Thời trang phim “Dune 2”: Vũ trụ giao thoa giữa cảm hứng thời Trung cổ và vị lai - Tạp chí Đẹp

Thời trang phim “Dune 2”: Vũ trụ giao thoa giữa cảm hứng thời Trung cổ và vị lai

Thời Trang

Trước thông tin đáng mừng là tập truyện thứ hai của “Dune” mang tên “Dune Messiah” sẽ tiếp tục được Denis Villeneuve đưa lên màn ảnh rộng, cùng nhìn lại những thiết kế trang phục tuyệt đẹp của siêu phẩm “Dune 2”. Phục trang của các nhân vật phản ánh được địa vị, tính cách, sứ mệnh, đồng thời cũng thể hiện sự giao thoa giữa các trường phái nghệ thuật và các yếu tố ăn mặc đến từ nhiều nền văn hóa trên khắp thế giới.

Thoạt nhìn, phục trang trong “Dune 2” khiến khán giả ấn tượng với những bộ quần áo đến từ tương lai. Đây là một khía cạnh không thể phủ nhận, bởi bối cảnh câu chuyện được đặt ở một tương lai xa, khi con người đã có thể tự do đi lại giữa vũ trụ bao la. Tuy nhiên, bối cảnh của “Dune” vốn dựa trên sự giao thoa giữa quá khứ và tương lai: một thế giới với thể chế chính trị thời Trung cổ. Chính vì vậy mà trang phục của phim không chỉ chịu sự chi phối từ cảm hứng vị lai, mà nó còn mang dáng dấp của thời kỳ Trung Cổ, được pha trộn thêm các yếu tố văn hóa bản địa của nhiều vùng đất trên khắp thế giới. Ngoài ra, người chịu trách nhiệm làm phục trang cho phim, NTK Jacqueline West, cho biết cô cũng được truyền cảm hứng từ trang phục của các bộ lạc du mục, các biểu tượng tôn giáo, văn hóa vùng Trung Đông, nghệ thuật hội họa và các thiết kế lưu trữ của một số nhà mốt cao cấp.

Dưới đây là cảm hứng và quá trình thiết kế trang phục cho một số nhân vật nổi bật trong phim điện ảnh “Dune 2”.

Công chúa Irulan: Cảm hứng Trung Cổ thanh tao pha lẫn nét chiến binh mạnh mẽ

Là nhân vật mới với thời lượng không quá nhiều nhưng trang phục của công chúa Irulan (Florence Pugh)  được trau chuốt rất kỳ công. Irulan không chỉ là công chúa cao quý mà còn là một Bene Gesserit và là một chiến binh thực thụ. Để duy trì hài hòa các khía cạnh này, Jacqueline West đã tìm đến những tham chiếu trang phục từ thời Trung Cổ, chủ nghĩa Thô mộc (Brutalism) và phong cách của các NTK Nhật Bản như Rei Kawakubo của Comme des Garcons, hay Yohji Yamamoto… Đặc biệt là đối với mũ đội đầu của công chúa. Những chiếc mũ kết cườm của Irulan đa phần được mô phỏng theo hình dáng khăn trùm đầu của các nữ tu sĩ và mang hơi hướng phục trang của phụ nữ theo đạo Hồi. “Khuôn mặt của công chúa gần như bị giam cầm trong chiếc mũ. Nó gợi lên liên tưởng về việc cô ấy đang bị mắc kẹt trong tình tế ‘kế hoạch chồng chất kế hoạch’ của các Bene Gesserit”, NTK phục trang giải thích. Cô cũng cho biết thêm là những chiếc mũ này được làm hoàn toàn thủ công bởi các nghệ nhân có tay nghề tại Budapest và mất nhiều tuần mới hoàn thiện được một sản phẩm.

Kiểu mũ đội đầu dạng lưới đơn giản nhưng vẫn đảm bảo được độ tinh xảo.
Irulan trong kiểu mũ cầu kỳ, kín đáo, phản ánh rõ tinh thần Bene Gesserit hoà quyện cùng phẩm chất mạnh mẽ của một nữ chiến binh.

Khi đến gặp mặt chồng tương lai của mình, Irulan đã mặc một chiếc đầm dây xích lộng lẫy cùng mũ trùm đầu tương đồng. Kiểu dáng vũ khí dạng mảnh thời Trung cổ là nguồn cảm hứng cho bộ trang phục này: nó có phom dáng của chiếc áo giáp dạng xích thường thấy trên những tấm thảm thêu thời Trung Cổ, nhưng đã được hiện đại hóa bằng cách sử dụng các đường cắt với mắt xích màu bạc, kết hợp cùng kiểu mắt lưới trang trí công phu hơn. Cách kết cấu này đem đến cho bộ trang phục cảm giác mềm mại theo kiểu siêu thực, gần với thời trang cao cấp mang tinh thần vị lai của thương hiệu Alexander McQueen.

