Quang Huy: "Con buôn" là hình ảnh tôi muốn người ta thấy ở mình! - Tạp chí Đẹp

Quang Huy: “Con buôn” là hình ảnh tôi muốn người ta thấy ở mình!

Giải Trí

Đã ở trong showbiz 20 năm, nhưng chỉ đến  phim “Thần tượng”, Quang Huy mới bắt đầu gây chú ý. Dù trước đó, thành công bên lĩnh vực âm nhạc với “ca” Ưng Hoàng Phúc ở tuổi 21 của Huy, kể ra cũng là đáng nể!. Tuy nhiên, nhiều người lại bảo “Thần tượng” là cú ăn may, vì Huy biết nương vào người trẻ, “ăn khách”. Và tiếp đây, lại là một bộ phim về những người trẻ: “Chàng trai năm ấy” . Vậy “ông bầu” – đạo diễn Quang Huy thực sự vì biết nương vào người trẻ mà thành công, hay nhờ anh mà những người trẻ mới có cơ hội lộ diện?  “Đẹp + …” lần này muốn giải mã câu hỏi ấy.

“Ở game nào, ván chơi đầu tiên của tôi cũng thắng”

– Anh có phải người dễ dãi không?

– Dễ mà không dễ.

– Ví dụ?

– Tôi là người dễ tiếp cận, dễ kết bạn nhưng khó thân. Còn trong công việc, tôi là người dễ nhận lời, thường không đề cao đẳng cấp mà xem nặng tính chân thành. Hễ điều gì thuyết phục được tôi bằng tính chân thành thì tôi sẽ làm.

– Vậy là làm theo cảm xúc mách bảo à? Như thế kể ra cũng hơi dễ dãi thật đấy!

– Tuy nhiên, để cảm xúc tới, hay để mình tin vô cảm xúc ấy lại không phải chuyện dễ dàng. Nó là một quá trình. Theo tôi, nếu theo đuổi một khái niệm có thể định lượng cụ thể là đẳng cấp thì nhiều khi lại dễ dàng hơn. Còn cảm xúc thì khá trừu tượng.

– Anh có vẻ dị ứng với hai chữ “đẳng cấp”? Nó từng gây khó dễ cho anh sao?

– Không phải. Chỉ là tôi thấy, chữ “đẳng cấp” trong showbiz đang được dùng một cách lố bịch. Mà tôi không thích chạy theo sự lố bịch. Dự án âm nhạc đầu tay của tôi là “best seller”, dự án phim đầu tay là vô địch về giải. Nói chung, ở “game” nào, ván chơi đầu tiên của tôi cũng thắng. Tất cả cũng chỉ dựa trên việc làm hài lòng khán giả. Con người tôi từ nhỏ tới giờ, cả sự mách bảo dẫn đưa tôi vào con đường showbiz này, vốn là “máu” thích làm hài lòng số đông.  

Quang Huy - Chàng trai năm ấy

– Cũng vì dựa theo cảm xúc mà hình như có một thời gian khá dài, sau thời hợp tác với Ưng Hoàng Phúc đến trước “Thần tượng”, anh không có thứ cảm xúc đủ mạnh nào để làm một dự án lớn?

– Đúng, lúc đó tôi chủ yếu làm event, dịch vụ… Làm kinh doanh thì công việc cụ thể hơn, chủ yếu làm hài lòng đối tác thôi.

– Khoảng thời gian đó có làm anh cảm thấy chán?

– Nếu nói công bằng thì nó không chán. Nhưng, giống như sống trong hệ sinh thái, chuyên môn của mình cần được thở. Mở mắt ra chỉ toàn là hợp đồng với cam kết, nhiều lúc khiến mình mất đi nguồn hứng khởi.

Khách quan nhìn vào sẽ thấy có thể tôi gặp khó khăn, bởi người như tôi thì không bao giờ chấp nhận cuộc sống kiểu đó. Nhưng chủ quan mà nói thì tôi có một sự bình tâm. Tôi biết mình muốn cái gì và sau bao lâu sẽ có được. Đến một khúc quanh, tôi sẽ tự ý thức đây là đoạn đường mình phải đi qua.

– Vậy thì xem ra cú vùng dậy “đá” qua một sân chơi khác là bước tính quá chuẩn xác rồi…  

– Tôi có một tình yêu lớn với giải trí, một cách nghiêm túc. Tôi thích tạo ra một hệ giải trí, một môi trường giải trí, một ngành công nghiệp giải trí. Từ hơn mười năm trước, ngay từ khi xây dựng Wepro, tôi đã xác định một ngày nào đó sẽ làm phim. Nói vậy để hiểu, nếu âm nhạc vào thời điểm ấy còn chạy tốt thì tôi vẫn sẽ làm phim. Nó là hai mảng ghép của Wepro.

