Vô tri cũng khóc - Tạp chí Đẹp

Vô tri cũng khóc

Sống

1. Như mọi kỳ nghỉ Xuân ở cái xứ châu Âu lạnh lẽo, mùa xuân này nhà chị đi chơi biển Bretagne, kết hợp thăm bà cô mới theo chồng sang Pháp. Ba năm nay, từ khi con gái chị mười lăm tuổi, tức biết tự thu xếp hành lý, mỗi bận đi xa, mỗi thành viên trong gia đình chị có riêng một va-li. Năm nay, do đi thăm bà con nên ngoài ba kiện của ba người như thông lệ, cuộc đi còn lích kích thêm hai kiện thực phẩm châu Á mua ở Paris để làm quà.

Đến nơi sau sáu tiếng bon bon hào hứng, chị rơi hứng khi phát hiện trong xe không có va-li của chị! Nghĩ rằng có thể để quên ở nhà xe, chị gọi về cho quản lý chung cư nhờ xem hộ. Câu trả lời không có. Như vậy chỉ còn hai khả năng: hoặc ai đó đã lấy mất, hoặc chị để quên ở trong nhà do đểnh đoảng xách quà mà đinh ninh xách… va-li!

Trở về sau mấy bữa rong du pha chút phiền toái, chị cười rũ khi thấy chiếc va-li nằm lủi thủi, trơ vơ trong bóng tối. Nhưng con gái chị khóc rống:

“Ưm… Mấy người ác lắm, mấy người không tốt…

Mấy người hứa cho em theo rồi tự dưng bỏ em lại một mình…”. Nó khóc thay cái va-li thân thiết, và dĩ nhiên khóc giỡn. Con khóc giỡn nhưng lòng mẹ rưng rưng thật. Nhìn va–li, mẹ nhớ tới con suối…

2. Trong đời người, hẳn ai cũng từng quay quắt nhớ thương ai đó, nhưng suốt bao nhiêu năm chị cứ lẩn thẩn nhớ thương… cái cây, thậm chí như ám ảnh đầu tiên khi nhớ về cuộc sống chiến khu. Hồi đó rừng miền Đông rất thiếu rau tươi, mỗi cơ quan đều có rẫy chung, không ít cá nhân có vuông đất riêng để trồng lặt vặt. Không biết làm nông nhưng sau hiệp định Paris với tình hình tạm ổn, chị cũng lui cui phát hoang khoảnh rẫy để có rau ăn, vừa “phát hoang” cái lý lịch tiểu tư sản chẳng hay ho trong mắt mọi người. Gọi rẫy cho oai chứ thực ra chỉ là thẻo đất bên suối với duy nhất giàn bí đao thấp lè tè. Mỗi chiều đi tắm, chị ke re thùng nước tưới, nhưng bí ta vẫn hào phóng bung mượt.

Khi đó khoảng mùa xuân 1975. Chị không nhớ chính xác ngày tháng, chỉ nhớ bí trổ bông là lúc Huế giải phóng. Nghe anh em bàn nhau Huế xong chẳng mấy chốc tới Sài Gòn, nhiều chiều đi tắm chị thôi không xách thùng theo nữa, dù vẫn thấy thương thương cái màu xanh héo khát. Sau Huế đến Xuân Lộc.

Chiến sự ngắc ngứ. Nghe anh em bàn nhau Mỹ không dễ thua đâu, chị lẳng lặng hoang mang xách thùng ra suối. Trong tiếng nước rào rạt sau mấy ngày bỏ bê, chị như nghe từ thân bí tiếng rưng rưng trách móc. Nhưng rất khoan dung, bí ta vẫn vươn lá, ra hoa, kết trái…

Xuân Lộc giải phóng. Sài Gòn giải phóng. Bất chấp mọi thứ, bỏ lại mọi thứ, chị cùng các đồng đội ba lô trở lại phố phường. Đêm hòa bình đầu tiên, sau ngất ngây gặp gỡ thân quen, nằm xênh xang trong khách sạn xênh xang, chị bỗng như nghe tiếng gọi khẽ… Tiếng gọi kéo chị về con suối có sự sống đột nhiên bị ngưng đứt. Nước mắt chị trào ra, nhớ lá, thương hoa, thương lúc nhúc trái non tơ ngơ ngác héo tàn. Đã mấy mươi năm, nhưng tiếng gọi đó vẫn không rời chị…

3. Chị chưa bao giờ thuê “ôsin”, nhưng chị có hai dịp gần gũi họ. Dịp thứ nhất là khi chị tá túc nhà họ hàng. Em trẻ, em có tên của một dòng sông nhưng gia đình chủ thích gọi em là Nhỏ, như âu yếm như xem rẻ. Nhỏ siêng năng, chân chất. Nhỏ lễ phép, tận tụy, luôn luôn vui tươi dẫu thường xuyên bị chủ mắng “quê mùa”. Hàng ngày, sau khi hoàn tất khối công việc ăm ắp có tên lẫn không tên, Nhỏ lẳng lặng rúc vô phòng, làm gì trong góc đó chẳng ai bận tâm.

Một ngày, Nhỏ xin về quê có việc gấp rồi không quay trở lại, dù chủ nhân vẫn đang giữ tháng lương như biện pháp cầm chân. Một ngày, chị vô tình gặp Nhỏ trên phố. Hóa ra Nhỏ vẫn ở đây nhưng làm việc khác. Hóa ra hàng đêm, trong thế giới riêng tư tum húm đôi khi đầy nước mắt, Nhỏ đã âm thầm học thêm văn hóa, để, như Nhỏ nói: “ Được người ta gọi đúng tên”.

Dịp thứ hai là em. Em không trẻ, em có tên của mây nhưng mọi người cứ kêu em là Bụi bởi em tứ cố vô thân, sống vất vơ bằng đủ thứ việc được thuê mướn. Chị cần lao động một tháng nên em được chọn. Em nói quê em ở rất xa thành phố, đã nhiều năm em không về thăm mẹ vì không có đủ tiền. Em nói em nghi mình ung thư vú nhưng không dám đi khám, sợ tốn kém, sợ… sự thật. Chị trắc ẩn gởi em tới bạn thân là bác sĩ. Bác sĩ xác nhận em ung thư đã di căn sang phổi, thời gian sống chẳng còn bao nếu không tích cực điều trị.

Một tháng trôi qua, ngoài lương, chị áy náy tặng em dăm triệu để lo xét nghiệm. Em xúc động cảm ơn, hứa sẽ lo, sẽ thông báo chị hay kết quả. Thế nhưng em… biến mất. Hóa ra đứa con lang thang đã dùng dăm triệu đó để về quê thăm mẹ, mang theo rất nhiều quà. Thoạt nghe chị rất tức, nhưng bình tâm, chị thấy em đúng: giữa phía lo bạo bệnh bế tắc và phía nhớ bao la mẫu tử, em đã chọn phía nhớ…

Một bản tin trên mạng hôm qua khiến chị thốt nhiên nhớ sông, nhớ mây… Bản tin nói sau tất tật tiện nghi phù thượng của dương gian, các nhà sản xuất hàng mã tinh nhanh còn tạo ra cả “ôsin” để hiến dâng cõi âm. Kèm theo bản tin là ảnh hình nhân nữ đang bốc cháy…

Bài: Việt Linh

Thực hiện: depweb

08/06/2011, 10:40