Chiến dịch “Ở nhà rất vui” (#onharatvui) mùa Coronavirus/Covid-19
Bước vào một năm mới nhiều hứa hẹn, chúng ta đã mong đợi những điều tốt đẹp và tháng ngày ngập tràn hạnh phúc sẽ đến. Thế nhưng “cơn bão” Coronavirus/Covid-19 đột nhiên quét qua, làm đảo lộn nếp sống thường nhật của chúng ta, từ công việc đến nhu cầu giải trí. Tuy nhiên, một đồng xu luôn có hai mặt. Trong chuỗi ngày đầy biến động này, Đẹp khởi động chiến dịch “Ở nhà rất vui” (#onharatvui) nhằm lan tỏa nguồn năng lượng tích cực đến từ chính những người trong cuộc – người đang cách ly tập trung, cách ly tại gia, người làm việc tại nhà (work from home), du học sinh,… và gửi đến thông điệp: ngoài đường làm sao vui bằng ở nhà.
Trong những ngày này, khi không thể ra ngoài, cách tốt nhất là hãy đi vào “bên trong” bản thân, tập đối thoại, học cách kiểm soát cảm xúc và yêu thương bản thân nhiều hơn. Đó là cách mà Lâm Quách, chàng người mẫu ăn chay trường và theo đuổi lối sống Zero waste thực hiện để đối mặt với những ngày cách ly vừa qua.
“Mặc dù cuộc sống thường ngày của tôi khá năng động, thường di chuyển và gặp gỡ nhiều người, nhưng vì đã từng có nhiều trải nghiệm sống cam go hơn nên tôi được rèn luyện khả năng thích ứng nhanh với hoàn cảnh, không bị lệ thuộc vào yếu tố cố định nào. Tôi cảm thấy hoàn toàn ổn với cuộc sống cách ly hiện tại.
Vậy nên lối sống của tôi không bị xáo trộn quá nhiều so với trước đây, chỉ là bây giờ tôi ít ra ngoài hơn mà thôi. Mỗi ngày, tôi vẫn dậy từ khoảng 5h sáng, làm việc, học tập và ngủ lúc khoảng 10 giờ – 10 giờ 30 tối. Thời gian rỗi, tôi tập trung vào việc phát triển bản thân như đọc sách, học online, lên kế hoạch dự án bản thân chi tiết hơn để hết dịch sẽ ‘chiến đấu’, họp dự án với bạn bè, học vài món ăn mới để chia sẻ, hay tập chơi đàn ukulele để kiểm soát cảm xúc và giúp bản thân bình tĩnh hơn… cứ lấp đầy cuộc sống như thế để giúp cho bản thân luôn năng động dù trong thời gian cách ly với xã hội.
Gần đây, tôi đọc được một quyển sách khá thú vị, đó là ‘Vị tu sĩ bán chiếc Ferrari’. Trong thời điểm dịch bệnh này, khi không thể ra ngoài thì chúng ta chỉ có thể bước ‘vào trong”, cuốn sách này là người bạn tuyệt vời giúp tôi khám phá nhiều điều sâu trong bản thân. Tôi học được rất nhiều triết lý sống đơn giản, dễ hiểu thông qua các phương pháp sách đưa ra như tư duy đối lập, bí mật hồ nước, quyển sổ mơ ước.
Trong suốt thời điểm đối mặt với dịch bệnh vừa qua, tôi đã từng buồn, thất vọng, mất niềm tin, giận dữ… theo như sách gọi là ‘rò rỉ năng lượng’, mỗi lần như thế tôi lại đọc cuốn này. Sách dạy tôi nhớ rằng: ‘Bạn là kết quả của tất cả những gì bạn suy nghĩ trong ngày. Bạn cũng chính là kết quả của những điều bạn nói với bản thân trong ngày’. Vì thế, muốn đời tươi đẹp, hãy suy nghĩ và nói lời tươi đẹp. Đơn giản mà, đúng không?
