Lương Bằng Quang – Thể thao mạo hiểm thực ra rất an toàn - Tạp chí Đẹp

Lương Bằng Quang – Thể thao mạo hiểm thực ra rất an toàn

Sao

Nhưng chàng nhạc sĩ sinh năm 1982 không hề chơi mỗi thứ một chút cho biết mà đam mê đến tận cùng. Thừa nhận mình là một tín đồ của thể thao, Quang cho biết anh đang bị nghiện môn lướt ván diều (kitesurfing) và ngày càng trở nên lành nghề hơn ở bộ môn đầy kích thích này.

“Chơi những môn thể thao mạo hiểm giúp mình giải phóng adrenaline trong máu. Nó giúp mình xả stress rất nhiều. Cảm giác khi chinh phục một điều gì đó, vượt qua một thứ gì đó khiến mình hết hồn sẽ mang lại một cảm giác cực kỳ hưng phấn. Quan điểm của tôi là không dành thời gian cho việc ngồi nhậu, phải dùng cơ thể của mình triệt để”.


10.000 giờ bay trên không trung

– Được biết Quang là một trong những người đầu tiên ở Việt Nam chơi bộ môn này?!

– Một trong những người đầu tiên ở Sài Gòn là chính xác nhất. Tại vì môn này ở Việt Nam mọi người chơi rất nhiều rồi, nhưng đa phần là những người nước ngoài. Họ thích sự mạo hiểm, không sợ đen, sống theo kiểu tự do. Ở Mũi Né, người nước ngoài sinh sống ở đó chơi môn này rất đông. Nhưng ở Sài Gòn người ta không nghĩ đến việc đi đến tận Mũi Né để chơi. Họ vẫn nghĩ ra biển là để chơi, để nhậu, để vui vẻ, chứ ai lại chơi một môn thể thao nguy hiểm như thế. Vì thế tôi là một trong những người đầu tiên ở Sài Gòn chơi môn lướt ván diều. Và tính đến thời điểm này thì tôi cũng đã lôi kéo được thêm mười mấy người ở Sài Gòn cùng tham gia với mình.

– Cơ duyên nào đưa Quang đến với lướt ván diều?

– Cơ duyên rất đơn giản. Tôi đi biển (Vũng Tàu) và nhìn thấy thấy người ta chơi. Mà người chơi toàn là những anh Tây đẹp trai, phong độ, đeo những chiếc ba lô đủ màu sắc để đựng những con diều. Trông họ thật phong trần, đúng với phong cách của mình. Nhưng khi ấy mình không đủ điều kiện để mua bộ diều ấy mà chơi vì giá cả của nó rất đắt. Sau một thời gian, tôi may mắn mua được một bộ diều với giá rẻ và bắt đầu tập tành chơi. Và sau khi chơi, tôi cảm thấy số tiền bỏ ra ấy hoàn toàn xứng đáng.

– Gió là yếu tố quan trọng nhất trong môn này. Có khi nào anh chuẩn bị tất cả mọi thứ sẵn sàng, đánh xe ra biển rồi… trở về vì không có gió không?

– Cũng có trường hợp đấy. Nhưng mình giảm thiểu rủi ro ấy bằng theo theo dõi thời khóa biểu của gió trước khi xuất phát. Những thông số này có trên Internet, nhìn vào đó mình sẽ biết là ngày hôm đó gió bao nhiêu, mạnh hay nhẹ, chiều nào thổi tới. Nó rất có ích với những người chơi chuyên nghiệp như tôi.

– Cảm giác được con diều bốc lên trên không trung khác với những môn thể thao mạo hiểm khác chỗ nào?

– Thứ nhất, lướt ván diều không dùng động cơ mà chỉ dùng hoàn toàn là sức gió. Vì không động cơ nên không gây ô nhiễm môi trường, đấy đã là một cái hay rồi. Thứ hai, nghe là nguy hiểm nhưng thực ra an toàn. Vì nếu có ngã thì phía dưới cũng chỉ là nước. Và vì không dùng động cơ nên trên cơ thể mình không hề có những thiết bị lỉnh kỉnh có thể gây nguy hiểm khi va đập. Nên cảm giác nguy hiểm của kitesurfing không rõ rệt. Mọi thứ rất nhẹ nhàng, từ bay lên cho đến đáp xuống.

– Với hơn 1.000 giờ bay trên không trung, anh đã “bay” qua những vùng biển nào rồi?

– Biển Việt Nam hầu như đã bay hết rồi, từ Vũng Tàu, Cần Giờ, Đà Nẵng, Hải Phòng, Quy Nhơn, Nha Trang, Phú Quốc… Nước ngoài thì có một lần ở Boracay (Philippines) và một lần bay ở California (Mỹ).

