Anh hùng khoác áo blouse: Thời gian của bác sĩ - Tạp chí Đẹp
Thoi_gian_cua_bac_si_cover

Học nghề gần chục năm, mỗi ngày dành hơn 20 giờ đồng hồ để chăm lo sức khỏe cho người khác nhưng thật khó để dành ra nửa tiếng đồng hồ ăn bữa cơm gia đình hay chăm sóc cho chính mình, đó chính là mâu thuẫn trong cuộc đời bác sĩ. Dù nhiều lần giật mình nhận ra sự vô lý ấy, nhưng vì sinh mạng của người bệnh, họ vẫn mải miết chạy theo guồng quay công việc đầy áp lực.

Học lớp 11, tôi chứng kiến bà ngoại ra đi trong những cơn đau đớn do bệnh ung thư nên muốn trở thành thầy thuốc để giúp người bệnh dịu bớt nỗi đau. Năm 1989, tôi thi vào Đại học Y Hà Nội và bắt đầu quãng ngày vừa đói ăn, vừa đói ngủ.

Học y rất áp lực vì chương trình nặng, các thầy lại vô cùng nghiêm khắc. Hồi đó, cứ hỏi trường đại học nào nhiều sinh viên đúp nhất thì 100% câu trả lời sẽ là: “Y Hà Nội”. Tôi bước vào giảng đường với tâm thế sợ đúp nên cứ đến kỳ thi lại học đêm học ngày, lúc nào cũng vật vờ thiếu ngủ. Bây giờ chỉ cần “hỏi Google” vài phút sẽ rõ ngay thế nào là vòng tuần hoàn sinh lý nhưng năm 1995, chuyện đó chỉ sinh viên ngồi trên ghế trường Y mới biết. Chiều hôm trước học lý thuyết thấy bao điều kỳ lạ trên giảng đường, sáng hôm sau đi lâm sàng chúng hiện lên trước mắt. Sáng đi nghe tim cho bệnh nhân thấy tiếng tim đập rất lạ, chiều về thầy hướng dẫn nguyên lý tiếng thổi tâm thu. Mỗi ngày lại thấy mình mở ra một cánh cửa, bao thứ mới mẻ ập vào, lòng ngập tràn vui sướng.

Thời của chúng tôi muốn đọc sách tham khảo chẳng phải chuyện dễ, nhiều khi tích được ít tiền cũng không biết mua ở đâu. Tôi vẫn nhớ hồi ấy mê điện tâm đồ lắm nhưng không có sách đọc thêm, tôi toàn phải đến trường từ sáng sớm nhờ cô lao công mở khóa phòng thầy cho vào đọc ké đến khi nào thầy tới thì “chuồn”, cả tuần mới đọc được hết một cuốn.

Thế hệ chúng tôi vào đại học khi đất nước vừa qua thời bao cấp, kinh tế khó khăn, đồng tiền mất giá, ai cũng nghèo, cả lớp cắm đầu vào học vì mục tiêu học bổng, cuối tháng xôn xao hỏi nhau: “Mày được bao nhiêu phần trăm?”. Học giỏi sẽ được học bổng 100%, kém hơn chút được 75%, rồi 50%, 25%. Nghe có vẻ oai chứ thực ra học bổng 100% được có 21 nghìn, đi ăn căng-tin 3 hôm là hết vì phở 5 nghìn một bát. Đến năm thứ 5, các bạn nữ được thêm một phần học bổng ưu tiên, chúng tôi gọi đó là tiền “đền bù tuổi thanh xuân” vì trong khi sinh viên các trường khác đều đã tốt nghiệp, có việc làm nuôi thân thì chúng tôi vẫn phải học và thi hết kỳ này đến kỳ khác, 6 năm gần 200 kỳ thi lớn nhỏ.

Ăn đã thế, ở còn khổ hơn, cả kí túc xá chung nhau một bể nước. Dù ngày nắng chang chang hay lúc trời mưa tầm tã, lũ sinh viên kí túc vẫn đội nón đứng xếp hàng chờ tắm giặt hoặc xách nước về nấu ăn. Học để thành bác sĩ chữa bệnh cho người khác nhưng không ít đứa bị ghẻ vì thiếu nước tắm.

