấu.

Từ truyền thuyết, từ những câu chuyện tưởng tượng của người cổ đại, sau này chính tên La Mã của đảo “Vulcano” đã được sử dụng rộng rãi trong nhiều ngôn ngữ phương Tây hiện đại để chỉ hiện tượng thiên nhiên núi lửa.

Hòn đảo nhỏ chỉ 21 km2, cách bờ bắc Sicily 25 km, là đảo gần Sicily nhất trong cụm 8 đảo Aeolia. Từ đảo chính Sicily có nhiều cảng ra đảo, nhưng nên đến thành phố Messina, cảng gần cụm đảo nhất, từ đó có rất nhiều hãng tàu, nhiều chuyến ra đảo. Mua vé đơn giản, ra cảng nhìn chuyến nào sắp khởi hành thì vào văn phòng đại lí vé ngay trên phố mua vé rồi lên tàu, tàu nhanh chỉ mất 40’ là tới đảo.

Hiện trên đảo có 3 ngọn núi lửa, trong đó có núi lửa Gran là vẫn còn âm ỉ xì khói. Muốn xem miệng núi lửa phải đi bộ lên đỉnh núi, vì thế ông chủ nhà trọ khuyên chúng tôi nên đi từ sớm, lên xem, trưa xuống núi là vừa. Có lẽ hình thành từ nham thạch nên đường lên núi toàn một màu cát, sỏi đen bóng, không nhiều cây to, chỉ toàn những bụi cây lá kim lè tè. Nhiều đoạn đất đá trơ khấc, lồi lõm, được ví như địa hình bề mặt sao Hỏa xem ra cũng không phải không có lí do.

Được đánh giá là điểm tham quan ấn tượng nhất trên đảo, cảnh tượng trên miệng núi lửa quả thật ngoạn mục. Những cột khói âm ỉ xì trắng, mùi lưu huỳnh nồng nặc. Khách du lịch được đặc biệt lưu ý không lại gần khu vực phun khói, sợ người yếu có thể bị ngạt thở.

 

Trèo lên đỉnh miệng núi lửa Gran âm ỉ, mùi khói lưu huỳnh vô cùng nồng nặc, khó chịu 

Do địa hình núi lửa, một địa điểm thú vị nên đến nữa là khu bể tắm bùn khoáng nóng thiên nhiên Fanghi. Bùn khoáng ở đây chứa hàm lượng lưu huỳnh rất cao (mùi khá đậm đặc), đặc biệt tốt cho những người bị bệnh thấp khớp và các bệnh về da (da nhờn, mụn trứng cá, bệnh vẩy nến). Tuy nhiên, phụ nữ có thai, những người bị bệnh liên quan đến khối u, bệnh tim, loãng xương, rối loạn dạ dày -ruột, bệnh tiểu đường hoặc đang bị sốt thì không nên xuống tắm. Ngay tại bể khoáng cũng có bảng khuyến cáo mọi người không nên xuống quá 20’, không nên để bùn dính vào mắt, và phải tắm lại thật kĩ bằng nước sau khi ngâm bùn.

Ngoài ra, do hình thành từ những dòng nham thạch phun trào nên trên đảo rất nhiều bãi tắm cát đen. Cách tốt nhất để đi vòng quanh đảo, dừng nghỉ ở bất cứ bãi tắm nào bạn thích là thuê một chiếc xe máy, hoặc xe 4 bánh địa hình, giá thuê một ngày không quá đắt, khoảng 15-25 Euro tùy mùa.

Tắm bùn lưu huỳnh, một trong những nét hấp dẫn khách du lịch 

Bên cạnh khai thác dịch vụ du lịch, dân trên đảo Vulcano chủ yếu sinh sống bằng nghề nuôi dê và săn bắn. Do đó ở đây cũng có những sản phẩm pho mát địa phương tuyệt vời như ricotta dê, và những món ăn truyền thống như ricotta rán, mì ống với ricotta, nêm nếm bởi các loại gia vị rau thơm đặc sản.

Làng chài Trung cổ Cefalu

Làng chài cổ kính được cho là xinh xắn nhất trên đảo Sicile

Nhà thờ trung tâm Duomo

Từ đảo chúng tôi đi cano về lại đất liền. Trở về từ đảo Vulcano, trên tuyến tàu hỏa từ Messina về lại Palermo chúng tôi dừng giữa đường xuống thăm làng chài nhỏ Cefalu. Với những con phố hẹp lát đá uốn lượn, bãi tắm nhỏ và bến cảng xinh xắn, Cefalu là một trong những làng chài Trung Cổ đẹp nhất và đông khách du lịch nhất Sicily. Để ý thấy trước cửa nhà nào cũng có ít nhất 2 chậu hoa cúc trắng, tôi mang thắc mắc hỏi một cô gái bán hàng xinh xắn, cô cười giải thích mùa hè này thành phố thống nhất mọi nhà đều trưng hoa cúc trắng. Mỗi mùa chọn một loại hoa, mọi nhà sẽ cùng thống nhất trang điểm đường phố, cửa hiệu, thu hút khách du lịch.