“Con buôn” là hình ảnh tôi muốn người ta thấy ở mình

– Thật lòng nhé, từ khi bước vào lĩnh vực điện ảnh, anh thấy tiếng nói của mình có “nặng ký” hơn không?

– Với những người chưa biết và chưa tiếp xúc với tôi, sau “Thần tượng” có thể khác, còn đối với những người đã quen tôi rồi thì có hay không có “Thần tượng”, họ vẫn hiểu và tin tôi như vậy. Đó là mình đang phân tích theo hướng tích cực, chứ người nào đã thành kiến rồi thì sẽ chẳng thay đổi gì hết.

– Còn chỗ đứng trong showbiz thì sao?

– Chưa bao giờ tôi hình dung ra. Tôi chỉ nói là có thể sau “Thần tượng”, nhiều người sẽ thấy tôi khác biệt. Nhưng bản thân tôi thì đã biết mình khác biệt từ trước kia rồi.

– Thời làm nhạc, có khi nào anh được tôn vinh bằng những giải thưởng tương đương với Cánh diều vàng mà Hội Điện ảnh trao cho anh, chưa kể những lời nhận xét có cánh của người trong nghề?

– Tôi còn chưa bao giờ được đề cử. Thật ra, câu chuyện của tôi luôn bắt đầu là “Để làm gì?”. Tôi không làm việc để lãnh thưởng, bằng chứng là hai chục năm không được lãnh thưởng tôi vẫn làm việc. Cái sướng của việc làm phim trước tiên là những cái tôi nghĩ, nó ra được hình ảnh, kiểu như ngày xưa tôi vẫn nói âm thanh này mà ra được cái audio kia thì thật hay… Nhưng âm nhạc là câu chuyện của năm phút, còn điện ảnh lại là câu chuyện của chín mươi phút.

– Không phủ nhận thành công mà anh gặt hái trong âm nhạc, nhưng vẻ như với âm nhạc, anh có danh mà không được trọng, khác hoàn toàn với cú chạm ngõ điện ảnh?

– Âm nhạc của Wepro hay âm nhạc của tôi thì cho đến khi tôi làm, người Việt Nam mới có khái niệm teen pop, nên tôi sẽ không lạ nếu có ai nói với mình nhạc của tôi họ không nghe được, vì nhạc này dành cho teen. Tôi làm ra được dòng nhạc và thần tượng cho tuổi teen. Lúc bấy giờ mới bắt đầu xuất hiện son môi dành cho teen, mỹ phẩm dành cho teen… Ngày xưa để làm đại sứ thương hiệu phải là một ngôi sao đình đám, nhưng tôi đã khai phá được một thị trường dành cho những ca sĩ hát nhạc teen. Giai đoạn ấy tôi thấy thành công ở tầm nhìn: người làm sản xuất khai phá ra được phân khúc thị trường mà trước kia hoặc là nó bị vô hình, hoặc là nó bị đánh đồng với phân khúc khác. Còn về chuyên môn, tôi không phủ nhận, từ góc độ nào đấy, ở quan điểm nào đấy, âm nhạc của tôi không được chất lượng. Tôi không muốn né tránh cái dở. Âm nhạc Wepro làm ra thời đó đáng lẽ phải chất lượng hơn.

– Ví lúc ấy anh và ê kíp của mình còn trẻ quá chăng?

– Đúng, nhưng tôi không thể dùng cái trẻ mà bao biện được. Đã làm việc thì phải có trách nhiệm. Cầu thủ U19 ra sân vẫn phải đá đúng luật như cầu thủ U23. Ở thời điểm ấy, cả nền giải trí của mình cũng còn trẻ. Tôi vẽ ra con đường đi rồi nhưng người sáng tác dòng nhạc này ở đâu? Người làm hình ảnh cho dòng nhạc này ở đâu? Bây giờ thì rất dễ để chọn ra một ê kíp, còn thời điểm tôi làm, âm nhạc Việt Nam khá thô sơ. Một sản phẩm âm nhạc của tôi ra, gần như cái tên tôi đứng ở rất nhiều vị trí. Không sao, tôi không biện minh nữa. Bản đầu tiên lúc nào cũng có thể là bản lỗi hết, song nếu không có bản lỗi thì sẽ không có bản hoàn chỉnh sau này. Với giai đoạn đó, tôi rất tự hào. Giả sử giờ ai nói “Huy ơi, nhạc của ông ngày xưa thấy ghê” thì tôi vẫn “ok”, nó đủ ồn ào để người ta thấy ghê là được. Tôi thích những thứ tôi làm ra được ồn ào.