Những ngày này thật tuyệt vời khi tôi có thể… nghỉ chơi bớt những nguồn năng lượng tiêu cực xung quanh, nhiều thời gian cho bố mẹ hơn… Cũng như bao người khác, bản thân tôi ‘ngấm đòn’ khá nặng về kinh tế từ Covid-19. Lúc đầu tôi cũng xuống tinh thần lắm, nhưng nghĩ kỹ lại thì… thật nhẹ nhàng. Vì công việc trước đây làm tôi cảm thấy không hạnh phúc, không thể cảm thấy niềm vui trong cuộc sống. Áp lực khá lớn nên tôi thường quay cuồng trong vòng xoáy ấy, đến cuối ngày mệt mỏi lại chẳng muốn làm gì, tôi bỏ bê cả những đam mê. Nhờ ‘cô Vy’ mà công việc tạm ngưng, áp lực lắng xuống, tôi được nhìn lại và trở về với đam mê của mình, nhớ lại mình đã từng thích gì và mơ ước trở thành người như thế nào. Có thể nói, ‘cô Vy’ đã đưa tôi lại con đường chinh phục đam mê như thế đó.
Bên cạnh đó, tôi đã tự luyện cho mình khả năng bình tĩnh và tinh thần lạc quan trước mọi việc. Bản thân tôi luôn tự tin kiểm soát tốt mọi chuyện, thế nhưng giai đoạn đầu dịch bệnh, nhiều chuyện ập đến, xung quanh hay mạng xã hội ngập tràn thông tin tiêu cực… khiến tôi cảm thấy choáng ngợp và tinh thần xuống dốc theo. Nhận ra não mình đang bị đầu độc nặng nề, tôi “detox” bớt bằng nhiều cách như thiền, hạn chế sử dụng mạng xã hội, tập trung vào bản thân hay những kế hoạch sau dịch… để lấy lại nguồn năng lượng tích cực. Và khả năng lạc quan mình lại nâng thêm một ‘level’ mới.
Bên cạnh đó, nấu ăn cũng là một cách để tôi thư giãn trong những ngày này. Hướng đến lối sống Zero Waste và ăn chay trường, mỗi ngày, tôi đều làm những món ăn lành mạnh để chiêu đãi bản thân như các món sinh tố, món chay, nước ép hay đồ ăn nhẹ. Với cách sáng tạo riêng, bạn hoàn toàn có thể nấu rất nhiều món chay lạ miệng và tốt cho sức khoẻ, ví dụ như món Gyoza diêm mạch dưới đây:
Nguyên liệu:
– Hạt diêm mạch đã nấu chín.
– Cà Rốt, Hành Tây, Bắp Cải, Nấm Hương xắt nhuyễn.
– Đậu hũ.
– Vỏ bánh hoành thánh.
– Hạt nêm Ngưu Báng, muối, đường, tiêu, giấm, mật mía, nước tương.
Thực hiện:
- Dùng 1 cái tô lớn, cho diêm mạch và tất cả rau củ đã xắt nhuyễn vào. Đậu hũ dùng tay bóp nát, trộn đều. Sau đó cho các gia vị nêm nếm tuỳ khẩu vị. Cho thêm 1 thìa cà phê nước tương, trộn đều lần nữa.
- Dùng vỏ bánh hoành thánh, lấy khoảng ¾ thìa nhân và gói theo kiểu gyoza.
- Đem Gyoza áp chảo nhanh, đến khi cạnh xém vàng là được. Gyoza hơi vàng, xém xém cạnh là được rồi.
- Xếp Gyoza ra dĩa, xắt mỏng gừng và ớt để tăng hương vị và trang trí.
- Pha thêm 1 chén hỗn hợp gồm nước tương, giấm, mật mía. Rưới đều xung quanh. Nếu các nguyên liệu lúc đầu còn dư, bạn có thể tận dụng làm phần nền bên dưới gyoza.
Chúc các bạn có một “kỳ nghỉ tại gia” đầy bổ ích và, đừng quên, hãy chọn lựa những gì tích cực nhất để dung nạp vào cơ thể trong những ngày này nhé!