Thời điểm “vàng” để khơi gợi tiềm năng
Có thể nói trẻ nhỏ trong độ tuổi từ 3 – 5 là thời điểm vàng để các bậc cha mẹ khơi gợi tiềm năng có trong mỗi đứa trẻ. Những chuyên gia giáo dục thường ví tất cả trẻ em đều là những nghệ sĩ. Nhưng quan trọng nhất vẫn là làm sao để khơi gợi đúng và trúng với những năng khiếu của từng đứa trẻ.
Thời kỳ này, trẻ sẽ bước vào một thời kỳ học tập để thích nghi bằng sự say mê. Ngôn ngữ của trẻ bắt đầu phát triển, khả năng tư duy và khả năng tưởng tượng cũng bắt đầu hình thành. Do đó, nếu chúng ta biết kích thích niềm say mê của trẻ ở nhiều lĩnh vực khác nhau, chắc chắn trẻ sẽ có được những phản hồi tích cực đối với cuộc sống.
Cũng từ đây, chúng ta có thể phát hiện ra được những năng khiếu nổi trội của trẻ ở một hay vài lĩnh vực nào đó. Việc phát hiện năng khiếu của trẻ không chỉ giúp trẻ bồi dưỡng kịp thời mà con khiến các bậc cha mẹ có những định hướng phát triển cho con ngay từ khi còn rất sớm.
Trong một buổi giao lưu trực tuyến, TS Đinh Thị Kim thoa cho biết, sự phát triển của trẻ phụ thuộc chủ yếu vào giáo dục và hoạt động tích cực. Và giải thích cho điều này, TS Đinh Thị Kim Thoa lấy một ví dụ cụ thể về việc trẻ phát triển năng khiếu hội họa:
– Thứ nhất: các bậc cha mẹ có biết là bé nhà mình có thiên hướng về hội họa hay không để phát triển thành tài năng? Đối với một đứa trẻ bình thường, những hoạt động giáo dục thẩm mỹ thông qua hội họa cũng được chú ý phát triển mạnh. Trước hết, hãy giúp trẻ biết cảm nhận về thế giới màu sắc, hình dạng, sự phối kết hợp hài hòa giữa chúng để tạo nên sự kết hợp muôn màu muôn vẻ.
– Thứ 2: hãy giúp trẻ thể hiện thế giới nội tâm của mình bằng các phương tiện màu sắc, bút giấy, đồ thủ công…
– Thứ ba: hãy dùng ngôn ngữ để có thể miêu tả lại, hay diễn đạt những suy nghĩ tâm tư của bé.
Ngoài ra, tiến sĩ còn khuyên các bậc cha mẹ nên tìm đến những trường mầm non, trung tâm đào tạo phát triển kỹ năng uy tín cho trẻ theo học.
Đừng ép quả chín non
Những năm tuổi mầm non là thời kỳ trẻ chập chững những bước đầu tiên tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Môi trường đó sẽ hình thành cho trẻ những quan sát, nhận thưc và sẽ ảnh hưởng đến suốt quá trình tài năng về sau này.
Chuyên gia giáo dục người Ý, bà Maria Montessori cho rằng: “Trong mỗi đứa trẻ đều có những tài năng tiềm ẩn. Sự chuẩn bị kỹ càng từ lúc đầu đời chính là chía khóa thành công cho tương lai mỗi cháu”. Thật vậy, ở tuổi này trẻ bắt đầu tiếp nhận từ môi trường bên ngoài những gì ta mang lại. Người ta thường nói, trẻ em tuổi này hệt như một tờ giấy trắng và tương lai của trẻ như thế nào lại phụ thuộc vào việc các bậc cha mẹ, thầy cô, ông bà giáo dục trẻ ra sao.
Tuy nhiên, trên thực tế câu chuyện lại không đơn giản như chúng ta nghĩ mà nó lại trở nên phức tạp. Người lớn đôi khi quá coi trọng vấn đề, phương pháp giáo dục, định hướng những kỹ năng cho trẻ không đúng thì chuyện phản tác dụng là đương nhiên.
Câu chuyện của vợ chồng chị Hường (Chùa Láng, Đống Đa, Hà Nội) là một ví dụ. Khi chị Hường nghe bạn bè kháo nhau về chuyện phát triển năng khiếu cho trẻ và biết ở tuổi này sẽ là cơ hội tốt nhất. Thấy vậy, chị cùng chồng lên một kế hoạch khá chi tiết cho con nhỏ đi học hết lớp năng khiếu này đến lớp năng khiếu kia. Và dường như lịch học của cháu đặc kín cả tuần: học vẽ, học xướng âm, học đàn, thậm chí cả tiếng Anh trong khi tiếng Việt còn chưa sõi.
Không giống như gia đình chị Hường, với chị Lệ Quyên (Kim Mã, Ba Đình) ngoài giờ học trên lớp, tất cả các buổi tối chị đều cho con đi học nhạc, học đàn. Ngày nào cũng như ngày nào khiến cháu bị “bội thực” trong tiếng nhạc, tiếng đàn của lớp năng khiếu.
Chưa hết, nhiều trẻ do bị các bậc cha mẹ học năng khiếu nhiều quá nên rơi vào trạng thái mệt mỏi, uể oải, không tập trung học hành hoặc có học cũng theo dạng đối phó qua quit.
Điều quan trọng nhất theo nhiều chuyên gia giáo dục nhận định là làm sao kết hợp giữa cha mẹ và các trung tâm phát triển nhằm tạo hứng thú cho trẻ đối với những môn năng khiếu nhất định. Đơn cử như nếu trẻ thích học môn học nào cứ để cho trẻ phát huy sở thích này một cách tự nhiên. Thầy cô giáo và cha mẹ chỉ làm cầu nối để những tiềm năng ấy phát triển, đừng gắng ép trẻ học sẽ có lúc phản tác dụng.