Ta ăn tết Tây - Tạp chí Đẹp

Ta ăn tết Tây

Sống

Trong những ngày Giáng sinh và Tết Tây, ví thử có việc cần kíp phải vào các đại sứ quán hay công ty 100% vốn nước ngoài ắt sẽ thấy lặng im như tờ. Người phương Tây coi đây là một đợt nghỉ lễ dài quan trọng và sống chết gì cũng không thể bắt họ đi làm việc được. Trước nay, dân ta vốn chẳng coi Tết Tây là gì, cùng lắm là được nghỉ một ngày để có cơ hội dọn dẹp nhà cửa cho Tết Nguyên đán, nhưng càng ngày, giới trẻ Việt Nam càng coi Giáng sinh và Tết Tây là một ngày hội lớn. Bởi lẽ, đối với họ, Tết Nguyên đán là những ngày lễ mà đường phố lặng như tờ, chỗ giải trí không có, cũng không ai có thể lò dò đi du lịch trong nước hay tụ tập bạn bè vào dịp giao thừa. Nhiều người vì hoàn cảnh mà sống không có gia đình bên cạnh, thậm chí còn cảm thấy cô đơn và sợ Tết Nguyên đán. Nhưng Tết Tây, sôi động và ồn ã hơn rất nhiều.

 

Tết trong lòng thành phố

Chỉ trung tuần tháng 12, những tụ điểm giải trí như trung tâm thương mại, bar, sàn nhảy, karaoke hay quán cà phê đã vô cùng nhộn nhịp với các sắc màu trang trí cho Giáng sinh. Người già coi chẳng động lòng, nhưng người trẻ đã thấy ruột gan náo nức. Từ Giáng sinh đến giao thừa Tết Tây chỉ cách nhau có vài ngày. Và rất may, ở Hà Nội (thành phố lớn duy nhất ở Đông Nam Á có mùa đông) cho dù mấy bữa trước trời có nắng hanh hao cỡ nào thì cận ngày 24/12, thể nào cũng trở gió. Rét cắt da cắt thịt. Bình thường thấy rét chẳng ai sung sướng gì, nhưng Giáng sinh, giao thừa mà không có rét, nhìn không khí vô duyên hết chỗ nói. Người ta thích rét, để được thấy ấm áp hơn ở những nơi sôi động, để có cảm giác thực sự của một đêm Giáng sinh, giao thừa xứ hàn đới.

Đêm cuối năm, đường phố dường như nóng lên vì những dòng người ngồn ngộn đổ về các khu vực trung tâm như Hồ Tây, Hồ Gươm. Nếu người ta cô đơn, chỉ cần chọn một chiếc ghế trong góc quán cà phê trên một tòa nhà ven hồ, cũng có thể tận hưởng niềm vui của ngày Tết. Nếu người ta có bạn nhưng lại tồn dư quá nhiều khoản cần chi khác, hãy cứ lặng lẽ đứng hòa mình vào dòng người ngồn ngộn bên các cột bóng xanh đỏ của người bán dạo ven hồ, ấy cũng là có Tết. Nếu người ta sẵn sàng hơn, bạn bè túm năm tụm ba, rất có thể chọn cho mình một sàn nhảy sôi động nào đó, hay một quán cà phê rộng rãi có những chương trình tạp kỹ đón chào năm mới.

 

Mỹ Linh là một vũ công Salsa. Cô và bạn trai mình dường như chuẩn bị cho dịp náo nức này từ đầu tháng 12. Những bộ quần áo đặc biệt được chọn kỳ công từ trước chỉ để dành riêng cho đêm Giáng sinh và Giao thừa. Cô nói rằng, cộng đồng Salsa đã lên chương trình từ cả tháng nay, và họ sẽ chọn lựa một số sàn nhảy Salsa nào đó trong số Fashion Club, Cuba Bar … mà tổ chức những chương trình thú vị để khiêu vũ đến nửa đêm. Một trong những tủ điểm đông đúc nhất thành phố vào dịp này là bar Seventeen Saloon và Dragonfly. Người đang đi rét mướt ngoài phố, chỉ bước qua một cánh cửa là đã rơi vào không khí rộn rã của ngày hội. Nếu như Seventeen Saloon mù mịt khói thuốc, với các bạn nhạc Folks, Country, Blue, Rockn’ Roll, Flamenco thì ở Dragonfly, người ta xúm xít trong những khoang thảm đỏ thiết kế kiểu Ba Tư để đắm mình vào khói shisha thơm lựng, nhạc Trung Đông réo rắt và ngắm những chiếc chuông nhỏ xíu trên trang phục của vũ công múa bụng. Ở các quán bar, cà phê trong các khách sạn lớn như Daewoo, Melia, Sofitel Plaza … không khí Tết Tây rõ rệt nhất với những cây thông khổng lồ dát đèn sao xanh lam, khiến lắm khi người ta quên mất rằng mình đang sống trong một thành phố mà … Tết Nguyên đán mới là quan trọng.

