Khán giả bội thực “bánh”!
Khán giả được hưởng lợi từ những show THTT dán mác Việt? Đúng, bởi họ là ngôi sao, là nhân vật chính, được trao quyền phán xét, được giải trí, được thể hiện, được mơ ước. Ai cũng có thể xem, ai cũng có thể đi thi, và ai cũng có thể lên sóng truyền hình. Có điều phần đông khán giả xứ mình có thừa hồn nhiên và nhiệt huyết nhưng lại thiếu “tầm” thưởng thức, mà trong khi đó, THTT là để phục vụ khán giả và thu lợi từ khán giả nên cũng đồng nghĩa với việc THTT dù có thành công cũng chỉ là … chương trình tạp kỹ!
Chỉ có một điều khán giả Việt làm được, đó là họ đã biết ngán và đã biết chọn lọc phần ngon nhất của chiếc bánh. Sao Mai Điểm Hẹn năm vừa qua có thể bị cho là món “chống đói” hơn là một mẩu bánh ngon và béo bở. Một cuộc thi hát ra đời gần chục năm nay với format hỗn độn giờ đã không còn thu hút khán giả trẻ, nhất là sau sự bùng nổ của The Voice, Vietnam Idol và sắp tới là The X Factor… Nhưng cũng lo cho khán giả Việt bởi một đất nước không rộng lớn như Việt Nam, liệu mỗi năm các reality show có đủ nhân lực để lên sóng, đủ nhân tài để khai thác?
Mà cho dù có lên sóng và có khai thác một cách khiên cưỡng thì liệu khán giả có phải bội thực vì không biết nên xem cái gì, thậm chí còn đau đầu hơn là không nhớ nổi thí sinh nào tham dự cuộc thi nào tên gì, hát gì … Và đến lúc nhà nhà người người bật TV lên và xem THTT thì có lẽ các hãng làm phim truyền hình dài tập, các gameshow hay talkshow khác phải đến hồi lao đao vì bị giành giờ vàng phát sóng! Và khi khán giả “nuôi” THTT thì cũng là lúc các nhà sản xuất sẽ phải cạnh tranh khốc liệt hơn!
Có tiếng = có miếng?!
Khi THTT từ bản quyền nước ngoài tạo được cú hích mang tính thương mại, hầu như mọi giờ vàng đều ưu ái nó hơn bất kì hình thức giải trí truyền hình nào khác. Tối Chủ nhật phát sóng trên truyền hình, sáng thứ Hai báo chí tràn ngập tin tức về thí sinh và những gay cấn của đêm thi. Thời gian còn lại trong tuần là để báo chí đưa tin bên lề còn khán giả thì tò mò theo dõi và chờ đợi. Với vòng xoay linh hoạt như thế, THTT tất nhiên tạo được lợi nhuận không chỉ cho nhà đài, nhà sản xuất mà còn tạo “đất” để truyền thông “dụng võ”!
Khi đã có tiếng, ắt hẳn chẳng ai chịu thiệt. The Voice dù có tai tiếng rùm beng vẫn mạnh dạn đẩy giá quảng cáo lên cao ngất ngưởng. Hay như Bước Nhảy Hoàn Vũ mùa đầu tiên cũng đã từng đạt được 60 spot quảng cáo trong đêm chung kết, thậm chí cạnh tranh kịch liệt với cả World Cup cùng thời điểm. Một khi đã cầm chắc sự tự tin về chiến lược và mức độ ảnh hưởng, nhà đài sẽ mạnh dạn trao giờ vàng cho THTT và cả hai cùng hưởng lợi.
Tuy nhiên danh tiếng và lợi nhuận có được, đôi khi chỉ là sự lầm tưởng về một giá trị đã có sẵn bên trời Tây. Nhìn lại quá khứ, những Khởi Nghiệp, Phụ Nữ Thế Kỷ 21, Chinh Phục Đỉnh Everest hay Hành Trình Kết Nối Những Trái Tim, Nốt Nhạc Ngôi sao … đều dán mác Việt và từng có được sự chú ý nhất định (tuy không nhiều) nhưng cuối cùng cũng không thể “thọ” vì chẳng thu được lời! Thậm chí show “bắt chước” Tây hóa như Vui Là Chính … cũng nhanh chóng rơi vào quên lãng. Sự chết yểu nằm ở yếu tố “vọng ngoại” của khán giả Việt, khi mà “gà nhà” bị phân biệt đối xử nên nhà đài và nhà sản xuất tìm đến với những format quốc tế có tên có tuổi, hòng có thể kiếm được tiền! Trong khi đó, ít ai biết những American’s Next Top Model hay True Beauty lại bị chính “chủ nhà” tẩy chay.
