Michael Price – “Người soạn nhạc phim cũng là nhà làm phim” - Tạp chí Đẹp

Michael Price – “Người soạn nhạc phim cũng là nhà làm phim”

Giải Trí

– Thật thú vị khi biết rằng dù là một nhà soạn nhạc rất nổi tiếng nhưng gia đình ông lại hoàn toàn không có truyền thống âm nhạc.

– Đúng vậy, cha mẹ tôi đều là giáo viên nhưng rất yêu âm nhạc, và khuyến khích tôi nên tiếp xúc thường xuyên với nó. Nhờ vậy, tôi đã được nhận những gì tốt nhất của cả khoa học lẫn nghệ thuật. Là một đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở miền Bắc nước Anh, âm nhạc giúp tôi có một cách cửa mở ra một thế giới khác. Tôi chơi kèn trumpet từ nhỏ cho đến khi học Đại học. Anh biết đấy, bọn trẻ con luôn thích những thứ ồn ào ấy mà, tuy nhiên âm thanh của trumpet thực sự đẹp và hùng tráng, tôi vẫn luôn yêu nó dù bây giờ ít thổi rồi.

michael-price_do-4-768x512

– Và bước chuyển từ kèn trumpet đến nhạc phim là…

– Số là sau khi tốt nghiệp Đại học chuyên ngành sáng tác nhac, tôi chuyển tới Cambridge và cùng với vài người bạn phát triển một phần mềm để viết, in bản ký âm. Trong một khoảng thời gian dài tôi lang thang khắp nơi để giới thiệu sản phẩm này cho đến khi gặp được Michael Kamen.

“The Beatles và Pink Floyd đều là những nghệ sĩ luôn muốn phá bỏ các giới hạn của thiết bị. Ví dụ như nếu máy thu băng chỉ ghi được 4 rãnh âm thanh, thì họ sẽ tìm cách để ghép hai băng lại thành 8 rãnh, hoặc chỉnh sửa tốc độ quay băng để tạo ra những hiệu quả mới lạ…

“Ngày nay, máy tính làm những việc đó dễ dàng, nhưng điều quan trọng là tinh thần tìm tòi khai phá. Dù âm nhạc của tôi khác họ, nhưng tôi luôn học ở họ tinh thần ấy.”

Anh có biết ông ta là ai không? Tôi thì không, tại thời điểm ấy, nhưng người ta bảo ông này nổi tiếng lắm và đang cần phụ tá. Và rồi tôi đang từ một gã loanh quanh giới thiệu sản phẩm, thì bỗng nhiên bị quăng thẳng vào cỗ máy sản xuất nhạc phim Hollywood khổng lồ cho phim “Event Horizon” và trụ được trong 5 năm.

– Tôi được biết ông còn có thời gian làm việc ở vị trí người dựng nhạc (music editor) cho nhiều phim Hollywood? Ở Việt Nam thì chúng tôi không có vị trí này, ông có thể mô tả một chút về công việc này được không?

– Thực tế công việc cụ thể của người dựng nhạc phụ thuộc vào phong cách nhạc của từng bộ phim. Ví dụ dự án mà tôi nhận được sau khi kết thúc cộng tác với Michael Kamen chính là dựng nhạc cho tập đầu tiên của “Lord of the Ring” trong sáu tuần. Phim này sử dụng nhạc giao hưởng là chính.

Về mặt lý thuyết thì bộ phim phải được dựng hoàn chỉnh sau đó giao cho cho nhà soạn nhạc Howard Shore để ông ta dành hẳn một năm sáng tác và làm nhạc. Nhưng thực tế Howard phải sáng tác đồng thời với công tác dựng phim, và các bản dựng thì thay đổi liên tục. Thế nên phải có hẳn một đội dựng nhạc để tuỳ theo các thay đổi mà chỉnh sửa lại các bản nhạc từ trên giấy. Để làm sao cuối cùng khi dàn nhạc thể hiện thì sẽ vừa vặn với các cảnh trên phim.

Vậy nhưng đôi khi đến tận phút cuối cùng chúng tôi vẫn phải làm lại từ đâu. Ví như nhà sản xuất lại có ý tưởng kéo dài bản phim thêm 40 phút, và 40 phút này không liền nhau. Nó gồm hàng trăm chi tiết trải khắp bộ phim do đó sự thay đổi về nhạc là rất lớn. Còn với những phim như “Love Actually”, “Briget Jones 2” thì là trường hợp khác, vì chúng sử dụng nhiều ca khúc. Tôi là người giúp đạo diễn chọn lựa các bài hát, sau đó cắt ghép lại để làm sao không chỉ vừa vặn với các cảnh phim, mà còn phải có tác dụng cộng hưởng cảm xúc phù hợp.