Ấn tượng nhất ở Cefalu là Lavatoio – bể giặt công cộng có từ thế kỷ 16 thời Trung cổ. Khu bể giặt được xây dựng nơi cửa sông Cefalino đổ ra biển. Một điều đặc biệt là dòng sông này bắt nguồn từ trên núi cạnh Cefalu, chảy ngầm dưới mặt đất, lách dưới những ngôi nhà nhỏ trong làng trước khi đổ ra biển. Cổ tích kể rằng dòng suối róc rách này là nước mắt của nữ thần sông, người vẫn ngày đêm khóc thương nhung nhớ người chồng yêu quý của nàng. Từ trên phố chính, những bậc cầu thang uốn duyên dáng dẫn xuống khu bể giặt tạc từ những khối đá nguyên, với dòng nước mát lạnh được thiết kế chảy vào 22 vòi dẫn nhỏ, trong đó có 15 cái thiết kế hình đầu rồng được bảo tồn cho tới ngày nay. Cho đến tận những năm ‘60-‘70 của thế kỷ trước, phụ nữ Cefalu rất thích tụ tập giặt đồ ở đây, đặc biệt trong những ngày hè nóng nực miền nam Địa Trung Hải bởi yêu thích nguồn nước mát lạnh nơi đây do chảy ngầm suốt vài km trước khi lộ thiên đổ ra biển.

Lavatoio khu bể giặt công cộng có từ thời Trung cổ thế kỷ 18

Vòi nước ở bể giặt được thiết kế hình đầu rồng, dẫn nước từ sông vào khu giặt

* Khí hậu: Sicily được ưu đãi bởi khí hậu êm dịu của Địa Trung Hải, mùa đông ấm mùa hạ mát, ít mưa. Trung bình 6-7 độ C mùa đông, 18-20 độ C mùa hè. Đi mùa xuân cây cối xanh tốt, hoa cỏ tưng bừng sẽ đẹp hơn, lại không đông khách như mùa hè. Tuy nhiên nhiều khách sạn, nhà hàng chỉ mở cửa khi vào hè đông khách du lịch.

* Đi lại: Có thể đi ôtô, tàu hỏa, tàu thủy, máy bay đến Sicily. Mùa hè, mỗi ngày đều có nhiều chuyến tàu và máy bay ra đảo từ các thành phố ở Ý và châu Âu. Đi lại trên đảo có đầy đủ các phương tiện công cộng, xe buýt, tàu hỏa. Tuy nhiên nên thuê ôtô riêng nếu muốn tự do khám phá các điểm du lịch trên đảo. Nên thuê trước qua mạng đặc biệt dịp lễ tết. Thuê xe một tuần khoảng từ €250 đến 500 euro. Những công ty lớn thường có giá cả tốt hơn, không nên thuê của các văn phòng cá nhân nhỏ, xe chất lượng không tốt, giá không cố định. Tất cả các công ty thuê xe đều có đại diện tại sân bay và nằm trong thông tin du lịch Agenda Turismo.

* Xe lửa: Xe lửa thường xuyên khởi hành nối các thành phố trên đảo, và những chuyến liên tỉnh đi Calabria, Napoli và Rome. Lịch khởi hành bằng tiếng Anh có tại trạm xe lửa. Vào mùa hè, phòng vé của trạm xe lửa rất đông, nên chuẩn bị thời gian mua vé trước khi khởi hành hoặc tốt nhất mua online trên mạng.

* Đường thủy: Có rất nhiều hãng tàu đường dài, tàu ra đảo, thông tin có trên mạng internet tuy đôi khi không cập nhật. Tuy nhiên các hãng đều có văn phòng đại diện ngoài bến cảng, mua vé nhanh, thuận tiện.

* Khách sạn: Nên đặt khách sạn online trước, nhất là mùa hè đông đúc, đặc biệt nếu muốn nghỉ lại trên đảo ngoài Sicily vì các đảo nhỏ không nhiều khách sạn.

* Ẩm thực: Sicily có nhiều món ăn sử dụng các sản vật địa phương như pho mát, dầu ô liu, cà chua, đặc biệt hải sản ở đây rất tươi và khá rẻ. Nếu có thời gian nên ghé thăm những khu chợ địa phương đầy ắp các loại rau tươi và sản vật địa phương.

 

Chợ sáng cực kỳ phong phú hải sản tươi và các loại rau quả theo mùa

 

Ông chủ nhà hàng cắt bánh mì chuẩn bị giờ đón khách

 

Những món nguội ăn khai vị đặc sản Sicily

 

Bruschetta bánh mì nướng giòn rưới cà chua tươi trộn dầu ô liu, phủ pho mát Parmigiano và dấm Balsamico

 

Gọi món cá tươi ngập dầu ô liu rắc các loại rau thơm là cách tốt nhất thưởng thức hải sản tươi ở Sicile 

Hiền Bầu


Thực hiện: depweb

10/09/2012, 16:21