Studio Ghibli - Tập thể nhà làm phim đầu tiên chinh phục giấc mộng “Cành cọ Vàng” - Tạp chí Đẹp

Studio Ghibli – Tập thể nhà làm phim đầu tiên chinh phục giấc mộng “Cành cọ Vàng”

Giải Trí

Sau gần 4 thập kỷ thống trị địa hạt phim hoạt hình trong và ngoài nước, Studio Ghibli được vinh danh giải thưởng “Cành cọ Vàng” (Palme d’or) danh giá tại LHP Cannes lần thứ 77, sự kiện diễn ra từ ngày 14 – 25/05 tới.

Những viên gạch đầu tiên xây dựng nên Studio Ghibli

Studio Ghibli được thành lập vào năm 1985 dưới sự dẫn dắt của hai vị đạo diễn kỳ cựu Hayao Miyazaki và Takahata Isao cùng nhà sản xuất Toshio Suzuki. Trước khi thành lập hãng phim, cả ba đã gắn bó với dòng phim anime và điện ảnh Nhật Bản nhiều năm. Tuy nhiên, chỉ sau thành công của phim “Nausicaä of the Valley of the Wind” (1984), cả ba mới đưa ra một quyết định táo bạo, đó là thành lập Studio Ghibli. 

Từ trái sang: Ba “cha đẻ” của Studio Ghibli gồm Hayao Miyazaki, Toshio Suzuki và Toshio Suzuki. 

Ngay từ những ngày đầu ra mắt, công chúng vô cùng tò mò về Studio Ghibli? Họ không ngừng đặt câu hỏi về ý nghĩa của cái tên này là gì? “Ghibli” do người sáng lập Hayao Miyazaki đặt dựa trên tên gọi của chiếc phi cơ Caproni Ca.309 Ghibli, một loại máy bay trinh sát từng được quân đội Ý sử dụng trong Chiến tranh Thế giới thứ 2. Danh từ “ghibli” trong tiếng Ả Rập có nghĩa là những cơn gió nóng thổi qua sa mạc Sahara. Tên gọi ngụ ý rằng Studio Ghibli là một làn gió mới thổi vào ngành công nghiệp hoạt hình xứ sở Phù Tang. Hoạt động tính đến nay đã gần hơn 40 năm, các thước phim 2D của hãng đã và vẫn luôn gắn liền với nhiều thế hệ khán giả.

Vụt sáng trở thành “hiện tượng”

Ngay từ ban đầu, Studio Ghibli đã hướng đến mục tiêu sản xuất phim không cắt xén, không lạm dụng CGI (Computer Generated Imagery – Công nghệ mô phỏng hình ảnh bằng máy tính). Dù được dẫn dắt bởi ba nhân vật có thâm niên trong lĩnh vực làm phim cũng như am tường xu hướng thẩm mỹ nổi trội của dòng anime, hãng cũng khó lòng chiếm được cảm tình của khán giả ở những năm đầu xây dựng.

Ở thập niên 80, dòng phim anime chưa được ngành công nghiệp điện ảnh công nhận tiềm năng phát triển. Không giống với hiện tại, anime thời điểm này chỉ thu hút được một tệp khán giả khiêm tốn, đó là trẻ em. Vì thế, rất ít khán giả lựa chọn anime để xem ở các cụm rạp. Đó là lý do tại sao các tác phẩm được đầu tư nhiều chất xám như “Nausicaä of the Valley of the Wind”; “My Neighbor Totoro” lại rất ít người biết đến ở những năm này. 

Mãi đến năm 1898, hãng phim mới bắt đầu thu được “quả ngọt” đầu tiên với dự án “Kiki’s Delivery Service”. Đây là bộ phim anime có doanh thu cao nhất tại xứ sở hoa anh đào vào năm này, với con số cán mốc 2.2 triệu Yên. Thành công đó đã góp phần mở ra một kỷ nguyên rực rỡ cho hãng, đồng thời khẳng định rằng phim hoạt hình không chỉ dành riêng cho khán giả nhí, mà nó là thế giới mộng tưởng phù hợp với mọi độ tuổi.

Từ trái sang: Princess Mononoke” (1997) và “Spirited Away” (2001) là hai siêu phẩm giúp Ghibli ghi dấu trong lòng khán giả.

