Nhưng Ấn Độ với tôi cũng là niềm kinh ngạc khi ngắm nhìn từ xa hay đến gần để sờ lên từng viên đá cẩm thạch của ngôi đền lộng lẫy Taj Mahal và những di sản kiến trúc kỳ vĩ khác của Hindu giáo hay Hồi giáo. Chưa hết, tôi còn chứng kiến tận mắt hai mặt giàu sang và thống khổ ở thủ đô New Delhi ở một khoảng cách rất gần. Và cuối cùng là ngỡ ngàng như đến một xứ sở cổ tích khi đặt chân lên thành phố vàng Jaisalmer ở phía Tây Bắc Ấn, cách biên giới Pakistan chỉ vài chục cây số, cưỡi lạc đà vượt sa mạc Thar và ngủ giữa bầu trời ngàn sao như những người lữ hành kỳ dị…
Khi đặt chân đến Ấn Độ hơn một thế kỷ trước, vào năm 1896, nhà văn người Mỹ Mark Twain cũng đặt cho nó hàng chục danh hiệu: “Xứ sở của dịch hạch, xứ sở của nghèo đói, xứ sở của những ảo giác khủng khiếp, xứ sở của những ngọn núi ngất trời…” và ông viết rằng: “Mỗi khi bạn nghĩ là mình đã tìm hiểu hết những nét tính cách lạ lùng của nước này và muốn đặt cho nó một danh hiệu nào đó thì lại sớm phát hiện ra những tính cách mới và bạn thấy cần phải đặt những danh hiệu mới”. Cuối cùng ông thấy tốt nhất là vứt bỏ mọi danh hiệu và gọi Ấn Độ là “Xứ sở của những điều kỳ diệu”. Vào những năm 50 của thế kỷ 20, nhà báo, nhà du ký kiệt xuất người Ba Lan Ryszard Kapuscinski cũng đến Ấn Độ, đất nước đầu tiên ông đặt chân đến ở bên ngoài biên giới đất nước mình và gọi đó là “Chuyến đi của định mệnh”. Trong tác phẩm xuất sắc “Du hành cùng Herodotus”, sau những trải nghiệm kỳ lạ ở Ấn Độ, ông cũng viết rằng: “Đừng kết luận bất cứ điều gì ở đất nước này, bởi ngay từ khi bạn vừa đưa ra một câu kết luận thì bạn đã kịp nhận ra rằng đó là một nhận định sai lầm”.
Không chỉ có Mark Twain và Ryszard Kapuscinski, tôi còn tham khảo rất nhiều cuốn sách khác sau chuyến đi viết về Ấn Độ mà trước đó hầu như tôi không để ý tới, dù nó nằm phủ bụi trên giá sách từ lâu. Cuốn sách cho tôi nhiều kiến thức và cảm hứng nhất là “Lịch sử Văn minh Ấn Độ” của sử gia nổi tiếng người Mỹ Will Durrant viết vào những năm 30 của thế kỷ trước hay những trang viết trong cuốn du ký “Phương Đông lướt ngoài cửa sổ” của một nhà văn người Mỹ khác là Paul Theroux với chuyến trải nghiệm bằng tàu hỏa khắp Ấn Độ vào những năm 70 của ông… Tôi phải gật đầu lia lịa hay ngưỡng mộ với những trang viết đầy kiến thức hay những nhận định đến bây giờ vẫn còn mới mẻ của các bậc tiền nhân. Nhưng thôi, nếu phải trích dẫn thì (chắc) tôi phải trích dẫn hàng trăm trang in. Cuối cùng tôi chọn cách loại bỏ chúng hết khỏi đầu và bắt đầu bằng những trải nghiệm của chính mình…
Cú sốc đầu tiên của tôi ở Varanasi là khi chuyến taxi đi khoảng 1 tiếng thì dừng lại vì không đi được nữa, khi tiến đến gần trung tâm. Những con đường bị bủa vây bởi người là người, các phương tiện vận tải thô sơ như xe kéo, tuk tuk, xích lô và đặc biệt là những chú bò, trâu, ngựa, dê… đi lại đủng đỉnh trên phố. Mọi thứ hỗn độn, inh ỏi và náo loạn như ở một xứ sở vô chính phủ (Xin lỗi, tôi lại định nghĩa rồi!). Chúng tôi phải chuyển qua một chuyến tuk tuk (ở Ấn gọi là Rickshaw), đi len lỏi giữa hàng người đông đặc và trông mặt ai cũng khắc khổ, nghèo đói để về khách sạn. Bác tài xế phải gồng cả hai tay để chiếc xe không lao vào những chiếc đi ngược chiều hay thậm chí là cùng chiều. Càng vào trung tâm, cảnh hỗn loạn càng trầm trọng và tiếng ồn của các phương tiện giao thông cùng tiếng còi xe càng đinh tai nhức óc. Và mùi, bốc lên đến ngạt thở. Mùi của những bãi phân bò đang rữa dày đặc trên đường, mùi bốc lên từ cống lộ thiên, mùi của một toilet công cộng bên đường, mùi cà ri của những quán ăn uống tạm bợ và tất nhiên là cả mùi người.