Nhiều gia đình trẻ lại có những sự lựa chọn riêng. Họ mua cây thông và đồ trang trí bằng tuyết, hàng rào, đèn sao sa, nến thắp về để trang hoàng, tận dụng đến qua Tết. Giáng sinh, Giao thừa là dịp mà lũ trẻ con rất háo hức, có phần chẳng hề kém Tết Nguyên đán. Một gia đình nào đó có thể tổ chức Giáng sinh hay Giao thừa tại gia. Họ có nến, có nhạc, có cocktail tự pha chế, có bánh gato hình khúc gỗ, một ông già Noel mang túi quà (do một vị giả trang), với hơn chục đứa trẻ và cũng ngần ấy bậc phụ huynh, vậy là không khí đã chẳng khác nào Paris, hay Mỹ quốc. Trẻ con hào hứng bóc quà, người lớn náo nức chúc rượu trong bản nhạc vui nhộn của Jingle Bell. Một đêm vui ấm áp đã hình thành nên một không khí văn hóa mới như thế, một không khí văn hóa sống mà chỉ hơn thập niên trước đây thôi không hề xuất hiện phổ biến ngay cả ở các thành phố lớn.

Giao thừa, ta phiêu lãng

Không hiếm người có điều kiện tận dụng dịp lễ này để đi du lịch. Người ta nghỉ dưỡng ở những resort Nha Trang, Đà Lạt, Mũi Né, Sa Pa. Người ta đặt tour Thái Lan, Singapore, Malaysia. Ở tất cả những nơi đó đã có sẵn các hoạt động giao thừa vô cùng sôi động do dịch vụ du lịch sắp xếp. Riêng về ngày lễ này, các quốc gia Đông Nam Á khác nhộn nhịp hơn ta rất nhiều. Họ sẽ bắn pháo hoa và diễu hành Carnival trong các khu resort hay công viên giải trí. Chỉ mỗi tội là trời nóng thôi, không có cái không khí rét mướt thực sự như ở phương Tây hay Hà Nội, nhưng dù sao cũng là một trải nghiệm khác lạ. Vì thế trong đợt này các công ty du lịch thường cháy tour và những hãng hàng không giá rẻ sẽ chẳng bao giờ down giá. Vé máy bay, khách sạn và các dịch vụ du lịch đều đắt gấp rưỡi nhưng cũng chẳng sao, cả năm mới có một lần, người ta nhao nhao đi để xả hơi sau những ngày dài tất bật.

Tuy nhiên, có một bộ phận khác du hí kiểu thú vụ hơn, đó là “phượt Tết”. Từ vài tháng trước, các diễn đàn đã nhộn nhịp … không khí Tết tây, khi mà họ bàn nhau kế hoạch phượt vào dịp lễ. Đúng vào Giáng sinh, hay sáng 31/12, khi trời còn đang tù mù trong cái rét cắt da cắt thịt trộn lẫn sương mù và mưa phùn, từ nhiều góc trong thành phố, sẽ óc những đoàn người lũ lượt trên xe máy, đằng sau thồ hàng đống đồ lùm lùm những đồ phượt mang theo.

Họ đi đâu? Họ sẽ chuẩn bị vượt một quãng đường vài trăm cây số trong thời tiết 13 độ C để thẳng hướng đến .. Lũng Cú, Than Xi Păng, Mù Căng Chải, hay đỉnh Mẫu Sơn. Tết trong lòng thành phố cứ Tết, còn họ tìm về nơi hoang dã, nơi Tết hay không Tết đều không khác gì nhau. Khi đến nơi, họ thuê một nhà sàn rộng rãi hay hội trường bỏ không. Tất cả ngã đổ xuống. Đã đi phượt, đừng hy vọng di chuyển bằng ô tô, ở phòng cách sạn với chăn mền ấm áp, bình nóng lạnh, lò sưởi hay điều hòa hai chiều, bữa sáng continental hay bún riêu bún ốc.

Họ sẽ phải rửa mặt mũi chân tay bằng thứ nước ít ỏi đã gàn như đóng thành băng của người bản xứ. Họ ăn mì tôm và bánh mì mang theo. Họ ngủ ngay trên sàn xi măng lạnh lẽo với cơ số vài chục người nằm xếp hộp, đắp chiếc chăn cũng lạnh như nước đá. Nhưng có hề gì, vì đã phượt thì phải thế mới ra phượt. Đã giao thừa hoang dã thì kiểu thế mới ra giao thừa. Họ sẽ thức cả đêm để khiêu vũ trong bản Te propongo cuồng nhiệt phát ra từ đầu đĩa CD và thùng loa mang theo. Họ sẽ đốt lửa ấm áp ngay giữa núi rừng ào ào tiếng gió hú, vượn kêu. Và giờ phút giao thừa đã đến, họ sẽ nắm tay nhau đồng thanh đếm lùi từng khắc để bước sang một năm hoàn toàn mới.

Như thế, năm mới và năm cũ đôi khi chỉ giao nhau trong một khoảnh khắc. Đôi khi, thậm chí, người ta còn không nhận ra cả khoảnh khắc đó nếu như không coi giao thừa Tết tây là quan trọng.

Di Li (theo Thế giới điện ảnh)

Thực hiện: depweb

26/12/2012, 11:10