Phạm Công Luận – “Khí chất căn bản của người Sài Gòn không thay đổi” - Tạp chí Đẹp

Phạm Công Luận – “Khí chất căn bản của người Sài Gòn không thay đổi”

Men's Talk

Có lẽ, nếu muốn nghe một lời bình hay đơn giản là một câu cảm thán về con người và mảnh đất phồn hoa đô hội Sài Thành này, thì hẳn chúng phải đến từ nhà văn Phạm Công Luận – người không chỉ là dân Sài Gòn “chính gốc”, mà còn là tác giả của hàng loạt ấn bản sách viết về Sài Gòn nói chung và người Sài Gòn nói riêng. 

-Nhắc về Sài Gòn của những ngày thơ ấu, điều khiến anh xao động nhất lúc này? Về sau, anh còn giữ lại được những gì gọi là “tuổi thơ Sài Gòn” làm quà tặng cho hai con của mình?

Thời thơ ấu của tôi khá êm đềm trong cái xóm nhỏ ở Phú Nhuận mà hiện nay gia đình tôi đang sống. Ba má tôi đông con nhưng có thể cho ăn học đầy đủ. Tôi đã hưởng những cái Tết vui hồi nhỏ, giờ vẫn còn nhớ. Lúc đó, cây cối chung quanh nhiều hơn, nhiều sân bãi để đá banh, đánh trống, xóm có giếng nước trong, cây ăn trái rất nhiều để con nít trèo hái trộm. Con người cư xử tuy mộc mạc nhưng cởi mở và có tình. Bây giờ, nhà ai nấy sống, cửa đóng kín mít, con nít cùng xóm không biết nhau dù sống sát vách. Em tôi sống ở Gò Vấp bảo bây giờ trong đó ăn Tết vui, về tới Phú Nhuận thấy lạnh tanh, chẳng có không khí Tết gì cả.

Có một phần tuổi thơ tôi viết trong sách để kể cho các con tôi biết, để biết vậy thôi chứ cuộc sống luôn thay đổi, điều đó là bình thường phải chấp nhận.

pcluan_ttvhdo-3-768x568
“Thành phố này sớm muộn gì cũng sẽ phát triển thành một thành phố hiện đại. Tuy nhiên, là thành phố duy nhất, với sự độc đáo không ai có thì hay hơn. Sự độc đáo đó chính là “hồn đô thị”, thể hiện qua những kiến trúc cổ đa phong cách, sự đa dạng của nghệ thuật ẩm thực… là những điều cần giữ gìn có chọn lọc và đáng lo nếu nó mất dần.”

-Đúng là cuộc sống luôn thay đổi, và Sài Gòn cũng không nằm ngoài quy luật đó. Sự phát triển của Sài Gòn gần đây được nhiều người so sánh với Singapore. Và giả một ngày nào đó, Sài Gòn trở thành Singapore thứ hai, thì điều gì ở Sài Gòn xưa anh muốn được giữ lại?

Thành phố này sớm muộn gì cũng sẽ phát triển thành một thành phố hiện đại. Tuy nhiên, là thành phố duy nhất, với sự độc đáo không ai có thì hay hơn. Sự độc đáo đó chính là “hồn đô thị”, thể hiện qua những kiến trúc cổ đa phong cách, sự đa dạng của nghệ thuật ẩm thực… là những điều cần giữ gìn có chọn lọc và đáng lo nếu nó mất dần. Ngoài ra, những gì cần giữ còn là phong cách sống cởi mở, nhạy bén với cái mới, rộng lòng với người khó khăn hơn mình, dễ tiếp nhận những khác biệt và coi trọng sự dân chủ.

-Hẳn là Sài Gòn cách đây 50 năm, khi anh còn thơ bé so với bây giờ đã có sự khác nhau nhiều lắm. Điều anh tiếc nuối nhất là gì, khi nhìn lại Sài Gòn của những ngày tháng cũ?

Nhiều thứ. Tiếc nhất là cái dinh Norodom nay đã biến mất. Nếu còn, đó sẽ là một tòa kiến trúc kiểu Tây lớn nhất, tạo nét duyên cho một Sài Gòn hiện đại, từng được coi là Paris phương Đông. Tôi còn tiếc cho thời xe cộ chưa đông kinh khủng như bây giờ. Lúc đó thành phố còn êm đềm và lãng mạn.

