Bác sĩ Ngô Mạnh Hùng: "Tôi là người họa sĩ không được quyền sáng tác" - Tạp chí Đẹp
BS_ngo_manh_hung_cover2

“Chỉ 10 giây, vài milimet để một bác sĩ phẫu thuật thần kinh quyết định sự sống hay cái chết, giúp một người bình phục hoặc để họ liệt giường cả đời. Ranh giới mong manh đó khiến tôi khó tính… như điên trong phòng phẫu thuật. Cả kíp không ai được phép đến gần bàn mổ, không dám thở mạnh khi tôi đứng trước kính vi phẫu”.

Là Phó trưởng khoa Thần kinh II, Bệnh viện Việt Đức, mỗi năm, Tiến sĩ – Bác sĩ Ngô Mạnh Hùng thực hiện trên dưới 400 ca phẫu thuật u não. Ca mổ ngắn nhất từ 2-3 tiếng, ca dài nhất là 14 tiếng không nghỉ. Khi đứng trong phòng mổ, anh luôn phải đặt mình trước rất nhiều lựa chọn mà thời gian quyết định thường chỉ tính bằng giây.

Ngoài phòng phẫu thuật, tôi không biết làm gì

Mỗi lần bước vào phòng mổ, anh thường phải chuẩn bị những gì?
Bác sĩ mổ chính luôn phải chuẩn bị cho những tình huống bất ngờ, vì vậy trước khi phẫu thuật, tôi thường tự sắp xếp trong đầu hàng chục tình huống có thể xảy ra. Ngoài ra, tôi còn có nguyên tắc là chưa gặp người nhà bệnh nhân thì chưa mổ. Bác sĩ chuyên phẫu thuật u não khác các bác sĩ chuyên phẫu thuật chấn thương sọ não. Nếu người bệnh chấn thương sọ não cần phẫu thuật ngay để được cứu sống thì với phẫu thuật u não, bác sĩ phải dành thời gian nghiên cứu phim chụp, đưa ra phác đồ chuẩn sao cho đạt kết quả tốt nhất.

Chủ nhật hàng tuần là ngày tôi không được phép nghỉ vì phải dành thời gian trao đổi với người nhà bệnh nhân. Trước tiên, tôi sẽ ngồi vẽ một bức tranh lớn cho họ hiểu vấn đề đang gặp phải, có những phương pháp điều trị nào, nếu đi đến đây rồi rẽ trái thì ra đâu, rẽ phải thì ra đâu, nhưng không chắc được đích đến vì đường đi sẽ có rủi ro.

Cuộc đối thoại này hẳn sẽ rất căng thẳng?
Đúng vậy, bởi sau ca phẫu thuật, số phận một con người, một gia đình sẽ thay đổi, tốt lên hoặc tồi tệ đi. Mình có thể đi đến vùng màu xanh hoặc màu xám, không ai biết trước. Có nhiều người vì quá lo lắng đã căn vặn tôi: “Sao anh là Tiến sĩ mà còn không biết?”. Tôi nói, tôi chỉ có thể vẽ được bức tranh trung thực để mọi người lựa chọn. Không ai dám hứa bất kể điều gì. Tôi là họa sĩ không được quyền sáng tác.

Anh đã từng gặp phải trường hợp người nhà bệnh nhân quá khích chưa?
May mắn là tôi chưa gặp trường hợp quá khích nhưng người nhà thất vọng thì không ít. Với bác sĩ phẫu thuật thần kinh, khi các bóng đèn trần nhà được tắt đi, chỉ còn ánh sáng từ kính vi phẫu và ánh sáng ở bàn dụng cụ mổ, chỉ cần người bệnh duy trì sự sống, được xuất viện đã là thành công. Nhưng người nhà bệnh nhân thì không chấp nhận như thế, những di chứng như liệt nửa người, không nói được hay chỉ là vết khâu sưng lâu hơn dự đoán, dù đã được cảnh báo trước, đối với họ đều là thất bại.

Khi còn trẻ, tôi sẽ nghĩ nhiều và buồn rất lâu vì điều đó, nhưng giờ bận quá, những ca mổ cứ cuốn tôi đi. Tôi không trách người nhà bệnh nhân mà đồng cảm với họ. Nếu không đồng cảm thì làm sao có thể tận tụy với công việc này mỗi ngày và xác định nó sẽ là việc của mình cả đời?

