Đứng sau căn bếp của một nhà hàng tầm cỡ luôn là một thách thức đối với bất kỳ ai mà đặc biệt là phái đẹp. Sự thành công và những thành tựu mà những nữ đầu bếp sau đây không chỉ cho thấy nữ giới hoàn toàn có thể đương đầu với áp lực của gian bếp, mà còn góp phần thể hiện tiếng nói và quyền lực của phái nữ trong một ngành công nghiệp mà hầu như phần lớn chỉ thấy sự hiện diện của nam giới.
Christine Hà sinh ra và lớn lên tại Mỹ, cô không may mắc phải căn bệnh quái ác khiến mình bị mất đi thị lực. Thế nhưng, sự khiếm khuyết về đôi mắt không thể ngăn bước cô trở thành một đầu bếp tài giỏi. Đến với cuộc thi Master Chef (2012), với tâm thế làm hết mình và hết sức có thể, nữ đầu bếp đã trải qua những giai đoạn gian nan nhất của cuộc thi từ việc chế biến, nấu nướng, đến cạnh tranh với các đối thủ tài giỏi. Dù không có lợi thế như những thí sinh khác, cô vẫn tự tin tỏa sáng với các món ăn quê nhà, xuất sắc vượt qua các đối thủ, giành lấy giải thưởng quán quân đầy thuyết phục. Christine Hà chia sẻ rằng, việc mù lòa không hoàn toàn bất lợi đối với cô. Thay vào đó, sức mạnh của những giác quan khác được nhân lên bội phần và tất cả sự tập trung của cô điều hướng tới việc chế biến ra những món ăn độc đáo.
Là 1 trong 10 đầu bếp nổi tiếng hàng đầu Việt Nam, Phan Tôn Tịnh Hải không còn là cái tên quá xa lạ với những ai yêu mến ẩm thực xứ mình. Xuất thân trong một gia đình dòng dõi quý tộc có mẹ là nghệ nhân ẩm thực xứ Huế – Tôn Nữ Thị Hà, cô may mắn thừa hưởng niềm đam mê ẩm thực mãnh liệt và mong muốn lưu giữ văn hóa Việt thông qua những món ăn truyền thống. Với cô, một món ăn ngon có thể đem đến cảm giác ấm lòng cho người thưởng thức và người chế biến ra nó cũng thực sự thăng hoa với thành quả của mình. Với kinh nghiệm đứng bếp gần 30 năm, cô luôn nỗ lực truyền tải những câu chuyện riêng gắn liền với mỗi món ăn.
Hiện tại, nữ nghệ nhân đang đảm nhiệm vị trí Giám đốc phát triển sản phẩm và chất lượng ẩm thực cho tập đoàn “Little Hoi An” tại Hội An và chịu trách nhiệm đào tạo chính cho hơn 100 đầu bếp tại tất cả nhà hàng trong hệ thống của tập đoàn. Không chỉ vậy, cô còn là giảng viên đứng lớp cho hàng ngàn học viên tại trường nghệ thuật ẩm thực Việt.
Những ai đã từng theo dõi chương trình Master Chef Việt Nam (2014) sẽ không khỏi ấn tượng với tài năng và ngọn lửa đam mê nấu nướng của Đoàn Thu Thủy, khi chị đã tái hiện lại những món ăn “danh bất hư truyền” của từng vùng miền mà ít người biết đến. Nữ đầu bếp thành công đã từng có một thời chông chênh và bươn chải trong cuộc sống. Đêm trước 30 Tết năm 2001, chị viết lá thư gửi lại cho chồng rồi dắt con gái chưa đầy 4 tuổi lên Sài Gòn, chỉ với vài triệu đồng trong tay và một chiếc xà lan, bắt đầu cuộc sống mới. Sau khi đã ổn định mọi thứ, chị quyết định đầu tư cho niềm đam mê ẩm thực mà mình đã ấp ủ từ lâu. “Khi bước vào con đường ẩm thực, tôi giống như cá trở về với nước, say mê vô cùng”, chị Thủy tâm sự. Rời quê và khởi nghiệp với 10 triệu đồng trong tay, hiện nay Đoàn Thu Thủy đã trở thành nữ doanh nhân thành đạt, xuất bản sách ẩm thực, chủ sở hữu của hai nhà hàng có tiếng – Bếp Nhà Xứ Quảng và L’Aura de NamKy.