Nối tiếp thành công, Studio Ghibli tiếp tục cho ra mắt “Princess Mononoke” (1997). Ngay khi phát hành, bộ phim hoạt hình giả tưởng này đã nhanh chóng mang về doanh thu kỷ lục tại thị trường Nhật Bản với 150 triệu USD. Chưa ngự trị ngôi vương đó bao lâu, “Princess Mononoke” nhường chỗ cho tựa phim hoạt hình ăn khách tiếp theo của nhà Ghibli mang tên “Spirited Away” (2001). Siêu phẩm đình đám này lập thành tích “vô tiền khoáng hậu” với doanh thu cao nhất mọi thời đại – 253 triệu USD. Không chỉ bỏ túi doanh thu ấn tượng, “Spirited Away” còn nhận được nhiều giải thưởng danh giá, trong đó có giải Oscar cho hạng mục “Phim hoạt hình xuất sắc nhất”. Tính đến thời điểm hiện tại, bộ phim đã nhận được 4 đề cử giải Oscar, và vô số giải thưởng giá trị khác. 

Từ trái sang: “Howl’s Moving Castle”, hiện tượng màn ảnh “The Boy and the Heron” (2023) và “The Wind Rises” (2013). 

Thừa thắng xông lên, hãng đã liên tiếp phát hành những “bom tấn” như “The Cat Return” (2002), “Howl’s Moving Castle” (2004), Ponyo on the Cliff by the Sea” (2008), “The Wind Rises” (2013)… Và gần đây nhất là “The Boy and the Heron” (2023). Tác phẩm này đã tạo nên tiếng vang lớn khi được vinh danh ở hạng mục “Phim hoạt hình hay nhất” tại Oscar 2024 và BAFTA (Giải thưởng Điện ảnh Viện Hàn lâm Vương quốc Liên hiệp Anh). Không quá lời khi nói sự dẫn dắt tài tình của Hayao Miyazaki và các cộng sự đã giúp Studio Ghibli tạo nên cơn địa chấn trong nền công nghiệp hoạt hình Nhật Bản.

Chạm đến giấc mơ “Cành cọ Vàng”

Trải qua 4 thập kỷ dệt nên những giấc mơ và sản xuất hơn 20 bộ phim truyện, Studio Ghibli đã chinh phục hàng triệu trái tim khán giả bằng những thước phim khiêm nhường, nhưng vô cùng đẹp đẽ, vừa giản dị, vừa nhân văn. Nhằm tôn vinh sự cống hiến của Studio Ghibli, ban tổ chức LHP Cannes đã trao giải “Cành cọ Vàng” cho tập thể nhà làm phim này. Đây là một tiền lệ chưa từng có trong Cannes khi lần đầu tiên vinh danh một tổ chức, thay vì một cá nhân. Theo bà Iris Knobloch, Chủ tịch LHP Cannes cho biết: “Giống tất cả các biểu tượng của bộ môn nghệ thuật thứ bảy, những nhân vật trong Ghibli mang đến cho trí tưởng tượng chúng ta những vũ trụ phong phú, đầy màu sắc lẫn các lời kể hấp dẫn.” 

Chia sẻ với truyền thông khi nhận được giải thưởng danh giá trên, nhà đồng sáng lập Toshio Suzuki cho hay: “Tôi vô cùng vinh dự và vui mừng khi Studio Ghibli được trao giải Cành cọ Vàng cho hạng mục ‘Thành tựu trọn đời’. Nhân đây, tôi xin gửi lời cảm ơn đến LHP Cannes từ tận đáy lòng. Mặc dù, Miyazaki và tôi cũng đã lớn tuổi nhưng tôi chắc chắn rằng Studio Ghibli sẽ tiếp tục đón nhận những thử thách mới, tiếp nối tinh thần của công ty với sự dẫn dắt của đội ngũ nhân viên. Và chúng tôi sẽ thật hạnh phúc hơn nữa nếu khán giả tiếp tục mong chờ những bộ phim hoạt hình sắp tới.”

Toshio Suzuki tiếp tục kế thừa và phát triển di sản của Studio Ghibli sau khi Miyazaki tuyên bố về hưu.

Tập thể Studio Ghibli sẽ chính thức được trao giải “Cành cọ Vàng” tại LHP Cannes vào ngày 14/05 sắp đến. Chúng ta hãy cùng đón chờ màn “chào sân” của Miyazaki cùng tập thể Studio Ghibli tại Cannes nhé!  

Tác giả: Khánh Duyên

10/05/2024, 11:16