Tôi sốc thực sự khi nhìn thấy một người đàn ông trần truồng, gày gò, người sơn phết đủ màu đi lại như chốn không người hay một chú khỉ chết được đặt trên một manh chiếu, đặt cùng mấy loại đồ cúng, hương khói bốc nghi ngút. Tất cả đều diễn ra trên đường. Thoát được con đường chính, đi vào ngõ nhỏ dẫn vào khách sạn cũng đầy… phân, chỉ cần không để ý là… dính đạn ngay. Tay kéo va li, tay bịt mũi bởi những cơn nôn khan chực trào lên cuống họng. Ba ngày ở Varanasi, tôi đều ở trong tình trạng nôn khan bởi mùi hôi và cảm giác lợm giọng khi nhìn thấy những bãi phân bò, dê, ngựa nằm rãi rác trên tất cả mọi con đường ở Varanasi mà không có bất cứ ai dọn dẹp.
3. Từ trước đến nay, tôi luôn nghĩ Ấn Độ là đất Phật điều đó không sai, bởi đạo Phật từng phát triển rực rỡ và có sức ảnh hưởng lớn ở Ấn Độ trước Công nguyên và sau đó truyền sang các nước châu Á khác. Nhưng sau đó, đạo Phật mất dần vị trí tại Ấn Độ và nhường chỗ cho đạo Hindu. Ngày nay, những người theo đạo Phật chỉ chiếm 0,8% dân số, trong khi Hindu giáo (hay còn gọi là Ấn giáo) chiếm tới 80% dân số của đất nước có gần 1,3 tỷ người.
Varanasi là một trong những cái nôi của Hindu giáo và là thành phố thiêng nhất của tín đồ đạo đa thần này. Với lịch sử tồn tại hơn 5000 năm, Varanasi là một thành phố cổ nhất có người sinh sống và được so sánh với những thành phố thiêng khác như Jerusalem của Thiên chúa giáo hay Mecca của Hồi giáo. Người Ấn coi Varanasi là quê hương của thần Shiva, một trong 3 vị thần lớn quyền năng và linh thiêng nhất của Hindu giáo. Con sông Hằng chảy qua Varanasi vì thế là nơi để những tín đồ đến đây để cầu nguyện, cúng tế, tắm rửa, giặt giũ lẫn… thiêu xác. Tất cả những sinh hoạt đó đều diễn ra dọc theo các Ghat (bến sông) của Varanasi từ bao đời nay, qua bao thế kỷ đến nay vẫn không có gì thay đổi. Với họ, được tắm gội trên dòng sông mẹ này là được gột rửa các tội lỗi trần gian, còn được thiêu xác và thả tro xuống dòng sông Hằng là sớm được tái sinh ở một kiếp khác. Tôi không biết đã bao triệu triệu người đốt xác bên dòng sông Hằng và thả tro xuống dòng sông nặng mùi tử khí này. Chỉ nghĩ đến đó thôi cũng đã thấy ớn lạnh.