Elena Arzak là nữ đầu bếp trẻ người Tây Ban Nha, được truyền cảm hứng nấu ăn từ người cha thạo bếp núc. Dành hết tình yêu cho ẩm thực khi còn nhỏ, Elena luôn tự tìm tòi, học hỏi và phát triển kỹ năng nấu nướng một cách thành thạo nhất. Phong cách ẩm thực của nữ đầu bếp hướng đến những món ăn truyền thống, mang đậm hương vị quê nhà Tây Ban Nha. Năm 2012, Elena Arzak xuất sắc được vinh danh là “Nữ đầu bếp số một thế giới” với tài năng ẩm thực xuất chúng. Năm 2013, cô còn chiến thắng giải thưởng “Top 100 món ăn đặc sắc nhất thế giới” với món hải sản xào cần tây gồm cá trích, mực ống mang hương vị tuổi thơ của nữ đầu bếp.
Lớn lên ở tỉnh Triều Châu, Trung Quốc, từ nhỏ Vicky đã có cơ hội tiếp cận với ẩm thực Quảng Đông từ những món rau xanh trồng ngay tại vườn nhà và ẩm thực Nhật Bản khi được ăn trong các nhà hàng. Dù tốt nghiệp chuyên ngành thiết kế đồ họa ở Đại học New York và đảm nhận vị trí Giám đốc sáng tạo cho một Công ty truyền thông, nhưng niềm đam mê ẩm thực đã mở ra một con đường hoàn toàn mới cho Vicky Lau. Mỗi món ngon mà cô tự tay chế biến đều mang hương vị độc đáo, vừa chứa đựng những yếu tố nghệ thuật vừa khéo léo lồng ghép vào đó những câu chuyện rất riêng. “Với tôi, nấu một số món ăn như sáng tác những bài thơ, bạn phải thật tinh tế vì không phải khách hàng nào cũng muốn biết câu chuyện của bạn” – Vicky Lau chia sẻ. Cô còn là chủ sở hữu nhà hàng Tate Dining Room với một sao Michelin, mà còn ưu tiên tuyển đầu bếp nữ với mục đích khuyến khích phụ nữ tham gia vào sự nghiệp ẩm thực cao cấp.
Cho Hee-sook được xem là người dành cả đời để gìn giữ, nuôi dưỡng và phát triển ẩm thực Hàn Quốc. Sinh ra và lớn lên tại Seoul, ngay từ khi còn nhỏ, Hee Sook được nhận xét là một người có tài nấu ăn ngon đáng nể. Nữ đầu bếp đã rèn giũa mình trong hơn 40 năm với mong muốn đưa hương vị các món ăn được vang danh trên khắp thế giới. Chính những trải nghiệm với các vị khách từ khắp năm châu, những người có thể không quen với hương vị và món ăn Hàn Quốc đã nâng cao kỹ năng biến tấu của nữ đầu bếp đến mức thượng thừa. “Tôi nghĩ rất nhiều về việc có thể biến tấu món ăn Hàn Quốc mà người nước ngoài có thể thích và ăn được nhưng vẫn không làm biến đổi đi hương vị quen thuộc của xứ mình”, nữ đầu bếp bày tỏ.
Hee Sook hiện còn đang đứng đầu nhà hàng Hansikgonggan (Seoul) chuyên phục vụ các món ăn cung đình từ tận triều đại Joseon. Năm 2020, Cho Hee Sook được vinh danh là “Nữ đầu bếp xuất sắc nhất châu Á” và mới đây nhất là giải thưởng đầu bếp “Michelin Mentor” của năm 2021.
