Quang Dũng - Có muốn "cầm tù" trong sự chỉn chu? - Tạp chí Đẹp

Quang Dũng – Có muốn “cầm tù” trong sự chỉn chu?

Giải Trí

Nhẹ nhàng cũng là một thách thức

– Live show xuyên Việt, mà anh tính “bỏ rơi” Đà Nẵng sao?

– Đâu có, chỉ là vì tôi chưa “lấy” được nhà hát…

– Tới lúc này, anh đã biết nơi nào khán giả yêu anh nhất chưa?

– Mỗi vùng miền dĩ nhiên đều có những đặc trưng và gu riêng. Nhưng tôi nghĩ, ở nơi nào khán giả yêu nhạc Phạm Duy hay Trịnh Công Sơn, cũng như những người hát tình ca bằng cả trái tim mình thì ít nhiều, tôi cũng được “dự phần” trong đó.


– Về phía anh, thì sao, với lần đầu tiên cho Hà Nội, sau hơn 15 năm đi hát?

– Hà Nội với tôi trước hết là Nhà hát Lớn, nơi tôi gần như không bao giờ vắng mặt, trong những chương trình cần hội tụ những gương mặt của hai miền. Nhưng Hà Nội với tôi cũng lại không chỉ là Nhà hát Lớn. Mà còn là cái quán café ven hồ, nhất là vào những lúc Hà Nội vào thu. Ngồi ở đó, tôi bao giờ cũng cảm thấy bình yên hết sức, khi bỗng dưng được nhìn thấy chân dung Hà Nội rõ hơn bao giờ. Nhưng nếu là một người lạ, bạn sẽ không dễ dàng nhìn thấy điều đó ở Sài Gòn… Nói chung, đời sống, thời tiết… là những gì khiến tôi yêu Hà Nội.

– Vẻ như anh thường thích những gì nhẹ nhàng?

– Đúng hơn, tôi thích những gì khiến tôi cảm thấy mình chủ động được nhịp độ của nó. Nhanh, chậm hay không là do mình, hơn là từ bên ngoài.

– “Tình ca Phạm Duy” – Album vừa ra mắt của anh dường như cũng cho thấy một Quang Dũng “thả lỏng” hơn, có phải?

– Điều đó có được, tôi nghĩ là do công của Đức Trí, khi anh đã mạnh dạn áp vào tôi một quy trình ngược: thu âm giọng hát trước rồi mới “cấy” lên bản phối. Khi giọng hát làm chủ âm nhạc, tự dưng mình sẽ có một cảm giác rất thoải mái…

– Nhưng anh có nghĩ, tạo dựng dấu ấn trên sự nhẹ nhàng nghe chừng là còn khó hơn trên sự mãnh liệt?

– Riêng điều này thì tôi nghĩ là chị đã rất hiểu tôi. Đúng vậy, làm chủ được cột hơi của mình, sao cho khi nó phả ra phải thật nhẹ mà vẫn không gây hẫng cho người nghe, đến bây giờ, với tôi vẫn còn là một thách thức.  


– Ngày xưa, khi anh mới đứng trên sân khấu, tôi thường thấy anh già trước tuổi. Còn bây giờ, thì lại là ngược lại. Vẻ như những thăng trầm cuộc sống chưa chạm được nhiều vào giọng hát của anh?

– Nhiều người cũng bảo trông tôi dạo này trẻ hơn và tôi rất vui vì điều đó. Tuy nhiên, tôi lại nghĩ khác chị. Hơn bao giờ, đây mới là thời điểm chín muồi hơn cả của tôi, còn vì cả những trải nghiệm sống.

– Đôi lúc tôi cứ thầm băn khoăn cho anh: Người ta có thể không thấy chán khi nghe mãi Phạm Duy và Trịnh Công Sơn, nhưng một người hát thì lẽ nào lại không nhỉ, một lúc nào đó? Nếu như muốn tung tẩy, phá cách một chút trong sáng tạo, mà “phá nhạc” Trịnh hay nhạc Phạm Duy thì đều bị cho là không an toàn?

– Khi nào khán giả chán Quang Dũng hát Phạm Duy và Trịnh Công Sơn thì tôi mới thấy chán… mình. Còn trước nay, mỗi một lần hát lại những bản tình ca bất hủ đó, là tôi lại cảm thấy có thêm một luồng cảm xúc mới. Cảm xúc ấy có thể đến từ âm nhạc, với những giá trị xuyên thời gian; hoặc từ chính tôi, bởi những trải nghiệm mới; mà cũng có thể là từ khán giả, bởi mỗi lần gặp là một kỷ niệm riêng…

– Tới giờ này, nếu chỉ được chọn, hoặc Phạm Duy hoặc Trịnh Công Sơn, anh chọn ai?

