Bác sĩ pháp y Nguyễn Hồng Long: nghề nói thay người đã khuất - Tạp chí Đẹp
BS_nguyen_hong_long_cover

Cũng khoác trên mình chiếc áo blouse trắng nhưng bác sĩ Nguyễn Hồng Long không trò chuyện hay khám chữa cho bệnh nhân. Công việc của anh xoay vòng với những xác người, tìm kiếm manh mối để kể lại những điều mà người đã khuất không thể nói.

Sinh viên y khoa nào cũng mong muốn trở thành thầy thuốc chữa bệnh, còn anh, vì lí do gì mà ngày xưa anh lại chọn trở thành một bác sĩ pháp y?
Khi còn nhỏ, tôi rất thích đọc truyện trinh thám, say mê theo dõi quá trình tìm thủ phạm và ước mơ lớn lên sẽ trở thành một cảnh sát điều tra. Nhưng sau đó cũng như nhiều đứa trẻ khác, mỗi ngày tôi thích một nghề, nay bộ đội mai giáo viên và dần dần quên mất giấc mơ ban đầu.

Năm 1996, tôi thi đỗ bác sĩ đa khoa – Đại học Y Hà Nội. Ai học y khoa cũng muốn sau này ra trường trở thành bác sĩ khám chữa bệnh, thành thầy thuốc giỏi, tôi cũng không nằm ngoài số đó. Nhưng đến năm thứ năm, phân chuyên ngành, tôi được thầy giáo khuyên nên theo pháp y vì đây là ngành học hiếm người chọn, cũng ít người đủ kiên trì theo đuổi. Tôi nhớ về ước mơ ngày bé và đồng ý làm theo lời thầy.

Khóa sinh viên đa khoa nhập học năm 1996 có 350 sinh viên thì chỉ mình tôi theo học chuyên ngành pháp y. Tôi được học cùng hai giáo sư đầu ngành là thầy Đinh Gia Đức và thầy Lưu Sĩ Hùng. Ngày nào đến lớp cũng chỉ có một thầy, một trò nên cảm thấy khá buồn. Học một mình có cái lợi là được các thầy kèm cặp tận tình, nhưng tôi không có bạn để cùng ôn bài, so sánh xem mình có tiến bộ hay không. Thi thoảng, bạn bè cũng đùa tôi là đường quang không đi lại đâm quàng vào bụi rậm. Thầy thì chỉ lo đứa sinh viên duy nhất sẽ bỏ giữa chừng nên ngày nào cũng nhắc: “Càng học sẽ càng thấy hay. Bác sĩ pháp y phải học nhiều hơn bác sĩ khám chữa bệnh vì vừa bắt bệnh vừa tìm ra dấu vết”.

Anh có từng nản lòng?
Có lúc, nhưng tôi không nghĩ đến chuyện từ bỏ vì học pháp y hay lắm, đó là một kho tàng kiến thức rộng lớn mà càng học càng thấy nhiều điều mới mẻ. Trong quá trình học, tôi hiểu được vai trò quan trọng của giám định viên pháp y. Đó là mắt xích trong quá trình điều tra một vụ việc của cơ quan cảnh sát. Kết luận pháp y sẽ là bằng chứng quan trọng quyết định số phận một con người, một gia đình.

Anh có còn nhớ những ngày đầu làm công việc đặc biệt này? Lần đầu khám nghiệm tử thi của anh đã diễn ra thế nào?
Tốt nghiệp đại học, tôi về Viện Pháp y công tác vào năm 2003. Viện lúc đó mới thành lập hai năm, rất ít nhân sự nên tôi thường xuyên phải đi theo các kíp giám định để học nghề. Tôi nhớ lương của mình thời điểm đó là 290.000VND/tháng (giá vàng lúc đấy là 1.800.000VND/chỉ). Mọi người đùa: “Long đi làm cả năm mới mua được một chỉ vàng”.