Tốt nghiệp đại học năm 1995, tôi học nội trú tại trường thêm một năm rồi sang Pháp học về chuyên khoa tim mạch. Tại một bệnh viện ở Paris, lần đầu tiên tôi chứng kiến bệnh nhân tử vong ngay trên bàn cấp cứu. Chiều thứ sáu, bác sĩ phụ trách trực tiếp nghỉ, tôi nhận một bệnh nhân nữ đã ngoài 90 tuổi bị nhồi máu cơ tim cấp. Ngay khi đón bệnh nhân từ xe cấp cứu ra, tôi đã chẩn đoán bệnh rất nặng, tiên lượng xấu và cần can thiệp gấp. Không có bác sĩ nào bên cạnh hỗ trợ, tôi cố gắng thao tác nhanh hết mức có thể nhưng vẫn không kịp. Vừa chạm vào mạch, bệnh nhân ho ra máu dữ dội trong hai phút rồi tử vong ngay vì phù phổi cấp. Tôi toát mồ hôi đầm đìa, không nói được gì, chân tay run rẩy đến vài tiếng sau mới đi về phòng nghỉ.

Cái chết của bệnh nhân đến quá nhanh khiến tôi sợ hãi mà không thể chia sẻ cùng ai. Cả hai ngày cuối tuần sau đó tôi không ăn không ngủ, trong đầu vẽ ra hàng ngàn kịch bản. Có thể tôi sẽ bị kiểm điểm, phải về nước và không được học nữa. Tệ hơn, tôi sẽ bị người thân của nạn nhân kiện ra tòa và một mình loay hoay nơi xứ người. Tôi vừa mong đến sáng thứ hai xem kết quả thế nào lại vừa muốn trì hoãn để có thêm thời gian chuẩn bị.

Đầu tuần, tôi thu hết can đảm bước chân tới chỗ làm, lạ thay không ai nói gì cả, không một lời trách móc cũng chẳng có đơn khiếu kiện. Sau này tôi mới hiểu rằng người Pháp rất tin vào quy trình chuẩn của bệnh viện nên họ không kiện hay gây khó dễ cho các bác sĩ. Song tôi luôn ghi nhớ 2 phút đối mặt với cái chết của bệnh nhân đó để nhắc nhở bản thân phải luôn cẩn thận và đưa ra những quyết định chính xác nhất.

Tốt nghiệp bác sĩ nội trú ở Pháp, tôi trở về nước với hi vọng được áp dụng những kiến thức can thiệp tim bẩm sinh vào thực tế. Song đó là thời điểm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, quy trình cứng nhắc, đòi hỏi những trang thiết bị đắt đỏ của Pháp như siêu âm qua thực quản, đặt nội khí quản… không thể áp dụng tại Việt Nam. Tôi tiếp tục qua Mỹ để học thêm và tìm hướng đi hợp với nền y tế nước nhà. Năm 2000, tôi về nước và học thêm được phương pháp can thiệp tim bẩm sinh đơn giản hơn. Nhưng khó khăn vẫn chưa hết vì dụng cụ y tế không có, chi phí lại đắt đỏ hơn hẳn phương pháp phẫu thuật kinh điển.

Để can thiệp tim, bác sĩ sẽ phải dùng một dụng cụ (gọi là “dù”) của Mỹ, giá khoảng 6.000USD, đắt gấp ba lần chi phí thực hiện một ca phẫu thuật tim mở thông thường. Tôi hiểu sẽ rất khó để thuyết phục bệnh nhân áp dụng phương pháp mới, nhưng nếu không làm vậy, họ sẽ phải chịu đau đớn khi mổ mở. Lúc đó, tôi đánh liều hỏi xin thầy giáo hơn 10 chiếc dù để can thiệp miễn phí cho bệnh nhân. Nếu thành công, tôi sẽ có cơ sở đàm phán về chi phí với nhà cung cấp vật tư y tế ở Mỹ.