Tôi không ham thích nổi tiếng

– Việc chơi những môn thể thao mạo hiểm có giúp ích được gì cho anh trong âm nhạc?

– Nhìn trên góc độ hóa học, nói cho cao siêu tí nhe (cười), thì việc chơi những môn thể thao mạo hiểm giúp mình giải phóng adrenaline trong máu. Nó giúp mình xả stress rất nhiều. Cảm giác khi chinh phục một điều gì đó, vượt qua một thứ gì đó khiến mình hết hồn sẽ mang lại một cảm giác cực kỳ hưng phấn. Mình có mục đích sống hơn và điều ấy cũng ảnh hưởng tích cực đến việc viết nhạc của tôi. Khi vùi mình vào âm nhạc, tôi sẽ nghĩ về những khoảng thời gian được bay lượn trên biển. Còn về mặt thể chất, chơi kitesufing giúp chúng ta có một làn da rám nắng và một cơ thể khỏe mạnh. Quan điểm của tôi là không dành thời gian cho việc ngồi nhậu, phải dùng cơ thể của mình triệt để.

– Tại sao có một Lương Bằng Quang bùng nổ với những môn thể thao đầy tính dấn thân nhưng cũng có một Lương Bằng Quang khác im tiếng hơn trong thế giới showbiz?

– Khi còn viết bài cho chính mình hát thì tôi là một ca sĩ underground. Còn đến thời điểm này, tôi là một producer. Tôi viết nhạc cho ca sĩ, cho quảng cáo, cho phim ảnh. Lương Bằng Quang của ngày cũ đã lui về hậu trường, không còn xuất hiện trên sân khấu. Sự sôi nổi của tôi nằm ở những giây phút ngoài biển, cho thể thao. Còn sự nổi tiếng thì tôi thật sự không ham thích lắm.

– Vì sao lại có một cách tiếp cận im ắng như thế khi đến với nghệ thuật?

– Tính chất công việc quyết định cách ta tiếp cận vấn đề. Tôi là một người viết nhạc, tôi muốn người ta thấy mình thông qua những sản phẩm, chứ không phải vẻ bề ngoài, áo quần, scandal. Tôi muốn tồn tại dựa trên tài năng chứ không phải những “chiêu thức”. Chính cách tiếp cận ấy khiến cho nhiều người không biết tôi là ai.

– Mục tiêu về nghề nghiệp lẫn kitesurfing trong tương lai của anh là gì?

– Tôi rất tệ trong việc hoạch định tương lai, vạch ra mục đích sống. Cho nên sẽ không có một kế hoạch nào quá “dã man”. Chỉ biết hôm nay mình làm tốt hơn ngày hôm qua là được. Mình chơi thể thao để cơ thể gọn gàng hơn, đẹp hơn. Mình bay diều giỏi hơn hôm qua, thực hiện những video clip đẹp hơn hôm qua. Trong âm nhạc mình muốn những sản phẩm của mình chinh phục được nhiều ca sĩ hơn, có nhiều khách hàng quảng cáo hơn. Mọi thứ chỉ cần hơn một chút, một chút là được. Những bước nhỏ liên tục ấy sẽ mang lại một phần thưởng lớn trong tương lai, chứ tôi không phải là người thích vạch ra những mục tiêu hoành tráng.

– Leo núi, trượt tuyết, lướt ván diều…, còn môn thể thao mạo hiểm nào mà anh muốn chơi nữa không?

– Lặn biển (lặn tự do). Tôi đang thử chơi môn này rồi.

Không mạo hiểm trong nghệ thuật

– Anh đã từng gặp phải sự cố nguy hiểm nào khi chơi những môn ấy?

– Xin mọi người nhớ một điều: mạo hiểm không phải là liều mạng. Mạo hiểm ở đây phải đặt trong khuôn khổ của sự an toàn. Khi chúng ta đã đảm bảo mọi biện pháp bảo hộ rồi thì thể thao mạo hiểm còn an toàn hơn gấp nhiều lần so với những môn thể thao đối kháng. Ví dụ đá bóng gãy chân như chơi. Chơi môn này bạn có thể cẩn thận, chơi an toàn, bảo vệ chính mình, nhưng mình đâu có ngăn được đối phương vào bóng ác ý. Ví dụ như môn đua xe đạp, khi có va chạm hay sự cố bạn sẽ ngã trên mặt đường dẫn đến chấn thương. Còn lướt ván diều phía dưới là mặt biển, chỉ cần biết bơi là bình an vô sự.