Lần đầu tôi tham gia kíp giám định là một vụ tai nạn giao thông, không có gì quá căng thẳng. Nhiều người nghĩ mổ giám định pháp y rất đáng sợ nhưng tôi thấy nó trôi qua rất nhẹ nhàng, ngoài kíp giám định viên gồm 4 người còn có các anh công an, người nhà nạn nhân ở bên cạnh nên tôi không có cảm giác sợ hãi gì cả, cũng như một ca mổ bình thường thôi.

So với các bác sĩ khác, công việc của anh ngoài đặc thù tiếp xúc với tử thi thay vì người bệnh, còn có điều gì đặc biệt?
Công việc này rất nhiều thiệt thòi, đồng lương thấp, không thể làm thêm ở các phòng khám tư như bác sĩ khám chữa bệnh. Nhưng tôi không gặp nhiều khó khăn trong việc hòa nhập vì môi trường làm việc ở viện khá tốt. Điều khiến tôi đôi lúc nản lòng là những định kiến xã hội. Thi thoảng đi đâu mà giới thiệu mình làm nghề này, tôi sẽ bị hỏi: “Không sợ vong theo à? Làm pháp y thì sao lấy được vợ?”. Suốt một thời gian dài tôi chỉ nói mình là bác sĩ, không dám nhắc cụ thể đến hai chữ “pháp y”.

Làm giám định viên có khó khăn nữa là giờ giấc làm việc thất thường, khi nửa đêm, lúc sáng sớm. Xảy ra một vụ án, cần khám nghiệm tử thi nhanh nhất có thể nên chúng tôi luôn xác định có việc là lên đường. Bên cạnh đó, công việc này cũng ảnh hưởng đến sức khỏe nếu không bảo hộ lao động kĩ. Mùi tử thi rất kinh khủng, ai không quen có thể ngất ngay khi ngửi, các bệnh như viêm gan B, HIV, lao… cũng rất dễ lây nhiễm nếu không cẩn trọng.

Thêm một khó khăn nữa là rào cản tâm lý khi làm nghề. Tôi là người không tin vào tâm linh, không yếu bóng vía nên làm nghề khá vững vàng, nhưng ở viện có không ít bác sĩ trẻ làm được nửa năm, một năm là bỏ. Tôi nhớ có một đồng nghiệp, sau khi tham gia ca giám định đầu tiên đã vứt áo blouse trắng xuống sông, không dám đi trực đêm suốt nửa năm vì sợ hãi. Sau đó, bạn ấy bỏ nghề. Nhiều người khác thì bị gia đình bạn gái phản đối vì sợ… vong theo. Xã hội vẫn còn khá nhiều định kiến vì sao học 6-7 năm không đi khám chữa bệnh mà theo nghề này? Công việc này vất vả không kém các bác sĩ khám chữa bệnh nhưng đồng lương chỉ bằng một bác sĩ ở bệnh viện huyện.

Một ca giám định pháp y của anh thường diễn ra thế nào?
Chúng tôi thực hiện theo đúng quy trình: trước hết là xác định chấn thương bên ngoài xem có dấu vết gì không, sau đó mổ để kiểm tra nội tạng xem có các chấn thương khác như gãy xương, chấn thương sọ não hay không. Chúng tôi sẽ lấy mẫu máu (nếu có), lấy sinh thiết các bộ phận nội tạng để đưa đi xét nghiệm. Thường với các ca giải phẫu tử thi mới qua đời, công việc sẽ nhẹ nhàng hơn các tử thi đã để lâu ngày, tử thi trong quá trình phân hủy hay các trường hợp phải khai quật tử thi.

Có lần giám định nào trong cuộc đời hành nghề khiến anh đặc biệt suy nghĩ?
Mỗi năm mổ hàng trăm tử thi, điều tôi nghĩ nhiều nhất vẫn luôn là trách nhiệm của mình và số phận những con người đằng sau mỗi vụ án. Có những vụ án mạng nhưng tạo hiện trường giả là tai nạn giao thông. Có vụ án mà cả bên bị hại lẫn bị can đều khăng khăng cho rằng mình oan khuất. Có những vụ án do đồng nghiệp của tôi – các bác sĩ vô ý làm chết người trong quá trình chữa bệnh. Đằng sau đó đều là những câu chuyện thương tâm.