-Tôi là người nhập cư, từng trải qua một vài chuyện đủ để xác tín về sự bao dung của Sài Gòn. Ngoài điều đó ra, để giới thiệu ngắn gọn về Sài Gòn với một người bạn từ xa tới, anh sẽ nói gì với họ trên tư cách là chủ nhà?

Tôi biết bên cạnh những tình cảm quý mến, còn có không ít người ở xa có thành kiến với thành phố này. Lúc mới đến đây sống, nhiều người không thích nghi được, nhưng khi ở đủ lâu, lại không muốn rời xa. Cho dù “Sài Gòn có nói gì đâu” (tên bài tựa của Đông Vy trong cuốn “Sài Gòn chuyện đời của phố” tập 1 – PV), nhưng một số tác giả trong đó có tôi cũng đã cố nói lên điều gì đó về Sài Gòn trong các quyển sách. Hãy đọc và đến Sài Gòn, tự mình cảm nhận về sự thu hút của thành phố này xuyên qua những ngổn ngang mà nó đang giải quyết.

pcluan_ttvhdo-1-768x963
“Tôi biết bên cạnh những tình cảm quý mến, còn có không ít người ở xa có thành kiến với thành phố này. Lúc mới đến đây sống, nhiều người không thích nghi được, nhưng khi ở đủ lâu, lại không muốn rời xa.”

-Được biết, bà xã anh (nhà văn Đông Vy – PV) cũng là một người nhập cư. Để có thể đi cùng nhau một chặng đường dài như vậy, anh – “người Sài Gòn chính gốc” hay bà xã – “người nhập cư” phải hy sinh nhiều hơn?

Gia đình bên nội của vợ tôi sống ở Sài Gòn từ lâu. Lớn lên, vợ tôi thường vào thành phố này mỗi dịp hè nên không lạ với cuộc sống ở đây. Tuy nhiên, chúng tôi cũng như các đôi vợ chồng khác từ hai nơi ráp lại với nhau, có những khác biệt phải tìm cách dung hòa, nhất là thời gian đầu. Vợ tôi yêu trời cao đất rộng, cây cỏ, núi non, dễ cảm thấy không thoải mái trong đô thị đông đúc, chật chội. Đó là điều tôi luôn cảm thấy ái ngại và cố bù đắp khi có thể. Về ẩm thực thì tôi dễ tính nên không có vấn đề gì. Nhờ vợ khác miền mà còn được ăn những món mới. Bên cạnh đó, chúng tôi có nhiều điểm chung để có thể đi với nhau trên đường đời như sở thích, ưa cuộc sống nhẹ nhàng, yên tĩnh.

Giống như một cách chào đón và đùm bọc những người tứ xứ đổ về, theo anh khí chất của người Sài Gòn xưa và nay đã có sự thay đổi như thế nào?

Đã có nhiều bài viết nói về khí chất, tính cách người Sài Gòn nên xin không lặp lại ở đây. Tôi nghĩ khí chất căn bản của người Sài Gòn bây giờ không khác mấy so với hồi xưa cho dù kiểu sống có thay đổi cho phù hợp thời đại. Bên cạnh đó, Sài Gòn vẫn còn sức mạnh thay đổi người từ nơi khác đến. Nghiệm lại sẽ thấy, không ai nhập cư mà giữ trọn vẹn con người cũ ở cố hương vì họ phải thay đổi để hòa nhập vào mẫu số chung ở đây.

-Nhân tiện, có nhân vật người Sài Gòn chính gốc nào mà anh đặc biệt ngưỡng mộ? Họ đã ảnh hưởng đến anh như thế nào?

Đó là một số nhân vật mà tôi đã viết trong các tập “Sài gòn chuyện đời của phố”, như: giáo sư Lê Văn Khoa, vợ chồng nhà văn Nhật Tiến – Đỗ Phương Khanh, nhà văn Sơn Nam, ông Nguyễn Hùng Trương là chủ nhà sách Khai Trí. Họ là những người có tài năng nhưng khiêm tốn, luôn tâm huyết với những công việc có ích cho xã hội thông qua các chương trình truyền hình, viết sách, làm báo hay kinh doanh sách báo. Tôi muốn đi theo nghề viết lách khi còn tuổi học trò, đọc “Thuở mơ làm văn sĩ” của nhà văn Nhật Tiến, học được nhiều điều hay lẽ phải khi đọc báo Thiếu Nhi do ông Khai Trí sáng lập hay khi xem chương trình truyền hình “Thế giới của trẻ em” của ông Lê Văn Khoa.