1-05

Ca can thiệp đầu tiên vô cùng căng thẳng vì bao con mắt đồng nghiệp ở bệnh viện nhìn vào, họ mong chờ có, hoài nghi có, bản thân tôi không cho phép mình thất bại. Bệnh nhân đầu tiên sinh năm 1982, khi đó đang là sinh viên năm nhất đại học. Tôi đón em vào viện trước một tuần để kiểm tra sức khỏe và đưa ra phương án điều trị. Bác sĩ can thiệp tim bẩm sinh cũng như thợ may quần áo, cần có dụng cụ đủ kích thước, đo ni đóng giày với từng người bệnh nhưng tôi thì không. 10 chiếc dù xin được từ Mỹ chỉ có vài cỡ khác nhau nên tôi phải đo đạc, cầm lên đặt xuống xem có phù hợp với bệnh nhân không. Tôi tự nhủ: “Hoặc là thành công, hoặc không bao giờ làm nữa, nếu đặt xuống mà chiếc dù gẫy cánh tức là dự án sụp đổ”.

Giây phút tôi nhìn thấy dù nằm đúng vị trí chứng tỏ ca can thiệp thành công, tim tôi như ngừng một nhịp. Thở phào nhẹ nhõm, tôi bước ra khỏi phòng can thiệp mới biết hai tiếng đã trôi qua. Tôi nghĩ đó là hai giờ đồng hồ quan trọng nhất cuộc đời mình vì sau đó, đã có hàng trăm chiếc dù mỗi năm được thả vào trái tim khiếm khuyết của người bệnh.

Tôi mạnh dạn đề nghị nhà sản xuất dụng cụ ở Mỹ giảm giá dù xuống 2.000USD – bằng một ca mổ tim mở và đảm bảo mỗi năm sẽ có 200 bệnh nhân Việt được can thiệp tim bẩm sinh. Khi nhà sản xuất đồng ý giảm giá cho bệnh nhân Việt Nam cũng là lúc con đường mới mở ra với tôi và các đồng nghiệp. Đến nay, Việt Nam đã là nước đứng đầu khu vực Đông Nam Á, xếp hạng cao ở châu Á về can thiệp tim bẩm sinh.

Dù bận rộn, tôi vẫn cố gắng dành thời gian đến các nước như Myanmar, Ấn Độ, Indonesia… để khám chữa bệnh. Ở đây, phương pháp can thiệp tim bẩm sinh vẫn chưa được nhiều bệnh nhân lựa chọn vì chi phí đắt đỏ. Các chuyến đi tôi tham gia do Tổ chức Y tế thế giới WHO hoặc những công ty sản xuất vật tư y tế tài trợ để trẻ em nghèo được can thiệp tim bẩm sinh miễn phí.

Tôi vẫn nhớ một ngày ở Ấn Độ, 7 giờ sáng, khi các bác sĩ vừa đến bệnh viện thì đã nhìn thấy một hàng dài những cháu bé đen nhẻm, mếu máo vì phải nhịn đói cầm giấy chờ khám từ bao giờ. Gần hết buổi sáng tôi mới khám xong cho 15 bệnh nhân, tưởng được nghỉ trưa thì bác sĩ người Ấn Độ lại mang vào thêm một danh sách mới nữa. Định từ chối nhưng ánh mắt tha thiết của những ông bố bà mẹ bế con đi khám khiến tôi không thể làm việc đó. Tôi tiếp tục khám rồi lại làm thủ thuật, cuối ngày tổng kết lại, tôi đã thực hiện tới 42 ca can thiệp, tất cả đều thành công.

Sau này sang Myanmar, tôi cũng gặp trường hợp tương tự nên đã đặt ra quy định mỗi ngày chỉ can thiệp tối đa 20 ca, vậy mà lần nào cũng vượt qua con số ấy vì có quá nhiều cháu bé cần chữa bệnh. Có những hôm làm việc liên tục từ 7 giờ sáng đến 2 giờ đêm, trong ngày chỉ kịp ăn tạm cái bánh, suất cơm hộp rồi uống cốc nước thật lạnh

