Té ngửa... về những món tiền thưởng "khủng" của game show? - Tạp chí Đẹp

Té ngửa… về những món tiền thưởng “khủng” của game show?

Giải Trí

Bởi nếu đặt cạnh những game show không thiên về hiệu ứng giải trí hiện nay thì giá trị tiền thưởng nêu trên quả là siêu… khủng.

Tuy nhiên, đến phút chót trao giải, nhiều trong số người thắng cuộc và khán giả mới… té ngửa khi số tiền thưởng chẳng những không “khủng” như đồn đoán mà còn được chuyển từ dạng này qua dạng khác…


Giải thưởng quán quân chương trình Ngôi sao Việt nhận trong đêm chung kết so với con số… 7,5 tỷ đồng được truyền thông trước khi lên sóng. (Ảnh: BTC)

“Mạnh vì gạo”

Trong thời điểm “gạo châu củi quế,” dễ nhận ra chiêu “rắc thính” mà các nhà sản xuất game show truyền hình thực tế áp dụng là “tung” ra những con số tiền thưởng “khủng” dành cho người thắng cuộc.

Không chỉ cạnh tranh về thời điểm lên sóng, khung giờ … các chương trình truyền hình thực tế còn “chạy đua” cả tiền thưởng.

Từ “Vietnam Idol” đến “Giọng hát Việt”… đa phần các chương trình truyền hình thực tế đang ăn khách hiện nay đều được mua bản quyền từ các tập đoàn truyền thông quốc tế lớn. Hầu hết các nhà sản xuất đều rất kín tiếng về khoản tiền mua bản quyền của các chương trình chiến lược.

Nhưng giới thạo tin vẫn rỉ tai nhau việc nhà sản xuất phải tiêu tốn dăm ba triệu USD cho những chương trình như “Giọng hát Việt.” Cũng bởi đã tốn không ít vốn đầu tư bước đầu, nhà sản xuất cũng không ngại đầu tư những con số hàng tỷ đồng “chạy đua” về giải thưởng và mời giám khảo để “câu kéo” thí sinh và khán giả.

Ví như cuộc chơi vốn đã rất quen thuộc với khán giả xem truyền hình là “Bước nhảy Hoàn vũ” chỉ đưa ra mức thưởng cho người giành ngôi vô địch là 150 triệu đồng. Sinh sau đẻ muộn, chương trình “So you think you can dance” nhanh chóng “vượt mặt” với mức thưởng lên tới 400 triệu đồng.

Hay như ví dụ khác về “Giọng hát Việt” và Vietnam Idol – hai chương trình vẫn được đánh giá là “kỳ phùng địch thủ,” chẳng chịu thua kém nhau bất cứ điểm gì, kể cả tiền thưởng dành cho người chiến thắng.

Nếu “Giọng hát Việt” mùa đầu tiên năm 2013 đưa ra con số 500 triệu đồng cho gương mặt quán quân, thì ngay sau đó, Vietnam Idol cũng chẳng ngại nâng tiền thưởng dành cho người trụ lại cuối cùng lên 600 triệu đồng.


Giải thưởng 600 triệu đồng trao cho quán quân Vietnam Idol 2013 Nhật Thủy được xem là con số kỷ lục trong thời điểm ấy… (Ảnh: BHD)

“Bạo vì showbiz”

Tính đến thời điểm đó, đây cũng là số tiền giải thưởng cao nhất của một cuộc thi ca nhạc được tổ chức tại Việt Nam.

Thậm chí, thêm một chiêu hút thí sinh và tăng độ “hot” cho chương trình, nhà sản xuất chẳng ngại chi cả tỷ đồng để có một bộ sậu giám khảo “sừng sỏ.”

Theo một số nguồn tin, để mời được “ông hoàng nhạc Việt” Đàm Vĩnh Hưng, nhà sản xuất “Giọng hát Việt” mùa đầu tiên đã phải móc hầu bao không dưới 500 triệu đồng. Đích thân Mr Đàm cũng từng tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn rằng mình chính là người cố tình đưa ra mức cát xê này để… “họ đừng mời tôi nữa.” Nhưng rốt cuộc, nhà sản xuất vẫn “chịu chơi” để có được “ông hoàng” trên “ghế nóng” suốt cả ba mùa.

Thời điểm đó, để cạnh tranh với “Giọng hát Việt,” chương trình Vietnam Idol mời được “Họa mi tóc nâu” Mỹ Tâm vào vị trí ghế nóng, đảm bảo tăng sức hút cho chương trình nhưng cũng đồng nghĩa nhà sản xuất phải chi khoản cát xê khổng lồ.

Hay khi “Giọng hát Việt” trở lại mùa thứ ba năm 2015, với bộ tứ “khủng” gần như được thay mới – gồm Mr Đàm, Thu Phương, Mỹ Tâm, Tuấn Hưng – sở dĩ được giữ bí mật đến phút chót, cũng bởi phía nhà sản xuất và Mỹ Tâm chưa thống nhất được các điều khoản và con số cuối cùng.

Không chịu “lép vế” với đối thủ, nhà sản xuất Vietnam Idol 2015 cũng không tiếc số tiền lớn để “nâng cấp” ban giám khảo từ ba lên bốn người. Nếu Giọng hát Việt “rước” Mỹ Tâm sang thì Vietnam Idol cũng “bạo tay” mời được Thu Minh – một trong những huấn luyện viên cũ của Giọng hát Việt mùa thứ nhất- nhân vật được xem là “hot” nhất showbiz Việt hiện nay ngồi vào “ghế nóng”.

Những con số tiền thưởng cao ngất ngưởng, dàn giám khảo siêu “hot” nhưng tính đến thời điểm này, cuộc chạy đua giữa các game show vẫn chưa biết “mèo nào cắn mỉu nào.”

