Anh hùng khoác áo blouse: Anh hùng cũng khóc - Tạp chí Đẹp
Anh_hung_cung_khoc_cover

Mỗi giây phút trôi qua là mỗi cuộc đấu tranh lý trí và nội tâm của hàng nghìn thầy thuốc trên đất nước này. Ranh giới giữa thiên thần và ác quỷ rất mong manh. Tôi là anh hùng của hôm nay, nhưng không ai dám chắc, liệu ngày mai tôi có trở thành kẻ tội đồ…

Cách đây 3 năm, một sản phụ được đưa vào ca trực của tôi trong tình trạng chuyển dạ sinh non khi cái thai chỉ hơn 6 tháng – tuổi thai rất nhỏ để có thể sống an toàn. Gia đình muốn chuyển lên tuyến trên, nhưng nếu đi như vậy, sản phụ sẽ sinh ngay trên xe cấp cứu, nguy hiểm cho cả mẹ và con. Còn nếu để sản phụ lại bệnh viện, em bé sinh non quá yếu, nếu suy hô hấp dẫn đến tử vong, bác sĩ biết ăn nói với người nhà thế nào? Cứu được người là thiên thần, để bệnh nhân chết, trong mắt người nhà của họ, bác sĩ là ác quỷ. May thay em bé được sinh ra và chuyển lên tuyến trên kịp thời. Nhưng niềm vui của tôi không kéo dài. Sau 2 tuần theo dõi ở tuyến trên, em bé mất.

Có những khoảng thời gian tôi ngậm đắng nuốt cay mà khóc. Đấy là lúc một sản phụ đang chuyển dạ đẻ bình thường, đến giai đoạn sổ thai thì đột ngột lên cơn tím tái do thuyên tắc ối. Đây là một bệnh lý rất nặng, cả tua trực đã cố hết sức chạy mổ cứu lấy bào thai. Đa số những ca như vậy đều chết cả mẹ và con, nhưng lần này, con sống, mẹ chết. Lực bất tòng tâm, tôi ứa nước mắt vì đau khổ. Ca mổ đó ám ảnh tôi suốt cả tháng trời, và rồi tôi lại khóc thêm lần nữa khi cả gia đình sản phụ đã mất kéo đến bệnh viện gây áp lực, bắt bác sĩ đền tiền vì không cứu được người nhà của họ. Tôi chấp nhận thỏa thuận đền bù dù biết đó là một ca y học bó tay. Người nhà bệnh nhân, họ đã phải chịu tổn thất quá lớn để có thể hiểu cho cả bác sĩ. Cũng lúc đó, nước mắt tôi rơi lần thứ ba.

Có những lúc đứng giữa quyết định sống còn, bạn phải chọn lựa hành động hay không hành động.Tôi biết rất nhiều đồng nghiệp của mình đã mất hết tất cả vì cố gắng cứu sống một mạng người. Bệnh nhân lên cơn uốn ván co giật thắt đường thở, tím tái vì ngạt, bác sĩ trực đứng trước tình thế đó dùng cây dao Thái bên tủ đầu giường bệnh, rạch cổ mở khí quản cấp cứu nhưng bệnh nhân vẫn không qua khỏi. Người nhà bệnh nhân khởi kiện, bác sĩ thoát tù tội nhưng bị kỷ luật vì làm không đúng quy trình, gây thương vong. Ai cũng hiểu rằng nếu mở khí quản kịp, bệnh nhân có cơ hội sống sót, còn nếu đợi mổ theo đúng quy trình, bệnh nhân chắc chắn chết. Nhưng… biết nói sao đây?

Tôi là anh hùng của ngày hôm nay nhưng hoàn toàn có thể là tội đồ của ngày mai. Đến một thời điểm trong cuộc đời hành nghề của mình, tôi nhận ra nghề cũng như là nghiệp. Tôi yêu nó, chọn nó, cố gắng vì nó, và nhiều lúc nó như bắt tôi phải trả một món nợ từ kiếp trước.

Nhiều bác sĩ có vẻ ngoài lạnh lùng, tỉnh táo, thật ra trong họ có những nốt trầm đau đớn lặng câm, nhiều lúc họ như muốn kiệt quệ cả thể xác lẫn tâm can, nhưng cũng phải tự chữa lành vết thương cho mình mà đứng dậy. Càng hiểu chuyện, càng giàu lòng trắc ẩn thì càng khổ đau dằn vặt. Những chữ “nếu” mãi xoay vần trong đầu: nếu như bệnh nhân được đưa vào viện sớm hơn, nếu như có đủ trang thiết bị hồi sức, nếu như có đủ máu truyền, nếu như bệnh viện có nhiều bác sĩ hơn để huy động kịp thời kíp hỗ trợ… Nhìn ánh mắt người chồng suy sụp, nhìn những đứa trẻ bé bỏng ngồi trước hành lang bệnh viện chờ đưa xác mẹ về, người thầy thuốc – dù bên ngoài vẫn giữ được thái độ bình tĩnh, bên trong là một trời đổ vỡ, giày xéo tâm can.