– Thật ra, tâm thế đến với âm nhạc và điện ảnh của anh có khác nhau?

– Tôi bước vào âm nhạc bằng tâm lý chưa có gì để mất, ngoài 17 triệu đồng ra và không ai tin Quang Huy cùng Ưng Hoàng Phúc sẽ làm nên trò. Trên sân chơi điện ảnh, tôi là người sinh sau đẻ muộn nhưng vì trách nhiệm với những gì mình tạo ra trong mười mấy năm trời, ít hay nhiều cũng có cái để mất. Bên cạnh đó, còn là trách nhiệm với cộng sự của mình. Ví dụ như Hoàng Thùy Linh, đóng phim này mà không ra gì thì còn gì nữa đâu? Thế nên, cách mình nhập cuộc chơi điện ảnh phải cực kỳ thận trọng.

– Nói thế nghĩa là ngày xưa làm âm nhạc anh không thận trọng sao?

– Đúng, với một thằng nhỏ mười mấy, hai mươi tuổi chỉ có bản năng thì không thể thận trọng được. Ngày xưa tôi và Ưng Hoàng Phúc trẻ như nhau, cũng hăm hở bằng một niềm tin thiếu cơ sở hơn hẳn bây giờ. Mười mấy năm trước và mười mấy năm sau, rất nhiều sai lầm đi kèm thành công, tôi không thể cứ tiếp tục hăm hở cầm sinh mạng của năm, ba diễn viên, ca sĩ nổi tiếng và cầm cả chục tỷ, cơ đồ của Wepro, mà lao vô dự án một cách hồn nhiên nữa.

Quang Huy - Chàng trai năm ấy

Đạo diễn Quang Huy

– Vậy mà hồi xem “Thần tượng”, thấy cách Quang Huy làm phim và chọn thời điểm phát hành, cứ ngỡ anh đến với điện ảnh bằng sự hồn nhiên thôi đấy!

– Bên cạnh trải nghiệm về nghề, tôi còn có trải nghiệm về kinh doanh. Tôi không thể cứ bản năng lao vô bất chấp mọi thứ để sáng tạo một bộ phim cho riêng mình. Thế nên, sẽ không ai thấy Quang Huy là một ông đạo diễn thực sự.

– Thẳng thắn mà nói, tôi thấy tính nghệ sĩ của anh bộc lộ rõ nhất khi làm phim, mà bây giờ nghe anh nói lại thấy giống “con buôn” hơn rồi…

– “Con buôn” là hình ảnh tôi muốn người ta thấy ở mình, còn con người nghệ sĩ của tôi ai thấy được thì thấy, không sao. Khi tương tác với các ca sĩ, diễn viên của mình, tôi muốn họ thấy con người nghệ sĩ trong tôi, vì có như thế chúng tôi mới tạo ra được một tác phẩm, rồi đóng gói thành sản phẩm và tôi lại trở thành con buôn để đem đi bán. Tôi muốn đối tác làm ăn thấy được con người kinh doanh của tôi, bởi lẽ họ sẽ không quan tâm đến ông Quang Huy này trên trường quay thế nào, trong phòng dựng ra sao. Khán giả cũng vậy, họ chỉ nói “đồng ý” hoặc “không” thôi.
 
Tôi luôn là một trong những người trẻ lâu nhất showbiz

– “Thần tượng”, đối với anh, có lãi không?

– Là một bài toán kinh doanh thì nó lời, còn đối với cá nhân tôi thì nó quá lời. Có người nói với tôi nếu thời điểm phát hành tốt hơn thì còn lời hơn nữa, tôi không quan tâm. Tôi đã thấy nhiều tấm gương “đầu tay”, “Thần tượng” đã gặt đủ thành công cho tôi rồi. Ở góc độ đầu tư, làm phim là câu chuyện đầu tư nghiêm túc của tôi chứ không phải một phát ăn ngay, tùy thuộc hên xui. Tôi có định mức đầu tư cho ba phim đầu tiên nên hiệu quả kinh doanh phải được tính đến. “Chàng trai năm ấy” là bước tiếp theo của “Thần tượng”. Wepro quá mới mẻ trên bản đồ làm phim. Để có lộ trình lành mạnh, tôi phải xác định rõ mình ở phân khúc nào.