Giữa muôn vàn lựa chọn cứu người, vì sao anh muốn trở thành một bác sĩ phẫu thuật thần kinh?
Khi đang là sinh viên năm thứ tư Đại học Y Hà Nội, tôi được học chuyên sâu về giải phẫu. Thực hành trên mô hình và những tử thi hiến cho khoa học, tôi thích đến mức tối tối còn rủ hai người bạn vào viện, nịnh thầy cho lên phòng lưu giữ tử thi để… ngồi ôm xác người, phân tích, ôn bài với nhau. Hết 6 năm đại học, tôi thi đỗ bác sĩ nội trú tại Bệnh viện Việt Đức. Thời điểm đó viện rất thiếu bác sĩ phẫu thuật thần kinh, tôi không chọn mà được phân về khoa này và phải học thêm 3 năm nữa để có thể trực tiếp cầm dao mổ.

6 tháng đầu tôi đi phụ mổ, bác sĩ phẫu thuật chính bảo gì thì làm nấy để hiểu về quy trình và biết cách dùng các dụng cụ phẫu thuật. 6 tháng sau, tôi được làm những việc đơn giản: cạo tóc, vệ sinh da đầu, rạch da đầu, mở hộp sọ… Nửa năm sau nữa, tôi được can thiệp vào những ca phẫu thuật đơn giản, với bác sĩ kinh nghiệm đứng bên kiểm soát. Hết 3 năm học nội trú, tôi trở thành bác sĩ phẫu thuật chính nhưng con đường học nghề chưa dừng lại, vẫn phải học mỗi ngày qua các ca phẫu thuật, những lần hội chẩn.

Anh có thấy các bác sĩ phẫu thuật thường rất khéo tay không?
Thế à? Có lần bố vợ tôi trêu: “Từ ngày anh về làm rể, tôi chưa từng thấy anh mổ gà. Cứ tưởng bác sĩ thì phải mổ gà khéo lắm chứ”. Tôi trả lời: “Con chỉ mổ cho những ca sống thành sống chứ chưa bao giờ mổ từ sống khỏe thành chết”. Thú thực với bạn, ngoài phòng phẫu thuật, tôi không biết làm gì cả.

Anh nhìn thấy điều thú vị nào ở công việc của mình?
Tôi thường tưởng tượng mình nắm trong tay một bộ phận nhỏ bé nhưng có sức mạnh thần kì. Nhờ não bộ, con người có thể vận động, tư duy và tạo ra những điều kì diệu như một bài thơ, một bản nhạc, một công trình nghiên cứu…

Mỗi ca phẫu thuật còn là một bài toán, đề bài không lần nào giống lần nào. Tôi thích giải toán và tìm ra các đáp số đúng. Ngoài ra, tôi thấy mình cầm trong tay mạng sống, số phận của cả một gia đình. Đó là điều thiêng liêng nhất để tôi luôn phải sống và làm việc trách nhiệm.

Có khi nào những phương án giải “đề” mà anh chuẩn bị trước lại không khớp với tình hình thực tế?
Có và đó là lúc tôi phải đưa ra những quyết định cân não. Tôi vẫn nhớ ca phẫu thuật thắt túi phình khổng lồ ở động mạch não phải cho một bệnh nhân nam. Nếu tưởng tượng các mạch máu não như cành cây thì túi phình trông giống một quả mọng treo lơ lửng ở đó không biết lúc nào sẽ rụng, tôi phải hái bằng được. Trước khi phẫu thuật, tôi đã đọc kĩ phim chụp và vẽ ra phương án nối hai nhánh của động mạch thái dương nông và hai nhánh của động mạch não giữa, túi phình sẽ được nút mạch sau đó. Tuy nhiên, khi mở hộp sọ ra, tôi nhận thấy có thể cặp cổ túi phình và cắt bỏ luôn. Thao tác này rất khó, đòi hỏi không được chệch dù chỉ 1 milimet. Nếu thực hiện được, bệnh nhân sẽ không phải chịu đau đớn sau đó nữa. Tôi chỉ có 10 giây để lựa chọn và quyết định sẽ làm. Quá trình thực hiện gay cấn như thể một bộ phim hành động vì túi phình có thể vỡ ra bất kỳ lúc nào, và trường hợp đó sẽ thật thảm khốc. Tôi không ngừng căng thẳng toát mồ hôi cho đến khi cặp được vào nó.

Bác sĩ phẫu thuật thần kinh không giống người bình thường

Con người anh trong cuộc sống thường ngày và khi khoác áo blouse trắng có gì khác nhau?
Trong cuộc sống, tôi ít khi để ý những việc nhỏ, có thể nói là xuề xòa, nhưng một khi bước vào phòng phẫu thuật thì hoàn toàn khác. Phẫu thuật thần kinh đòi hỏi chính xác cao độ, vì vậy bác sĩ phải thao tác chuẩn. Việc đầu tiên tôi làm khi vào phòng phẫu thuật là chỉnh lại bàn mổ cho phù hợp, chắc chắn và kiểm tra kính vi phẫu thật kĩ để đảm bảo không có trục trặc giữa lúc đang mổ.