Công chúa Irulan trong bộ trang phục đặc biệt với áo choàng mang hơi hướng Nhật Bản.
Các chi tiết trên đầm xích được truyền cảm hứng từ kho vũ khí thời Trung cổ, kết cấu tạo hiệu ứng thị giác tựa như một dạng chất lỏng nhưng thực tế lại rất nặng do sử dụng khối lượng lớn kim loại.
Lệnh bà Jessica, các Bene Gesserit và người Fremen: Sự hòa trộn đặc sắc giữa các nền văn hoá bản địa

Đối với trang phục của người Fremen, Jacqueline không dựa trên bất kỳ bộ lạc du mục nào cố định, nó được tổng hòa từ người Touaregs, người Bedouin và người Mông Cổ. Nhóm của cô đã phải làm việc trực tiếp với các nghệ nhân dệt may, kiểm soát tất cả việc nhuộm, thiết kế trên áo choàng, khăn và mạng che mặt. Quá trình sản xuất vô cùng đồ sộ, tất cả đều được thực hiện trong một khu nhà kho khổng lồ ở Budapest, nơi có khoảng 80 người cùng với những người tạo mẫu, thợ may, thợ nhuộm và thợ dệt. Tuy nhiên, quy trình đó chưa bao gồm các nhà sản xuất trang phục đặc biệt như Ironhead Studio ở Van Nuys, những người thợ dệt được đặt hàng riêng tại Ý và một thợ may áo giáp tuyệt đẹp trên sông Danube. Đội ngũ thiết kế đã phải huy động toàn bộ mạng lưới thương nhân của mình để thu mua vải và đồ trang sức trên khắp thế giới: đồ trang sức từ Istanbul và các khu chợ ở Bắc Phi; vải từ Thái Lan, Trung Đông, Trung Quốc, London, Ý.

Phong cách trang phục của người Fremen chịu ảnh hưởng bởi các dân tộc du mục và do đội ngũ thiết kế tự sản xuất hoàn toàn.

Trong những phân cảnh uy nghiêm nhất, Lệnh bà Jessica (Rebecca Ferguson) xuất hiện với trang phục hoặc gương mặt phủ kín các dãy cổ ngữ. Bộ phận nghệ thuật đã tự tạo ra một bảng chữ cái Fremen riêng, sau đó chuyển nó thành các bản in hoạ tiết trên vải dùng cho áo choàng và khăn trùm đầu. Các chữ cái này trông giống như sự kết hợp giữa các ký tự tiếng Nga, tiếng Nhật, tiếng Trung Quốc và một số ký tự Ả Rập. Chúng cũng được vẽ bằng tay trên tất cả quần áo của người Fremen và các Bene Gesserit miền Nam. Đối với tạo hình của Hội Bene Gesserit tại miền Nam, Jacqueline cũng dựa trên tham chiếu trang phục từ thời Trung Cổ, kết hợp với cảm hứng từ các tác phẩm nghệ thuật Công giáo của Giotto di Bondone – một trong những họa sĩ vĩ đại nhất thời kỳ Phục hưng Ý. Ngoài ra, NTK vẫn lấy hình ảnh các nữ tu sĩ làm cốt lõi cho tạo hình của Bene Gesserit miền Nam, với ý tưởng về sự giao thoa của hình tượng này trong các nền văn hoá khác nhau.

Bảng chữ cái riêng của người Fremen được vẽ trên mặt và trang phục của Lệnh bà Jessica cũng như trang phục của người dân thường.
Trang phục của Jessica vẫn đề cao sự trang trọng nhưng theo chiều hướng thần bí, đậm chất Công giáo hơn là vẻ giàu sang quý tộc như khi còn là Phu nhân của Công tước Atreides.

Riêng với Lệnh bà Jessica, vẻ ngoài của cô ngày càng lộng lẫy khi cô và con trai trở nên quyền lực hơn. Theo như Jacqueline chia sẻ, trang phục của Jessica gần giống như “một cỗ quan tài của Ai Cập”, với tất cả những bộ đồ bằng nhung và lụa, được vẽ tay bằng sơn vàng. Sau khi mang thai, trang phục được làm từ vải mỏng nhẹ hơn để tránh gây cảm giác sang trọng một cách phô trương. Những ảnh hưởng từ trang phục Trung cổ vẫn giữ nguyên nhưng đã được biến tấu để thân thiện hơn với bối cảnh sa mạc. Trang sức của Lệnh bà cùng Hội Bene Gesserit miền Nam đều là thiết kế riêng độc bản. Các nghệ nhân kim hoàn từ London đã tháo rời tất cả đồ trang sức được thu thập và tái tạo lại thành những kiểu dáng mà Jacqueline gọi là “trang sức Tiffany hiện đại của người Fremen”.

