Gian bếp từ trước đến nay hẳn luôn là của phụ nữ, hay đó là hình ảnh mà chúng ta luôn mường tượng tới mỗi khi nhắc đến “bếp”. Sao cũng được, cứ trao cho phụ nữ một căn bếp đi, bởi với tình yêu và niềm đam mê với gian phòng bé nhỏ, phụ nữ sẽ trả lại còn nhiều hơn một bữa ăn ngon.
Từ xưa đến nay, bếp luôn là một thế giới lớn lao của các bà mẹ, bà vợ, của các cô các chị. Là nơi mà khi xưa, người phụ nữ thể hiện sự đảm đang, tháo vát, “khéo ăn thì no” khi vừa phải nấu một bữa cơm ngon nhưng tiết kiệm. Quan niệm giữa phụ nữ và căn bếp mỗi thời mỗi khác, nhưng trách nhiệm đặt lên vai phụ nữ về việc bếp núc – hay rộng hơn là việc chăm sóc gia đình – thì thời nào cũng có. Nhưng cách giải quyết những trách nhiệm đó lại khác nhau.
Xã hội hiện đại trao cho phụ nữ nhiều cơ hội để cùng kiếm tiền, gánh vác chuyện gia đình. Chính vì vậy, tư tưởng nữ quyền lệch lạc khiến nhiều người nhầm tưởng chỉ cần có một công việc, cùng chia sẻ trọng trách tài chính là người phụ nữ độc lập. Và những người phụ nữ chọn căn bếp lại biến thành những người… ăn bám, sống phụ thuộc vào chồng. Sao có thể như vậy? Một người phụ nữ độc lập là người có thể tự tin chi trả cho những món đồ mình muốn mua, có quyền quyết định các vấn đề lớn trong gia đình. Thậm chí càng đáng ngưỡng mộ hơn khi chỉ với 1 căn bếp, vài vật dụng nấu nướng cùng nguyên liệu đơn giản; những bà nội trợ ấy đã tạo nên một “đế chế” đầy quyền lực.
Chuyên đề “Quyền lực từ gian bếp” với 4 nhân vật khách mời là Phan Anh Esheep – người sáng lập Esheep Kitchen, Tiktoker/YouTuber Babykopo Home, YouTuber Khói Lam Chiều, và tác giả Lê Ngọc – chủ nhân trang blog lifestyle/ẩm thực “Nhà có hai người” là 4 mảnh ghép đại diện cho hình ảnh phụ nữ hiện đại trong căn bếp. Đến với việc chia sẻ ẩm thực bằng những niềm đam mê khác nhau, thông qua 4 người phụ nữ “nghiệp bếp” này điều mà Đẹp muốn gửi gắm đến độc giả rất giản đơn: nội trợ là một nghề đáng tự hào và căn bếp nên là nơi để phụ nữ toả sáng.
Chọn căn bếp cũng không phải dấu chấm hết cho sự nghiệp. Những nhân vật xuất hiện trong chuyên đề về bếp lần này đều là các blogger, du học sinh, hoạ sĩ kiêm nhà báo, thậm chí là một… hoa khôi. Hẳn là họ có trong tay nhiều cơ hội (mà không cần đi tìm) công việc nghe “oách” hơn nhiều. Lý do khiến họ gắn bó với bếp núc là gì?
“Là vì tình yêu. Tôi yêu những làn khói cứ toả ra từ bếp rồi quyện vào nhau mỗi chiều, yêu cái xúc cảm đặc biệt, sự ấm áp, tình yêu thương và bình yên mỗi khi nhớ về”, chủ nhân của kênh ẩm thực Khói Lam Chiều chia sẻ. Đối với họ, chọn căn bếp không chỉ là việc chăm sóc gia đình, mà còn là nơi để họ chia sẻ niềm đam mê với ẩm thực, với những giá trị không thể đo đếm bằng tiền. “Tôi thích nhìn các nguyên liệu tươi ngon, gia vị thơm nức, từng chủ thể rời rạc được kết nối dưới tay mình để biến thành một món ngon. Thật là một điều tuyệt diệu. Việc chia sẻ đam mê nấu ăn còn giúp tôi tìm kiếm những người bạn tâm giao. Lúc ấy, những cảm giác như niềm vui, thành tựu, hạnh phúc được nhân lên gấp nhiều lần”, “admin Chúa” của group “Yêu Bếp” – Phan Anh Esheep đã chia sẻ như thế đấy. Từ căn bếp, họ xây dựng được cho mình một sự nghiệp đáng mơ ước, hay chính căn bếp cũng có thể trở thành một nơi làm việc lý tưởng, chỉ cần bạn muốn. Hay lý do chỉ đơn thuần như Baby Kopo, để “cứu vớt những người vụng về như tôi”.
Sau tất cả, hãy để căn bếp nhà bạn luôn đỏ lửa, để những niềm đam mê với gian phòng này luôn được lan toả nhiều hơn, vì khi có thêm một căn bếp đỏ lửa trong một căn nhà, nơi ấy sẽ trở thành mái ấm.
Cùng dõi theo những bài viết thú vị trong chuyên đề “Quyền lực từ gian bếp”:
1. Top 8 nữ đầu bếp quyền lực nhất thế giới
2. 9 series giúp bạn nhận ra thế giới ẩm thực kỳ diệu đến nhường nào
3. Khám phá 8 website hướng dẫn làm bánh ngọt ngon nứt lòng
4. 10 mẹo nấu ăn cơ bản mà bất kỳ đầu bếp tại gia nào cũng cần nằm lòng
5. Tìm thấy niềm vui nấu ăn chỉ với 8 thay đổi nhỏ này
6. Nấu ăn: Trải nghiệm của niềm hạnh phúc tự chữa lành
7. Vì sao nấu ăn cùng nhau sẽ giúp các đôi tình nhân nuôi dưỡng hạnh phúc bền chặt?
8. Bật chế độ “cuồng tay” nấu nướng với 9 kênh nấu ăn “nhanh như chớp” này
9. Baby Kopo: Căn bếp là nơi biến ngôi nhà trở thành “mái ấm” chứ không phải “mái lạnh”
10. Phan Anh Esheep: Bếp là nơi tôi tỏa sáng
11. Lê Ngọc (Nhà Có Hai Người): Người ta mơ nhà mơ cửa còn mình mơ núi mơ sông
12. Khói Lam Chiều: Niềm thương nỗi nhớ của những tâm hồn xa quê