– Lẽ đương nhiên tôi chọn cả hai (hay đúng hơn là tôi may mắn nằm trong số những giọng hát được hai ông “chọn”). Vì nếu như nhạc Trịnh là một cuốn “lưu bút đời người” với tất cả vẻ đẹp mơ màng, hư ảo và đôi lúc ngây thơ đến sâu sắc thì âm nhạc Phạm Duy với tôi lại là một “bản tường trình cuộc sống” với tất cả sự giằng xé, thô ráp, trực diện…


Tôi “vịn” vào nhạc Trịnh để đứng dậy!

– Hẳn anh cũng biết, nhà thơ Phùng Quán từng có một câu thơ rất hay rằng: “Có những phút ngã lòng – Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy”. Vậy, đã bao giờ anh “vịn” vào nhạc Trịnh chưa?

– Tôi không những từng “vịn” mà còn xui người khác “vịn”, khi họ cần được trấn an. Phần mình, những lúc hụt hẫng, bấp bênh và cảm thấy cô đơn, tôi cũng thường lấy những ca từ của ông để lấy lại thế cân bằng cho mình. Và cách đó, với mình, tôi thấy khá hiệu quả.

– Những “chiếc phao” đó in những dòng chữ gì?

– “Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt”, “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui”, “Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ”… Nhưng tôi không nghĩ đấy là những chiếc phao. Nó như là một ngọn hải đăng thì đúng hơn, để giúp mình nhận biết, đâu mới thực là bến bờ.

– Vậy, đâu mới thực là bến bờ?

– Đó là Bảo Nam con tôi, người tôi thường nghĩ đến như một mục đích sống lớn nhất của mình. Là những người bạn thực sự của tôi trong showbiz: Mỹ Tâm, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Thanh Thảo… Là ba mẹ tôi cùng 6 người cháu đang sống cùng nhà với tôi, luôn coi tôi như thần tượng và cũng vì thế mà luôn khiến tôi nhận biết được một giá trị khác ở mình: người đàn ông của gia đình…

– Người đàn ông của gia đình vì sao lại không giữ được gia đình?

– (Cười buồn và im lặng một lúc). Có những thứ, tôi nghĩ còn là do số phận và phần nào đó, ít nhiều có thể còn là “nghiệp chướng”. Bản thân đời nghệ sĩ đã lông bông nay đây mai đó rồi, tôi thì lại là người nặng gánh với gia đình. Nên có những sự không trọn vẹn, âu cũng là do trời cho mình được đến đâu thì mình hưởng đến đấy, hơn là ngồi than thân trách phận…

– Sạch sẽ từ trước đến nay, chỉn chu từ đầu đến cuối, vậy có lúc nào anh cảm thấy mình… lạc lõng và cô đơn trong showbiz?

– Như đã nói, trong showbiz, tôi có những bạn đồng hành đồng thời là bạn tốt. Vậy thì làm sao có thể thấy cô đơn? Còn những áp lực được coi là thuộc tính của showbiz thì đương nhiên là mình phải chấp nhận chứ, một khi đã bước chân vào.

– Thực ra là tôi muốn hỏi một câu khác: Có khi nào, anh cảm thấy mình bị “cầm tù” trong chính sự sạch sẽ của mình không? Để mà đôi khi có thể nói ra một câu cho hả buồn, hả giận, muốn ra sao thì ra, mỗi khi bị ai đó cào xước tim mình?

– Thực sự là tôi không có nhu cầu đó và như đã nói, nếu cần cân bằng, tôi có thể nương mình vào nhạc Trịnh. Còn thì nhu cầu lớn nhất của tôi là phấn đấu trở thành một nghệ sĩ chân chính, cả trong nghề nghiệp lẫn trong quan hệ xã hội. Nghệ sĩ hơn thua nhau là ở tài năng, tâm huyết và những dấu ấn anh ta để lại trong sự nghiệp, thay vì hơn thua nhau một câu nói. Sau hơn 15 năm cùng nghề, điều tôi cảm thấy mình cần là có thêm 5 năm nữa, ít nhất là thế, để có thể tự hào mỉm cười rằng: Mình là một nghệ sĩ chân chính…
Text: Thu Quynh

Photo: Tuấn.Fr 

 

 

Thực hiện: depweb

07/05/2013, 13:23