Muốn con thành công, hãy nói “không” với 5 điều này!

Tim Elmore – một học giả, một chuyên gia tâm lý học người Mỹ đã chỉ ra rằng, nhiều ông bố bà mẹ đã mắc phải khá nhiều sai lầm trong việc nuôi dạy con cái của họ. Và những sai lầm này có thể khiến con tự ti hơn trong cuộc sống và hạn chế cơ hội thành công trong tương lai, cũng như không thể sống cho bản thân mình.

1. Áp đặt kinh nghiệm

Có một câu châm ngôn đã nói rằng: “Thành công dựa vào kinh nghiệm, kinh nghiệm đến từ sai lầm”. Và những sai lầm chúng ta mắc phải trong cuộc sống là khác nhau, hoàn cảnh, cách thức cũng khác nhau, vậy tại sao mình lại mang kinh nghiệm ấy để áp đặt vào con cái.

Ví dụ đơn giản như chúng ta đã từng ngã rất đau khi chạy nhảy, khi chơi đùa. Chúng ta sợ con bị ngã đau mà hạn chế không cho con chơi những trò chơi thiên về hoạt động ngoài trời.

Vậy là chúng ta đang phạm 2 lỗi. Thứ nhất là không để con hít thở không khí trong lành ở ngoài trời. Thứ hai là kìm chế hoạt động thể chất, kìm nén sự phát triển chiều cao của con thông qua những hoạt động này!

Đó là chưa kể trẻ sẽ bị tù túng và dễ trầm cảm khi suốt ngày “trong vòng tay” bảo bọc của bố mẹ!

Chúng ta chẳng từng khắc cốt ghi tâm câu nói “có vấp ngã mới có thành công”, vậy tại sao chúng ta lại hạn chế con ngã?

Tương tự như vậy, một vài người từng va vấp, vướng phải đau khổ khi yêu nên thường “cấm” con yêu khi còn nhỏ. Nếu không gặp vài người xấu, sao con biết mà thanh lọc người tốt.

Thế nên, những kinh nghiệm mà chúng ta có được trong cuộc sống, nếu có đưa ra khuyên giải con thì cũng nên xem nó mang tính chất tham khảo, không nên áp đặt rằng con phải làm thế này, hay thế nọ trong bất kỳ hoàn cảnh nào!

2. Ứng cứu quá nhanh

Các mẹ có thừa nhận rằng, trẻ em Việt đang thiếu kỹ năng sống trầm trọng không? Đó là do chúng ta đang bảo bọc con thái quá!

Tôi từng xem rất nhiều clip trẻ em nước ngoài được trang bị rất nhiều kỹ năng sinh tồn cần thiết trong cuộc sống. Các bé được tham gia nhiều hoạt động ngoài trời, chạy nhảy vui chơi.

Chúng có thể vấp ngã, có thể trầy xước một vài lần. Những điều đó chẳng nhầm nhò gì so với việc chúng học được những kỹ năng sống cần thiết trong tương lai. Bởi cuộc sống này có bao nhiêu điều không may mắn và luôn tiềm ẩn rủi ro. Bạn có đi theo con và bao bọc con suốt cả cuộc đời được đâu. Bạn có ở bên con mọi lúc mọi nơi để hỗ trợ con đâu!

Thế nên, ngay từ khi còn nhỏ, nếu bé gặp khó khăn trong bất kỳ tình huống nào, khoan vội giúp con. Hãy để bé tập tư duy để giải quyết khó khăn trước mắt, nếu bé bí quá, hãy gợi ý thay vì làm giúp, các mẹ nhé!

3. Đáp ứng con ngay lập tức

Nhiều ông bố bà mẹ thường đáp ứng ngay lập tức những món đồ mà con đòi hỏi. Hoặc khi con đòi cái gì, nếu chưa đủ tiền, họ sẽ cố gắng “xoay” sao cho đủ để mua cho con.

Điều này rất dễ khiến trẻ nảy sinh tâm lý “bố mẹ phải có trách nhiệm lo cho mình”. Về lâu dài trẻ sẽ sinh ỷ lại, cái gì cũng được bố mẹ mua cho và không trân trọng công sức, lao động của người khác.

Bố mẹ sinh con ra trên cõi đời này là để hỗ trợ cho con thành người chứ không phải để làm nô bộc cho con.

Yêu con vô điều kiện không có nghĩa là đáp ứng mọi điều kiện của con.

Vậy, khi con mè nheo đòi quà, đồ chơi, đòi quà… bạn nên làm gì? Trong trường hợp này, chuyên gia Tim Elmore đã khuyên rằng, bạn nên trả lời con dứt khoát là: “không có” hoặc “không phải bây giờ” để con biết rằng, mọi thứ trong cuộc sống không phải nghiễm nhiên mà có được.

4. Con có tài không có nghĩa là con đã trưởng thành

Có rất nhiều em bé có năng khiếu và sớm nổi tiếng ngay từ khi tuổi còn rất nhỏ. Và nhiều bậc phụ huynh cho rằng, con sớm có tài năng và nổi tiếng là con đã có thể tự kiểm soát được cuộc sống của chính mình.

Kỳ thực không phải vậy, Britney Spears, Lindsay Lohan… là minh chứng rõ ràng nhất cho việc sớm nổi tiếng và dễ sa ngã vào những tệ nạn xã hội.

Không bảo bọc con thái quá không có nghĩa là để mặc con. Bạn luôn phải dõi theo để “chỉnh” nếu con “đi lệch đường” trong cuộc sống.

5. Không cho con thực hành

Hầu hết những điều hay đều nằm trong sách vở. Nếu không thực hành, ứng dụng trong thực tiễn thì đó mãi mãi chỉ là mớ lý thuyết suông hỗn độn và mang tính giáo điều.

Chẳng dưng mà ông cha ta có câu “trăm hay không bằng tay quen”, 100 điều hay chẳng bằng một lần thực hành.  Có làm thì mới có quen được!

Vì thế, đừng suốt ngày ra rả mấy điều răn kiểu như: Con phải chăm ngoan, cần cù, biết yêu thương đồng loại… mà hãy để con ra ngoài, tham gia các hoạt động cộng đồng, tình nguyện. Con sẽ biết đâu là yêu thương, đâu là sự đùm bọc, là lao động chân chính!


From the same category