Cách đây không lâu, tôi nhận được thiệp mời đến dự một đám cưới tại Phú Thọ, chú rể gửi thiệp kèm lời hứa: “Cháu sẽ dùng hết tiền mừng để quyên góp cho quỹ từ thiện chú tham gia”. Cậu ấy là bạn của một bệnh nhân mà tôi không nhớ tên. Mười năm trước khi vào viện thăm bạn, cậu vô tình nghe được cuộc nói chuyện giữa tôi với các bệnh nhân rồi về bảo mẹ: “Chú Hiếu chữa tim giỏi lắm, sau này lớn con nhất định phải làm gì đó để giúp chú mổ tim cho các em nhỏ”. Sau đó, cậu âm thầm theo dõi mọi thông tin về tôi, đọc Facebook biết “chú Hiếu” tham gia nhóm từ thiện “Chia sẻ tình thương” và muốn đóng góp cho quỹ. Tôi trở thành bạn của cậu ấy và gia đình. Em trai cậu ấy cũng hứa: “Sang năm làm đám cưới, cháu nhất định sẽ gửi hết tiền mừng để chú Hiếu đi chữa bệnh cho trẻ con vùng cao”. Hạnh phúc lớn nhất của bác sĩ tim trẻ em là được ghi vào bệnh án dòng chữ “khỏi bệnh hoàn toàn”. Tôi còn may mắn hơn nữa khi được người thân của các bệnh nhi nhớ đến và luôn tin tưởng.

Mỗi khi nghĩ đến sự cố của bác sĩ Hoàng Công Lương, tôi luôn cảm thấy buồn và day dứt. Mới đây, Lương đã nhận tội và xin được giảm án, hội đồng xét xử kết án cậu ấy 30 tháng tù giam. Tôi thông cảm nhưng không ủng hộ lựa chọn này của Lương.

Ngay từ khi vụ án mới xảy ra, tôi đã khẳng định đây không phải việc của cá nhân Lương hay bất kỳ bác sĩ nào mà là việc của cả ngành y. Bản án dành cho Lương nếu được thực thi sẽ là bản án treo lơ lửng trên đầu tất cả các nhân viên y tế Việt Nam đang trực tiếp hành nghề khám chữa bệnh, trong đó có tôi. Vụ việc đã kéo lộ ra những lỗ hổng của ngành, từ việc chọn mua trang thiết bị y tế, quy trình khám chữa bệnh, nhập và phân phối thuốc, quản lý con người… Sẽ là thiếu công bằng cho các bác sĩ khác nếu sau vụ án này, các bệnh viện nói riêng và ngành y tế nói chung vẫn không chịu thay đổi.

Tôi muốn có kết luận rõ ràng rằng ai sẽ phải chịu trách nhiệm chính với thảm họa 9 người chết trong vụ án chạy thận nhân tạo tại bệnh viện Hòa Bình, bởi rất có thể, kịch bản này sẽ có lúc lặp lại. Để không có thêm một thảm họa nào, ngành y phải thay đổi cả hệ thống và có hành lang pháp lý bảo vệ.

Ai cũng nghĩ bác sĩ chuyên chữa bệnh cho người khác, chắc chắn sẽ biết tự lo cho mình, kỳ thực ra, chúng tôi lại là những kẻ thường coi nhẹ sức khỏe của bản thân. Ngày trước tôi ham mê công việc, chạy đua với thời gian, thường xuyên đi sớm về muộn. Vài năm gần đây tôi thay đổi lịch làm việc khoa học hơn, đến bệnh viện từ 5 giờ sáng để khám bệnh và về đúng giờ hành chính nếu không có việc khẩn cấp. Trẻ con đi khám phải nhịn ăn, mếu máo nhìn rất tội, nếu tôi đến sớm, các cháu sẽ không phải chờ đợi, tôi cũng được về sớm, tranh thủ nói chuyện với con, gặp gỡ bạn bè và ăn tối ở nhà.

Tôi cố gắng bơi mỗi ngày để cơ thể dẻo dai. Người ta bơi theo giờ còn tôi chỉ tính đủ 10 vòng là được. Có khi tôi nhảy xuống bể, bơi 15 phút đã lên bờ nên mọi người bảo: “Anh bơi lấy được!”. Cuối tuần, tôi thường cùng vợ con đi chơi hoặc tham gia các chương trình chữa bệnh miễn phí. May mắn là vợ và hai con tôi đều rất thích các chuyến đi nên dù tôi bận rộn, gia đình vẫn có nhiều thời gian ở bên nhau.

