Người bố hoàn hảo, không khó! - Tạp chí Đẹp

Người bố hoàn hảo, không khó!

Sống

Và trang bị kỹ năng sống đời thường là một trong những bí quyết để là ông bố tốt. Dưới đây là những kỹ năng sống quan trọng mà những ông bố trẻ cần trang bị.

 

3 cách phòng ngừa điện giật ở mỗi gia đình:

1. Thiết kế các ổ điện ngoài tầm với của trẻ. Không để các dụng cụ điện, dây dẫn điện ngang tầm tay trẻ em.

2. Thường xuyên kiểm tra hệ thống điện, đảm bảo các thiết bị điện an toàn, không bị hở, mát.

3. Để nguồn điện ở chỗ trẻ nhỏ không với được: dùng chắn điện an toàn, lấy băng dính bịt kín những ổ điện ít dùng đến. Dạy cho trẻ không được chọc vào các ổ điện, leo trèo cột điện, thả diều nơi có đường điện chạy qua. Đặc biệt người lớn không dùng điện để diệt chuột, chống trộm…

2 kỹ năng cấp cứu trẻ do dị vật

Tai nạn này thường xảy ra ở trẻ em khi bú bình hoặc cho ăn không đúng cách. Dị vật đường thở có thể là sữa, cháo, cơm (do sặc), hạt lạc, mãng cầu, hồng xiêm… Triệu chứng hóc là người đang khỏe mạnh đột nhiên ho sặc sụa, tím tái, khó thở. Trẻ bị ngạt thở có thể tử vong trong vòng vài phút nếu không được sơ cứu và cấp cứu kịp thời. Do đó, khi thấy trẻ đột ngột khó thở cần nghĩ ngay là trẻ bị hóc dị vật, dù trước đó có nhìn thấy trẻ ngậm thứ gì trong miệng hay không.

Tips:

1. Nếu trẻ còn hồng hào, không quá khó thở, nên đặt ở tư thế ngồi thở, giữ yên và đưa đến cơ sở y tế để khám và gắp dị vật ra. Nếu trẻ bị nạn tím tái, không thở, không khóc hoặc khóc yếu, hãy nhanh chóng gọi cấp cứu và tiến hành các thủ thuật sau để giúp tống xuất dị vật ra khỏi đường thở

2. Người bố khi phát hiện con có triệu chứng bị hóc dị vật cần dùng phương pháp vỗ lưng ấn ngực: Đặt trẻ nằm sấp, đầu thấp trên cánh tay trái, giữ chặt đầu và cổ trẻ bằng bàn tay trái. Dùng gót bàn tay phải vỗ 5 cái thật mạnh vào lưng trẻ ở khoảng giữa 2 bả vai. Lật ngửa trẻ sang phải, nếu vẫn còn khó thở, dùng 2 ngón tay trái ấn mạnh 5 cái ở vùng nửa dưới xương ức hoặc dưới đường nối 2 vú một khoát ngón tay. Nếu dị vật vẫn chưa rơi ra ngoài, hãy lật người trẻ lại và tiếp tục vỗ lưng. Luân phiên vỗ lưng và ấn ngực (khoảng 5-6 lần) cho tới khi dị vật được tống ra khỏi đường thở.

5 kỹ năng giúp trẻ không sợ nước


Theo nghiên cứu của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho thấy: trung bình mỗi năm, tỷ suất trẻ em tử vong do đuối nước là rất cao, trong đó, cao nhất là nhóm 0-4 tuổi với trung bình 22 trẻ/100.000 trẻ/ năm, trong đó trẻ nam có nguy cơ tử vong nhiều hơn trẻ nữ 1,4 lần. Thực tế, không ít vụ đuối nước thương tâm là do sự bất cẩn của người lớn. Trang bị kỹ năng bơi lội hay kỹ năng giúp trẻ không sợ nước để phòng ngừa bất trắc là rất quan trọng, đặc biệt các ông bố trẻ cần lưu ý vấn đề này:

Tips:

1. Không nên để trẻ tự học bơi qua bạn bè hoặc để bạn bè rủ đi tắm sông, ngòi, ao, hồ, bãi biển mà không có sự giám sát của người lớn. Đặc biệt, các ông bố trẻ cần đi bơi và xuống nước cùng con ở những buổi đầu. Sau khi bơi, cần cho trẻ tắm gội lại sạch sẽ, nhỏ thuốc mắt, mũi, tai.