Buổi tối, chúng tôi đi dọc bờ sông khoảng 3km, qua những ghat chính và chứng kiến những cảnh sinh hoạt lạ kỳ của những tín đồ Hindu giáo. Dọc theo bờ sông Hằng ở Varanasi có 84 ghat, là nơi diễn ra các sinh hoạt của hàng triệu tín đồ ở đây. Các ghat đều xây dựng từ rất lâu nhưng đều rất kiên cố với lối kiến trúc độc đáo xen lẫn với những đền thờ Hindu lâu đời. Hàng ngàn người tụ tập ở Dasawamedh – ghat lớn nhất để làm lễ cầu nguyện thần Shiva, một nghi lễ tôn giáo hầu như diễn ra mỗi ngày.
Băng qua một ghat khác thì thấy nghi lễ đốt xác đang diễn ra ở Manikarnika (còn gọi là burning ghat) với hàng chục xác người quấn vải liệm trắng đặt trên những chiếc cáng tre đơn giản chờ đến giờ đốt xác. Cách đó không xa, hàng chục đống củi lớn đang cháy, bên dưới là những xác người đang phân hủy dần dưới sức nóng của lửa, đến gần có thể nghe mùi của tóc và thịt cháy bốc mùi. Những người thân của người đã khuất tụ tập bên cạnh đang thả những vòng hoa cúc được đan kết lại hay nến trôi theo dòng sông để cầu cho vong linh của người chết sớm siêu thoát. Với những cư dân ở đây, chuyện đó bình thường đến nổi họ tắm gội và giặt giũ ở gần chỗ đốt xác không xa là bao. Thậm chí những chú bò, được xem là những vị thần trong Hindu giáo cũng bình thản ăn những vòng hoa cúng cạnh chỗ đốt xác. Chưa bao giờ và chưa ở đâu, tôi thấy sự sống và cái chết gần như không có ranh giới như vậy!
Sáng hôm sau, chúng tôi thức dậy từ 5 giờ sáng để thực hiện chuyến boat trip đón bình minh trên sông Hằng, được xem là những khoảnh khắc có một không hai ở Varanasi. Con thuyền chở chúng tôi trôi đi trong ánh sáng mờ ảo của những ánh điện dọc các ghat của bờ sông.
Và khi ánh bình minh hửng sáng, đã thấy hàng trăm người tắm và cầu nguyện ngay dưới bến sông, bên cạnh là rác và xác hoa cúng tan rữa trôi từ đêm qua. Thuyền chèo đến burning ghat thì thấy tro đốt xác của hàng chục xác người chết tối qua bắt đầu được đẩy xuống sông. Hàng trăm con chim đen bay rợp trời, cả khúc sông ám mùi tử khí. Người lái thuyền vừa chèo vừa kể, ai sống tốt, không phạm tội lỗi trần gian thì xác đốt nhanh, ai là người xấu thì đốt rất lâu. Xác trẻ em, phụ nữ mang thai, thầy cúng không đốt mà để chìm xuống đáy sông… Tôi nghe nói, hình như con sông Hằng tự thanh lọc mình, dòng nước cuốn trôi theo vi khuẩn gây bệnh hay rác rến và trả lại cho nó sự linh thiêng và an toàn. Có lẽ vì thế mà bao đời nay, hàng triệu tín đồ khắp đất nước Ấn cứ đổ về đây để được nhúng mình xuống dòng sông mong được rửa tội.
Trở lại ghat chính, chúng tôi lại đi bộ dọc theo bờ sông một lần nữa, để cảm nhận đời sống thường ngày của những cư dân nơi đây. Có lẽ sau khi đã chứng kiến những điều kì dị xảy ra liên tiếp trong hai ngày, tôi bắt đầu quen dần và thầm lý giải cho sự tồn tại của nó cả ngàn năm nay. Đó cũng là dịp để tôi quan sát kỹ hơn một đời sống khác của Varanasi, nhìn thấy sự lôi cuốn, hấp dẫn trong nhịp sống đời thường của một thành phố thiêng “lâu đời hơn cả lịch sử”. Với rất nhiều du khách phương Tây, Varanasi là một nơi phải đến nếu muốn hiểu Ấn Độ.