– Cùng nhìn nhận về showbiz, trong khi có khá nhiều phim lột trần mảng tối của nó, thì phim của anh lại vô cùng nhẹ nhàng. Hai mươi năm trong nghề, những điều trông thấy cũng không ít, anh không sợ phim mình bị mang tiếng… thiếu trung thực sao?

– Tôi là người lạc quan. Tôi thích sự tích cực, và tôi thích khán giả của mình cũng giống thế. Tôi không chắc mình sẽ làm dạng phim này đến bao giờ, nhưng tôi luôn muốn có một kết thúc cho người ta niềm tin. Phim tôi làm dựa trên chất liệu, còn kết quả lại là điều tôi hướng tới. “Thần tượng” có chơi xấu không? Có, chẳng qua cái chơi xấu ấy được nhìn bởi một con người lạc quan thôi. Hiện tại, bên ngoài đời sống nghệ thuật vốn đã có quá nhiều ám ảnh và tiêu cực rồi, giới trẻ bây giờ thì dễ bị tổn thương và đổ vỡ, nên có thể xem phim tôi xong, ít nhất trong chín mươi phút đó, họ sẽ được sống trong thế giới tích cực mà tôi tạo ra.

– Thế hóa ra phim của anh không thuộc thể loại “drama” nữa mà là “fantasy” à!   

– Tôi không nghĩ nó “giả tưởng” đâu. Thật ra, trong showbiz này muốn làm gì cũng được, tùy mục tiêu thôi. Nếu mục tiêu là đường dài, mình làm cách khác, còn nếu mục tiêu là chộp giựt, làm phát một ăn xong bỏ xứ ra đi thì ok, cũng sẽ có cách làm. Tôi thấy showbiz đang tốt đẹp lên, bao nhiêu người vô làm, bao nhiêu người sống được. Giả sử nghề không vui nữa thì nghỉ làm, mà đã làm thì đừng càm ràm.

– Tuổi trẻ của anh thì sao?

– Tuổi trẻ của tôi đẹp lắm, quậy tới nóc luôn, nhưng mọi thứ đều cho tôi chất liệu. Sau đấy, tôi thành công, được người ta tin cậy; rồi tôi gặp thất bại, và tôi lại được học. Thất bại đến với tôi đâu phải nhẹ, chẳng qua mình hiểu và lý giải được nó. Khách quan thì đành chịu, còn chủ quan thì phải biết bước đi nào của mình là bước lỗi khiến mình vấp té. Tôi thấy thất bại của mình rất hợp lý, cũng may nó tới sớm nên mình học được liền. Tuổi trẻ của tôi, đúng – sai đều rất rõ ràng.

– Vẻ như có một sự cố tình nào đấy mà từ âm nhạc đến điện ảnh, anh hay chọn cộng tác với những người còn rất trẻ. Nhớ không lầm thì hồi đó Ưng Hoàng Phúc cũng tầm tuổi Sơn Tùng M-TP bây giờ….   

– Trong showbiz, tôi luôn là một trong những người trẻ lâu nhất. Đi làm từ năm mười ba tuổi, tính đến nay cũng đã hai mươi năm, thì mười lăm năm đầu tiên, gần như tôi luôn là người trẻ nhất: đánh đàn trẻ nhất, hòa âm trẻ nhất, bầu show trẻ nhất, và hình như đi làm phim tôi cũng trẻ mà, đúng không?

Ở xã hội này, dù mình cố gắng không nhìn thấy nó, nhưng có một sự thật là, người ta rất bảo thủ, và cái máu bảo thủ nặng nề nhất lại nằm trong giới làm nghệ thuật. Ý kiến của người trẻ thường không được lắng nghe, trừ khi quá xuất sắc, mà nếu quá xuất sắc thì thường nghe xong sẽ trở thành ý kiến của người nghe luôn. Cơ hội cho những người trẻ lên tiếng không có, ít nhất là trong mười lăm năm làm việc của tôi. Tôi may mắn có những người đi trước cho mình cơ hội thể hiện.

– Có điều gì đó giống như một sự ám ảnh tuổi trẻ và người trẻ ở trong anh vậy! Là vì đã có một tuổi trẻ mà theo anh nói, không có cơ hội cho người trẻ lên tiếng, nên những gì anh đang làm hôm nay là để khẳng định cho ngày hôm qua à?

