Sao không “tận hưởng”… tắc đường? - Tạp chí Đẹp

Sao không “tận hưởng”… tắc đường?

Review

– Anh từng nói khi ở Trường Sa về, điều anh thèm nhất là… cảm giác tắc đường?

– Đúng vậy! Hãy tưởng tượng sau một chặng hải trình kéo dài mười mấy ngày lênh đênh trên biển, bạn sẽ thèm được nghe một tiếng còi xe tới mức nào. Thậm chí, ngửi một làn khói xe, hay một thoáng hương của một người con gái nào đó vừa lướt qua mình…

– Sốt ruột! Tắc đường thì kiếm đâu ra mùi hương!

– Tin tôi đi, nếu như bạn có một khứu giác tốt! Và như thế thì mới cần phải giỏng mũi lên! Tắc đường là ai? Tắc đường là bạn của ta chứ còn là ai! Vì ta có thể gặp nó hàng ngày hàng giờ, ta có thể bao phen cáu tiết vì nó, nhưng vẫn có thể song hành với nó, thậm chí, không thể… sống thiếu nó.

 

 – Chuyện! Làm người của công chúng lại chả mê đám đông!

– Dù đám đông đôi khi cũng có những Phó Đoan, và cổ súy không ít Xuân Tóc Đỏ…

– Ưa tắc đường thế sao không làm một quả “Nhanh lên đi em!” hay “Ôi tắc đường!” đi bác!

– “Ôi quê tôi không có… tàu điện ngầm”, và cũng không có đường sắt trên cao… Đặc sản của “quê tôi”, thương thay, chỉ có thể là xe bus. Mà xe bus ở Việt Nam thì xin thưa là có các vàng tôi cũng không lên! Thề là tôi thà đi bộ chạy sau xe bus còn hơn là leo lên một cái hộp sắt kinh khủng như vậy để rồi không biết… đời mình sẽ đi về đâu!

– Cứ làm như tắc đường thì biết được đời mình sẽ đi về đâu vậy!

– Nhưng ít ra cũng biết được mình đang đi với ai! Biết mình đang đi với ai hay chứ. Có những người sống cả đời không trả lời nổi câu hỏi đó đâu bạn. Và chẳng phải triết lý phương Đông vẫn khuyên bạn là nên sống chậm sao? Nhưng trên thực tế, bạn lại có rất ít có cơ hội để làm được điều đó khi cuộc sống hối hả cứ không ngừng kéo bạn đi. Vậy thì đây, tắc đường chính là cơ hội để bạn xơi món… sống chậm! Sống chậm, khi nhìn nhanh những gương mặt đang lướt qua mình, với bao dáng điệu, cảm xúc, tựa những thước phim quay chậm, chẳng phải là một cảm giác thú vị sao? Mỗi người một sắc mặt, một kiểu sốt ruột, nhưng đều có chung “một ước ao, một khát khao” là làm sao nhanh nhanh chóng chóng thoát khỏi đám đông đang bủa vây mình, với một lòng quyết tâm cao độ: Ngày mai, hoặc là đi sớm hơn, hoặc là về muộn hơn. Đấy, cứ thêm một sự “tức chí, bấm chí” thế là ngày mai, tắc đường sẽ giảm. Phải trải qua tắc đường thì người ta mới sợ tắc đường, có sợ tắc đường thì người ta mới quyết tâm phòng tránh nó. Trừ khi anh quá khổ, và anh cần một liệu pháp giảm cân hiệu quả, thay vì… đi xông hơi.

 

 – Hèn gì thấy Lê Minh Sơn dạo này gầy hẳn, chứ không đến nỗi “to thô” như miêu tả của Lê Hoàng.

– Vâng, xin thưa cũng lại là nhờ công của tắc đường đấy ạ. Khi về được đến nhà, em chỉ còn muốn nằm lăn ra ngủ, dù bụng đói meo hay thay vì… định cãi nhau với vợ. Và nhờ thế, lại phát hiện thêm một tính năng siêu việt nữa của tắc đường: đó là tiết kiệm tiền ăn và tiết chế cảm xúc. Điều đó đáng giá biết bao giữa thời buổi thóc cao gạo kém.

– Lê Hoàng bảo anh có bận “khóc trên giường”. Thực ra là khóc trên… đường?

– Xin thưa anh Lê Hoàng là tôi không khóc mà là tôi cười! Vì tôi thà tắc đường còn hơn tắc ruột, tắc ngôn ngữ, tắc cảm xúc, tắc cống, và… tắc trách.

– Vậy theo anh, nhạc Việt hiện nay tắc gì, để đến nỗi “thông đường mở lối” cho cả Xuân Tóc Đỏ?

– Tắc ruột!

Thực hiện: depweb

13/04/2012, 07:48