2. Cho trẻ học kỹ thuật bơi bắt đầu từ các động tác đạp chân, thở dưới nước, thả nổi người trên mặt nước, sau mới học các kiểu bơi.

3. Khi cho trẻ đi bơi nên lựa chọn những nơi có nước sạch, những bể bơi cỡ nhỏ, mực nước trong bể phù hợp với chiều cao của trẻ. Nếu ở ngoại thành thì, có thể tận dụng mặt nước sạch ở những khúc sông, ao, hồ không bị ô nhiễm, bãi biển trong sạch.

4. Trang bị đủ các vật dụng cần thiết để bảo vệ trẻ như áo phao, kính bơi, nút tai. Cần giữ cho tai của trẻ khô sau khi bơi. Trường hợp nước vào tai, dạy trẻ nghiêng đầu, nhỏ thêm vài giọt nước vào tai đang bị nước vào rồi bất ngờ nghiêng mạnh tai sao cho mặt phẳng của tai song song với mặt đất, nước trong tai sẽ bị lực hấp dẫn hút ra ngoài.

 

5. Không cho trẻ đi bơi khi trời đang nắng gắt đề phòng cảm lạnh do cơ thể đang tỏa nhiệt gặp nước không thoát được mồ hôi hoặc trẻ đang bị cảm cúm, viêm tai giữa, viêm xoang…

4 kỹ năng sơ cứu ban đầu khi trẻ bị điện giật


Trong khi chơi đùa trẻ con rất hay sờ vào các thiết bị sử dụng điện như tủ lạnh, nồi cơm, quạt… Điều này rất nguy hiểm nếu như nguồn điện bị hở khiến trẻ bị điện giật. Theo thống kê, tỷ lệ này rất cao. Trường hợp trẻ ngưng tim, ngưng thở, cần nhanh chóng tiến hành thổi ngạt và ấn tim. Dưới đây là 4 kỹ năng sơ cứu ban đầu khi trẻ chẳng may bị điện giật:

Tips:

1. Trước hết cần phải bình tĩnh, đừng hốt hoảng và kêu mọi người xung quanh giúp đỡ.

2. Ngắt ngay nguồn điện bằng cách tắt công tắc, ngắt cầu dao điện hoặc rút phích cắm điện. Nếu không với tới được công tắc, cầu dao điện thì phải đứng trên vật khô cách điện dùng cây, cán chổi, hay chiếc ghế đẩu đẩy tay, chân người bị nạn ra khỏi nguồn điện.

3. Nếu trẻ còn tỉnh: An ủi trẻ để trẻ yên tâm. Nếu thấy trẻ bất tỉnh, cần kiểm tra nhịp thở, mạch đập và tiến hành cấp cứu thổi ngạt ấn tim khi có ngưng thở ngưng tim vì ngoài tổn thương bỏng điện tại chỗ, dòng điện còn có thể đi qua tim phổi gây ngừng tim ngừng thở. Khi thấy trẻ ngừng thở ngừng tim phải tiến hành hà hơi thổi ngạt – ép tim ngoài lồng ngực: làm ngay theo các bước sau, phải kiên trì, không được vận chuyển đi nơi khác khi trẻ chưa tỉnh.

+ Vỗ mạnh 3 – 5 cái vùng ngực. Đặt trẻ lên nền cứng (ván cứng, mặt đất), nới lỏng quần áo và các thứ chằng buộc trên người làm cản trở hô hấp.

+ Hà hơi thổi ngạt: Quỳ hoặc đứng bên trái ngang đầu trẻ. Bàn tay trái đặt sau gáy, nâng nhẹ cổ và banh miệng. Bàn tay phải đặt ở trán làm ngửa đầu, ngón cái và ngón trỏ bịt mũi nạn nhân.

+ Ngẩng đầu hít một hơi thật sâu, cúi đầu áp miệng của mình sát miệng nạn nhân sao cho không có kẽ hở đồng thời mắt nhìn ngực nạn nhân. Dùng sức hà hơi trong phổi mình vào miệng nạn nhân tới khi ngực nạn nhân nhô lên. Sau đó, ngẩng đầu lên hít sâu một hơi để hà tiếp theo. Thổi nhanh 5 lần liên tiếp. Những lần sau, cứ hà hơi 1 lần lại ép tim 5 lần. Với trẻ nhỏ tránh thổi quá mạnh làm vỡ phổi.

4. Đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.

Đặng Trung

Thực hiện: depweb

31/07/2012, 13:18