Khi đi leo núi, tôi kiểm tra rất kỹ những trang thiết bị bảo hộ để không có bất kỳ sự cố nào xảy ra. Những môn thể thao mạo hiểm khác cũng vậy. Vì thế những môn mạo hiểm thực ra rất an toàn và những môn ngỡ như an toàn thật ra là đang mạo hiểm. Nếu mình có máu liều thì ngay cả môn… nhảy lò cò cũng nguy hiểm nữa.

Ngoài ra tôi cũng thề với lòng là sẽ không bao giờ chơi nhảy dù, vì quan niệm của tôi là khi rớt phải biết mình rớt ở đâu. Cho nên dù môn này có an toàn đến đâu cũng không chơi.

– Anh có một kỷ niệm nào đáng nhớ khi chơi kitesurfing không?

– Đáng nhớ nhất là bị… tuột quần. Tôi lái diều quá mạnh, gặp sự cố, quần bị tuột ra và… mất tiêu.

– Trong nghệ thuật, anh có phải là một người mạo hiểm?

– Không. Trong âm nhạc bạn phải biết lắng nghe. Lắng nghe để có những câu chuyện mới mẻ hơn, hiểu tâm tư người ca sĩ muốn điều gì và khán giả thích điều gì. Mạo hiểm trong âm nhạc là chạy theo cái tôi, muốn liều cho những thứ “dã man”, phải bỏ chửi tục vào, phải nhét sexy vô… Tôi không liều theo cách ấy.

Ngoài chuyện lắng nghe, còn phải biết làm cho người khác hài lòng, điều này lại càng không cho phép mạo hiểm. Đâu thể giữ cái tôi là nhạc tôi viết thế đó, anh lấy thì lấy không thì thôi. Bây giờ tôi làm với những công ty lớn, họ cần nội dung gì, cần sửa gì thì tôi phải hết sức mềm mại để làm hài lòng họ. Trong âm nhạc với tôi không có chỗ cho sự mạo hiểm.

Hội SaigonKitesurfing

Lương Bằng Quang có một hội trên Facebook tên gọi Saigonkitesurfing để chia sẻ những đoạn clip, những kinh nghiệm khi chơi môn thể thao này. Chàng ca sĩ ưa mạo hiểm không chỉ yêu kitesurfing mà còn muốn lan tỏa niềm đam mê ấy cho mọi người.

Giá để học môn này, theo anh cho biết, vào khoảng 50 USD/giờ. Vì thế thuở đầu tiên đến với kitesurfing, anh hoàn toàn tự học, tự chơi để tiết kiệm chi phí. Và sau khi đã hoàn toàn lành nghề, Quang hướng dẫn lại cho tất cả những người thật sự đam mê mà không cần thù lao. “Nhưng tôi không khuyến khích mọi người cũng tự học như mình,” Quang mỉm cười.

Vài điều về lướt ván diều

Lướt ván diều (kitesurfing) vẫn còn là một môn thể thao mạo hiểm khá mới lạ cho dù đã được du nhập Việt Nam từ hơn 10 năm nay. Không phải ai cũng dám chơi môn thể thao này vì nó khá nguy hiểm và cũng khá tốn kém.

Để được con diều đưa người chơi bay bổng lên không trung, điều kiện không thể thiếu là gió và sóng. Cần Giờ, Mũi Né… là những sự lựa chọn hàng đầu. Để chơi được lướt ván diều, người chơi tất nhiên phải… biết bơi, có sức chịu đựng tốt và không được sợ độ cao.

Các vật dụng đi theo môn kitesurfing cũng khá tốn kém từ diều chuyên dụng, ván lướt sóng, áo phao, thanh điều khiển, có thể thêm mũ bảo hiểm… Tuy nhiên, một khi đã thật sự yêu thích môn này, bạn sẽ không cách gì dứt ra được.

“Làm mọi việc liên quan đến nghệ thuật”

Trên Facebook, Lương Bằng Quang giới thiệu về mình với dòng chữ: “Làm mọi việc liên quan đến nghệ thuật”. Được hỏi về điều này, anh nói: “Những gì liên quan đến cái đẹp, đến sự quan sát nhạy bén tôi đều làm được. Nghệ thuật là một môn đòi hỏi những giác quan tốt: nghe tốt, nhìn tốt, mô phỏng tốt. Ví dụ: tôi không vẽ tranh đẹp, nhưng tôi design toàn bộ studio của mình, tôi tự quay video clip, tự hòa âm, phối khí, tự đoạn diễn cho ca sĩ, tự dựng video. Tôi đều có thể làm được hết”.

Bài: Minh Trần


Thực hiện: depweb

29/06/2015, 18:23