Danh tiếng ảo và Giá trị thật
THTT có khả năng biến một người vô danh thành nổi tiếng. Thực tế đã có nhiều ví dụ từ Susan Boyle (Britian’s Got Talent), cho đến Jade Goody (Big Brother 3). Quay trở lại thực tế của THTT Việt, thí sinh (được cho là) ăn “bánh” nhiều nhất tính đến thời điểm này, là Uyên Linh. Có tài, có học thức, nhưng sự thổi phồng quá mức của nhà sản xuất đã khiến cho khán giả đặt kì vọng ở Linh cao tới mức sau khi cô ra mắt album vol.1 một cách chật vật và khiêm tốn, cũng là lúc tên tuổi của cô không còn “nóng” như trước nữa.
Ban đầu, ngay sau khi Vietnam Idol 2010 kết thúc, người ta cứ hi vọng về một thế hệ ca sĩ kiểu như Uyên Linh có thể lay chuyển được trình độ mơ hồ của khán giả Việt nhưng rốt cuộc cho đến nay, khán giả vẫn tiếp tục … lơ mơ và thí sinh thì đã bắt đầu thôi được … ăn “bánh”. Từ sau “hiện tượng” Uyên Linh, cho đến nay, Vietnam Idol vẫn chưa tạo được sức hút trở lại, kể cả việc có nên giữ Hương Giang (thí sinh chuyển giới) để “câu view” cho đến Top 5 (mùa này) hay không. Liệu có phải công thức của THTT là càng tạo ra nhiều ảo giác cho công chúng, cho thí sinh, để rồi sau khi sân chơi kết thúc, ảo giác ấy cũng nhanh chóng tan biến mất và khán giả tự trách móc thí sinh, trách móc chính mình đặt lòng tin sai chỗ?
Ngoài danh tiếng, THTT cũng dễ khiến cho một kẻ thất nghiệp hoặc nghèo mạt trở thành tỷ phú nhờ món tiền thưởng kếch xù, như Vietnam Idol với $20.000 tiền mặt dành cho người thắng cuộc hay hàng loạt giải thưởng giá trị thuộc quyền sở hữu của thí sinh đạt danh hiệu “Giọng hát Việt”. Nhưng ở Việt Nam, thực tế lại khốc liệt và có phần phũ phàng hơn, danh tiếng có thể có đôi chút nhưng vì giá trị ảo như đã nói ở trên, mà những nhân tài … chưa đủ tài đã phải “chết yểu”. Những Phạm Văn mách (Cặp Đôi Hoàn Hảo), nhóm nhạc 4U (Nốt Nhạc Ngôi Sao), Hoàng Nghiệp (Sao Mai Điểm Hẹn) … ra khỏi sân chơi ngay lập tức chìm luôn, mà khán giả cũng chẳng thèm hỏi han đến họ dù cho chính khán giả đã từng ủng hộ, từng bình chọn cho họ … Giá trị thật mà thí sinh đáng được có là khi khán giả và THTT phải thành thật với nhau!
Thông thường trong một chương trình THTT, người tham gia là thi sinh phải được chia phần “bánh” nhiều hơn ai hết, nhưng ngược lại ở các reality show nước ngoài, đôi khi giám khảo mới là “Ngôi sao đêm nay”. Cuộc lột xác ngoạn mục có thể thấy rõ ở The Voice, American Idol … nơi mà các nữ nghệ sỹ như Christina Aguilera hay Jennifer Lopez đã lấy lại danh tiếng, tiền bạc sau khi ngồi trên ghế nóng. Christina Aguilera thì ra album mới hoành tráng, trong khi Jennifer Lopez không những vực lại tên tuổi bằng On The Floor mà còn có tiền làm show riêng!
Và nếu như ở Mĩ hoặc ở Anh, các “sao” tham gia reality show đều đang … sắp hết thời hoặc gặp trở ngại về sự nghiệp nay muốn đổi đời thì ở Việt Nam, mọi chuyện ngược lại, ngôi sao nổi tiếng được mời để đảm bảo sức hấp dẫn cho chương trình! Và cũng khác với reality show trời Tây, những nghệ sĩ tham gia THTT tại Việt Nam thường là bị tai tiếng và bị “ném đá” nhiều hơn. Trong trường hợp này, Trần Lập và Đàm Vĩnh Hưng được cho là chuốc họa và thân vì dính líu đến THTT.
Nói gì thì nói, ở ta cái gì cũng ngược đời so với ở Tây. Chừng nào cái sự ngược ngạo ấy trở nên dung hòa, thì lúc đó THTT mới thật sự bước đến một tầm cao mới, và xây dựng một thế hệ khán giả lẫn thí sinh có đẳng cấp cao hơn.
Đỗ Tuyên (theo Sành điệu)
*