Bộ phim cuối cùng mà tôi thực hiện với vai trò dựng nhạc là “Children of Men”. Đạo diễn Alfonso Cuaron đã có một ý tưởng thiên tài. Ông không muốn dùng nhạc phim đơn thuần, mà muốn tạo ra cả một thế giới âm nhạc. Mỗi một hàng quán trên phố, mỗi chiếc xe chạy qua, mỗi một thiết bị cá nhân phải có một loại nhạc đặc trưng. Sau khi tạo nên một thế giới âm nhạc tỉ mỉ đến vậy tôi nghĩ mình đã đi đến tận cùng với công việc dựng nhạc. Đây cũng là thời điểm tôi cho rằng mình nên quay về với công việc sáng tác và chỉ tập trung viết nhạc mà thôi.

michael-price_do-9-683x1024

– Kể từ đó ông bắt đầu trở thành một nhà soạn nhạc phim? Liệu đây có phải là cơ duyên đưa ông đến với “Sherlock”?

– Thực ra thì tôi đã viết nhạc cho các phim độc lập từ khi vẫn còn làm dựng nhạc. Đã từng làm dựng nhạc cho các bộ phim đình đám nên tôi có thể nhìn âm nhạc từ vị trí của người đạo diễn, điều này rất tốt cho sáng tác.

Với “Sherlock”, tôi làm việc cùng David Arnold. Bọn tôi biết nhau từ khi còn làm cho Michael Kamen. Chúng tôi thân thiết đến độ trong công việc cực kỳ hiểu ý nhau. Khi dự án “Sherlock” khởi động, cả tôi và David đều có những dự án riêng, thế nên chúng tôi quyết định là sẽ chia đôi công việc để làm. Cũng giống như John Lennon và Paul McCartney vậy, thật khó để phân biệt rạch ròi đóng góp của từng người. Bây giờ bản thân chúng tôi cũng không còn nhớ ai đã viết bản nhạc nào trong mùa đầu tiên của Sherlock nữa.

– Vậy âm nhạc của Sherlock có phải là phong cách sở trường của ông không?

– Trong sáng tác, tôi muốn mình giống như một diễn viên. Ngoài đời là một nhân cách khác, trong phim lại là một con người khác. Nếu bộ phim yêu cầu, dù phải viết techno thật nặng hay cổ điển cao siêu, tôi đều vui vẻ làm. Nhưng phong cách cá nhân của tôi lại thiên về những giai điệu uồn buồn, có đôi chút chất thơ, và đặc biệt là đan xen thêm âm thanh từ thiên nhiên.

Nguồn cảm hứng của tôi đến từ các nhạc sĩ theo trường phái tối giản như John Tarvener, Phillip Glass. Tôi cũng thích nhạc jazz bởi sự ngẫu hứng tronh ứng tấu. Còn về nhạc phim, tôi rất ngưỡng mộ làn sóng mới của các nhạc sĩ gần đây. Chẳng hạn như Jóhann Jóhannsson, một người bạn của tôi, đồng thời là một nhạc sĩ tuyệt vời.

– Theo ông, mối quan hệ giữa nhạc phim và nghệ thuật kể chuyện của các đạo diễn là ở mức độ nào?

– Câu chuyện là tất cả. Một người bắt đầu soạn nhạc phim phải hiểu rằng mình không chỉ là một nhạc sĩ, mà còn là một người làm phim. Vậy nên nếu như anh ta chưa hiểu câu chuyện, chưa hiểu được ý đồ kể chuyện của đạo diễn, chưa hoà mình vào bộ phim để có thể nâng đỡ nó từ bên trong, thì chưa thể nói đến chuyện chỗ này cần kèn clarinet, chỗ nọ cần kèn oboe được. Nhạc phim không thể cứ đặt đại lên rồi hi vọng là sẽ vừa vặn. Khi làm việc, tôi thường dành hàng giờ để nhìn vào màn hình, cố gắng cảm nhận nhịp điệu trong bản dựng, nắm bắt năng lượng của từng diễn xuất, khi đã thực sự hoà mình và đó thì mới hi vọng tìm ra được ánh sáng.

michael-price_do-2-683x1024

– Có ý kiến cho rằng việc các đạo diễn Hollywood lạm dụng nhạc mẫu tạm thời (temporary music) trong quá trình hậu kỳ đã làm hạn chế sự sáng tạo của các nhạc sĩ. Vậy ý kiến của ông về vấn đề này ra sao?