Lòng trắc ẩn đôi khi nhấn chìm cả một trái tim thầy thuốc từng ngập tràn nhiệt huyết nóng bỏng, khiến nó trở nên lạnh ngắt rồi trơ đi với nghề. Cũng có khi nó lấy đi của họ cả một cuộc sống. Một người đồng nghiệp của tôi từng chịu áp lực từ một ca tai biến sản khoa, dư luận bêu rếu, lãnh đạo kỷ luật, anh sinh trầm cảm nặng. Sau lần uống thuốc tự sát không thành, anh cứ thế giã từ sự nghiệp, buông mình trượt dài theo năm tháng.

Có đôi lần nghe bác sĩ nào đó thốt lên: “Nhất thế y, tam thế suy”, lòng tôi buồn thăm thẳm. Không có con đường nào bằng phẳng, và nghề y là một trong những lựa chọn gồ ghề nhất. Chỉ có không đi thì mới không vấp ngã mà thôi. Nhưng tôi sẽ vẫn tiếp tục đi, vì tôi chọn những giá trị nhân văn và sứ mệnh cứu người.

Tôi luôn tin nghề y là một nghề lương thiện. Và đó cũng là điểm tựa an ủi cuối cùng cho những người thầy thuốc chúng tôi khi mất mát, không còn gì bám víu.

ANH HÙNG KHOÁC ÁO BLOUSE

Từ y học – “medicine” trong tiếng Anh có nguồn gốc từ “ars medicina”, nghĩa là nghệ thuật chữa bệnh. Vì sao là nghệ thuật? Bởi kĩ thuật thôi chưa đủ, công việc của các thầy thuốc đòi hỏi cả sự kết hợp nhuần nhuyễn của đạo đức, tính minh bạch, khả năng phán đoán, sự dũng cảm, sức chịu đựng bền bỉ, tài lắng nghe – thuyết phục, và sự góp mặt tối quan trọng của lương tri luôn tự vấn trước khả năng hữu hạn của con người, luôn xúc động trước những sinh lão bệnh tử vốn đã là lẽ đương nhiên.

Ở một khía cạnh nào đó, thầy thuốc cũng như những bậc thánh thần, đó là nơi chúng ta trao toàn bộ niềm tin và hi vọng còn sót lại trên hành trình chiến đấu với bệnh tật. Trong khi ta được quyền phó mặc cho ngành y và số phận, họ – trong bất kể trường hợp nào – cũng không được phép buông xuôi.

Sự vất vả của những “anh hùng khoác áo blouse” nhiều hơn 100 giờ làm việc mỗi tuần. Sau nhiều ngày nỗ lực đeo đuổi các bác sĩ bằng cách tìm cho mình một vài giây phút hiếm hoi lách vào 24 giờ đã bị lèn chặt của họ, chúng tôi rút ra điều đó. Thời gian biểu kín đặc có thể rút cạn sức lực của một người thầy thuốc, nhưng nó chưa đáng sợ bằng áp lực tâm lý đè nặng lên lòng trắc ẩn – thứ mà bác sĩ Nguyễn Đức Toản của Bệnh viện Đa khoa Long Khánh đã nói: đôi khi, nó nhấn chìm cả một trái tim thầy thuốc hoặc lấy đi cả một cuộc đời.

Tổ chức chuyên đề: Hương Thủy
Tổ chức hình ảnh: Hellos.

Đọc thêm

Anh hùng khoác áo blouse: Thời gian của bác sĩ

Tiến sĩ – Bác sĩ Ngô Mạnh Hùng: “Tôi là người họa sĩ không được quyền sáng tác”

Bác sĩ pháp y Nguyễn Hồng Long: Nghề nói thay người đã khuất

Bác sỹ nhi khoa Nguyễn Thanh Sang: Khi bác sĩ tham gia “bút chiến”

Anh hùng khoác áo blouse: Anh hùng cũng khóc

Bác sĩ ơi, đừng “biến mất”!

Tổ chức chuyên đề Hương Thủy Tổ chức hình ảnh Hellos.
Bài Bác sĩ Nguyễn Đức Toản
(Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh)
Thiết kế Uyển Quân

BẢN QUYỀN NỘI DUNG THUỘC TẠP CHÍ ĐẸP