Tôi yêu cầu mọi người trong kíp không được đứng gần bàn mổ quá nửa mét để đảm bảo không có tác động bên ngoài ảnh hưởng đến bệnh nhân. Chỉ một cái đập tay nhẹ vào bàn mổ cũng có thể ảnh hưởng đến thao tác của tôi. Chỉ cần tôi đưa dụng cụ chệch sang phải hay trái một li, sẽ biến một người thành khỏe mạnh hoặc liệt suốt đời.

Là thầy thuốc, anh ám ảnh nhất với điều gì?
Không phải máu, không phải vết thương của người đang nằm trên cáng, mà là những giọt nước mắt của người nhà bệnh nhân. Họ khóc vì thương người thân, khóc vì bất lực lấy đâu ra tiền làm phẫu thuật. Ở Bệnh viện Việt Đức hiện nay có 10 bác sĩ phẫu thuật thần kinh nhưng mỗi năm có tới 3.000 ca bệnh và rất nhiều những câu chuyện thương tâm, tôi và các đồng nghiệp luôn cố gắng giúp đỡ bệnh nhân nhiều nhất có thể, nhưng chúng tôi không thể giúp được tất cả.

Cách đây không lâu, tôi gặp một bệnh nhân u tủy. Khối u kéo dài 10 đốt xương sống, nếu phẫu thuật theo cách cắt xương sống thông thường sẽ tốn hàng trăm triệu chi phí. Hơn nữa, khi bắt vít xương sống, bệnh nhân sẽ rất đau đớn. Gia đình họ khó khăn, xoay sở mãi chưa đủ tiền. Tôi đã nhờ mối quan hệ cá nhân, mượn dụng cụ cắt xương sống của một hãng vật tư y tế nước ngoài để thực hiện ca mổ. Thay vì cắt rời từng đốt xương, dụng cụ này giúp bác sĩ có thể cắt ngang xương để lấy khối u ra, sau đó lắp lại với chi phí chỉ vài chục triệu đồng.

Cũng có khi tôi xót xa vì cái chết đến với bệnh nhân quá sớm, mình không thể nào níu giữ. Tôi đã từng rất đau lòng khi chứng kiến một cháu bé bằng tuổi con gái tôi bị u não ác tính. Ngay khi khám bệnh tôi đã biết phẫu thuật chỉ là giải pháp tình thế để kéo dài thời gian. Tôi mổ lần đầu ổn, cháu tiến hành xạ trị tốt, nhưng 10 tháng sau u lại tái phát, gia đình muốn phẫu thuật lần hai. Tôi biết chắc dù mình có làm hết sức cũng không thể kéo dài sự sống của bé thêm một năm. Phẫu thuật xong, bé không thể xạ trị, 3 tháng sau thì mất.

Mỗi ngày đều phải đối diện với ranh giới mong manh của sự sống và cái chết, phải đặt mình đứng trước các quyết định khó khăn, bác sĩ dường như là cái nghề có quá nhiều khổ tâm day dứt. Trong cuộc đời làm nghề của mình, ca phẫu thuật nào để lại cho anh dư chấn mạnh nhất?
Đó là ca phẫu thuật u tuyến yên cho một bệnh nhân nữ. Trước khi mổ, tôi rất tự tin vì đây là phẫu thuật đơn giản, người nhà bệnh nhân cũng tin tưởng hoàn toàn phác đồ điều trị của bác sĩ. Ca mổ thành công nhưng hai ngày sau, bệnh nhân qua đời không rõ nguyên nhân. Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh con trai của bệnh nhân ngồi đối diện với tôi ngay trong căn phòng này, cậu ấy không quát mắng, không trách móc, mắt đỏ hoe nhìn tôi và nói: “Em buồn lắm anh ạ”. Đó là buổi chiều buồn nhất trong cuộc đời tôi. Ngày hôm sau tôi xin nghỉ làm, ở lì trong nhà suốt một tuần vì không muốn tiếp tục nữa, tôi không biết mình đã sai ở đâu.

Đồng nghiệp động viên tôi rất nhiều. Bác sĩ không biết nói nhiều lời hoa mĩ nên mọi người chỉ bảo: “Ai làm nghề này cũng phải trải qua tai nạn, không phải mình kém mà đôi khi là số phận bệnh nhân không may. Nếu đã cố hết sức thì không có gì phải ân hận”. Sau đó tôi quay lại với công việc vì ở khoa mọi người rất bận, mình không thể nghỉ quá lâu, nhưng cảm giác ân hận xen lẫn mặc cảm vẫn đeo bám tôi suốt nhiều tháng sau đó. Vài năm sau, khi tự học và tìm hiểu được rằng bệnh nhân qua đời vì rối loạn hoóc môn, tôi mới cảm thấy dễ chịu hơn.