Ở dọc bến sông, người ta giặt giũ rồi phơi những dải lụa màu trông rất đẹp mắt. Đi qua một ghat sông thì thấy một ban nhạc toàn người phương Tây nhưng trong trang phục Ấn điển hình đang chơi nhạc, nhảy múa theo kiểu truyền thống với rất đông du khách bao quanh. Họ chơi vì ngẫu hứng và đam mê chứ không phải xin tiền như những nhóm nhạc khác trình diễn ngoài đường như ở các nước châu Âu. Một lớp học yoga diễn ra ngay trên sân thượng của quán cà phê, có view nhìn toàn cảnh con sông Hằng. Đi len lỏi trong những hẻm nhỏ, chúng tôi tình cờ tìm thấy một quán blue lasi (một thứ đồ uống kiểu như yaourt trộn với trái cây) nổi tiếng đã tồn tại 3 đời và được giới thiệu trong cuốn Lonely Planet. Ngồi thưởng thức món đồ uống này, lâu lâu lại thấy người ta khiêng xác chết đi vụt qua để xuống burning ghat. Mọi thứ diễn ra bình thường đến mức chẳng ai ngạc nhiên…
4. Chiều hôm sau, chúng tôi rời khỏi Varanasi ly kỳ như đoạn kết của một bộ phim hình sự. Check-out khách sạn mà chưa đến giờ ra tàu nên chúng tôi tranh thủ đi thăm một đền thờ Hồi giáo, để khám phá thêm đời sống của một tôn giáo khác trong thành phố thiêng của Hindu giáo này. Cùng sống trong một thành phố, nhưng cuộc sống của tín đồ hai tôn giáo này khác hẳn nhau. Nếu những chú bò đi lại ung dung, rúc mõm vào những đống rác để kiếm thức ăn và được coi như những vị thần trong khu dân cư của người Hindu thì trong một cái chợ người Hồi sặc sỡ sắc màu, thịt bò, thịt dê treo bán lủng lẳng. Lạc trong phiên chợ của người Hồi nên đến được ngôi đền thờ của họ thì đến giờ ra ga.
Chúng tôi đành quay về thì phải chen chân trong một biển người đang xếp hàng dài để vào một đền thờ nào đó. Đang trong những ngày lễ hội Kumbh Mela, một lễ hội linh thiêng của người Hindu giáo ba năm diễn ra một lần và mỗi lần kéo dài đến 3 tháng, nên hàng triệu tín đồ đổ về Varanasi gây nên cảnh quá tải. Cả thành phố cấm xe nên chúng tôi phải lết bộ vài cây số mới kiếm được một chiếc tuk tuk. Dọc đường ra ga vẫn chưa hết sốc khi thấy hai cái xác người nằm co quắp bên đường. Hầu như không ai quan tâm, đoàn người vẫn rùng rùng tiến về phía trước.
Càng gần đến ga tàu thì càng đông nghẹt người và không có lối cho xe đi. Chúng tôi đành xuống đi bộ, chen chân để vào ga. Cảm giác sợ hãi bắt đầu dâng lên khi nghĩ tới cảnh không có vé hoặc trễ tàu. May vào đến nơi thì tàu chưa đến. Tôi mua một tờ báo địa phương và đập vào mắt bài viết ngay trang 1 nói về vụ dẫm đạp khiến 36 người chết và hàng chục người bị thương ở nhà ga Alamabad mới xảy ra hôm qua, cũng là một thành phố thiêng của người Hindu, cách Varanasi không xa là bao. Ơn trời là mọi chuyện an toàn dù trải qua một đêm mất ngủ trên chuyến tàu đông nghẹt người. Sáng hôm sau đến Agra, thành phố có vẻ bình yên và sạch sẽ hơn.
Chúng tôi ghé thăm pháo đài Agra rất kỳ vĩ nằm gần nhà ga rồi chọn một quán cà phê có sân thượng nhìn ra Taj Mahal. Ngôi đền màu trắng hiện ra lộng lẫy, như một nhân chứng của tình yêu vĩnh cửu, dù phải đưa tầm mắt vượt qua những căn nhà xấu xí của những người dân ở gần đó. Những cú sốc hãi hùng ở Varanasi tạm dừng lại để nhường chỗ cho cảm giác khác, với những trải nghiệm về một “Incredible India” của những ngày sắp tới…