Tôi vẫn nhớ vụ án người vợ bị nghi giết chồng để chiếm đoạt tài sản ở Vĩnh Long. Người chồng chết đuối ở gần nhà trong quá trình chờ ly hôn. Đám tang xong xuôi, khắp miền quê truyền nhau lời ra tiếng vào rằng vợ giết chồng. Gia đình hai bên quyết định mời khám nghiệm pháp y. Tôi cùng đồng nghiệp từ Hà Nội bay vào Vĩnh Long giám định tử thi đã được khai quật.

Quá trình khám nghiệm diễn ra suốt 5 tiếng đồng hồ, xung quanh là những tiếc khóc ai oán. Sau đó là một tháng trời làm việc liên tục của kíp. Tôi hiểu dù kết quả có như thế nào thì một trong hai bên cũng được minh oan. Với người chồng là đưa sự thật ra ánh sáng, còn với người vợ là cứu cả một phần đời còn lại sống trong gièm pha. Dù rất muốn mau chóng đưa ra kết luận, chúng tôi vẫn phải vô cùng cẩn trọng. Kết quả cho thấy người chồng chết do ngạt nước, chị vợ được minh oan. Nếu không có pháp y, chị ấy sẽ sống trong oan uổng cả đời.

Với một bác sĩ bình thường, họ được khám bệnh, tìm hiểu hồ sơ bệnh án, trò chuyện với gia đình bệnh nhân để đưa ra kết luận nhưng bác sĩ pháp y thì không, anh chỉ có thể phán đoán mọi thứ qua tử thi. Khi làm việc, anh đặt ra những nguyên tắc gì để kết quả giám định luôn chính xác?
Mỗi giám định viên là một mắt xích trong bộ máy thực thi pháp luật nên cần công bằng, khách quan và tận tụy, không được bỏ qua dù chỉ là một chi tiết nhỏ. Có khi ngay trong một kíp giám định sẽ có ý kiến khác nhau, lúc đó chúng tôi phải ngồi lại hội chẩn, xin ý kiến các giáo sư để đưa ra kết luận cuối cùng.

Mỗi lần kí vào biên bản giám định, cảm xúc của anh ra sao?
Nói thật, ai đã từng là giám định viên đều thấy khá nặng nề khi đặt bút kí vào bản kết luận vì sau đó là trách nhiệm rất lớn lao. Nếu chỉ là vụ tai nạn giao thông hay đuối nước thì không quá nặng nề, nhưng nếu là một án mạng thì chúng tôi phải chịu trách nhiệm trước cơ quan an ninh, tòa án pháp luật và cả tòa án lương tâm nữa. Như tôi đã nói, sau mỗi vụ án là số phận của nhiều con người, nhiều gia đình, nhiều uẩn ức cần được 
minh oan.

Thường xuyên ra tòa án đối chất, đó là một phần của công việc này. Người trong nghề thường đùa nhau: “Mỗi buổi ‘lên tòa’ được hẳn 70.000 đồng mà bị hỏi như nghi phạm”. Gia đình những người chết luôn muốn các giám định viên không động chạm nhiều để tránh làm tổn thương đến thân thể và linh hồn người thân của họ, nhưng khi ra tòa, từ luật sư bên bị can, luật sư bên bị hại và thẩm phán đều hỏi cặn kẽ từng chi tiết nhỏ. 

Các giám định viên trẻ thường khá sợ những luật sư hay hỏi móc. Nhiều luật sư không ngại dọa: “Tôi sẽ kiện các anh vì làm ăn không tử tế”. Tôi chưa từng làm điều gì sai trái với lương tâm nhưng thực sự những buổi hầu tòa đối với tôi còn căng thẳng, mệt mỏi hơn hai ngày giám định liên tục không ngủ.