Thậm chí, trước chiến lược truyền thông rình rang, sức hút của tiền thưởng và giám khảo của nhà sản xuất còn “sốt sình sịch” hơn cả thí sinh dự thi…

“Treo đầu dê bán thịt chó?”

Nhớ lại thời điểm chương trình “Bài hát Yêu thích” sắp lên sóng, dư luận đã rúng động bởi số tiền thưởng được phía nhà sản xuất truyền thông ban đầu lên tới 1 tỷ đồng cho ca sỹ đoạt giải “Bài hát của năm.”

Nhưng khi ca sỹ Tùng Dương đứng lên bục nhận giải năm đó, thì số tiền mặt dành cho giải thưởng “Bài hát của năm” mà công chúng nhìn thấy trên màn ảnh nhỏ là 300 triệu, phần lớn còn lại được hiểu là… tặng phẩm.

Hay như chương trình “Gương mặt thân quen,” lúc chạm ngõ cũng đã làm người xem choáng váng với giải thưởng 100 triệu đồng dành cho người thắng cuộc sau mỗi đêm diễn và 700 triệu đồng dành cho người chiến thắng chung cuộc.

Song thực tế qua từng đêm lên sóng, lần lượt sáu nghệ sỹ tham gia đều được đăng quang ngôi vị cao nhất để thay nhau  “chạm” vào giải thưởng ấy(?!)

Thực tế đa phần trong số màn hóa thân về nhất ấy mang lại cảm nhận nhạt nhẽo và thiếu sáng tạo, chưa kể đến giọng hát đầy lỗi chênh, phô của ca sỹ khi “nhập vai” thần tượng lừng lẫy một thời.

Và cũng chỉ đến lúc đó, khán giả mới thấy ngờ ngợ về một “kịch bản” trao giải rõ mười mươi là “cào bằng” nhưng được sắp xếp hoàn hảo như… trò hề.

Hay nhắc đến chương trình được gắng mắc “ngoại” (Hàn Quốc sản xuất) từng gây sốc trước khi lên sóng với tiền thưởng siêu khủng giành cho quán quân lên tới 7,5 tỷ, thì sự thật số tiền mặt Thanh Tùng nhận được là 600 triệu đồng (?!)

Tất nhiên, theo lý giải của nhà sản xuất thì, “phần chìm” của giải thưởng 7,5 tỷ đồng chủ yếu bao gồm chi phí đào tạo tại Hàn Quốc, sản xuất album, MV, ra mắt với tư cách ca sỹ chuyên nghiệp…

Tuy nhiên sau gần hai năm cuộc thi khép lại, kỳ vọng của khán giả trong nước về một hình mẫu “Ngôi sao Việt” được đào tạo bởi nền công nghiệp K-Pop của quán quân năm nào dường như đã dần chìm vào quên lãng…

Chưa hết, “lùm xùm” trong đêm trao giải chương trình “Hòa âm Ánh sáng – The Remix” mới đây cũng gây ra những tranh luận trái chiều, cho rằng phần trao giải của nhà sản xuất giống “trò chơi xổ số kiến thiết” bởi có thay đổi so với ngày đầu công bố chương trình.

Trong buổi họp báo chính thức của chương trình, cơ cấu giải thưởng chung cuộc chỉ gồm giải vàng, bạc, đồng. Tuy nhiên, đến phút cuối người xem bất ngờ bởi giải… đặc biệt “phát sinh” được nhà sản xuất trao cho Đông Nhi. Trong khi đó, chiếc cúp Đông Nhi nâng trong đêm Gala vẫn có dòng chữ “Giải Vàng” (?!)

Với cơ cấu giải thưởng này, phía nhà sản xuất không khỏi khiến khán giả hoang mang đặt câu hỏi “liệu ai mới là người chiến thắng?” Ngay cả người trong cuộc, dẫu nhận giải vàng nhưng vẫn cảm giác bị lừa vì xuất hiện thêm một người nhận giải đặc biệt.

Và điều đó đã được chính người trong cuộc “tố cáo” trên báo giới trong lời chia sẻ tếu táo của Đông Nhi về giải thưởng 300 triệu đồng trao cho giải đặc biệt nhưng trước đó được truyền thông rềnh rang, rằng “số tiền này không đủ để tôi tổ chức đám cưới nên chúng tôi sẽ hoãn ngày vui của mình lại, để thực hiện kế hoạch khác!”


Đông Nhi được trao cup Giải Vàng cho giải Đặc Biệt?1! (Ảnh: CTS)

Thậm chí, theo tiết lộ động trời của người thắng cuộc thì thực hư về điều khoản hấp dẫn – được xem là vượt trội so với Vietnam Idol – mà nhà sản xuất “Giọng hát Việt” cam kết sau hai mùa thi vẫn là thứ “mơ về nơi xa lắm.”

Theo đó, nhà sản xuất “Giọng hát Việt” có cam kết về hợp đồng độc quyền với hãng Universal và định hướng phát triển âm nhạc cũng như được giúp đỡ người thắng cuộc trong hoạt động phát hành album.

Lý do về hợp đồng độc quyền với hãng Universal bị “treo” sau cuộc thi kết thúc, theo Thảo My – quán quân “Giọng hát Việt” mùa thứ hai là rất “khó nói” và khó cả… trách phía nhà sản xuất (!?)

Bởi chính cô và gia đình sau khi nghiên cứu kỹ hợp đồng đến những ca sỹ chuyên nghiệp còn phải “mơ” ấy đã phải tự nguyện xin hủy việc ký kết vì xét thấy nhiều điều khoản kèm theo khá bất lợi và không phù hợp (?)

Theo: Lê Mây/Vietnamplus

Thực hiện: depweb

05/06/2015, 08:50