Kiểu mũ cực cầu kỳ với dây xích che mặt, khăn trùm đầu thêu cổ ngữ kết hợp với trang sức dạng chuỗi nhiều sợi – Lệnh bà Jessica tựa như đang khoác lên mình “một cỗ quan tài của Ai Cập”.
Paul và Chani: Những bộ sa phục được biến tấu tinh tế

Trang phục của Paul Atreides (Timothée Chalamet) chủ yếu vẫn là những bộ sa phục quen thuộc từ phần đầu. Sự thay đổi rõ ràng nhất là anh mặc nhiều áo choàng hơn. Những chiếc áo choàng được biến đổi theo nhiều kiểu dáng và các phối khác nhau để tránh gây cảm giác nhàm chán. Trong phần phim này, Paul đã tiếp thu tôn giáo và triết lý của người Fremen, vì vậy mà nhà tạo mẫu muốn gây dựng cho anh vẻ ngoài phản ánh được phẩm chất hiền triết, sự khổ hạnh tựa như một bậc tu hành uyên bác. Ngoài ra, lớp lang trang phục kiểu này cũng phần nào tương đồng với cách ăn mặc của nhân vật Chani (Zendaya). Chủ ý của Jacqueline là tạo nên sự liên kết một cách thật tinh tế giữa hai nhân vật: từng lớp trang phục nói lên sự lớp lang đầy chiều sâu trong mối quan hệ đặc biệt của họ.

Nhà tạo mẫu muốn dùng tính lớp lang trong trang phục để làm nổi bật sự uyên bác của Paul sau khi tiếp nhận giáo lí của người Fremen.

Với riêng Chani, sa phục mang hơi thở phi giới tính biến tấu bằng vải thô và vải lanh để tôn lên đặc trưng giới tính của cô. Kiểu dáng trang phục đơn giản nhất có thể, tập trung vào sự thoải mái, thanh thoát của chất liệu và thường là màu tối, phản ánh sự cứng rắn, ngay thẳng của một cô gái Fremen mạnh mẽ. Tuy nhiên, tại những phân cảnh ở bên Paul, Jacqueline nhấn mạnh là Chani sẽ mặc đồ sáng màu và có vẻ lãng mạn hơn để tô đậm mối tình của họ.

Với riêng Chani, sa phục mang tính unisex biến tấu bằng vải thô và vải lanh để tôn lên đặc trưng giới tính của cô.
Feyd-Rautha và Margot Fenring: Ma cà rồng sánh đôi cùng thời trang cao cấp

Feyd-Rautha (Austin Butler), một nhân vật điên loạn và tàn bạo, đã có màn ra mắt cực kỳ ấn tượng với diện mạo pha trộn giữa sự kỳ dị và siêu thực. Khía cạnh đến từ thời tương lai trong trang phục của Feyd được Jacqueline tham khảo từ các tác phẩm mang phong cách “cơ sinh học” của H.R. Giger – người nghệ sĩ nổi tiếng với tạo hình “có một không hai” của loài Xenomorph trong phim điện ảnh “Alien”. Đội ngũ thiết kế đã không sử dụng đến kim loại, tất cả đều là da co giãn màu đen và nhựa vinyl để gợi lên cảm giác công nghệ cao đặc trưng của dòng phim khoa học viễn tưởng, cùng với đó là một số loại nhung và len thô. Đồng thời, vẻ ngoài của Feyd cũng phảng phất dấu ấn Gothic, mô phỏng theo hình tượng ma cà rồng độc ác thời Trung cổ đen tối. Chiếc áo dập nổi cấu trúc xương người được lấy cảm hứng từ hình tượng về “các vòng tròn địa ngục” trong phần “Inferno” (Hỏa ngục), thuộc trường ca “Divina Commedia” (Thần khúc) của Dante Alighieri.

Trang phục của Feyd được tham khảo từ các tác phẩm mang phong cách “cơ sinh học” của H.R. Giger. hình tượng ma cà rồng theo trường phái Gothic và tinh thần tàn bạo từ “Inferno” (Hỏa ngục) của Dante Alighieri.

Người đã tìm cách quyến rũ Feyd-Rautha, quý cô Margot Fenring (Léa Seydoux) lại được Jacqueline West định hướng cho hình tượng sang trọng, quyến rũ một cách thanh lịch theo hơi hướng thời trang cao cấp. Cụ thể, chiếc đầm xanh đen với phần mũ trùm đầu bí ẩn mà Margot mặc khi lần đầu chạm mặt với Feyd được làm từ rất nhiều vải taffeta cực đắt đỏ đến từ Pháp, mô phỏng theo thiết kế cao cấp lâu đời của thương hiệu Balenciaga.

Chiếc đầm xanh đen sang trọng mà vẫn quyến rũ một cách thần bí của Margot Fenring được mô phỏng theo thiết kế cao cấp đến từ nhà mốt Balenciaga.

Tác giả: Vũ Thảo

09/04/2024, 15:00