Hầu tòa đã phải là điều anh ngại nhất ở công việc này?
Chưa hẳn, vì tôi còn ngại nói thật về nghề của mình. Tôi không mê tín nhưng hầu như không nói với vợ về công việc cụ thể hàng ngày để cô ấy đỡ nghĩ ngợi. Nhiều đồng nghiệp của tôi phải đi giám định khi vợ họ mới sinh con, công việc xong xuôi, dù nhớ con lắm, họ cũng không dám về nhà ngay mà phải ngủ lại viện một ngày để đỡ ám khí lạnh. Có lần đi họp lớp đại học, tôi thấy rõ sự tủi thân khi bạn bè thi nhau kể đã chữa được ca bệnh nào khó, hạnh phúc khi nhìn bệnh nhân hồi phục ra sao nhưng tôi thì không thể kể mình mổ tử thi thế nào, chỉ ngồi im lặng.

Vậy điều gì níu giữ anh gắn bó với nghề?
Bác sĩ pháp y không thể khiến người chết sống lại nhưng có thể cứu nhiều người sống khỏi sự oan khuất. Họ âm thầm trả lại công lý, niềm vui cho bao gia đình bị hàm oan, bao cái chết không rõ nguyên nhân. Thử nghĩ xem, ai có thể khiến một người chết nói được? Chỉ có thể là bác sĩ pháp y. Trong mỗi vụ án, công an lấy lời khai của người sống, còn bác sĩ pháp y lấy lời khai của người chết. Điều đó thật kỳ diệu.

Cảm ơn những chia sẻ của anh!

ANH HÙNG KHOÁC ÁO BLOUSE

Từ y học – “medicine” trong tiếng Anh có nguồn gốc từ “ars medicina”, nghĩa là nghệ thuật chữa bệnh. Vì sao là nghệ thuật? Bởi kĩ thuật thôi chưa đủ, công việc của các thầy thuốc đòi hỏi cả sự kết hợp nhuần nhuyễn của đạo đức, tính minh bạch, khả năng phán đoán, sự dũng cảm, sức chịu đựng bền bỉ, tài lắng nghe – thuyết phục, và sự góp mặt tối quan trọng của lương tri luôn tự vấn trước khả năng hữu hạn của con người, luôn xúc động trước những sinh lão bệnh tử vốn đã là lẽ đương nhiên.

Ở một khía cạnh nào đó, thầy thuốc cũng như những bậc thánh thần, đó là nơi chúng ta trao toàn bộ niềm tin và hi vọng còn sót lại trên hành trình chiến đấu với bệnh tật. Trong khi ta được quyền phó mặc cho ngành y và số phận, họ – trong bất kể trường hợp nào – cũng không được phép buông xuôi.

Sự vất vả của những “anh hùng khoác áo blouse” nhiều hơn 100 giờ làm việc mỗi tuần. Sau nhiều ngày nỗ lực đeo đuổi các bác sĩ bằng cách tìm cho mình một vài giây phút hiếm hoi lách vào 24 giờ đã bị lèn chặt của họ, chúng tôi rút ra điều đó. Thời gian biểu kín đặc có thể rút cạn sức lực của một người thầy thuốc, nhưng nó chưa đáng sợ bằng áp lực tâm lý đè nặng lên lòng trắc ẩn – thứ mà bác sĩ Nguyễn Đức Toản của Bệnh viện Đa khoa Long Khánh đã nói: đôi khi, nó nhấn chìm cả một trái tim thầy thuốc hoặc lấy đi cả một cuộc đời.

Tổ chức chuyên đề: Hương Thủy
Tổ chức hình ảnh: Hellos.

Đọc thêm

Anh hùng khoác áo blouse: Thời gian của bác sĩ

Tiến sĩ – Bác sĩ Ngô Mạnh Hùng: “Tôi là người họa sĩ không được quyền sáng tác”

Bác sĩ pháp y Nguyễn Hồng Long: Nghề nói thay người đã khuất

Bác sỹ nhi khoa Nguyễn Thanh Sang: Khi bác sĩ tham gia “bút chiến”

Anh hùng khoác áo blouse: Anh hùng cũng khóc

Bác sĩ ơi, đừng “biến mất”!

Tổ chức chuyên đề Hương Thủy Tổ chức hình ảnh Hellos.
Bài Đinh Nha Trang Ảnh Bùi Tiến (Tuan Dao Production) 
Thiết kế Uyển Quân

BẢN QUYỀN NỘI DUNG THUỘC TẠP CHÍ ĐẸP