Khác với phần lớn sở trường các đầu bếp khác, Christina Tosi tỏa sáng trong một thế giới của riêng mình với những món tráng miệng bắt mắt. Christina sinh ra tại tiểu bang Ohio nhưng Virginia mới là nơi chắp cánh cho hành trình trở thành nữ hoàng bánh ngọt của cô. Niềm đam mê được khơi dậy trong một lần cô làm việc tại tiệm bánh ngọt và cảm thấy thu hút bởi cách chế biến và trang trí khéo léo cho những chiếc bánh. Christina chia sẻ rằng, cô ấy tìm thấy nguồn cảm hứng cho các công thức nấu ăn của mình bằng cách phát triển câu chuyện cho món ăn dựa trên những kỷ niệm, sự kiện và trải nghiệm ẩm thực trong cuộc đời mình.
Thành công đầu tiên của cô là sáng lập ra Momofuku Milk Bar – xưởng sản xuất bánh cho 6 cửa hàng bán lẻ tại New York (Mỹ) và một cửa hàng tại Toronto (Canada). Christina còn cho ra đời 2 quyển sách “Momofuku Milk Bar” và “Milk Bar Life” được rất nhiều người yêu bếp đón đọc. Không chỉ ở lĩnh vực kinh doanh, Christina Tosi còn là một trong số ít các nữ giám khảo quyền lực của chương trình ăn khách nhất nước Mỹ – “Master Chef” và các chương trình truyền hình nổi tiếng khác.
Là đầu bếp nổi tiếng của một nhà hàng tại Slovenia, Ana Ros được vinh danh là “Nữ đầu bếp xuất sắc nhất thế giới” năm 2017 với khả năng tạo ra những món ăn tuyệt vời bằng trí tưởng tượng của mình. Nữ đầu bếp từ bỏ công việc ngoại giao của đang trên đà phát triển vì tình yêu ẩm thực và chuyển đến Kobarid, nơi cô bắt đầu viết nên câu chuyện về những món ăn ngon, những cách sáng tạo một công thức đa dạng. Hiểu rõ mình là một đầu bếp không nghiệp dư, Ana Ros trau dồi kỹ năng nấu ăn bằng cách đi đến những đất nước xa lạ để tìm cảm hứng, đồng thời cũng là cách để cô thử nghiệm thêm những gia vị ẩm thực ở nhiều vùng miền khác nhau. Cô đã chứng tỏ được tài năng của mình bằng việc sử dụng những nguyên liệu địa phương để tạo nên những món ăn đẳng cấp. Bất cứ ai đã từng thử qua tay nghề của nữ đầu bếp đại tài này đều cảm thấy mê mẩn từ màu sắc cho đến hương vị.
Cùng dõi theo những bài viết thú vị trong chuyên đề “Quyền lực từ gian bếp”:
1. “Quyền lực gian bếp”: Khi các bà nội trợ hành động
2. Top 8 nữ đầu bếp quyền lực nhất thế giới
3. 9 series giúp bạn nhận ra thế giới ẩm thực kỳ diệu đến nhường nào
4. Khám phá 8 website hướng dẫn làm bánh ngọt ngon nứt lòng
5. 10 mẹo nấu ăn cơ bản mà bất kỳ đầu bếp tại gia nào cũng cần nằm lòng
6. Tìm thấy niềm vui nấu ăn chỉ với 8 thay đổi nhỏ này
7. Nấu ăn: Trải nghiệm của niềm hạnh phúc tự chữa lành
8. Vì sao nấu ăn cùng nhau sẽ giúp các đôi tình nhân nuôi dưỡng hạnh phúc bền chặt?
9. Bật chế độ “cuồng tay” nấu nướng với 9 kênh nấu ăn “nhanh như chớp” này
10. Baby Kopo: Căn bếp là nơi biến ngôi nhà trở thành “mái ấm” chứ không phải “mái lạnh”
11. Lê Ngọc (Nhà Có Hai Người): Người ta mơ nhà mơ cửa còn mình mơ núi mơ sông
12. Phan Anh Esheep: Bếp là nơi tôi tỏa sáng