– Cá nhân tôi thì không e ngại nhạc mẫu, bởi vì âm nhạc rất khó diễn đạt bằng lời, nên phải có cách nào đó để các đạo diễn thể hiện ý muốn của mình. Nhạc mẫu sẽ không tốt khi người ta đặt nó lên bàn như một bức tường và mong nhạc sĩ nhảy qua nó. Kiểu như là đây là nhạc phim “Gladiator”, anh hãy làm giống thế và hay hơn nhé. Đạo diễn và nhạc sĩ phải cùng ngồi xuống với nhau trước bộ phim và đối thoại để tìm cách vượt qua. Tôi hoàn toàn hiểu khi các nhà sản xuất phải bỏ ra hàng trăm triệu USD thì họ không muốn mạo hiểm với ý thích của khán giả. Nhưng vấn đề với nhạc mẫu là chúng có thể hợp trong một cảnh, nhưng tổng thể bộ phim thì lại không có cá tính, một bản ngã riêng. Vậy nên hãy dành khônh gian cho nhạc sĩ để ann ta tìm ra sự độc đáo cho bộ phim. Đây cũng là một vấn đề tôi đã trao đổi với các học viên trong khoá học vừa rồi.

– Ông cảm nhận như thế nào sau hai ngày đứng lớp tại Việt Nam? Và ông đã chia sẻ gì với các đạo diễn và nhạc sĩ trẻ của chúng tôi?

“Trong sáng tác, tôi muốn mình giống như một diễn viên. Ngoài đời là một nhân cách khác, trong phim lại là một con người khác.” 

– Đầu tiên, tôi nghĩ rằng Hội đồng Anh đã có một ý tưởng hay, khi đem được hai nhóm đó ngồi chung với nhau. Thú thực, tôi đến đây mà hoàn toàn không biết gì về điện ảnh Việt Nam, cũng như văn hoá nhạc phim của các bạn. Tôi thấy vui vì mình được chứng kiến một khởi đầu hứa hẹn. Tuy nhiên, tôi cũng mong là ở Việt Nam có thể hình thành một cơ cấu tài chính để hỗ trợ các nhạc sĩ. Các nhà sản xuất nên đầu tư thêm một chút nếu họ muốn tiệm cận đến tiêu chuẩn sản xuất quốc tế.

Tôi được xem một số cảnh trong phim “Em Là Bà Nội Của Anh”. Về mặt hình ảnh, phim thể hiện rất tốt không kém gì quốc tế. Thế nhưng nhạc phim thì chưa (dù nhạc sĩ Trần Hữu Tuấn Bách đã viết ra những giai điệu rất đẹp) vì âm thanh đàn dây được tạo ra từ máy tính không thể tạo ra cảm xúc cần thiết. Tôi ước gì có thể đem cậu ấy tới Abbey Road, và ghi âm các bản nhạc với dàn nhạc thực thụ, nhưng hiển nhiên là không thể.

Thế nên tôi khuyên các bạn trẻ rằng, hãy cố gắng sáng tạo, tận dụng hết những gì có trong tay. Đừng đắn đo chuyện chi phí vì đó cũng là vấn đề chung của các nhà soạn nhạc tại Anh. Có một đoạn nhạc quen thuộc trong “Sherlock” mà thực ra chỉ là tiếng một người bạn bấm bút bi lên dây đàn violin mà chúng tôi thu lại ở nhà. Nhờ tìm ra các giải pháp như vậy, chúng tôi tiết kiệm được tiền để thuê dàn nhạc khi thực sự cần.

Vậy nên các bạn nếu làm trên máy tính, hãy dùng nhạc điện tử chứ đừng cố gắng giả các nhạc cụ. Khi cần có âm thanh của các nhạc cụ thực thụ, hãy mời người bạn nhạc công của mình đi uống bia và nhờ vả anh ấy một chút.

Rất cám ơn ông về những chia sẻ của mình!

michael-price_do-10-682x1024

Thực hiện: depweb

16/06/2017, 13:07