– Gần đúng. Nhưng cần nói rõ là tôi không hề có mối bận tâm gì với ngày xưa của mình. Ngày xưa ấy đã quá tuyệt vời rồi. Tôi luôn muốn tin người trẻ, dù sau này bốn, năm mươi tuổi, tôi vẫn sẽ tin người trẻ, vì chỉ có người trẻ mới tạo ra được những đột phá. Tôi có hai điều có thể tạm gọi là cay cú. Một là: người trẻ làm được. Hai là: Việt Nam làm được. Tôi không thích khái niệm phim Việt Nam hay phim Việt kiều, hoặc quan niệm vị trí này người Việt làm được, vị trí kia phải là người từ nước ngoài về… Tôi nghĩ người nào làm được là làm được. Tương tự vậy, tôi rất muốn khẳng định: người trẻ làm được.

– Một tuổi trẻ từng không được tin đã tác động gì đến anh ngày hôm nay, khi mà cái tên Quang Huy đã có được chỗ đứng nhất định trong showbiz?

– Nếu ai nhắc tới thì tôi nhớ, còn không nhắc thì tôi quên. Tôi nhớ lúc mình hăm hở xách bản thu xong của Ưng Hoàng Phúc đi gõ cửa các hãng và không ai chịu nhận phát hành cho mình. Không ai trong họ tin Ưng Hoàng Phúc ba tháng nữa sẽ làm nên chuyện. Có lý do của họ, kiểu như thằng Phúc hai mươi tuổi, thằng Huy hai mốt tuổi… Nếu họ nghe rồi từ chối thì tôi sẽ vui hơn việc họ nhìn mình và từ chối.
        
Cho nên ngày hôm nay, thứ nhất, tôi không muốn mình tước đi niềm tin và cơ hội của người trẻ. Thứ hai, tôi không muốn mình thành một gã giống vậy, cái gã ngày trước từ chối xong ngày sau quay sang năn nỉ. Đối với người trẻ, cho dù cảm thấy không làm việc được cùng họ, tôi vẫn giữ thái độ trân trọng vì người ta đã tin tưởng tìm đến mình.  

Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

ekip phim Chàng trai năm ấy

Từ trái sang: Hứa Vĩ Văn: “Huy từng không thích tôi  vì tôi… đã già.”;  Sơn Tùng M-TP: “Anh Huy chỉ vỗ vai tôi nói một câu: ‘Anh tin chú’, và tôi thấy mình có hy vọng, lại có cả một lý do cảm thấy mình được kích thích, rằng mình sẽ chinh phục cái ông này. Và tôi rất khoái với điều đó.”;  Quang Huy: “Cầu thủ U19 ra sân vẫn phải đá đúng luật như cầu thủ U23.”; Hari Won: “Anh Huy là người nhiều tuổi trong ê kíp, nhưng suy nghĩ của anh ấy rất tươi trẻ. Cả đoàn phim, không chỉ mỗi diễn viên trẻ mà ê kíp làm hậu đài, trường quay cũng đều là người trẻ. Chắc anh ấy yêu người trẻ.”; Quỳnh Anh: “Từ khi làm đạo diễn thì anh ta có vẻ… chảnh chọe hơn chút xíu. Có lần tôi trót đùa: ‘Chết rồi, mai mốt Huy ra đường chắc nhiều em chân dài theo lắm nha…’, là ông ấy nổi quạu liền”; Ngô Kiến Huy: “Anh Huy luôn cho rằng, phải để những lời thoại trong phim tự nhiên như cuộc sống. Anh ấy động viên chúng tôi sử dụng ngôn ngữ đời thường và thoải mái sáng tạo phần thoại của mình, miễn sao đảm bảo tính chân thật.”

Quỳnh Anh 


Ca sĩ , diễn viên Quỳnh Anh vai Phạm Quỳnh Băng

Hứa Vĩ Văn - Chàng trai năm ấy

Diễn viên Hứa Vĩ Văn vai Lâm, quản lý của Đình Phong

Sơn Tùng M-TP, Chàng trai năm ấy

Ca sĩ Sơn Tùng M-TP vai Đình Phong

Hari Won - Chàng trai năm ấy

Ca sĩ, diễn viên Hari Won vai Sky, người yêu Đình Phong

Ngô Kiến Huy - Chàng trai năm ấy

Ca sĩ Ngô Kiến Huy vai Ngô Kiến Hà

 

Bài: Nguyễn khắc
Thực hiện: Hellos.
Nhiếp ảnh: Trọng Đức
Stylist: Huyền Coco
Trang điểm: Lê Triển Lương, Vũ Tilybi
Làm tóc: Tony Phan
Trang phục nam: Zappa Homme, Topman
Trang phục nữ: B’s Store


logo

Thực hiện: depweb

08/11/2014, 14:25