Khi đã khoác lên mình chiếc áo choàng trắng, chúng tôi không còn để tâm đến cuộc sống ngoài cánh cổng bệnh viện. Bác sĩ luôn hối hả trong vòng xoáy thời gian, đối mặt với hàng chục ca bệnh phức tạp mỗi ngày và nếu không may thiếu sót thì cũng là trong nhịp điệu vội vã đó. Chúng tôi quay như chong chóng, không có lúc nào để dừng lại một chút, nghĩ xem mình đúng hay sai, đọc thêm sách vở, bổ sung kiến thức cho mình.

Tôi cho rằng người bác sĩ giỏi là người biết biến cái phức tạp thành đơn giản chứ không phải ngược lại, đôi khi nên dừng lại một nhịp, lùi một bước để cân nhắc vì sao bệnh nhân chữa theo thuốc của thầy lang, vì sao từ chối phẫu thuật… Bác sĩ cũng như bao nghề khác, cần sống chậm lại để được thoải mái, được là người bình thường thay vì biến mình thành cái máy chữa bệnh.

ANH HÙNG KHOÁC ÁO BLOUSE

Từ y học – “medicine” trong tiếng Anh có nguồn gốc từ “ars medicina”, nghĩa là nghệ thuật chữa bệnh. Vì sao là nghệ thuật? Bởi kĩ thuật thôi chưa đủ, công việc của các thầy thuốc đòi hỏi cả sự kết hợp nhuần nhuyễn của đạo đức, tính minh bạch, khả năng phán đoán, sự dũng cảm, sức chịu đựng bền bỉ, tài lắng nghe – thuyết phục, và sự góp mặt tối quan trọng của lương tri luôn tự vấn trước khả năng hữu hạn của con người, luôn xúc động trước những sinh lão bệnh tử vốn đã là lẽ đương nhiên.

Ở một khía cạnh nào đó, thầy thuốc cũng như những bậc thánh thần, đó là nơi chúng ta trao toàn bộ niềm tin và hi vọng còn sót lại trên hành trình chiến đấu với bệnh tật. Trong khi ta được quyền phó mặc cho ngành y và số phận, họ – trong bất kể trường hợp nào – cũng không được phép buông xuôi.

Sự vất vả của những “anh hùng khoác áo blouse” nhiều hơn 100 giờ làm việc mỗi tuần. Sau nhiều ngày nỗ lực đeo đuổi các bác sĩ bằng cách tìm cho mình một vài giây phút hiếm hoi lách vào 24 giờ đã bị lèn chặt của họ, chúng tôi rút ra điều đó. Thời gian biểu kín đặc có thể rút cạn sức lực của một người thầy thuốc, nhưng nó chưa đáng sợ bằng áp lực tâm lý đè nặng lên lòng trắc ẩn – thứ mà bác sĩ Nguyễn Đức Toản của Bệnh viện Đa khoa Long Khánh đã nói: đôi khi, nó nhấn chìm cả một trái tim thầy thuốc hoặc lấy đi cả một cuộc đời.

Tổ chức chuyên đề: Hương Thủy
Tổ chức hình ảnh: Hellos.

Đọc thêm

Anh hùng khoác áo blouse: Thời gian của bác sĩ

Tiến sĩ – Bác sĩ Ngô Mạnh Hùng: “Tôi là người họa sĩ không được quyền sáng tác”

Bác sĩ pháp y Nguyễn Hồng Long: Nghề nói thay người đã khuất

Bác sỹ nhi khoa Nguyễn Thanh Sang: Khi bác sĩ tham gia “bút chiến”

Anh hùng khoác áo blouse: Anh hùng cũng khóc

Bác sĩ ơi, đừng “biến mất”!

Tổ chức chuyên đề Hương Thủy Tổ chức hình ảnh Hellos.
Bài Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu
(Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội)
Thiết kế Uyển Quân

BẢN QUYỀN NỘI DUNG THUỘC TẠP CHÍ ĐẸP