pcluan_ttvhdo-2-758x1024

Nhà văn Sơn Nam ảnh hưởng đến tôi nhiều qua các cuốn sách. Ông viết dung dị, chân thành, ngôn ngữ không quá “Nam Bộ” trừ khi viết đối thoại trong các truyện ngắn, tiểu thuyết. Khi viết biên khảo, ông vẫn “có tình”, thứ tình yêu quê hương tha thiết không ồn ào, lên gân. Trong hồi ký của ông luôn có một nỗi buồn man mác, nhẹ nhàng của người hướng nội, xa quê và có lúc thấy đơn độc giữa đô thị. Tôi không phải là người nhập cư, nhưng đô thị luôn khiến người ta thấy mình nhỏ bé, nên tôi dễ “cảm” những cảm xúc u uẩn được thể hiện khá kín đáo của ông. Trong số các vị trên, chỉ có ông Nguyễn Hùng Trương sinh ra ở thành phố này, nhưng theo tôi nghĩ, những tên tuổi trên đều là người Sài Gòn “chính cống”, vì thời gian họ sống ở đây rất dài và dấu ấn của họ khắc ghi là tại thành phố này.

-Anh sống ở Sài Gòn hơn 50 năm, từng bỏ không ít công sức và thời gian tìm hiểu, nghiên cứu tư liệu để thực hiện bộ sách “Sài Gòn chuyện đời của phố”. Còn điều gì nữa ở Sài Gòn mà anh chưa biết và mong muốn được khám phá?

Viết được vài cuốn sách về Sài Gòn, tôi vẫn thấy mình chỉ hiểu được phần nhỏ về thành phố này. Bao nhiêu tầng ký ức chưa khai phá, bao nhiêu lĩnh vực chưa đụng đến, và nếu có tư liệu, nhân chứng, còn phải có khả năng lý giải nữa. Những gì muốn viết tiếp cũng là những điều tôi đang tìm kiếm.

Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này.

Q&A

– Người ta có thể tìm thấy anh ở đâu giữa Sài Gòn?

Ngoài nơi làm việc, là quán cà phê và nhà sách.

– Quyển sách thú vị nhất về Sài Gòn?

Cuốn “Những bước lang thang trên hè phố của gã Bình Nguyên Lộc” của Bình Nguyên Lộc

– Người Sài Gòn anh thích nói chuyện nhất?

Xưa là má tôi, sau này là bà xã.

– Món ăn Sài Gòn ăn hoài không chán?

Với tôi là cơm tấm và mì hoành thánh.

– Đồ uống Sài Gòn nghiện nhất?

Tất nhiên là cà phê, ngày nào cũng một ly.

– Người đàn ông Sài Gòn chuẩn nhất theo anh là phải…?

Phóng khoáng và chân thật.

– Đệ nhất mỹ nhân Sài Gòn xưa là…?

Nhiều quá không kể xuể. Sài Gòn thời nào cũng có nhiều người đẹp. Nói “đệ nhất” chỉ là một cách dùng từ.

– Sài Gòn đẹp nhất khi…?

Bước vào mùa khô, một tháng trước và sau Giáng sinh.

– Một ngày hoàn hảo ở Sài Gòn là…?

Ngày nghỉ, hai vợ chồng có buổi ăn sáng riêng với nhau và một buổi ngồi cùng các con ngoài quán. Mua được cuốn sách, đĩa phim hay. Gặp bạn thân và viết được vài trang.

– Với anh, người Sài Gòn là…?

Người sống ở Sài Gòn theo kiểu Sài Gòn. Và những người từng như vậy nay đã xa Sài Gòn.

– Lần anh phải xa Sài Gòn lâu nhất là…?

Hai tháng.

– Hình ảnh Sài Gòn từ xa nhìn về…?

Hồi còn độc thân, khi ở xa, Sài Gòn đầy ấm áp hiện ra khi tôi nghĩ về căn phòng riêng với sách, đĩa phim, tranh và vài món cổ vật. Khi có gia đình, đi xa tôi luôn muốn quay về để chở vợ con ra ngoài, mua sách, nhìn đường phố nhộn nhịp dưới hàng cây

Bài: Hồ Huy Sơn

(Trên TTVH & Đàn Ông số 138 – 4/2017) 

Thực hiện: Đặng Trung Hiếu

24/04/2019, 15:00