Công việc áp lực, không cố định thời gian, anh làm thế nào để giữ sức khỏe cho chính mình?
Có một điều ngược đời là bác sĩ hay khuyên bệnh nhân ăn ngủ điều độ để cải thiện sức khỏe nhưng chính họ lại không làm được. Chúng tôi quên bữa trưa, bữa tối là chuyện bình thường. Có hôm phải dậy sớm đến viện, trưa cũng ngại ăn no vì sợ buồn ngủ. Tôi đặt mục tiêu chạy bộ mỗi tuần 2-3 buổi nhưng không thực hiện được đều đặn. Có lẽ phải cố gắng cân bằng lại để giữ gìn sức khỏe.

Bác sĩ phẫu thuật thần kinh các anh liệu có “bệnh nghề nghiệp” không?
Thầy của tôi ở Pháp từng bảo: “Hội làm phẫu thuật thần kinh đều không giống người bình thường”. Tôi nghĩ có lẽ vì luôn phải đối diện với sự sống và cái chết cách nhau chỉ một li nên chúng tôi luôn căng thẳng, ra khỏi phòng mổ là giải tỏa đầu óc, thích gì thì làm. Tôi không để ý lời ăn tiếng nói nên dễ làm người khác mất lòng. Ở nhà hay trong phòng làm việc, tôi bừa bộn lắm, không bao giờ dọn dẹp, cũng không quá khắt khe trong việc ăn uống, vệ sinh. Tôi hoàn toàn không phải dạng “nhìn đâu cũng thấy vi trùng” như mọi người vẫn nghĩ về bác sĩ đâu!

Cảm ơn những chia sẻ của anh!

ANH HÙNG KHOÁC ÁO BLOUSE

Từ y học – “medicine” trong tiếng Anh có nguồn gốc từ “ars medicina”, nghĩa là nghệ thuật chữa bệnh. Vì sao là nghệ thuật? Bởi kĩ thuật thôi chưa đủ, công việc của các thầy thuốc đòi hỏi cả sự kết hợp nhuần nhuyễn của đạo đức, tính minh bạch, khả năng phán đoán, sự dũng cảm, sức chịu đựng bền bỉ, tài lắng nghe – thuyết phục, và sự góp mặt tối quan trọng của lương tri luôn tự vấn trước khả năng hữu hạn của con người, luôn xúc động trước những sinh lão bệnh tử vốn đã là lẽ đương nhiên.

Ở một khía cạnh nào đó, thầy thuốc cũng như những bậc thánh thần, đó là nơi chúng ta trao toàn bộ niềm tin và hi vọng còn sót lại trên hành trình chiến đấu với bệnh tật. Trong khi ta được quyền phó mặc cho ngành y và số phận, họ – trong bất kể trường hợp nào – cũng không được phép buông xuôi.

Sự vất vả của những “anh hùng khoác áo blouse” nhiều hơn 100 giờ làm việc mỗi tuần. Sau nhiều ngày nỗ lực đeo đuổi các bác sĩ bằng cách tìm cho mình một vài giây phút hiếm hoi lách vào 24 giờ đã bị lèn chặt của họ, chúng tôi rút ra điều đó. Thời gian biểu kín đặc có thể rút cạn sức lực của một người thầy thuốc, nhưng nó chưa đáng sợ bằng áp lực tâm lý đè nặng lên lòng trắc ẩn – thứ mà bác sĩ Nguyễn Đức Toản của Bệnh viện Đa khoa Long Khánh đã nói: đôi khi, nó nhấn chìm cả một trái tim thầy thuốc hoặc lấy đi cả một cuộc đời.

Tổ chức chuyên đề: Hương Thủy
Tổ chức hình ảnh: Hellos.

Đọc thêm

Anh hùng khoác áo blouse: Thời gian của bác sĩ

Tiến sĩ – Bác sĩ Ngô Mạnh Hùng: “Tôi là người họa sĩ không được quyền sáng tác”

Bác sĩ pháp y Nguyễn Hồng Long: Nghề nói thay người đã khuất

Bác sỹ nhi khoa Nguyễn Thanh Sang: Khi bác sĩ tham gia “bút chiến”

Anh hùng khoác áo blouse: Anh hùng cũng khóc

Bác sĩ ơi, đừng “biến mất”!

Tổ chức chuyên đề Hương Thủy Tổ chức hình ảnh Hellos.
Bài Đinh Nha Trang Ảnh Bùi Tiến (Tuan Dao Production) 
Thiết kế Uyển Quân

BẢN QUYỀN NỘI DUNG THUỘC TẠP CHÍ ĐẸP